Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình- Kỷ 5

 

Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình- Kỷ 5

CHƯƠNG BỐN

SO SÁNH SỰ  PHẢN ÁNH PHONG TỤC TẬP QUÁN

GIỮA TỤC NGỮ VÀ CA DAO

 

1. NHỮNG ĐIỂM CHUNG

1.1. Tục ngữ, ca dao đều là một trong những nguồn tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu con người và xã hội Việt Nam trước đây

Muốn nhận thức ngày càng đầy đủ và chính xác về con người và xã hội Việt Nam thủa trước, cần thiết phải sử dụng nhiều nguồn tài liệu. Trước đây, chúng ta hay sử dụng sử liệu và những trước tác khác của các nhà văn hoá bác học. Đó là một cách làm quen thuộc và có cơ sở của sự đúng đắn.

Về sau, bên cạnh nguồn sử liệu chính thống, những trước tác của các tác giả trong nước, chúng ta đã chú ý tới các ghi chép của các tác giả nước ngoài (người Trung Quốc, người Pháp…). Cách tiếp cận này cũng đã đem lại những kết quả nhất định.

Người ta cũng tìm hiểu con người và xã hội Việt Nam trước kia qua những áng văn chương của các tác giả thời ấy, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…

Bên cạnh các nguồn tài liệu kể trên, văn học dân gian nói chung, tục ngữ, ca dao nói riêng, cũng là một nguồn tài liệu cần thiết giúp người sau nhận biết về quá khứ của cha ông.

Lời ca dao sau:

Trời mưa Thái Tổ Thái Tông

Con bế con dắt con bồng con mang

Bò đen húc lẫn bò vàng

Húc quấy húc quá húc quàng xuống sông.

phản ánh một sự thật lịch sử vào thế kỷ XV. Giặc Minh xâm lược nước ta, thực hiện triệt để âm mưu đồng hoá, hòng biến đất nước ta thành một quận huyện của đế chế Trung Hoa. Chúng tàn phá các công trình về lịch sử văn hoá, đốt phá sách vở, cưỡng bức đàn bà phụ nữ, bắt nhiều người tài giỏi của ta đưa sang Trung Quốc, không ít đàn ông Việt bị thiến, nhiều người sợ quá phải trốn vào nơi rừng rú. Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, vua Lê Thái Tổ và tiếp sau là vua Lê Thái Tông đã khôi phục sản xuất trong nước, khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất, chăn nuôi trâu bò lợn gà. Nhiều người dân lưu tán đã trở về xây dựng cuộc sống gia đình, trẻ em mỗi ngày một nhiều. Sự thật lịch sử đó đã được bài ca dao chỉ gồm bốn dòng ghi lại khá sinh động, cụ thể.

Hoặc như qua 25 câu ca dao nói về tình cảnh xa cách vợ chồng bởi chồng đi lính, người đời sau thấy rõ một sự thật lịch sử là trong chế độ phong kiến, việc bắt lính đã gây nên nhiều nỗi đau khổ cho nhân dân, như:

Anh ơi phải lính thì đi

Cửa nhà đơn chiếc anh thì cậy ai?

Tháng chạp cày đất trồng khoai

Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà

Tháng ba cày vỡ ruộng ra

Trời thời mưa gió, nước sa đầy đồng

Người ta có vợ có chồng

Chồng cày vợ cấy ngoài đồng có đôi

Nhà anh chỉ có mình tôi

Cày rồi lại cuốc, cuốc thôi lại bừa

Cho nên tôi phải về trưa

Gẫy đôi vai bừa, ai kẻ chêm cho!

Ai về nhắn nhủ các cô

Đừng lấy chồng lính thiệt thua trăm đường.

Chúng ta biết rằng pháp luật của Nhà nước phong kiến từ những điều luật được ban bố cho đến việc thực thi bao giờ cũng có một khoảng cách. Theo Quốc triều hình luật (một bộ luật nhà Lê), nếu người vợ mà tố cáo chồng thì sẽ phạm vào một trong mười tội thập ác. Nếu người đời sau chỉ nghiên cứu các văn bản luật pháp thì có thể nghĩ rằng dưới triều nhà Lê, quyền sống của người phụ nữ nói chung, của người vợ nói riêng, bị bóp nghẹt, bị chà đạp đến mức không thể làm theo công lý. Thế nhưng, trên thực tế, người vợ vẫn có thể tố cáo chồng. Khi thi đỗ năm 1757, ông Phạm Công Tiến đã lấy con gái một nhà giàu làm vợ lẽ. Trong đám rước vinh quy từ kinh đô về làng, ông đã tranh cãi với bà vợ nhiều lần về quyền ưu tiên của người vợ lẽ. Người vợ cả đã đưa việc này đi kiện và kết quả ông Phạm Công Tiến không được bổ nhiệm làm quan. Hoặc như trong 24 huấn điều của Lê Hiến Tông (1500) huấn điều thứ chín đã quy định về phụ nữ: “Khi chồng chết mà mình chưa có con, thì phải ở lại nhà chồng, giữ việc tang lễ, không được giấu giếm chuyển vận tài sản nhà chồng đem về nhà mình”. [Dẫn theo 99:338]. Thế nhưng, tục ngữ lại có câu: “Làm ruộng phải có trâu, làm dâu phải có chồng”, chứng tỏ nhân dân không thực hiện huấn điều ấy, mà thực hiện một lẽ phải thông thường là chỉ ở lại nhà chồng khi còn chồng.

Như vậy, phải bằng nhiều nguồn tư liệu, có phân tích, đối chứng thì chúng ta mới có thể đi tới những nhận xét toàn diện và gần với sự thật lịch sử.

Chỉ riêng trong lĩnh vực gia đình, nghiên cứu tục ngữ và ca dao, chúng ta cũng có thể thấy được gia đình người Việt trước kia không đến nỗi ngột ngạt như một vài nhận định phiến diện đã công bố đây đó mà chúng tôi dã phân tích trong các chương trên.

Bên cạnh những nét son tốt đẹp, gia đình truyền thống cũng có những mảng tối. Như đã phân tích ở các chương trước, rõ ràng quan hệ nàng dâu mẹ chồng trong xã hội cũ là quan hệ không mấy tốt đẹp:

1. Thật thà cũng thể lái trâu

Yêu nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng.

2. Thương chồng phải khóc mụ gia

Ngẫm tôi với mụ có bà con chi.

Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu luật pháp trong thời phong kiến và giáo lý Nho gia, chúng ta cần tìm hiểu ca dao, tục ngữ. Bởi vì, luật lệ của chế độ phong kiến, giáo lý đạo Nho nhiều khi chỉ nằm trong trang sách chứ không vận hành được trong đời sống. Nói đến Nho giáo, người ta nghĩ ngay đến tam cương, ngũ thường, nhưng thật sai lầm khi nhìn nhận rằng xã hội Việt Nam, do ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, mà đã tạo nên nền nếp theo đúng tam cương ngũ thường. Sở dĩ như vậy, vì khi du nhập vào Việt Nam, trước những biến động của đời sống, Nho giáo đã trở nên không thuần nhất và “sắc thái Nho giáo của nó không nguyên vẹn mà đậm nhạt khác nhau” [57:28]. Như thế, giữa giáo lý Nho giáo và thực tế vận hành giáo lý ấy ở Việt Nam có khoảng cách nhất định và có những sắc thái khác nhau. Nói cụ thể vào một điểm để dễ nhận biết, có thể thấy như sau: Nho giáo đề cao vai trò của người thầy, nhân dân ta đã tiếp thu tinh thần tôn sư trọng đạo ấy cho nên mới có câu “Không thầy đố mày làm nên”; nhưng không phải chỉ có vậy, với tinh thần dân chủ rộng mở, nhân dân còn coi trọng các hình thức học khác, cho nên mới có câu “Học thầy không tầy học bạn”. Có thể đối chiếu rất nhiều điều trong giáo lý nữa với thực tế, và chúng ta sẽ bắt gặp sự không trùng khớp là phổ biến. Nếu chỉ căn cứ vào giáo lý thì sẽ thấy cuộc sống khô cứng và đơn điệu.

Ngược lại, khi khảo sát tục ngữ, ca dao, không những thấy được thực tế cuộc sống đương thời, mà còn có thể thấy được hình bóng của luật pháp, của giáo lý. Chẳng hạn, khi đọc câu ca dao:

Tháng sáu có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang

chúng ta có thể biết được rằng vào thời điểm câu ca dao ra đời, nhà vua đã ra chiếu cấm phụ nữ mặc váy, đồng thời hiểu rằng lệnh ấy không hợp lòng dân, bị dân phản ứng. Cũng từ hiện tượng này, có thể thấy hình bóng lịch sử tư tưởng của dân tộc in khá đậm nét trong tục ngữ, ca dao và đó là cứ liệu đáng tin cậy cho việc nghiên cứu xã hội.

Như thế, tục ngữ, ca dao là nguồn tài liệu đáng tin cậy cho việc nghiên cứu xã hội.

1.2. Về nội dung, cả tục ngữ và ca dao đều phản ánh quan hệ gia đình ở mức độ đáng kể

Là sản phẩm của dân gian, tục ngữ và ca dao đều chứa đựng nhận thức, tình cảm của dân gian, đó là điểm chung lớn nhất giữa hai thể loại. Từ điểm chung ấy, tục ngữ và ca dao có nhiều điểm tương đồng trong việc phản ánh hiện thực.

