Tương lai nào cho tiền ảo Bitcoin?
Kế hoạch của El Salvador
Với số phiếu tán thành 62/84 phiếu, Quốc hội El Salvador đã thông qua Luật Bitcoin, qua đó hoàn thiện quá trình công nhận tiền điện tử Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp tại quốc gia này. Trước đó, tại Hội nghị Bitcoin 2021 tổ chức tại Miami (Mỹ) hồi đầu tháng này, Tổng thống Bukele đã thông báo kế hoạch đưa tiền kỹ thuật số vào lưu thông tại Salvador thông qua một đoạn video được phát trong khuôn khổ hội nghị. Hội nghị Bitcoin 2021 được coi là sự kiện về đồng Bitcoin lớn nhất từ trước đến nay. Theo CNBC, ông Bukele cũng công bố thỏa thuận đối tác của El Salvador với một công ty kỹ thuật số nhằm “xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại của đất nước bằng cách sử dụng công nghệ của Bitcoin”. Theo ông, đây cũng là cách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả và giúp luân chuyển dòng ngoại tệ của những người El Salvador ở nước ngoài về nước.
Luật mới cho phép các doanh nghiệp El Salvador chấp nhận Bitcoin để quy đổi giá trị hợp pháp cho hàng hóa hoặc dịch vụ, trừ khi các bên không thể cung cấp công nghệ cần thiết để thực hiện giao dịch. Đã có nhiều quan điểm trái chiều chung quanh việc công nhận Bitcoin để khuyến khích đầu tư nước ngoài của El Salvador, song tổng thống nước này vẫn quyết tâm theo đuổi việc hợp pháp hóa đồng tiền kỹ thuật số. Theo ông Bukele, chỉ cần 1% Bitcoin trên thế giới được đầu tư vào quốc gia này thì “sẽ làm tăng GDP của El Salvador lên 25%”. Các nhà phân tích cho biết, El Salvador là một quốc gia có thu nhập thấp phụ thuộc vào kiều hối từ công dân nước ngoài. Bởi vậy, việc áp dụng đồng tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) sẽ dễ dàng hơn và giảm chi phí của những lần chuyển tiền đó.
Việc triển khai sử dụng Bitcoin dự kiến sẽ được tiến hành thông qua ứng dụng thanh toán di động “Strike” mới ra mắt gần đây tại El Salvador. Theo đó, phần lớn người dân El Salvador trong nước không có tài khoản ngân hàng truyền thống và luật mới sẽ cho phép mọi người tạo ví kỹ thuật số trực tuyến chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Tờ Financial Times ngày 10-6 đăng tải một số quan điểm, trong đó không đánh giá cao tác động của kế hoạch này với đời sống của người dân El Salvador.
Ngay sau động thái trên của chính quyền Tổng thống Bukele, ngày 10-6, người phát ngôn của IMF, ông Gerry Rice đã cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng Bitcoin trong giao dịch hằng ngày. Ông Rice cho rằng, việc công nhận tính hợp pháp của Bitcoin đã gây ra một số vấn đề về các khía cạnh kinh tế vĩ mô, tài chính và pháp lý do những vấn đề này rất cần được phân tích thận trọng. Hiện El Salvador và IMF đang thương lượng một gói hỗ trợ tài chính nhằm phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, giá trị của Bitcoin vẫn biến động lớn và được cho là tiềm ẩn cả cơ hội lẫn những rủi ro khó lường trước.
Giá trị bấp bênh của đồng tiền kỹ thuật số
Xuất hiện hơn 10 năm trước, Bitcoin được xem là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, đã có những biến động lớn về giá và ngày càng được sử dụng phổ biến trong các năm qua. Ra đời năm 2009 do một người hoặc một nhóm người đứng dưới tên Satoshi Nakamoto lập trình nên, đến nay, dù Bitcoin không có một tiêu chuẩn chính thức nào nhưng lại được một số thị trường chấp nhận, bởi nó chứng tỏ được sự ưu việt là đồng tiền “không biên giới” so với tiền tệ của các quốc gia.
