Ứng dụng AI ‘lột đồ’ phụ nữ gây tranh cãi
Một phần mềm dễ dàng biến nhân vật với trang phục bình thường thành không mặc đồ đã làm dấy lên những lo ngại về vấn nạn Deepfake.
Ứng dụng có tên DeepNude là ví dụ mới nhất về sự lan tràn của Deepfake trên Internet. Thuật ngữ này được dùng để chỉ những video giả mạo, bị chỉnh sửa, bóp méo khiến chúng trông như thật nhờ sự hỗ trợ của phần mềm trí tuệ nhân tạo, làm mờ đi ranh giới giữa sự thực và dối trá.
Ứng dụng DeepNude ban đầu được tải miễn phí trên Windows, còn bản cao cấp có giá 99 USD. Chưa đầy một ngày sau khi xuất hiện, website tải ứng dụng đã phải đóng cửa vì quá tải trước mối quan tâm quá lớn của cộng đồng. Trên một số diễn đàn về AI, nhiều thành viên tỏ ra lo ngại khi chỉ với một nút bấm, bất cứ ai cũng có thể biến một phụ nữ đang mặc quần áo thành khỏa thân.
Vấn nạn Deepfake ngày càng trở nên khó lường, khi ảnh khỏa thân có thể được tạo chỉ với một nút bấm.
“Công nghệ Deepfake đáng ra không nên xuất hiện và tồn tại. Dù có ấn tượng, nó toàn được sử dụng sai mục đích, khiến nạn tin giả càng thêm nhức nhối khi thật khó để phân biệt đâu là thực, đâu là giả”, thành viên EveryDayls, bình luận trên The Verge.
Alberto, tác giả ứng dụng, cũng thừa nhận ông không ngờ phần mềm của mình lại lan truyền mạnh mẽ tới vậy, cũng như lo ngại nó sẽ bị sử dụng với mục đích không tốt đẹp, nên quyết định sẽ không phát hành các phiên bản tiếp theo của DeepNude nữa.
Tuy nhiên, Alberto cũng tin rằng nếu không phải ông thì ai đó cũng sẽ sớm phát triển một ứng dụng tương tự. “Công nghệ đã sẵn sàng trong tầm tay”, ông nói.
Deepfake – mặt trái của AI
“Hãy thử tưởng tượng một người có toàn quyền kiểm soát hàng tỷ dữ liệu bị đánh cắp của tất cả mọi người. Tất cả bí mật, cuộc sống của họ, tương lai của họ. Bất cứ ai kiểm soát dữ liệu, có thể kiểm soát tương lai”, Mark Zuckerberg nói trong một video được đăng trên Instagram đầu tháng 6.
Người xem sửng sốt trước phát ngôn trên của CEO Facebook, nhưng sau đó mới nhận ra đó chỉ nhân vật Zuckerberg được tạo ra bởi công nghệ Deepfake.
Trước Zuckerberg, khuôn mặt của các nữ diễn viên như Scarlett Johansson, Gal Gadot cũng bị phần mềm AI chỉnh sửa để xuất hiện trong hàng chục cảnh khiêu dâm. Một trong số đó, gắn mác “cảnh quay bị rò rỉ” trên một trang web khiêu dâm lớn, đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem.
Johansson bày tỏ sự lo lắng khi công nghệ giả mạo khuôn mặt trên video đang đe dọa cả người nổi tiếng lẫn phụ nữ bình thường. Cô nói đó “chỉ là vấn đề thời gian” trước khi bất kỳ ai bị cũng trở thành nạn nhân và đã quá muộn để phụ nữ và trẻ em tự bảo vệ mình trước mặt trái của thế giới mạng.
“Không gì có thể ngăn ai đó cắt và dán hình ảnh của tôi, hoặc bất kỳ ai, lên một cơ thể khác và khiến nó trông như thật”, cô nói. “Thực tế, việc cố gắng bảo vệ bản thân khỏi Internet và sự đồi trụy về cơ bản không khả thi. Internet như một vực sâu không đáy, đang tự nuốt chửng bởi bóng tối từ chính nó”.
Ảnh: Zero Hedge.
Theo HuffPost, phần mềm Deepfake được xây dựng để phô diễn sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, nhưng đang bị lợi dụng để tấn công người khác. Chúng đôi khi trở thành phương tiện để làm mất uy tín, sỉ nhục, quấy rối hoặc lạm dụng. Với đa số đàn ông, việc bị chèn trong video giả mạo có thể xem như trò đùa. Nhưng khi nhắm tới phụ nữ, những video đó chủ yếu mang tính khiêu dâm.
Trên nhiều diễn đàn, cánh đàn ông thậm chí trả tiền cho các chuyên gia để tạo ra những hình ảnh deepfake đùa cợt về đồng nghiệp, bạn bè, thành viên trong gia đình.
“Không có lựa chọn nào khác. Sẽ có người lợi dụng AI để tống tiền người khác, hoặc làm điều xấu”, Phó giáo sư Hao Li tại Đại học Southern California, trả lời New York Times.
Giáo sư Li đang cùng các cộng sự phát triển một trong những công cụ phát hiện Deepfake, nhưng ông thừa nhận đây chẳng khác nào một cuộc đua kiểu “mèo vờn chuột”.
“Phát hiện deepfake cũng như phát hiện virus”, ông nói. Giống như cuộc chiến giữa phần mềm độc hại với các công cụ bảo mật, deepfake một khi đã xuất hiện sẽ không bao giờ biến mất.
Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook chưa có một chính sách rõ ràng đối với Deepfake. Facebook vẫn cho phép video giả về ông chủ Mark Zuckerberg của nó tồn tại trên trang. Họ cho biết chỉ xóa tin giả khi thông tin đó có nguy cơ dẫn đến bạo lực ngoài đời thực.