Tục ngữ và ca dao đều quan tâm ở mức độ đáng kể đến quan hệ gia đình. Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy trong kho tàng tục ngữ, ca dao, hai thể loại này có tỷ lệ tương đương nhau về chủ đề gia đình (10,36% trong tục ngữ, 9,97% trong ca dao). Tục ngữ, ca dao đã khắc hoạ một cách sinh động những mặt mang tính bản chất của gia đình người Việt. Nếu nói rằng nhân dân Việt Nam đã có khát vọng khôn nguôi về độc lập, tự do và đã đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do, thì cũng cần nói rằng người Việt có khát vọng khôn nguôi về hạnh phúc gia đình và đã sống theo định hướng đúng đắn để đạt được hạnh phúc gia đình. Không nên nhận xét một cách cực đoan rằng, trong xã hội phong kiến, dưới sự đè nén khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến, trong hôn nhân, người nông dân Việt Nam hoàn toàn không có tình yêu, và vì vậy mà gia đình là nơi ngục tù của phụ nữ! Nếu vì để nhấn mạnh những mặt tiêu cực, lạc hậu của xã hội phong kiến, mà bảo rằng trong xã hội ấy, người nông dân chỉ sống trong tối tăm, khốn khổ, không có chút hạnh phúc nào, thì vô tình đã phủ nhận tinh thần đấu tranh và tình cảm nồng thắm của người nông dân, biến họ trở thành những kẻ bất lực, thụ động và cam chịu. Người nông dân dù có cực khổ, dù có bị áp bức bóc lột, vẫn là những con người có ý chí, có tình cảm, và họ đã vượt lên khỏi hoàn cảnh, xây dựng được cuộc sống hạnh phúc. Mặt khác, dù sống trong bất kỳ chế độ xã hội nào, thì con người cũng cần tuân thủ những khuôn phép nhất định, để đảm bảo một trật tự tối thiểu cho xã hội ấy. Do vậy, trong xã hội phong kiến, tình yêu trai gái có bị ràng buộc bởi nhiều giáo lý, trong đó có những điều quá khắt khe, cần phải tháo gỡ, thì cũng có những điều cần thiết phải tuân thủ – chúng như những điều kiện bảo hiểm cho quan hệ hôn nhân được bền chặt. Liên hệ đến cuộc sống thời hiện đại, nhiều khi con người hướng tới sự tự do vô bờ bến, đã dẫn đến hậu quả là hôn nhân chỉ là sợi chỉ mỏng manh cột hờ hai số phận, dễ dàng bị bung đứt, làm cho gia đình tan vỡ, thì thấy rằng tôn trọng những luân lý phù hợp  trong quan hệ gia đình là điều cần thiết.

Tục ngữ, ca dao về gia đình đã cho thấy rằng ngay trong lòng chế độ phong kiến, người nông dân không tuân phục một chiều lễ giáo phong kiến, mà có quan niệm và cách thức ứng xử linh hoạt, nhiều chiều, theo hướng nhân văn, tôn trọng quyền hôn nhân chính đáng dựa trên tình yêu và coi trọng các thành viên của gia đình, chứ không phải là theo hướng phi nhân bản, phủ nhận tình yêu trong hôn nhân, chỉ coi hôn nhân là biện pháp truyền gia thống, coi các thành viên khác trong gia đình chỉ là nô lệ cho một người chủ gia đình. Cũng vì vậy, trong xã hội phong kiến, người nông dân vẫn xây dựng được tổ ấm gia đình dựa trên tình yêu thương. Nếu như không có tình yêu trong hôn nhân, thì làm sao có được sự gắn bó đến như thế? Nếu vợ chồng chỉ là sự ép uổng, sự gán ghép thô thiển do cha mẹ định đoạt, thì làm sao họ tự nguyện cột chặt số phận vào nhau như vậy? Có tìm thấy hạnh phúc thật sự trong hôn nhân, trong cuộc sống gia đình, thì người nông dân xưa mới để lại cho chúng ta kho tàng ca dao lãng mạn, bay bổng đồng thời cũng rất hiện thực mà chúng ta có hôm nay. Người Việt trải qua cả ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc đã không bị thôn tính, vẫn giữ được bản sắc, giữ được truyền thống văn hoá của mình, thì dù có bị ảnh hưởng sâu sắc đến đâu của Nho giáo, vẫn không đánh mất cái cốt cách dân tộc trong gia đình mình, và chính vì vậy mà trong gia đình, người Việt đã xây dựng được những quan hệ dân chủ, nhân ái, khoan dung, là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhìn từ góc độ văn hoá, có thể thấy rằng trong xã hội phong kiến, bên cạnh dòng văn hoá chính thống của giai cấp thống trị toả rộng ảnh hường trong xã hội, tục ngữ, ca dao về phong tục tập quán của người Việt là một bộ phận của dòng văn hoá dân chủ của giai cấp bị trị luôn luôn có sức sống dồi dào, luồn lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống thường ngày, vừa phản ánh, vừa ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của những người lao động, góp phần tạo nên sắc thái đa dạng của nền văn hoá Việt Nam.

Tục ngữ, ca dao đều đề cập đến những quan hệ chính trong gia đình, với những nội dung chính dưới đây:

 

 

-Thứ nhất: Quan hệ vợ chồng

Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ rường cột của gia đình.Vợ chồng, cha mẹ có thương yêu nhau, có gắn bó, thuận hoà thì gia đình mới thực sự hạnh phúc, con cái mới được chăm sóc dạy bảo chu đáo. Nhiều gia đình mâu thuẫn đi đến chia lìa, khiến con cái phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

 Nhận biết vai trò của quan hệ vợ chồng trong gia đình và cả xã hội, tục ngữ, ca dao nói nhiều về vấn đề này.

Tục ngữ, ca dao người Việt tuy phản ánh một xã hội phụ hệ ở mức độ cao, có tính chất phụ quyền, nhưng đó không phải là một xã hội theo quy tắc miệt thị người phụ nữ. Người Việt (qua tục ngữ, ca dao) đề cao sự gắn bó, thủy chung, sự hòa thuận giữa vợ và chồng. Quan hệ này có những yếu tố dân chủ, có nhiều trường hợp đề cao người phụ nữ; có khi quyền phụ nữ chi phối nam quyền “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Đây là dấu vết còn lại của chế độ mẫu hệ, đồng thời là sự bảo lưu truyền thống dân chủ đơn sơ của cha ông chúng ta. Mặt khác, đây cũng là hệ quả của hoạt động của người phụ nữ trong nền kinh tế tiểu nông gắn với thiểu thương, trong đó phụ nữ đóng vai trò ngang bằng với nam giới trong lao động, thậm chí có chút ưu việt nhờ hoạt động tiểu thương. Trong các khái niệm đạo, nghĩa, tình thuộc mối quan hệ vợ chồng thì qua tục ngữ, ca dao, đạo được nhắc đến ít nhất, nghĩa, tình được nhắc đến nhiều nhất. Đáng chú ý là trong khi sử dụng khái niệm đạo, các tác giả dân gian không tiếp thu rập khuôn ý nghĩa do Nho giáo quy định, mà xây dựng những nội dung đơn giản hơn, thiết thực hơn, gần gũi với cuộc sống vợ chồng người Việt, một cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, lao động cực nhọc, giản đơn và gần gũi thiên nhiên, đời sống tình cảm mộc mạc, chân chất.

Quan hệ vợ chồng người Việt phản ánh trong tục ngữ, ca dao là quan hệ nặng về tình nghĩa thủy chung, mang tính chất công bằng, dân chủ, nhân ái. Nhân dân xây dựng một hình mẫu quan hệ gắn bó lâu bền “Vợ chồng là nghĩa già đời”, “sống gửi thịt, chết gửi xương”… Sự gắn bó này không dựa trên sự phục tùng tuyệt đối như tôi tớ của vợ đối với chồng, mà là dựa trên sự tương hợp như “giỏ” với “hom”, như “rồng với mây”, như “cây với rừng”, như “đũa có đôi”…  Đây là kiểu quan hệ bình đẳng, không phải một người xướng một người tuân theo. Đóng vai trò điều tiết quan hệ, tạo nên sự êm ấm, thuận hòa trong gia đình là người phụ nữ, điều tiết bằng tình thương, sự nhường nhịn theo lẽ phải là chính chứ không phải là sự phục tùng tuyệt đối theo khuôn phép cứng nhắc của chế độ phong kiến.

Chưa kể là khi đất nước lâm nguy, phụ nữ phải xung trận “giặc đến nhà đàn bà phải đánh”. Đây là một kiểu mẫu phụ nữ khác hẳn người đàn bà phải theo tục bó chân để chỉ quanh quẩn bếp núc hầu hạ chồng.

 Nếu gói gọn quan hệ vợ chồng người Việt trong một vài cụm từ mà tục ngữ, ca dao đã phản ánh, thì không phải  “nam tôn nữ ty “, “phu xướng phụ tuỳ” mà  là “tình nghĩa thuỷ chung”, “chồng hòa vợ thuận”.

Những điều tục ngữ, ca dao phản ánh phù hợp với thực tế lịch sử. Giáo sư Yu Insun (Lưu Nhân Thiện) người Hàn Quốc, trong một cuốn sách rất công phu Luật và xã hội Việt Nam  thế kỷ 17 – 18  đã khẳng định tính chất dân chủ trong quan hệ vợ chồng Việt Nam: “Theo như chúng tôi hình dung, ở Việt Nam, người chồng không phải là nhân vật thống trị trong gia đình, người vợ gần như bình quyền với chồng, và do đó hôn nhân không được xem như sự chuyển giao hoàn toàn cô gái từ gia đình bên nội của mình sang nhà chồng” [139:126].