Đầu năm 2021, một số tập đoàn lớn như Tesla, IBM, Nvidia, Mastercard hay Visa đã có những động thái thể hiện sự quan tâm thị trường tiền kỹ thuật số. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn giá trị đồng Bitocin đã tăng mạnh. Trên thế giới, so sàn chứng khoán, nhiều sàn giao dịch Bitcoin đã cho thấy sức hấp dẫn. Song, việc tăng – giảm giá trị của đồng Bitcoin trên các sàn giao dịch còn bị tác động bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như sự chi phối của các “cá mập” – là các cá nhân hoặc tổ chức có tiềm lực tài chính sở hữu lượng lớn đồng tiền ảo này.
Sự trồi sụt giá của Bitcoin được thể hiện rõ qua vụ việc tỷ phú hãng công nghệ Tesla, Elon Musk gây “hoang mang” cho người sở hữu Bitcoin trong các tháng vừa qua, khi ông công bố hãng Tesla chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử này, khiến giá trị của Bitcoin lên tới đỉnh là hơn 65 nghìn USD. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, chính ông chủ Tesla cũng là người làm cho đồng tiền này rơi xuống đáy vì các tuyên bố gây nghi ngờ khác. Khi ra đời, Bitcoin được cho là không chịu sự chi phối của bất kỳ tổ chức, cơ quan hành chính hay nhà nước nào. Nhưng với sự phát triển theo nhu cầu của thị trường hiện nay, nó đã trở thành một loại hình đầu tư và do đó không tránh được bị các nhà đầu cơ thao túng, dù có thể mang lại lợi nhuận lớn song cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Hồi tháng 2, Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo tiền điện tử Bitcoin là một tài sản có tính đầu cơ cao và không hiệu quả trong tiến hành giao dịch, đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư có thể phải chịu những rủi ro, thua lỗ khi tham gia. Trước đó, từ năm 2013, Cơ quan Thực thi phòng chống tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn về Bitcoin, khi đó xác định Bitcoin không phải là tiền tệ, chịu sự chi phối của Đạo luật Bảo mật ngân hàng, yêu cầu các xử lý trao đổi và thanh toán tuân thủ một số trách nhiệm nhất định như báo cáo, đăng ký và lưu trữ hồ sơ. Ngoài ra, FinCEN cũng ra quy định về việc đánh thuế các giao dịch Bitcoin, qua đó tăng thu cho ngân sách.
Trên thế giới, hiện có ba trường phái quan điểm liên quan Bitcoin: Một số quốc gia phản đối và coi việc giao dịch Bitcoin là bất hợp pháp; nhiều quốc gia không thừa nhận cũng không phản đối, nhưng đang tìm cách quản lý và “tận dụng” lợi thế của đồng tiền này; một số nước như El Salvador đã công nhận, hay Mexico đang tìm kiếm giải pháp tương tự bằng cách đề xuất một đồng tiền kỹ thuật số riêng. Theo BBC, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đang xem xét khả năng tạo ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình. Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo họ đang xem xét việc tạo ra “một loại tiền kỹ thuật số tồn tại cùng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng”.
Cho đến nay, Bitcoin nói riêng và các loại tiền điện tử nói chung đều đứng trước yêu cầu phải có một quy định quản lý thống nhất chung trên toàn cầu. Đồng thời, các nước cũng đang đẩy nhanh việc nghiên cứu, ứng dụng blockchain – nền tảng công nghệ gốc của tiền kỹ thuật số. Hiện, công nghệ chuỗi khối đang chứng tỏ những ưu thế nhất định và ngày càng nhiều quốc gia quan tâm phát triển. Trong những năm qua, tại các hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), các nhà kinh tế và giới hoạch định chính sách cũng đã bàn thảo kỹ về chủ đề này. Hiện nay, ứng dụng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng blockchain trong việc xây dựng chính phủ số là xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã xác định nền tảng này có thể cung cấp môi trường an toàn để lưu trữ, xử lý, truyền tải dữ liệu.