Tua công tơ mét – chiêu lừa khách mua ôtô cũ
Dùng máy can thiệp, người bán có thể khiến khách hàng nghĩ rằng xe sử dụng ít, chất lượng còn tốt.
Khi mua xe cũ, tâm lý chung của khách là xe chạy càng ít, chất lượng còn lại càng tốt và sẵn sàng trả giá cao. Lợi dụng quan điểm đó, một bộ phận người bán đã cố tình tua ngược công tơ mét (Odometer – viết tắt Odo) để lừa người mua. Cũng có trường hợp đồng hồ bị tua một cách khách quan vì sửa chữa, thay thế hoặc xe qua nhiều đời chủ, những chủ trước đã tua ngược khiến người sau không biết rõ nguồn gốc.
Trường hợp hay gặp nhất hiện nay là xe nhập khẩu từ nước ngoài. Với xe không chính hãng, salon sẽ không thể đưa về nước nếu đó là xe mới. Muốn nhập, xe phải ở dạng xe cũ đã sử dụng từ 6 tháng trở lên hoặc đi trên 10.000 km. Vì vậy, xe sẽ được “hóa phép” thành xe cũ bằng cách tua công tơ mét.
Thực tế hiện nay, việc tua đồng hồ có nhiều rủi ro bởi chỉ cần kiểm tra chính hãng có thể phát hiện đã tua hay chưa. Tuy vậy với những xe dùng thời gian ngắn nhưng chạy quá nhiều, người bán vẫn dùng cách tua để hồ sơ xe đẹp hơn. Quan trọng hơn, tâm lý khách hàng thích xe chạy ít vẫn là chìa khóa.
Vậy việc tua công tơ mét được thực hiện thế nào?
Đối với đồng hồ dạng cơ
Người bán sẽ tháo rời bản mạch rồi điều chỉnh bằng tay. Loại công này chủ yếu trên những xe đời sâu, còn khá hiếm giao dịch.
Đối với đồng hồ điện tử
Để tua loại công điện tử cần dùng máy can thiệp vào ECU của xe. Cách sử dụng khá đơn giản, chỉ cần kết nối máy vào ECU thông qua đầu cắm ở phía dưới ECU, sau đó máy tính sẽ tự làm những việc còn lại. Vị trí ECU tùy từng xe, có thể sau táp-lô ở vị trí đồng hồ, bên hộp găng tay, dưới tay trái ghế lái hoặc trong khoang động cơ.
Tua công tơ mét điện tử bằng máy.
Theo thợ Việt Nam, đa số xe các hãng đều tua được công-tơ-mét, chỉ một số dòng “bó tay”. Đa số xe chưa thể can thiệp là xe sang, xe hiếm bởi việc mua bản quyền bẻ khóa sẽ tốn kém. Ở Việt Nam, Cadillac Escalade gần như là dòng duy nhất chưa thể can thiệp. Với mỗi loại xe lại cần có một dây cắm máy riêng để kết nối. Giá mua máy tua khoảng vài chục triệu, chi phí một lần tua khoảng 300.000 – 1.500.000 đồng tùy thuộc dòng xe, độ khó.
Thực tế, bộ điều chỉnh Odo ngoài thay đổi công-tơ-mét còn nhiều chức năng khác như: hiệu chỉnh radio, lập trình đèn cảnh báo túi khí, xác định lỗi động cơ, thiết lập một số chức năng điện tử trên xe.
Làm thế nào phát hiện việc đồng hồ km đã bị tua?
Đối với xe sang, chỉ cần cắm máy kiểm tra sẽ phát hiện ra lịch sử ODO cũ. Trong khi đó với xe phổ thông sẽ rất khó nếu xe không được bảo hành chính hãng.
Người mua xe cũ nên làm thế nào để biết chiếc xe đã bị tua ODO hay chưa?
– Nhìn vào mức độ xuống cấp của nội thất để đánh giá. Ví dụ: nếu số km đã chạy ít nhưng da ghế lại sờn rách nhiều thì rất có thể xe đã bị tua công-tơ-mét.
– Đèn xe: độ sáng của đèn, mặt đèn mới hay cũ.
– Lốp xe: với xe tuổi đời dưới 3 năm, đã thay dàn lốp nhưng quãng đường đã chạy chỉ ở mức 2-3 vạn km thì nhiều khả năng xe đã bị tua. Bởi lẽ, đến 5 vạn km mới cần thay lốp.
– Lái thử: lái để kiểm tra độ cứng vững của khung gầm, sự chắc chắn trong liên kết các chi tiết.
– Đến garage uy tín, chính hãng để kiểm tra.
Thực tế, Odo không phải lúc nào cũng thể hiện đúng chất lượng xe mà chỉ là một chỉ số để tham khảo, theo dõi tình trạng. Nếu xe đi nhiều nhưng bảo dưỡng định kỳ, chăm sóc tốt thì chất lượng còn cao hơn xe đi ít nhưng không được chủ quan tâm. Tại Mỹ có những xe chạy trên một triệu dặm, tức hơn 1,6 triệu km nhưng vẫn vận hành tốt.