Thứ hai:  Quan hệ cha mẹ con

Trong quan hệ cha mẹ con, người ta hay nói đến đạo hiếu. Tuy vậy, với tục ngữ, ca dao, trong cái vỏ ngôn ngữ này, nội dung chữ Hiếu của Nho giáo đã biến đổi khá nhiều.

Quan hệ cha mẹ con không phải chỉ là quan hệ một chiều từ trên dội xuống, mà là quan hệ qua lại hai chiều đan xen chặt chẽ. Cha mẹ phải dạy dỗ nuôi nấng con, hy sinh, vất vả, tốn kém vì con, cha mẹ chịu trách nhiệm về phẩm chất của con “Con hư bởi tại cha dung”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Cha mẹ không những có trách nhiệm dạy bảo nuôi nấng con khi họ còn sống, mà còn phải sống lương thiện, tu nhân tích đức để phúc cho con “Đời cha đắp nấm, đời con ấm mồ”, “Đời cha trồng cây, đời con ăn quả”, tránh tình trạng “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Con cái thì coi trọng công lao của cha mẹ như núi như sông, bằng trời bằng biển “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Càng từng trải con cái càng thấm thía công lao cha mẹ “Trèo non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẹ thầy”.

Rõ ràng là quan hệ cha mẹ con ở đây được xây dựng trên tình thương yêu, lòng biết ơn, sự lo toan đến nhau. Nếu dùng khái niệm chữ hiếu thì đây là đặc điểm chữ hiếu Việt Nam, khác với chữ hiếu khô cứng, mệnh lệnh và khắc nghiệt theo kiểu Cha bảo con chết con phải chết mới là hiếu, cha bảo con chết con không chết là bất hiếu.

Tuy vậy, qua tục ngữ, ca dao, những biểu hiện bất hiếu đã được phản ánh và phê phán. Điều này khiến chúng ta có cách nhìn biện chứng và khách quan đối với tình trạng bất hiếu đang phát triển trong xã hội hiện đại, để có biện pháp giáo dục con cái và có cách ứng xử thích ứng, không đòi hỏi cha mẹ hy sinh tất cả, hy sinh mù quáng cho con cái, đồng thời đòi hỏi con cái phải coi trọng cha mẹ, có trách nhiệm với cha mẹ.

Thứ ba: Quan hệ anh em, chị em

Tình cảm ruột thịt là nền tảng của mối quan hệ anh chị em “Anh em như chân với tay”. Trên cơ sở đó, nguyên tắc ứng xử của họ chủ yếu dựa trên sự đoàn kết hoà thuận “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Anh thuận em hoà là nhà có phúc”. Khi có mâu thuẫn thì tự dàn xếp nội bộ là chính “Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau”.

Tiếp cận vấn đề gia đình qua tục ngữ và ca dao, chúng tôi không có tham vọng nhìn nhận được thấu đáo và toàn diện mọi mặt của gia đình người Việt. Tuy vậy, tục ngữ, ca dao có một chiều dài lịch sử và chiều rộng xã hội khá lớn nên chúng là một trong những tài liệu đáng tin cậy, giúp chúng ta nhận ra định hướng ứng xử trong các quan hệ của gia đình, từ đó thấy được truyền thống của dân tộc và nhờ vậy có thể hiểu được phần nào bản sắc văn hoá Việt Nam. Nói như các tác giả trong Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì:

“Bản sắc  văn  hoá Việt  Nam chính là ở chỗ nền văn hoá đó luôn luôn lấy sứ mệnh của dân tộc – vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội làm sứ mệnh của mình; là ở chỗ nền văn hoá đó luôn lấy sự bao dung và hoà đồng làm cơ sở để xem xét những hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người, để đề ra các giải pháp sáng tạo văn hoá; là chủ nghĩa nhân bản được tích hợp từ những tư tưởng truyền thống và tư tưởng hiện đại; là nền văn hoá mở trong không gian (giao tiếp văn hoá qua các kinh tuyến và vĩ tuyến), trong thời gian (tiếp tục nắm bắt cái đã qua, nhạy cảm với cái sắp tới) và biến đổi theo quá trình điều chỉnh xã hội (nó tồn tại ngay trong những thiết chế chính trị trái ngược bản chất của nó); là nền văn hoá giàu sức chuyển hoá (cái bi trong cái hài, cái hài trong cái bi, duy lý trong nhân bản – nhân bản trong duy lý) giàu sự tương phản đăng đối (trong cú pháp, trong sắc màu); là  nền  văn hoá  giàu  tính  nhân dân, tính cộng đồng.” [30:35-41].

 

1.3. Tục ngữ và ca dao đều phản ánh quan hệ gia đình trong một “diện tích nghệ thuật” nhỏ hơn các thể loại khác

Văn học dân gian người Việt có nhiều thể loại: truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, vè, ca dao, tục ngữ v.v.. Phản ánh quan hệ gia đình không chỉ có tục ngữ và ca dao. Các thể loại khác như đã nêu trên đây cũng đề cập đến quan hệ này. Có điều, các tác phẩm tục ngữ, ca dao ngắn gọn hơn nhiều so với các tác phẩm thuộc loại truyện cổ tích, truyện cười.

Thí dụ: Cùng nói về quan hệ anh em bị chi phối tiêu cực bởi lợi ích vật chất, thì:

– Tục ngữ nói ngắn gọn: Anh em gạo, đạo ngãi tiền (7 tiếng).

– Ca dao nói dài hơn một chút:

Anh em hiền thật là hiền

Chỉ vì đồng tiền sinh mất lòng nhau (14 tiếng).

– Truyện cổ tích lại thông qua một câu chuyện dài, như Cây khế : Các tác giả dân gian đã kể chi tiết quan hệ anh em, với nhiều tình tiết, qua đó cho thấy người em hiền lành, chăm chỉ, thực thà, còn người anh thì giầu có nhưng tham lam và độc ác, luôn luôn tìm cách chiếm đoạt của cải, công sức của người em, cuối cùng, do chính lòng tham vô đáy mà người anh bị mất mạng. Câu chuyện này được tuyển vào Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, in tới 4 trang giấy, gồm trên 1.600 tiếng.

Ta có thể khảo sát thêm một ví dụ nữa để thấy do ngắn gọn, tục ngữ, ca dao có cách diễn đạt riêng của mình. Để khẳng định tình máu mủ hơn tình bạn bè, trong truyện cổ tích có câu chuyện Giết chó khuyên chồng (trong Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam ghi là Dạy chồng). Qua rất nhiều tình tiết, từ việc người anh giầu có nhưng không quan tâm đến em mà chỉ bù khú với những người bạn hay lợi dụng, người vợ khuyên bảo không được, mới giết một con chó, nói dối chồng là mình giết phải thằng bé ăn mày, rồi thử nhờ những người bạn mà chồng coi là thân thiết giúp chôn cất, kết quả là những người bạn đó không những không giúp mà còn tìm cách tống tiền, còn người em thì giúp một cách vô tư, từ đó, người chồng mới nhận ra rõ ràng là tình anh em ruột thịt vẫn hơn những người bạn cơ hội (Câu chuyện này in ra 3 trang sách với hơn 1.300 tiếng). Cùng ý nghĩa trên, ca dao miêu tả bằng 4 dòng (28 tiếng):

Ơn cha mẹ trời cao khôn thấu

Nghĩa anh em xương cốt ruột rà

Muốn cho trên thuận dưới hoà

Chẳng thà chịu nhục, hơn là rẽ nhau.

Trong khi đó, tục ngữ khẳng định bằng 8 tiếng: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Có thể hình dung rằng, khi đi vào vườn văn học dân gian, thì truyện cổ tích cho ta một cây với đầy đủ hoa, quả, lá, cành, ca dao cho ta một chùm trái ngọt, còn tục ngữ thì cho ta một trái đậm đà nhất.

Hình tượng nghệ thuật của tục ngữ, ca dao mang tính đặc thù – không được hình thành trong từng tác phẩm đơn lẻ, mà qua một hệ thống tác phẩm. Phải hệ thống hoá các nhân vật của tục ngữ hay ca dao, mới nhận ra hình tượng mà chúng thể hiện. Thí dụ, trong ca dao, nhân vật con cò được thể hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau, trong nhiều tình huống khác nhau, với các cách ứng xử khác nhau, nếu xâu kết các nhân vật con cò ấy vào một hệ thống, sẽ thấy hiện lên hình tượng về người phụ nữ nông thôn tần tảo sớm hôm, lặn lội kiếm ăn nuôi chồng nuôi con, vất vả hy sinh cho chồng cho con. Điều này dẫn đến một vấn đề có tính phương pháp luận: Muốn hiểu thấu đáo tục ngữ, ca dao, phải nghiên cứu chúng trong hệ thống, phải biết xâu kết các yếu tố tương đồng và so sánh các yếu tố khác biệt trong hệ thống, từ đó mới có thể rút ra những kết luận khả dĩ xác đáng.

1.4. Tục ngữ, ca dao đều nói ít về quan hệ gia tộc, quan hệ gia đình với làng xóm

Thống kê chi tiết ở tục ngữ và ca dao, đều thấy rất ít đơn vị đề cập tới quan hệ gia tộc, quan hệ gia đình với làng xóm. Do giới hạn của đề tài nghiên cứu, chúng tôi chưa đi sâu lý giải nguyên nhân của hiện tượng này.

