UNESCO công nhận di sản văn hóa: Không chỉ là hình ảnh quốc gia
Theo công ước mới của UNESCO từ tháng 4-2006, việc công nhận diễn ra mỗi năm một lần với hai tên gọi mới: “Di sản phi vật thể của nhân loại” và “Di sản phi vật thể cần được bảo vệ” (dành cho những loại hình nghệ thuật có nguy cơ thất truyền). Mỗi quốc gia có thể gửi hồ sơ đề cử cho nhiều di sản văn hóa (DSVH). Với những quy định mới này, liệu các DSVH được công nhận có còn ý nghĩa như trước hay sẽ mất “thiêng”?
Sức sống của DSVH sau khi được UNESCO công nhận
Mới đây tại Hà Nội, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ bảy để đánh giá, thẩm định các hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét ghi vào danh mục DSVH thế giới. Về hồ sơ dân ca Quan họ Bắc Ninh do Viện Văn hóa – Thông tin (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật) xây dựng, hội đồng lưu ý những vấn đề chính để hoàn chỉnh hồ sơ đạt chất lượng khoa học hơn nữa, trong đó có việc nêu vai trò của dòng sông Cầu, yếu tố tự nhiên cấu thành và gắn bó với văn hóa Quan họ và các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng và các nghệ nhân.
Về tên gọi của hồ sơ, sau khi UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị bổ sung 18 làng quan họ của Bắc Giang vào nghiên cứu và hồ sơ đề cử, có ý kiến nên lấy tên “Quan họ tên Bắc Ninh – Bắc Giang”, “Quan họ Kinh Bắc” hay chỉ cần là “Quan họ”, cuối cùng, Hội đồng thống nhất giữ nguyên tên gọi “Quan họ Bắc Ninh”.
Về lo lắng, sau khi di sản được UNESCO công nhận, sức sống của di sản trong cộng đồng dân cư hay vai trò của nó trong đời sống có được phát huy, theo đánh giá của TS Lê Thị Minh Lý – Phó Cục trưởng Cục DSVH (Bộ VH-TT&DL), sau khi được UNESCO công nhận, việc bảo tồn và phát huy các di sản này có bước tiến đáng kể.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã có đời sống thực trong cộng đồng dân cư ở Tây Nguyên chứ không tồn tại một cách hình thức trong các lễ hội hay các buổi trình diễn. Với sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế, mỗi di sản được công nhận có một kế hoạch hành động cụ thể và các biện pháp thực hiện ở tầm quốc gia và quốc tế. Cùng với kế hoạch hành động là kế hoạch tài chính với sự đóng góp trong nước và quốc tế.
Vẫn mang ý nghĩa quốc tế
Trong chương trình hành động để phát huy vai trò và ý nghĩa của di sản sau khi được công nhận, UNESCO đánh giá cao nhận thức của chủ thể hành động. Việc người dân nhận thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của di sản và có những hành động thiết thực để thể hiện nhận thức đó thì di sản mới có cơ sở để bảo tồn. Vì vậy, quan trọng không phải chuẩn bị một hồ sơ “tinh tươm” để được UNESCO công nhận, mà các cơ quan và cá nhân trong nước cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm lớn lao đối với di sản khi nó không còn là của riêng Việt Nam nữa, mà đã trở thành di sản văn hóa của cả nhân loại.
Trước đây, các di sản được UNESCO vinh danh ba năm một lần, với tên gọi “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”, thông qua một cơ chế bình chọn hết sức gắt gao. Theo đó, VN đã có hai DSVH được công nhận: Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, việc thay đổi cách tôn vinh giúp cho số lượng DSVH được công nhận nhiều hơn, việc công nhận cụ thể và sát thực hơn chứ tính chất “quốc tế” thì vẫn không thay đổi so với trước.
“Khi một DSVH được UNESCO công nhận thì nó không chỉ có ý nghĩa ở tầm quốc gia mà thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và mang ý nghĩa quốc tế”, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.
Cũng theo TS Lê Thị Minh Lý, sau ba lần công nhận kiệt tác, UNESCO có những điều chỉnh về mặt khoa học, hành chính và pháp lý… Cách tôn vinh theo công ước mới không đặt ra yêu cầu như trước, khi đánh giá DSVH phải là “kiệt tác”. Vì trên bình diện quốc tế, không thể nói rằng, di sản của quốc gia này quý giá hơn di sản của quốc gia khác. Mỗi di sản đều có ý nghĩa đối với một cộng đồng nhất định và việc quốc tế công nhận là để tôn vinh di sản đó ở tầm cao hơn.
(Nguồn: SGGP)