Tục cúng Việc lề ở Long An

Mục lục bài viết

Tục cúng Việc lề ở Long An

Tục cúng Việc lề ở Long An là nghi thức cúng truyền thống (theo việc đã thành lề thói, thành lệ), được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Người dân nơi đây tổ chức cúng các vị thủy tổ dòng họ, những lưu dân từ miền Trung vào Nam khẩn hoang, lập làng từ vài thế kỷ trước. Đây là kiểu giỗ hội, là ngày hiệp kỵ tổ tiên của một dòng họ.

Cúng Việc lề còn kết hợp cúng cầu an, cúng đất và cúng thí thực. Vì vậy, ngoài cúng thủy tổ dòng họ, người dân còn cúng Ngung Man Nương (chủ đất), các vị thần liên quan đến ruộng (thần bảo hộ mùa màng, cúng đất đai), cúng cô hồn (cúng thí thực), ông bà tổ tiên (phù hộ cho con cháu tránh tai ương dịch bệnh, cúng cầu an).

Cúng Việc lề được tổ chức riêng trong từng dòng họ, do trưởng họ hoặc trưởng trong từng nhánh của cánh họ luân phiên cúng hàng năm. Theo lệ của từng dòng họ, ngày cúng có thể là ngày giỗ hội, ngày mất của vị thủy tổ, ngày cúng đất, cúng cầu an dòng họ. Cá biệt có dòng họ chọn ngày cúng theo nghề hoặc đặc điểm lịch sử dòng họ mình. Thời điểm cúng thường vào dịp tết Nguyên Đán, theo Âm lịch, như: tảo mộ (ngày 25 tháng Chạp – giỗ Chạp), rước ông bà (30 tháng Chạp), kiếu ông bà (mùng 3 – 5 tháng Giêng), hạ nêu (mùng 7 tháng Giêng), thanh minh (tháng Ba). Nhìn chung, đây là thời điểm nông nhàn của người làm nông nghiệp và là lúc có điều kiện kinh tế để tổ chức.

Hiện có trên 500 gia đình (theo thống kê chưa đầy đủ) duy trì tục lệ này, trong đó nhiều dòng họ còn giữ được nét đặc sắc trong nghi lễ cúng hàng năm như: họ Lê ở ấp 4, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức do ông Lê Văn Kiệt tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng; họ Võ ở thị trấn Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường do ông Võ Tấn Mạnh tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng; họ Lê ở xóm Ông Đồ, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, do ông Lê Văn Long tổ chức vào ngày 18 tháng Ba; họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, do ông Đỗ Tường Chinh và đại diện các chi trong dòng họ luân phiên tổ chức vào ngày 16 tháng Ba; họ Nguyễn ở Xóm Nghề, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, do ông Nguyễn Văn Giỏi tổ chức vào ngày 10 tháng Ba; họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, do ông Nguyễn Công Pho tổ chức vào ngày 16 tháng Hai.

Trong lễ cúng, mâm cúng việc lề không bày trên bàn mà thường bày dưới đất. Đây chính là yếu tố khác biệt của cúng Việc lề với một đám giỗ kỵ thông thường. Đồ cúng thường có các món sau:

– Cháo ám: món cháo nấu với cá lóc chỉ đánh vảy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi để tưởng nhớ những ngày đầu khai hoang, điều kiện khó khăn chỉ dùng dao tre để đánh vảy. Cách nấu và các phụ gia cho vào nồi cháo lại có sự khác biệt theo từng địa phương, nhất là theo từng kiến họ. Có nơi nấu cháo nhừ, có nơi chỉ nấu đến khi hạt gạo chín vừa nở búp; Có nơi không nêm gì ngoài muối, nước mắm; có nơi cho thêm vào trái đậu bắp, rồi nấu nhừ ra; có nơi cho thêm nước cốt dừa. Sự khác biệt này không phải là do khẩu vị, vì đây là thức cúng, không phải là món ăn.

– Cá lóc nướng trui: cá lóc để nguyên, không đánh vảy, đem nướng với lửa rơm.

– Bộ tam sên (sanh): phổ biến là trứng vịt, thịt heo (ba rọi) luộc, tôm; mỗi thứ ba miếng (riêng tôm: ba con); có nơi là ba con ốc, ba con cua, ba con tép; bảy con ốc, bảy con cua, bảy trứng vịt luộc…

Và một số thức cúng khác, như thịt phay (thịt heo luộc xắt mỏng), rắn nướng để nguyên con, rắn luộc, gà luộc, gà quay, gỏi cá, miếng da trâu, da voi (da tượng), cốm nổ, gạo, muối, bó củi, chai nước lã, vàng mã, bộ đồ thế,… thể hiện đặc trưng của từng kiến họ.

Do đặc điểm của từng dòng họ nên chỉ người trong họ mới biết ngày cúng và vật cúng gia truyền như:

Họ Trần ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, thức cúng phải có 100 cái bánh tét, 100 cái bánh ít, mỗi cái nhỏ bằng ngón chân cái, một chén cốm nổ (nếp để nguyên vỏ rang cho nổ bung ra thành cốm). 

Họ Lê ở phường Khánh Hậu, thành phố Tân An cúng miếng đường tán, bánh tráng.