1.5. Tục ngữ, ca dao đều có giá trị đối với cuộc sống đương đại

Cho dù là sản phẩm của xã hội phong kiến, nhưng tục ngữ, ca dao chứa đựng tâm tư, tình cảm, lý trí của nhân dân ta qua nhiều thế hệ, dạy cho con người cách sống nhân ái, hoà hợp để tạo dựng hạnh phúc. Những bài học đó có sức sống vượt thời gian, hết sức bổ ích đối với cuộc sống ngừy nay.

2. NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU

2.1. Tục ngữ thiên về lí trí, ca dao thiên về tình cảm

Tục ngữ thiên về lý trí, cho nên khi phản ánh các quan hệ trong gia đình, tục ngữ thường đúc kết những kinh nghiệm hoặc những yêu cầu ứng xử, ít biểu lộ tình cảm. Ca dao là thể loại trữ tình, cho nên ca dao phản ánh quan hệ gia đình trong chiều sâu tình cảm nhiều hơn. Chính vì vậy, tuy cùng quan tâm đến gia đình, nhưng tục ngữ và ca dao phản ánh các mối quan hệ trong gia đình từ những góc tiếp cận và hình thức phản ánh khác nhau. Do quan hệ vợ chồng có nhiều sắc thái tình cảm, cho nên ca dao phản ánh nhiều hơn, còn quan hệ anh chị em, sắc thái tình cảm nghèo nàn hơn, cho nên ca dao đề cập tới ít hơn tục ngữ (so với chủ đề chung về gia đình, thì ở ca dao, chủ đề vợ chồng có 690 câu, chiếm 58,64%, còn ở tục ngữ có 285 câu, chiếm 39%). Rõ ràng, vợ chồng là quan hệ nặng về tình nghĩa, và ca dao là thể loại thích hợp cho việc phản ánh quan hệ ấy. Mặt khác, tuy cùng nói về quan hệ vợ chồng, nhưng tục ngữ thiên về phản ánh những biểu hiện mang tính luân lý, còn ca dao thì đi sâu vào tình cảm của con người. Chẳng hạn, cùng nói về cách thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng, tục ngữ rút ra 6 kiểu ứng xử khác nhau (như đã phân tích ở chương 2), các câu tục ngữ không cho biết trạng thái tình cảm của con người, mà chỉ nêu lên những yêu cầu của xã hội. Trong khi đó, ca dao phản ánh sinh động các cách thức ứng xử thể hiện tình nghĩa vợ chồng, mà đậm đà là tình yêu thương, sự chăm nom săn sóc của người vợ với người chồng (trong 465 câu ca dao về cách thức ứng xử vợ chồng có 66 câu ca dao chứa đựng hai chữ thương, yêu). Chúng tôi nêu một số ví dụ để so sánh như sau:

– Về cách thức ứng xử, tục ngữ nói: “Chồng giận thì vợ làm lành”, ca dao nói: “Chồng giận thì vợ làm lành/Miệng cười hớn hở rằng: Anh giận gì?”. Rõ ràng, ca dao không những nêu lên yêu cầu ứng xử giống như tục ngữ nêu, mà còn miêu tả thái độ của người vợ đối với chồng, một thái độ vui vẻ nhẹ nhõm, biểu hiện tình cảm thắm thiết của người vợ.

– Về tình trạng đa thê, tục ngữ nói một cách lạnh lùng: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ nằm chuồng heo”, ca dao nói như một sự bộc bạch tâm can:

Viết thư sang hỏi thăm chàng

Còn không hay đã đá vàng nơi nao?

Hay là mắc phải con nào

Bùa yêu bả lú phải làm sao cho tỏ tường

Vắng chàng tôi những nhớ thương

Vì chàng mê gái tìm đường phụ tôi

Tôi làm cho lứa quên đôi

Tôi làm cho rã cho rời nhau ra

Làm cho tan nát biệt xa

Cho chim lìa tổ cho hoa lìa cành

Tôi làm cho nó lìa anh

Cho người ta biết anh tình phụ tôi.

Qua câu ca dao trên, ta thấy hiển hiện lên hình ảnh một người vợ yêu chồng tha thiết nhưng cũng khá đáo để, có thái độ cứng rắn, kiên quyết giành lại chồng từ tay tình địch.

Ngược lại, quan hệ anh chị em lại được ca dao nói tới ít hơn tục ngữ (tục ngữ có 40 câu, ca dao chỉ có 27 câu). Điều này phản ánh một sự thật là quan hệ anh chị em dù có mật thiết đến đâu, thì cũng không thể có những sắc thái tình cảm tinh tế và đằm thắm như quan hệ vợ chồng. Không những thế, với quan niệm anh em mỗi người một thân một phận, hoặc bán anh em xa mua láng giềng gần, thì cùng với thời gian trong đó chứa đựng những xung đột, mâu thuẫn, quan hệ anh chị em luôn luôn có khả năng giảm thiểu chất kết dính tình cảm. Cũng do vậy, nhân dân phải bổ sung một loại chất kết dính khác, đó là những yêu cầu về luân lý. Đây chính là mảnh đất phù hợp cho tục ngữ toả ảnh hưởng: khi thì nhắc nhở tình máu mủ giữa anh em: “Anh em hạt máu sẻ đôi”, “Anh em như chân như tay”, khi thì nêu lên phương cách ứng xử: “Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau”, “Làm chị phải lành, làm anh phải khó”, lúc lại yêu cầu sự gắn bó: “Cắt dây bầu dây bí, chẳng ai cắt dây chị dây em”.

Về quan hệ nàng dâu – mẹ chồng, cả tục ngữ và ca dao đều cho thấy đây là điểm yếu nhất trong quan hệ gia đình người Việt. Tuy vậy, chỉ có ca dao mới phản ánh được nỗi cay đắng, tâm trạng uất ức của nàng dâu, như:

“Ai ơi, phải nghĩ trước sau

Đừng tham lắm của nhà giàu làm chi

Làm thì xem chẳng ra gì

Làm tất làm tả nói thì điếc tai

Đi ngủ thời hết canh hai

Thức khuya dậy sớm mình ai dãi dầu

Sớm ngày đi cắt cỏ trâu

Trưa về lại bảo: ngồi đâu, không đầy!

Hết mẹ rồi lại đến thầy

Gánh cỏ có đầy, vẫn nói rằng vơi

Nói thì nói thật là dai

Lắm câu chua cạnh, đắng cay trăm chiều

Phận em là gái nhà nghèo

Lấy phải chồng giàu, ai thấu cho chăng

Nói ra đau đớn trong lòng

Chịu khổ, chịu nhục suốt trong một đời”.

Đó là một bức tranh hiện thực về cảnh làm dâu, là khúc ca bi thương của người phụ nữ trước những nỗi khổ mà mình phải gánh chịu. Trong khi đó tục ngữ hướng tới cách ứng xử cần phải có, cho nên qua tục ngữ, thấy quan hệ nàng dâu – nhà chồng bớt căng thẳng hơn, không những thế lại còn có cái vẻ ấm áp và thân tình, như: “Dâu hiền nên gái, rể hiền nên trai”, “Dâu dâu rể rể cũng kể là con”.

Qua tục ngữ, ca dao, ta càng thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa nội dung và hình thức của văn học: tục ngữ chứa đựng những nội dung mang tính lý trí, ca dao chứa đựng những nội dung mang tính tình cảm. Để phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống, các tác giả dân gian đã thực hành một nguyên lý sáng tác mà ngày nay chúng ta đang vận dụng, đó là hình thức phải phù hợp với nội dung, nội dung nào, hình thức ấy.

 

2.2. Tục ngữ ngắn gọn hơn ca dao

Ca dao ít nhất có 2 dòng với 14 tiếng, rất hiếm trường hợp có số lượng ít hơn. Trong khi đó, với tục ngữ, đa số là một câu. Có khi một câu tục ngữ chỉ gồm 3 tiếng (như “Chó cắn quanh”, “Lành như bụt”) và không ít trường hợp chỉ gồm 4 tiếng (như “ÁC giả ác báo”, “Ăn lắm trả nhiều”). Trong Tục ngữ phong dao, Ôn như Nguyễn Văn Ngọc đã ghi ra ở phần một mà theo tác giả là gồm phương ngôn, tục ngữ, có tới 1.171 câu thuộc loại chỉ gồm 4 tiếng. Như vậy, về mặt dung lượng, ca dao lớn hơn tục ngữ. Cũng với đặc trưng ngắn gọn như vậy, tục ngữ thường ở thể khẳng định tổng thể, mang tính khái quát, còn ca dao thường ở thể phản ánh hiện tượng, miêu tả chi tiết. Thí dụ: Cũng nói về sự gắn bó vợ chồng, tục ngữ khẳng định “Vợ chồng đầu gối tay ấp”, trong khi đó ca dao miêu tả khá tỷ mỷ:

Cái quạt mười tám cái nan

Ở giữa phất giấy, hai nan hai đầu

Quạt này anh để che đầu

Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này

Ước gì chung mẹ chung thầy

Để em giữ cái quạt này làm thân

Rồi ta chung gối chung chăn

Chung quần chung áo, chung khăn đội đầu

Nằm thời chung cái giường Tàu

Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi

Ăn thời chung cả một nồi

Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa

Chải đầu chung cái lược ngà

Soi gương chung cả nhành hoa giắt đầu.

