Tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần
Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, thời đại Lý – Trần được xem như là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt căn bản trong tư duy, nhận thức của người Việt về lòng yêu nước và tinh thần độc lập, tự cường. Việc nghiên cứu, truy tìm nhằm làm sáng tỏ hơn nữa tư tưởng một triều đại cách đây gần 800 năm tương phản rõ rệt với không gian sống hối hả để hội nhập và kết nối của nước ta với thế giới như là sự đối lập giữa chuyển động và bất động, ồn ào và lặng lẽ. Nhưng giữa hai không gian và thời gian tương phản đó có một mối liên hệ tâm linh im lặng, bất dạng mà vĩnh hằng, dường như là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại.
Thời Lý – Trần là thời kỳ nhà nước phong kiến củng cố và phát triển chế độ trung ương tập quyền, nhiều cải cách về chính trị, kinh tế, quân sự được áp dụng đã đem lại những thành quả rực rỡ về nhiều mặt. Và quan trọng hơn cả là tăng cường sức mạnh quân sự với 3 lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông, đội quân xâm lược hùng hậu phương Bắc, giữ vững bờ cõi, khẳng định chắc chắn chủ quyền của dân tộc.
Trên cơ sở của nền kinh tế – chính trị đó, văn hoá, tư tưởng của dân tộc cũng được phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều nhân tài về văn chương, nghệ thuật với nhiều tác phẩm bất hủ. Từ những áng văn thơ hào hùng của Lý Thường Kiệt hay bài hịch vừa sục sôi ý chí quyết thắng, vừa thấm đẫm tình cảm tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đến những nét chạm khắc tinh tế, uyển chuyển đầy tính sáng tạo và bay bổng trên những con rồng thời Lý,… tất cả đã tạo nên bức tranh đa sắc về một đời sống văn hoá phong phú. Song, nhìn một cách tổng quát, chúng ta sẽ thấy nổi lên ý thức tự hào dân tộc, một hào khí Đông A mà hậu thế mãi còn nhắc đến.
Nghiên cứu tư tưởng đời Lý – Trần nói riêng và tư tưởng Việt Nam nói chung, giống như một cuộc hành hương đặc biệt về “cội nguồn”. Hành hương về tư tưởng đời Lý – Trần không phải là sự co thủ để ngăn cản quá trình toàn cầu hoá mà chính là để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Chúng ta đang hội nhập vào thế giới bằng những điểm tựa tinh thần nào?”. Cuốn sách không chỉ giải đáp câu hỏi đó mà còn góp phần “đánh thức” hào khí Đông A trỗi dậy, đồng hành cùng dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới. Xin chia sẻ với bạn đọc quan điểm của nhà triết học, xã hội Pháp Edgar Morin: “Một nhóm người nào đó tìm ra được sức mạnh để đối phó với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai, chẳng phải ở đâu, mà chính từ trong quá khứ của mình”.
Cuốn sách Tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần thực sự là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với những nhà nghiên cứu về lịch sử, triết học, văn hoá và những độc giả quan tâm đến vấn đề này. Cuốn sách là một công trìnhnghiên cứu khoa học của khoa Triết học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, do PGS.TS Trương Văn Chung và PGS.TS. Doãn Chính đồng chủ biên.
Sách gồm 475 trang, giá bán 70.000 đồng./.