Họ Phạm ở thành phố Tân An cúng đĩa gỏi cuốn, 5 mũi tên, một đĩa tam sên (trứng, tép, cua).

Họ Võ ở thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa, nay là thị xã Kiến Tường, bắt buộc phải có gỏi da tượng (nay thế bằng da heo), một miếng da heo được cắt hình voi để nguyên trên mâm, tương truyền xưa trước khi về Đồng Tháp Mười họ này chuyên săn bắn. Trước đây, trong mâm cúng của họ Võ còn có miếng thuốc phiện để nhắc nhở và răn dạy con cháu tránh xa tệ nạn này bởi trong họ có một người bị nghiện.

Họ Lê ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức ngoài rau luộc, thủ vĩ lợn, tam sên… còn có đĩa thịt sống (để cúng chúa sơn lâm, do trước đây trong họ có người bị hổ vồ) và hình nộm bằng rơm với 5 tàu lá dừa, 5 mũi tên hình thành thế trận Ngũ Hành để diệt trừ yêu tà quấy phá dòng họ.

Họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa cúng gạo, muối, 10 hột vịt, tam sên và con rắn nướng.

Họ Huỳnh ở xã Bình Tâm, thành phố Tân An ngoài gạo, muối… còn có tô nước lạnh (hàm ý để ông bà rửa mặt) và tấm gương có phủ vải đỏ (hàm ý “nhiễu điều phủ lấy giá gương”).

Họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, ngoài cháo cá ám nấu còn nguyên hạt gạo lức, xôi, bánh ít, trầu, cau, thuốc lá… bắt buộc phải có 1 con cá lóc, 3 con tôm nướng để trên đĩa ô rô, cóc kèn và lá môn.

Họ Lê ở Đức Tân, huyện Tân Trụ cúng một mâm cốm chuồi (gạo nếp rang ngào đường) rải lên trên ô rô, cóc kèn, dao phay, thớt, gáo múc nước.

Về nghi thức, mỗi họ đều có quy ước riêng về ngày cúng và cách cúng nên dù lưu lạc xa quê hương, bản quán, cứ đến ngày tháng đó, vật đó mà cúng, không thay đổi. Trước đây, cúng Việc lề chỉ giới hạn trong nội bộ dòng họ, không có người ngoài, nay có ít nhiều thay đổi, nhưng tinh thần ấy vẫn được giữ và làm theo lệ. Phần lớn các họ đều bày biện thức cúng trên tấm đệm bàng, chiếc chiếu lác trải trên đất trước sân nhà, ít họ cúng trong nhà và chưng đồ cúng ở trên bàn. Đồ đựng thức cúng hiếm khi dùng chén đĩa mà phổ biến là bày thức cúng trên lá sen, lá bông súng, lá chuối, bẹ chuối hoặc muỗng dừa (thường gọi là miễng vùa), đũa là nhành cây nhỏ, cọng lác hoặc cọng sậy, muỗng thay bằng cọng chuối hay miếng lá dứa gai… Qua nghi thức cúng, con cháu tái hiện lại cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của tổ tiên xưa đi khẩn hoang, mở đất.

Thả bè chuối là nghi thức đặc biệt của một số dòng họ trong cúng Việc lề. Song song với cách thức bày biện thức cúng như trên, có họ dùng thân cây chuối kết thành chiếc ghe nhỏ với đầy đủ các bộ phận như bánh lái, cột buồm, cột chèo, cờ xí… Trên ghe được bày một số thức cúng tiêu biểu, nhưng không thiếu gạo muối, vàng mã và đặc biệt là hũ nước ngọt. Nơi không có sông rạch, gia đình “thả” bè tượng trưng ở ngã ba đường để tưởng nhớ tổ tiên từ miền Trung, miền Bắc không ngại hiểm nguy vượt biển vào Nam tìm cuộc sống mới hoặc hàm ý tiễn đưa tổ tiên về quê cũ bằng đường biển, nên không thể thiếu nước ngọt cho cuộc hành trình. Nhiều nơi khi thực hiện nghi thức này còn kèm theo một câu chúc: “Ông bà đi mạnh giỏi”.

Nhiều dòng họ lưu truyền đồ cúng đặc trưng của dòng họ mình như cúng rắn nướng, cháo cá ám, cá lóc nướng trui… Khi gia tộc chuẩn bị xong lễ vật cúng, chủ tế khấn báo tổ tiên, sau đó theo thứ bậc trong gia tộc, từng người đến cúi lạy. Nhang tàn, chủ tế hóa vàng, rải gạo muối và thả ghe kết bằng bẹ chuối với các lễ vật đã cúng tổ tiên và chúa Ngung Man Nương (chủ đất) tượng trưng cho lương thực để tiễn đưa tổ tiên. Sau cùng là bữa ăn cộng cảm của dòng họ với những câu chuyện buồn vui được truyền lại từ thời cha ông đi khai phá.

Tục cúng Việc lề phản ánh một phần lịch sử của công cuộc khai phá đất Long An và Nam bộ, là dịp để những người trong cùng kiến họ gặp nhau thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, củng cố tình thân gia tộc, gắn kết cộng đồng, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước. Với những giá trị đặc biệt của di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Tục cúng Việc lề vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.