 

2.3. Trong việc sử dụng biện pháp nghệ thuật đối, thì tục ngữ dùng nhiều hơn ca dao

2.3.1. Đối ở tục ngữ được thể hiện ở hai bộ phận của câu, tạo ra hai ý khác nhau hoặc dẫn dắt, đưa đẩy nhau.  Ví dụ :

Anh em trai ở với nhau mãn đại (a),

Chị em gái ở với nhau một thời (b).

Trong câu tục ngữ này, có đối cục bộ và đối tổng thể.

Đối cục bộ:

– Anh em trai đối với  chị em gái

– Mãn đại đối với một thời

Đối tổng thể: vế (a) đối với vế (b).

Đối cục bộ và đối tổng thể hợp với nhau, đưa đến ý nghĩa khái quát là trong quan hệ gia đình, thì anh em trai gắn bó lâu dài hơn chị em gái.

Các thí dụ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “Cha muốn cho con hay, thầy mong cho con khá” cũng có cách đối tương tự.

2.3.2. Nhiều câu ca dao không có đối. Nếu có đối, ở ca dao thường mang tính cục bộ, xảy ra giữa hai bộ phận của một dòng của tác phẩm, chứ ít xảy ra giữa hai dòng. Thí dụ, câu ca dao sau không có đối:

Ai kêu ai hú bên sông

Tôi đang nấu nướng cho chồng tôi ăn.

Những câu ca dao sau có đối cục bộ:

1. Bao giờ lúa trỗ vàng vàng

Cho anh đi gặt cho nàng quảy cơm

2. Cơm chiên ăn với cá ve

Thiếp đây chàng đấy, buôn bè ra khơi.

3. Củ lang Đống Ngỗ

Đỗ phụng Đồng Đinh

Chàng bòn thiếp mót

Để chung một gùi.

4. Đôi ta vợ cấy chồng cày

Chồng nay sương sớm vợ nay sương chiều

Ta nghèo vui phận ta nghèo

Quản chi sương sớm, sương chiều, hỡi anh!

Trong các câu ca dao trên thì chỉ một bộ phận của câu có đối, cụ thể là “Anh đi gặt” đối với “nàng quẩy cơm”, “Thiếp đây” đối với “chàng đấy”, “chàng bòn” đối với “thiếp mót”, “Chồng sương sớm” đối với “vợ sương chiều” nhưng không tạo ra sự đối lập, ngược lại, tạo ra sự cân bằng, hoà quyện, nói lên tình gắn bó vợ chồng.

2.4. Tục ngữ và ca dao khác nhau ở việc sử dụng ngôn từ

Trong tục ngữ, tác giả dân gian không sử dụng các đại từ nhân xưng như anh, chị, tôi, ta, mà dùng câu trần thuật để đúc kết một quy luật (“Dâu dâu rể rể cũng kể là con”) hoặc câu cầu khiến ((Phải) “Dạy con từ thủa còn thơ”). Trong ca dao, vì là tiếng hát trữ tình, tiếng hát nội tâm, cần biểu đạt “cái tôi”, cho nên những đại từ ấy được sử dụng thường xuyên, không những vậy mà biến hoá linh hoạt, tạo nên những sắc thái biểu cảm độc đáo. Đặc biệt là đại từ “Ai”, đã được các tác giả ca dao sử dụng như một công cụ biểu cảm sắc bén. Trong 730 câu ca dao về gia đình đã có tới 148 lượt đại từ “Ai” được sử dụng. Trong tiếng Việt, thì từ “Ai” vốn là một đại từ nghi vấn, dùng để hỏi, nhưng khi được sử dụng trong ca dao, nó có nhiều chức năng hơn. Có trường hợp, “ai” chỉ người đối thoại:

1. Ai về anh dặn lời này

Phượng hoàng chỉ quyết đậu cây ngô đồng

2. Anh đi đường ấy xa xa

Để em ôm bóng trăng tà năm canh

Nước non một gánh chung tình

Nhớ ai ai có nhớ mình hay chăng.

Rất nhiều trường hợp “ai” chỉ người thứ ba không xác định:

1. Mặc ai lên võng xuống dù

Em đây đứng dưới giàn bù vẫn vui.

2. Canh cải mà nấu với gừng

Không ăn thời chớ xin đừng mỉa mai

Khuyên chàng đừng ở đơn sai

Vắng mặt chàng sẽ yêu ai mặc lòng.

Các đại từ ta, mình cũng thường được dùng, tạo không khí thân tình cho văn cảnh:

Ăn mít bỏ xơ

Ăn cá bỏ lờ, mình chớ hay quên

Mình quên ta chả cho quên

Mình nhớ, ta nhớ mới nên vợ chồng.

Không những thế, các tác giả dân gian còn dùng rất nhiều danh từ chỉ các loài thực vật thay cho đại từ nhân xưng, khiến cho ca dao có hình ảnh, gần gũi với thiên nhiên, như các danh từ trúc, mai, mận, đào…  Thí dụ:

1.  Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thời đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

2. Ra về nhớ trúc nhớ mai

Nhớ đào nhớ liễu nhớ ai kết nguyền.

Lối dùng từ gắn với cỏ cây hoa lá như trên phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Các loài thảo mộc gắn bó với con người tới mức ăn sâu vào tiềm thức, bật ra thành những thành tố sinh động của tục ngữ, ca dao.  Trong Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc Bộ qua một số ca dao – tục ngữ, Trần Thuý Anh cũng đã có nhận xét rằng người nông dân thường lấy hình ảnh trồng cây để làm khuôn mẫu.

Ca dao còn là tiếng nói giao duyên, cho nên có rất nhiều bài có các đoạn đối thoại, mà tục ngữ thì không có như vậy. Thí dụ:

Ai về đường ấy hôm nay

Ngựa hồng ai cưỡi, dù tay ai cầm

– Ngựa hồng đã có tri âm

Dù tay đã có người cầm thì thôi.

Một nét phân biệt giữa tục ngữ và ca dao nữa, là trong ca dao có rất nhiều thán từ, còn trong tục ngữ thì hầu như không có.

Thán từ hỡi ơi, chỉ thấy xuất hiện trong ca dao:

1. Mấy đời chỉ trắng bằng vôi

Ai thương ai nhớ bằng đôi đứa mình

Bạn ơi! thức ngủ làm thinh

Dậy đây anh kể sự tình cho nghe

Ai làm chén nọ xa ve

Mùa thu đón đợi, mùa hè ngóng trông

Tam tứ bề yến bắc nhạn đông

Làm sao cho cá chậu xa chim lồng, hỡi ơi!

2. Hỡi ơi chú tiểu trên chùa

Chú tu sao chú bỏ bùa cho tôi.

Thống kê trong 730 câu tục ngữ về gia đình, không gặp một từ ơi nào, trong khi đó qua 1.179 câu ca dao về gia đình có tới 43 từ ơi, mà phổ biến là Ai ơi, Mẹ ơi, Bà ơi, Chàng ơi, Nàng ơi… như:

1. Cơm sôi bớt lửa kẻo trào

Mẹ ơi khoan bán, má đào đang non.

2. Ai ơi đợi với tôi cùng

Tôi còn gỡ mối tơ hồng chưa ra.

Rõ ràng là, để bộc lộ tâm tư, tình cảm, các tác giả dân gian đã sử dụng thành công biện pháp tu từ, làm cho các con chữ trở nên có hồn. Một lần nữa chúng ta thấy các tác giả dân gian là bậc thầy về sử dụng ngôn từ.

TIỂU KẾT

1. Tục ngữ và ca dao là hai thể loại văn học dân gian, chúng có nhiều điểm giống nhau dưới đây:

– Phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống, tục ngữ, ca dao là một trong những tư liệu đáng tin cậy để nghiên cứu về lịch sử, xã hội, tâm lý của một đất nước, một dân tộc.

– Tục ngữ và ca dao đều quan tâm đến việc phản ánh các mối quan hệ trong gia đình, dành tỷ lệ trên dưới 10% cho chủ đề này. Đây là tỷ lệ khá cao, khác với một số thể loại khác. Tục ngữ, ca dao về gia đình là một bộ phận của dòng văn hoá dân chủ của giai cấp bị trị, có nhiều nét khác biệt, có khi đối lập so với dòng văn hoá của giai cấp thống trị, đi sâu vào đời sống thường ngày, vừa phản ánh, vừa ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, phương cách ứng xử của người lao động, góp phần tạo nên sắc thái đa dạng của nền văn hoá Việt Nam.

– Tục ngữ, ca dao là thể loại có hình thức ngắn gọn, nội dung cô đọng hơn các thể loại khác như truyện cổ tích, truyện cười…

– Do tục ngữ, ca dao quá ngắn gọn, cho nên khi nghiên cứu hình tượng hay nội dung, không nên xem xét một cách đơn lẻ từng đơn vị mà cần xem xét một cách tổng thể trong hệ thống.

2. Tục ngữ và ca dao có những điểm khác nhau dưới đây:

– Tục ngữ thiên về lý trí, cho nên khi phản ánh các quan hệ trong gia đình, tục ngữ thường đúc kết những kinh nghiệm hoặc những yêu cầu ứng xử. Ca dao là thể loại trữ tình, cho nên ca dao phản ánh quan hệ gia đình trong chiều sâu tình cảm nhiều hơn.

– Nói về chủ đề quan hệ vợ chồng, ca dao dành tỷ lệ cao hơn tục ngữ (so với chủ đề chung về gia đình, thì chủ đề vợ chồng chiếm 59% trong ca dao và 39% trong tục ngữ).

