Tượng Phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay – Đồ Thờ Đức Hiệp
Hình tượng Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay của người Việt không phải là ảo ảnh, ảo tượng phi lý của nhân dân, mà đó chính là hiện thực sinh động nhất của con đường Bồ tát đạo. Nếu đi đúng con đường ấy thì khả năng làm lợi ích an lạc cho chúng sinh là rất lớn.
Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở được công nhận là Bảo vật quốc gia
Khi tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc truyền thống, nhiều nhà điêu khắc, mỹ thuật Việt Nam đều thán phục trước sức sáng tạo của người xưa. Qua bức tượng Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay – chùa Bút Tháp, hình ảnh đó được xem là thành quả cao của nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có không ít người chỉ nhìn bức tượng bằng con mắt của mỹ thuật hiện thực, bỏ qua những xúc cảm tôn giáo và các giá trị tâm linh, tinh thần khác. Đáng buồn hơn, người ta đã cố tình gắn vào các biểu tượng tâm linh Phật giáo những quan điểm xã hội học dung tục. Còn nhớ, cách đây không lâu, khi di tích Hoàng Thành – Thăng Long được khai quật, các di sản Phật giáo lúc được đưa ra giới thiệu với công chúng cũng bị nhìn nhận một cách đầy biến dạng.
Trước tiên, chúng tôi điểm qua một vài nét sơ lược về mục đích và ý nghĩa của việc phát triển nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, để nói rõ thêm về xuất xứ của tượng Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay. Các kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Địa Tạng… đều có đề cập đến công đức của việc chiêm ngưỡng, tô vẽ, đắp nặn hình tượng của các vị Phật, Bồ tát. Điều này cho thấy, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo có thể đã ra đời và phát triển trước hoặc cùng thời với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa.
Vì vậy, ngay từ rất sớm đã xuất hiện những kinh nói về công đức rộng lớn của việc tạo tượng như: “Đại thừa tạo tượng công đức kinh”, “Phật thuyết tạo hình tượng kinh”, “Phật thuyết tạo vị hình tượng phúc báo kinh”…Khi tạo tượng Phật, sự thành công của nghệ nhân tùy thuộc vào độ kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng, nghệ thuật và tính tôn giáo. Từ đó, gián tiếp thông qua các hình tượng Phật, Bồ tát…ứng dụng vào đời sống tu tập thực tiễn, xiển dương giáo lý, cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của những người có tín ngưỡng.
Lâu nay, nói đến hệ thống hình tượng trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, các nhà nghiên cứu đã thống nhất chia ra làm các bộ: Chư Phật bộ, Bồ tát bộ, Chư Thiên bộ, Minh Vương bộ, La Hán bộ, Hộ Pháp bộ, Thần bộ, Quỷ bộ… Trong Bồ tát bộ có 4 hình tượng tiêu biểu nhất, gọi là “Tứ Bồ tát” hay “Tứ Đại sĩ”: Văn Thù Bồ tát (biểu tượng cho Đại trí), Phổ Hiền Bồ tát (biểu tượng cho Đại hạnh), Quan Âm Bồ tát (biểu tượng cho Đại bi), Địa Tạng Bồ tát (biểu tượng cho Đại nguyện). Đặc biệt, trong Bồ tát bộ, Quan Âm được xếp thành một bộ riêng với vô số các hình tượng khác nhau.
Sự sùng bái Bồ tát Quan Âm có liên quan mật thiết đến sự phát triển của Tịnh độ tông và Mật tông, cụ thể là tư tưởng “Tịnh Mật hợp nhất”. Chính tại thời điểm giao thoa của hai tông này mà sức sáng tạo các hình tượng Bồ tát Quan Âm ngày càng trở nên phong phú, đa dạng.
Biểu tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ tát thường được dân gian hiểu là: có nghìn mắt, nghìn tay để nhìn thấu nỗi khổ của chúng sinh và ra tay cứu giúp họ. Điều đó cũng được lý giải trên cơ sở sáu căn đều diệu dụng (lục căn diệu dụng), tức là bất cứ một căn nào trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cũng có thể thay thế tác dụng của các căn còn lại, thế nên không chỉ dùng mắt quán âm thanh mà còn có thể quán sắc, quán hương, quán vị, quán xúc, quán pháp.
Mật tông tập trung chủ yếu vào biểu tượng Đại Nhật Như Lai, nên các thần chú, hình tượng, pháp khí, nghi lễ đều có những quy định nghiêm ngặt và được thể hiện dưới hình thức vô cùng phức tạp, khác lạ… Vì vậy, các hình tượng Phật, Bồ tát trong Mật tông thường được biểu trưng bằng những uy lực vô biên. Nói đến hình tượng Bồ tát trong Mật tông là nói đến sáu vị Quan Âm tiêu biểu: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm, Thánh Quan Âm, Mã Đầu Quan Âm, Thập Nhất Diện Quan Âm, Chuẩn Chi Quan Âm và Như Ý Luân Quan Âm.
Đặc điểm tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay
Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni của Mật tông có nói: “Trong vô lượng ức kiếp thời quá khứ, Bồ tát Quan Thế Âm nghe Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni bèn phát nguyện làm lợi ích, an lạc tất cả chúng sinh. Liền khi ấy, trên người mọc ra một nghìn con mắt và một nghìn bàn tay”.
Con số 1.000 biểu trưng cho sự viên mãn, nên tượng được tạo với đủ 1.000 mắt, 1.000 tay (gồm 40 tay lớn và 960 tay nhỏ, trong mỗi tay đều có mắt), có nơi chỉ tạo tượng với 40 tay lớn, hoặc 42 tay lớn (có 2 tay chắp, 2 tay đặt trong tư thế thiền định) mà không tạo tay nhỏ. Nghệ nhân ở các nước Phật giáo theo truyền thống Đại thừa thường tạo tượng theo mẫu thức 40 tay lớn, bởi con số 40 ứng với 25 hữu (25 quốc độ của chúng sinh trong tam giới – 25×40=1.000).