Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đời sống văn hóa mới

“Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.

HoChuTich02Bác Hồ với đồng bào dân tộc(Ảnh: Tư liệu)

Năm 1923, trong bài “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản – Nguyễn Ái Quốc” được đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ – Liên Xô, nhà báo Liên Xô Ôxip Mandenxtan đã nhận xét rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”(1).

Trong tác phẩm Hồ Chí Minh – quá khứ, hiện tại và tương lai, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và của loài người với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu Nhà văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn, gắn liền với nhân văn lớn, phát huy truyền thống của một dân tộc “văn hiến”. Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn vì cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, làm sáng lên một chủ nghĩa nhân văn trùng với những ước mơ cổ truyền của dân tộc Việt Nam và các dân tộc, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người” (2).

Tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng hợp các giá trị văn hóa Đông – Tây, trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn Việt Nam được hình thành trong các phong trào lớn của thế kỷ XX, phong trào độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta mặc dù bận trăm công nghìn việc chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Người vẫn thường xuyên lo nghĩ, vẫn giành tâm trí xây dựng một nền văn hóa mới, Đời sống mới. Điều này càng thấy rõ trong phong trào xây dựng Đời sống mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 1 năm 1946 và đặc biệt tháng 4 năm 1946, Người đã ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Trung ương vận động Đời sống mới. Tháng 3 năm 1947, Người đã viết cuốn sách Đời sống mới để hướng dẫn việc xây dựng Đời sống mới trong các tầng lớp nhân dân, trong toàn xã hội. Đặc biệt, cuộc vận động ngay sau đó trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp ngay cả lúc cách mạng mới thành công và nhân dân ta phải đi ngay vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hết sức khốc liệt, cuộc sống còn trăm bề thiếu thốn. 

Khái niệm Đời sống mới được Hồ Chí Minh nêu ra bao gồm cả “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới”. Ba nội dung ấy, có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Đạo đức gắn liền với lối sống và nếp sống. Chính vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lối sống mới và nếp sống mới. Có dựa trên cái nền đạo đức mới thì mới xây dựng được lối sống mới, nếp sống mới lành mạnh, vui tươi, hướng con người tới tầm cao của văn hóa, của một đất nước độc lập và xã hội chủ nghĩa. Ba nội dung đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sau: 

Muốn xây dựng Đời sống mới trước hết là phải xây dựng được đạo đức mới, vấn đề này, Người đã chỉ ra rằng: “… thực hiện Đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”; “Nếu không giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” còn “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho Đời sống mới” (3).

van hoaBác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao(Ảnh: Tư liệu)

Thứ hai, phải xây dựng lối sống mới có lý tưởng, có đạo đức theo hướng văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cùng với việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, việc xây dựng Đời sống mới đòi hỏi phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong Đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Theo Hồ Chí Minh, đó là năm cách phải sửa đổi đối với mỗi người cũng như đối với một tập thể, một cộng đồng. Cách ăn, mặc, ở không phụ thuộc vào những thứ dùng để ăn, mặc, ở nhiều hay ít, sang trọng hay đơn giản, mà lại phụ thuộc vào lối sống có hay không có văn hóa của mỗi con người(4).

Theo Hồ Chí Minh, phải xây dựng một phong cách khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn về vật chất, về chức – quyền – danh – lợi. Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị; giàu lòng yêu thương quý mến con người, trân trọng con người; đối với mình thì chặt chẽ, đối với người khác thì khoan dung, độ lượng. Người cho rằng: “Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe lẹt”. Không phải Người phủ nhận nhu cầu chính đáng của mỗi người trong việc cải thiện và nâng cao điều kiện sinh hoạt của mình ngày càng tốt hơn, ai mà chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy không có đạo đức(5).

Thứ ba, là xây dựng nếp sống mới. Theo Người, quá trình xây dựng lối sống mới cũng là quá trình làm cho lối sống mới dần dần trở thành thói quen ở mỗi người, thành phong tục tập quán của cả một cộng đồng, trong phạm vi một địa phương hay mở rộng ra cả nước và gọi là nếp sống mới hay nếp sống văn minh. Nếp sống mới mà chúng ta xây dựng phải kế thừa những truyền thống tinh thần tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc ta. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta chẳng những phải biết kế thừa mà còn phải phát triển cải tạo những phong tục tập quán cũ lạc hậu, bổ sung những cái mới tiến bộ mà trước đó chưa có. “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì mới cũng làm hết. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ, ví dụ: Ta phải bỏ hết những tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ ta phải giảm bớt đi. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm, thí dụ: Ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp”. 

hcm doi song van hoaBác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng (Ảnh: Tư liệu)

Việc xây dựng Đời sống mới phải bắt đầu từ từng người, từng gia đình, vì mỗi người là một cá thể để tạo nên gia đình, mỗi gia đình là một tế bào để tạo nên xã hội. Mỗi người, mỗi gia đình đều thực hiện Đời sống mới thì mới có thể xây dựng được Đời sống mới ở các tập thể, các đơn vị, ở làng xã, phố phường cho đến cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh và đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình phải thực hiện Đời sống mới. “Do nhiều người nhóm lại thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh… Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng Đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”, “Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”. Ý nghĩa đó được thể hiện trong những câu nói của Người đã trở thành rất quen thuộc với chúng ta: “Văn minh thắng bạo tàn”, “Đảng là đạo đức, là văn minh”… Ngày nay, việc mở rộng Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa cũng là theo tinh thần đó. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương rèn luyện đạo đức cách mạng, trung với Đảng, với nước, hiếu với dân; Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư; lòng nhân ái bao la, trong sáng, thủy chung. Tấm gương rèn luyện hàng ngày như một nếp tự nhiên, không gượng ép để có lối sống của một nhà văn hóa kiệt xuất, một hình ảnh nhà văn hóa lớn Việt Nam vừa làm thơ, vừa đánh giặc “giữa dòng bàn bạc việc quân”, “chống gậy lên non xem trận địa”, và ung dung tự tại lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh. Đồng thời, đó là lối sống giản dị, thiết thực, hòa đồng, chân thành, trung thực trong ứng xử với mọi người và làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh. 

Vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về Đời sống văn hóa mới là điều cần thiết, cấp bách trong thời đại hiện nay – thời đại kinh tế thị trường kéo theo nguy cơ biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống. Sự thực đó đòi hỏi chúng ta càng phải nghiêm túc học tập và làm tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về xây dựng Đời sống văn hóa mới, sẽ đáp ứng được yêu cầu chung của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng được sự mong đợi của đông đảo cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân. 

Theo Viên Đình Phong

Nguồn Tạp chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng
Phương Thúy (st).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1,2). Nguyễn Nguyên Trứ, Cách viết của Bác Hồ, NXB Giáo dục, 1999.
(3,4,5). Nhiều tác giả, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.