– Tục ngữ và ca dao có những nét khác biệt trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật như đối, tu từ… Ca dao thiên về xây dựng hình ảnh, hình tượng, còn tục ngữ thiên về xử lí từ ngữ.

 

KẾT LUẬN

 

1. Tục ngữ, ca dao người Việt đã phản ánh sinh động, đa dạng và sâu sắc các mối quan hệ chính của gia đình người Việt. Dựa vào phương pháp nghiên cứu được gọi là “toán học hoá ngôn ngữ” của khoa học xã hội, với bộ công cụ là Phần mềm về tục ngữ, Phần mềm về ca dao, từ việc định tính kết hợp với định lượng đối tượng nghiên cứu, công trình đã tiến hành khảo sát một cách chi tiết, tổng thể việc phản ánh phong tục tập quán của người Việt (trong quan hệ gia đình) thể hiện qua tục ngữ, ca dao. Kết quả phân tích cho thấy: nội dung về các mối quan hệ trong gia đình chiếm tỷ lệ khá cao so với các nội dung khác của tục ngữ, ca dao. Điều đó chứng tỏ từ xa xưa, người Việt đã rất coi trọng gia đình và bằng văn học dân gian, họ đã bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của mình về các mối quan hệ đa dạng của gia đình, truyền kinh nghiệm của mình lại cho muôn đời sau. Gia đình có một hệ thống quan hệ chằng chịt chi phối lẫn nhau: cha mẹ-con cái, vợ-chồng, anh chị-em, cha mẹ vợ-con rể, cha mẹ chồng-nàng dâu, ông bà-con cháu. Các quan hệ đó có tính nhiều chiều và mỗi người thường đóng hai ba vai khác nhau, phải luôn điều chỉnh trong các vị thế đó để tạo sự hài hoà. Công trình đã chứng minh được rằng tục ngữ, ca dao vừa phản ánh, vừa quy định sự điều chỉnh này, làm cho các quan hệ gia đình không bị đứt ở một mối quan hệ nào, gây nguy cơ phá vỡ toàn bộ hệ thống quan hệ.

2. Qua tục ngữ, ca dao, công trình đã cho thấy phong tục tập quán người Việt trong quan hệ gia đình có những nét riêng độc đáo mang tính truyền thống bền vững bên cạnh những nét chung của cư dân vùng Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, trong đó đáng kể nhất là tư tưởng Nho giáo và Phật giáo.

3. Qua tục ngữ, ca dao, người nghiên cứu thấy rõ tính chất dân chủ, bình đẳng, khoan hòa, nhân văn là tính chất “trội” của quan hệ gia đình người Việt. Ở đây sự thương yêu, nhường nhịn, hợp lực với nhau “chồng cày vợ cấy”, “thuận vợ thuận chồng” là nguyên tắc cơ bản, nhằm cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Với bản tính ôn hoà, gắn bó với cộng đồng, hoà đồng với thiên nhiên, người Việt xây dựng gia đình trên nền tảng coi trọng tổ tiên, coi trọng tình nghĩa, coi trọng sự hoà thuận, xa lạ với lối sống gây hiềm khích, ưa hung bạo.

4. Trên cơ sở nhận thức rằng cấu trúc của văn hóa Việt Nam là một tổng thể có hai tầng bậc chính: văn hoá bác học và văn hoá dân gian, công trình đã đi sâu vào tầng bậc văn hoá dân gian, có đối chiếu với tầng bậc văn hoá bác học. Văn hóa bác học ảnh hưởng chủ yếu đến tầng lớp trên – vua quan, nhà giàu, nho sĩ bậc cao… và văn hóa dân gian ảnh hưởng chủ yếu đến tầng lớp dưới – nông dân, người buôn bán, người thợ thủ công, nho sĩ nghèo… Hai tầng văn hóa đó vừa có tính riêng biệt vừa thường xuyên ảnh hưởng lẫn nhau.

5. Công trình đã thực hành một quan điểm tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam qua văn hóa dân gian, cụ thể là qua hệ thống tục ngữ, ca dao, bằng thao tác tiếp cận tổng thể trong hệ thống, trong mối quan hệ với văn hóa bác học, do đó đem đến những kết quả có phần phong phú, có sức thuyết phục hơn so với kết luận của một số tác giả đi trước.

6. Ông cha chúng ta đã để lại một kho tàng tục ngữ, ca dao phong phú, trong đó chứa đựng một mô hình gia đình cùng với những mối quan hệ tốt đẹp thuộc về bản sắc văn hoá Việt Nam. Công trình cho thấy tục ngữ, ca dao cũng đã cung cấp cho chúng ta kinh nghiệm ứng xử, giáo dục gia đình sinh động và khả thi. Với những giá trị lớn như đã phân tích trên đây, tục ngữ, ca dao vẫn được đánh giá cao và có tác dụng tích cực làm giầu nhận thức, làm đẹp tâm hồn của con người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là có giá trị thiết thực giúp con người giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc, xây dựng gia đình hạnh phúc. Như vậy, tục ngữ, ca dao không những là vốn quý về văn học nghệ thuật, mà còn là vốn quý về kinh nghiệm sống, về cách thức ứng xử để giữ yên tổ ấm gia đình, về cách nghĩ, cách diễn đạt của nhân dân mà chúng ta cần nghiên cứu, thấm  nhuần để vận dụng vào công việc hàng ngày.

7. Công trình cũng đã nêu lên những khiếm khuyết cần khắc phục trong quan hệ của gia đình người Việt được phản ánh qua tục ngữ, ca dao. Những khiếm khuyết chính là cách đối xử nghiệt ngã, bất công của không ít gia đình nhà chồng với nàng dâu, là sự đối xử không tốt của một số con cái đối với cha mẹ, là sự chi phối của vật chất vào các quan hệ gia đình mà tục ngữ, ca dao đã phản ánh và phê phán. Đó còn là sự chi phối tiêu cực của lễ giáo phong kiến, của Nho giáo, là tư tưởng cục bộ trong một số phương cách ứng xử. Những khiếm khuyết ấy còn tồn tại đến ngày nay, và chúng ta cần nhận thức đúng để khắc phục.

8. Kết quả nghiên cứu của công trình cho thấy công nghệ thông tin có khả năng giúp cho việc khảo sát tư liệu được chính xác, nhanh chóng, từ đó dẫn tới những kết luận mang tính khách quan, khoa học. Cần mở rộng phạm vi ứng dụng của công nghệ thông tin, trong đó có việc xây dựng những phần mềm chuyên dụng vào việc nghiên cứu văn học dân gian nói riêng, khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Bộ công cụ sử dụng để khảo cứu công trình (Phần mềm về tục ngữ, Phần mềm về ca dao) có thể được phổ biến rộng rãi để khai thác tiếp những nội dung khác của tục ngữ, ca dao, đồng thời có thể coi là mô hình cho việc xây dựng các phần mềm chuyên dụng khác dùng để khảo cứu văn học dân gian nói riêng cũng như khoa học xã hội và nhân văn nói chung.

Công trình đã bước đầu thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu tục ngữ, ca dao của người Việt ở chủ đề phản ánh quan hệ gia đình. Để góp phần tiến tới nhận thức, hiểu biết toàn diện hơn về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hoá Việt Nam, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu tục ngữ, ca dao theo các chủ đề khác nữa, và cần có những công trình nghiên cứu tục ngữ, ca dao của các dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam ./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Trần Thuý Anh (2000),

    Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc Bộ qua một số ca dao – tục ngữ

    .

    NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

  2. Toan Ánh (1999), Làng xóm Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.

  3. Toan Ánh (2000), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.

  4. Ăng-ghen (1961), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước,

    NXB Sự thật, Hà Nội

    .

  5. Nguyễn Văn Bảo (1998), Thành ngữ – cách ngôn gốc Hán, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

  6. Nguyễn Thị Bảy (1997), Văn hóa Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc bộ, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  7. Nguyễn Bình (1999), Tục ngữ – ca dao cười (Hài hước trẻ 2), NXB Thanh niên, Hà Nội.

  8. Nguyễn Viết Bình (1997),

    Gia đình,

    Tạp chí Văn hoá nghệ thuật

    ,

    số 2, tr.69-70.

  9. Phan Kế Bính (1990) (tái bản), Việt Nam phong tục, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, Đồng Tháp.

  10. Nguyễn Văn Bổn (1983), Văn nghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng, Đà Nẵng.

  11. Nguyễn Văn Bổn (2001), Văn học dân gian Quảng Nam, Sở Văn hoá – Thông tin Quảng Nam, Quảng Nam,.

  12. Trần Đức Các (1995), Tục ngữ với một số thể loại văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  13.  Bùi Hạnh Cẩn – Bích Hằng – Việt Anh (2000), Thành ngữ – tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  14.  Nguyễn Đổng Chi – Ninh Viết Giao – Võ Văn Trực (chủ biên) (1996), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, NXB Nghệ An, Nghệ An.

  15. Nguyễn Từ Chi (1996),

    Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người

    ,

    Nxb Văn hóa Thông tin, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội.

  16.  Đoàn Văn Chúc (1997) (tái bản), Văn hóa học, NXB Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.

  17. Việt Chương (1998) (tái bản),  Từ điển thành ngữ – tục ngữ – ca dao Việt Nam (Quyển thượng), NXB Đồng Nai, Đồng Nai,.

  18. Việt Chương (1998) (tái bản), Từ điển thành ngữ – tục ngữ – ca dao Việt Nam (Quyển hạ), NXB Đồng Nai, Đồng Nai.

  19. Bùi Văn Cường (1987), Phương ngôn, tục ngữ – ca dao, Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  20.  Nguyễn Nghĩa Dân (1977),  Ca dao Việt Nam (1945 – 1975), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  21.  Nguyễn Nghĩa Dân (2000), Đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB Thanh niên.

  22. Chu Xuân Diên – Lương Văn Đang – Phương Tri (1975), Tục ngữ Việt Nam, NXB Khoa học Xã Hội, Hà Nội.

  23. Phan Đại Doãn (1992),

    Làng Việt Nam – một số vấn đề kinh tế – xã hội

    ,

    NXB Khoa học xã hội, NXB Mũi Cà Mau.

  24. Phan Đại Doãn (1998),

    Về dòng họ ở nông thôn hiện nay

    ,

    Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 10, tr.9-10.

  25. Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào (1995),  Từ điển thành ngữ và tục

    ngữ

    Việt nam,

    NXB Văn hóa, Hà Nội.

  26. Phạm Đức Duật (chủ biên) (1981), Văn học dân gian Thái Bình, Ty Văn hóa Thông tin Thái Bình, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  27. Phạm Vũ Dũng (1998),

    Gia đình và sự nhập thân văn hóa của trẻ em

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 1, tr45-49.

  28.  Phạm Vũ Dũng (1999), Văn hóa ứng xử của người phụ nữ qua “Kho tàng ca dao người Việt” (Luận văn Thạc sĩ), Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Hà Nội.

  29. Vũ Cao Đàm (1997), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

  30. Quang Đạm (1999), Nho giáo xưa và nay, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  31.  Phan Thị Đào (1999), Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế.

  32.  Bùi Huy Đáp (1999), Ca dao tục ngữ về khoa học nông nghiệp, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, Đà Nẵng.

  33.  Nhàn Vân Đình (1999), Câu cửa miệng, NXB Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

  34.  Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên) (2001) Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  35.  Cao Huy Đỉnh (1998), Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  36.  Lê Gia (1995), 

    Tâm hồn mẹ Việt Nam – Tục ngữ, ca dao

    (Quyển 10), NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.

  37. Lê Gia (1995),

    Tâm hồn mẹ Việt Nam – Tục ngữ, ca dao

    (Quyển 11), NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.

  38. Lê Gia (1995),

    Tâm hồn mẹ Việt Nam – Tục ngữ, ca dao

    (Quyển 12), NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.

  39.   Lê Giang – Lư Nhất Vũ – Nguyễn Văn Hòa – Minh Luân (1986), Dân ca Hậu Giang, Sở  Văn hóa – Thông tin Hậu Giang, Cần Thơ.

  40. Phi Hà và Thanh Bình (1960), Để xây dựng một chế độ hôn nhân và gia đình kiểu mới, NXB Thanh Niên, Hà Nội.

  41. Phạm Minh Hạc (1996), Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  42.  Mai Văn Hai – Phan Đại Doãn (2000), Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  43.  Hoàng Văn Hành (chủ biên) (1999) (tái bản), Kể chuyện thành ngữ – tục ngữ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  44. Nguyễn Văn Hằng (1999), Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  45. Võ Như Hầu (2000), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam = Vietnamese prverbs folk poems and folk songs (Song ngữ Việt – Anh), NXB Đồng Nai, Đồng Nai.

  46.  Vương Trung Hiếu (1996), Tục ngữ Việt Nam chọn lọc, NXB Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh.

  47.  Lê Như Hoa (chủ biên) (1996), Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  48.  Nguyễn Thái Hoà (1997), Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,.

  49. Nguyễn Huy Hoàng (2000), Văn hóa trong nhận thức duy vật lịch sử của C.Mác, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  50.  Lê Văn Hòe (1952), Tục ngữ lược giải, NXB Quốc học thư xã, Hà Nội.

  51. Đào Văn Hội (1971),

    Phong tục miền Nam qua mấy vần ca dao

    , Sống mới, Sài Gòn.

  52.  Đỗ Huy, Trường Lưu (1993), Sự chuyển đổi các giá trị trong Văn hóa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  53. Đỗ Huy (1997), Xây dựng văn hóa gia đình trong văn hóa cơ sở

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 7, tr.34-37,40.

  54. Đỗ Huy (1998),

    Văn hóa gia đình trong nền văn hóa truyền thống ở nước ta

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 3, tr.64-67.

  55. Nguyễn Văn Huyên (1996),

    Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam

    ,

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  56. Phùng Hưng (1996),

    Phụ nữ và văn hóa Việt Nam,

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  57. Trần Đình Hượu (1996, in lần 2), Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hoá.

  58. Trần Đình Hượu (2001), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông

    ,

    NXB Đại học quốc gia, Hà Nội.

  59. Châu Nhiên Khanh (2000), Ca dao Việt Nam: Tác phẩm. Những bài nhận định, phê bình tiêu biểu, NXB Đồng Nai, Đồng Nai.

  60. Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên (1973),

    Văn học dân gian Việt Nam

    , NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

  61. ĐINH Gia Khánh (1993),  Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  62. Nguyễn Văn Khang (chủ biên) (1998), Từ điển thành ngữ – tục ngữ Hoa – Việt, NXB Khoa học xã hội.  

  63. Nguyễn Bách Khoa (2000) (tái bản), Kinh thi Việt Nam, NXB  Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  64.  Nguyễn Văn Kiêu (1982), Bàn về xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa, NXB Sự thật, Hà Nội.

  65. Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  66.  Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật chủ biên (1995),  Kho tàng ca dao người Việt (tập 1), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  67. Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật chủ biên (1995),  Kho tàng ca dao người Việt (tập 2), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  68. Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật chủ biên (1995),  Kho tàng ca dao người Việt (tập 3), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  69. Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật chủ biên (1995),  Kho tàng ca dao người Việt (tập 4), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  70.  Mã Giang Lân (1998), Tục ngữ – ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  71. Võ Thị Hồng Loan (1998),

    Nhân cách văn hóa và ảnh hưởng của gia đình

    ,

    Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 6, tr.76-77.

  72.  

    Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (1998), Thi ca bình dân Việt Nam (Tập 1), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

  73. Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (1998), Thi ca bình dân Việt Nam (Tập 2), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

  74. Luật Hôn nhân và gia đình và những văn bản có liên quan

    (1996)

    ,

    (Tài liệu), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  75.  Một số giá trị văn hóa truyền thống với đời sống văn hóa ở cơ sở nông thôn hiện nay

    (1998), NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

  76. Hồ Chí Minh (1962), Hồ Chủ Tịch bàn về giáo dục, NXB Giáo dục, Hà nội.

  77.  Hồ Chí Minh (1995), Về xây dựng con người mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  78.  Lê Minh (chủ biên) (1994)

    ,

    Những tình huống ứng xử trong gia đình,

    NXB Lao Động.

  79.  Bùi Xuân Mỹ – Phan Minh Thảo (1995), Tục cưới hỏi, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  80. Sơn Nam (1997),

    Truyền thống gia đình Nam Bộ

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 5, tr.73-74.

  81. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  82. Ôn như Nguyễn Văn Ngọc (tái bản) (1957), Tục ngữ – phong dao, NXB Minh Đức.

  83. Phạm Thế Ngũ (tái bản) (1996), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 1), NXB Đồng Tháp.

  84.  Triều Nguyên (1999), Tiếp cận ca dao bằng phương thức xâu chuỗi theo mô hình cấu trúc, NXB Thuận Hóa, Huế.

  85. Triều Nguyên (2000), Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt, NXB Thuận Hóa, Huế.

  86.  Triều Nguyên (2001),

    Bình giải ca dao

    , NXB Thuận Hóa, Huế.

  87.  Hồ Quốc Nhạc (chủ biên) (200

    0), Ca dao Việt Nam (tập 1)

    ,

    NXB Đồng Nai, Đồng Nai.

  88. Hồ Quốc Nhạc (chủ biên) (200

    0), Ca dao Việt Nam (tập 2)

    ,

    NXB Đồng Nai, Đồng Nai.

  89.  Nguyễn Tá Nhí (2000), Làng mỹ tục Hà Tây, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tây, Hà Tây.

  90. Nhiều tác giả (1976), Xây dựng gia đình, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc, NXB  Phụ nữ, Hà Nội.

  91. Nhiều tác giả (1991),

    Nhận diện gia đình Việt Nam hiện nay

    ,

    Kỷ yếu hội nghị. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu khoa học về phụ nữ, Hà Nội.

  92. Nhiều tác giả (1991),

    Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam,

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  93. Nhiều tác giả (1992), Một trăm câu ca dân gian Quảng Ngãi, Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao Quảng Ngãi, Quảng Ngãi.

  94. Nhiều tác giả (1992), Văn học dân gian Quảng Trị, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao, Thư Viện Quảng Trị, Quảng Trị.

  95. Nhiều tác giả (1993), Tục ngữ – ca dao – dân ca Hà Tây, Sở Văn hóa Thông Tin Thể thao Hà Tây, Hà Tây, 1993.

  96. Nhiều tác giả (1995), Gia đình Việt Nam, các trách nhiệm, các nguồn lực trong sự đổi mới của đất nước, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  97. Nhiều tác giả (1995),

    Gia đình và địa vị người phụ nữ trong xã hội, cách nhìn từ Việt Nam và Hoa Kỳ,

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  98.   Nhiều tác giả (1996), Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên, Sở Khoa học – Công nghệ – Môi trường, Hội Văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa.

  99. Nhiều tác giả (tái bản) (1997), Phê bình, bình luận văn học (Ca dao – dân ca – Tục ngữ – vè), NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.

  100. Nhiều tác giả (1998), Đại việt sử ký toàn thư

    (tập 1),

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  101. Nhiều tác giả (1998), Đại việt sử ký toàn thư

    (tập 2),

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  102. Nhiều tác giả (1998), Đại việt sử ký toàn thư

    (tập 3),

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  103. Nhiều tác giả (1998), Đại việt sử ký toàn thư

    (tập 4),

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  104. Nhiều tác giả (1999), Tết năm mới ở Việt Nam, Viện Văn hóa – NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  105. Nhiều tác giả (1999), Văn hóa dòng họ ở Thái Bình, Sở văn hóa – Thông tin Thái Bình và Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Thái Bình.

  106. Nhiều tác giả (1999),

    Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam

    (Tập IV, Quyển 1), NXB Giáo dục, Hà Nội.

  107. Nhiều tác giả (2000),

    Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, +

    NXB Tp Hồ Chí Minh.

  108. Nhiều tác giả (2001), Tuyển tập tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB Văn học.

  109. Nhiều tác giả (2001), Ca dao Việt Nam – những lời bình, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  110. Nhiều tác giả (không rõ năm ), Quốc hội Việt Nam với Luật Hôn nhân gia đình, NXB Phụ nữ, Hà Nội.

  111. Nhóm nghiên cứu nông thôn (1974), Nông thôn Việt Nam (tài liệu in rô nê ô), Sài gòn.

  112. Lương Ninh (chủ biên) (2000), Lịch sử Việt Nam giản yếu, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

  113.  Những văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình

    (

    1994) (tài liệu), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  114.  

    Vũ Ngọc Phan (in lần thứ 12) (1999), Tục ngữ – ca dao – dân ca Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.

  115. Hoàng Phê (chủ biên) (1992), Từ điển tiếng Việt, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội.

  116. Chúc Phong (ngày 15 tháng 9 năm 1999), Có thể gọi đây là những gia đình được không?, Văn hóa thứ tư, Hà Nội.

  117. Đông Phong (1998), Về nguồn văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Mũi Cà Mau, Cà Mau.

  118. Thuần Phong (1057),

    Tính giao kết trong câu hò miền Nam,

    Tạp chí Bách khoa số 9, Sài Gòn.

  119. Thuần Phong (1957),

    Đạo nghĩa vợ chồng trong câu hò miền Nam,

    Tạp chí Bách khoa số 13, Sài Gòn.

  120. Lê Chân Phương (1960), Luật Hôn nhân gia đình triệt để giải phóng phụ nữ, NXB Phụ Nữ, Hà Nội.

  121. Đạm Phương nữ sử (2000), Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, NXB Văn học, Hà Nội.

  122. Hằng Phương (1960), Chống hôn nhân gia đình phong kiến trong ca dao Việt Nam, NXB Phụ Nữ, Hà Nội.

  123. Đỗ Lan Phương (1997),

    Về quan hệ gia đình và xã hội ở nông thôn Bắc Bộ hiện nay

    (qua khảo sát làng Mẫn Xá – Văn Môn – Yên Phong – Bắc Ninh), Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 9, tr.73-76, số 10, tr.78-80.

  124. Đỗ Lan Phương (1996),

    Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong văn hóa nghệ thuật truyền thống

    , Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 12, tr.64-65, 72.

  125. Tam Phương (1958), Giải thích vài tục ngữ về trồng lúa, NXB Nông Thôn, Hà Nội.

  126. Lê Chí Quế (chủ biên) (1998), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

  127. Lê Quốc, Ý đẹp lời hay

    (

    1999)

    ,

    NXB Văn hóa – Thông tin,.

  128. Vũ Tiến Quỳnh (2000), Ca dao tình yêu, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.

  129. Anh Sơn (1998),

    Trao đổi về công, dung, ngôn, hạnh ở Huế hiện nay

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 9, tr.78-81.

  130. Phạm Côn Sơn (1998), Nền nếp gia phong, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, Đồng Tháp.

  131. Từ Sơn (1998),

    Giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, một phương diện của chiến lược văn hóa giáo dục lòng yêu nước

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 2, tr.4-7, số 3, tr.6-8.

  132. Nguyễn Quốc Tăng (2000), Tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế.

  133. Đỗ Văn Tân (chủ biên) (1984), Ca dao đồng Tháp Mười, Sở Văn hóa – Thông tin Đồng Tháp, Đồng Tháp.

  134. Tạ Văn Thành (1998),

    Xây dựng gia đình văn hóa trong bối cảnh của lối sống đô thị

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 7, tr.73-74.

  135. Nguyễn Phương Thảo (1994), Văn hóa dân gian Nam Bộ, những phác thảo, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  136. Lê Ngọc Thắng (chủ biên) (1990), Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

  137. Lê Thi (Chủ biên) (1996),

    Gia đình Việt Nam ngày nay

    ,

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  138. Trương Thìn (chủ biên) (1996), Văn hóa phi vật thể xứ Huế, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  139. Lưu Nhân Thiện (1994), Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  140. Ngô Đức Thịnh (1997

    ), Văn hóa dòng họ ở Nghệ An trong sự nghiệp thực hiện chiến lược con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI

    (Tổng thuật hội thảo), Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 4, tr.61-64.

  141. Lê Viết Thọ (1997),

    Gia đình Việt Nam truyền thống và việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay,

    Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 7, tr.43-46.

  142. Nguyễn Hữu Thức (1996), Văn học dân gian Hà Tây và việc chấn hưng văn hóa địa phương (Luận văn Phó tiến sĩ khoa học ngữ văn), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.

  143. Lê Đức Tiết (1998), Về hương ước lệ làng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  144. Trọng Toàn (1999), Hương hoa đất nước

    (tập 1),

    NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

  145. Trọng Toàn (1999), Hương hoa đất nước

    (tập 2),

    NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

  146. Tổ Biên tập văn học dân gian Tiền Giang, Văn học dân gian Tiền Giang

    (

    1985) Sở Văn hóa – Thông tin Tiền Giang, Mỹ Tho.

  147. Hà Huy Tú (1997),

    Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với việc hình thành văn hóa gia đình

    , Tham luận Hội thảo khoa học Văn hóa gia đình với chiến lược dân số và phát triển, Bộ Văn hoá Thông tn, Hà Nội.

  148. Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng ca dao

    (

    2000) (tái bản lần thứ 5), NXB Giáo dục, Hà Nội

  149. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII

    (1996), Tài liệu, Bộ Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

  150. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII

    (

    1998) Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  151. Viện Văn hoá dân gian (1990),

    Văn hoá dân gian những phương pháp nghiên cứu,

    NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  152. Huỳnh Khái Vinh (2000), Những vấn đề văn hoá Việt Nam đương đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  153. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (2000), Dân ca Bến tre, Sở Văn hóa – Thông tin Bến Tre, Bến Tre.

  154. Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  155. Trần Quốc Vượng (1996),

    Nguyên lý Mẹ của nền văn hóa Việt Nam

    , Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 12, tr.43-44.

  156. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2001),

    Cơ sở văn hóa Việt Nam,

    NXB Giáo dục, Hà Nội.

  157.  Nguyễn Khắc Xuyên (1998), Những tác phẩm ca dao – tục ngữ được xuất bản trước đây một thế kỷ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  158. Nguyễn Khắc Xương (1994), Tục ngữ – ca dao – dân ca Vĩnh Phú, Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Vĩnh Phú, Phú Thọ.

  159. Phạm Thu Yến (1998),

    Những thế giới nghệ thuật ca dao

    , NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG PHÁP

 

  1. Balmir, Guy-Claude (1982),

    Essai de littérature sur le chant et la poésie populaire de Noirs Americains

    , Payot, Paris.

  2. Mori, Toshiko (1987),

    Folklore et théatre au Japon

    , Publ.

    Orientaliste de Paris, Paris.

  3. Ri Il Bok (1989),

    Kim Djeung IL une grande personnalité

    , Youn Sang Hyeun-Pyongyang, Corée.

 

MỤC LỤC PHẦN PHỤ LỤC

 

1. Tục ngữ                                                                              Trang 151

1.1. Mối quan hệ vợ chồng                                                     

1.2. Tình cảm vợ chồng – gắn bó

1.3. Những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng

1.4. Quan hệ cha mẹ con

1.5. quan hệ anh chị em

1.6. quan hệ con dâu, con rể

 

2. Ca dao

2.1. quan hệ vợ chồng – gắn bó

2.2. đạo nghĩa vợ chông

2.3. ông tơ bà nguyệt

2.4. Những biểu hiện tiêu cực trong quan hệ vợ chồng

2.5. Quan hệ cha mẹ  con –  về đạo  hiếu

2.6. Quan hệ cha mẹ con – trách nhiệm

2.7. quan hệ cha mẹ con – Những biểu hiện tiêu cực

2.8. Quan hệ nàng dâu và gia đình chồng

2.9. Hôn nhân – cam chịu

2.10. Hôn nhân – trách móc

2.11. Hôn nhân – quyền cha mẹ

2.12. Hôn nhân – chống lại lễ giáo phong kiến

2.13. Hôn nhân – lưỡng lự

2.14. Hôn nhân – tự  giác

2.15. Con cá trong ca dao về tình yêu, hôn nhân và gia đình

(Tiếp theo: Phụ lục –  Sưu tầm, phân loại Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình