Ứng dụng biểu tượng văn hóa trong đời sống đương đại
Biểu tượng văn hóa được sử dụng nhuần nhuyễn, hài hòa trong các công trình kiến trúc, tác phẩm hội họa, điêu khắc, điện ảnh… giúp tác phẩm ấy nêu bật được bản sắc dân tộc, định vị căn cước bản địa. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, rất nhiều biểu tượng văn hóa bị sai lệch, bị cách tân quá đà, thậm chí là lai căng khi ứng dụng vào đời sống đương đại.
- Nhiều bất cập trong việc sử dụng biểu tượng văn hóa Việt Nam
Những bất cập nhức nhối
Mai Quỳnh Nga
Theo Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, sự vật hay hiện tượng được coi là biểu tượng không nhất thiết phải mang tư tưởng cao siêu mà nhiều khi chỉ là ước mong, hy vọng bình thường của loài người: chẳng hạn như chim bồ câu là biểu tượng của hoà bình. Một công trình kiến trúc hay tác phẩm là “hình ảnh sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng”, một đặc trưng tự nhiên tiêu biểu cho nơi nào đó hay thậm chí là một món ăn độc đáo… đều có thể được coi là biểu tượng.
Biểu tượng văn hóa rất đa dạng, phong phú, phản ánh đặc trưng văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, xã hội và con người vùng đất đó. Có “biểu tượng chính thống” hình thành trong quá trình lịch sử hoặc biểu tượng mới do nhà nước đặt ra và sử dụng chính thức, cũng có “biểu tượng dân gian” được phổ biến, lưu giữ trong cộng đồng và lưu truyền qua ký ức.
Có thể kể đến các biểu tượng như trống đồng, chim Lạc, áo dài, hoa sen, nghê, rồng, các anh hùng liệt sĩ, biểu tượng búa liềm, bông lúa… Biểu tượng văn hóa được xây dựng từ tài nguyên bản địa, được bảo vệ và phát triển dựa trên tri thức khoa học và sự nhân văn, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới sẽ góp phần làm cho hình ảnh quốc gia được lưu truyền rộng rãi và bền vững.
Việc ứng dụng biểu tượng trong các loại hình nghệ thuật, trong đời sống hằng ngày là đòi hỏi tất yếu để tiếp thu di sản cha ông, lưu giữ mỹ cảm truyền đời của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ khi biểu tượng văn hóa truyền thống kết hợp sáng tạo với ngôn ngữ tạo hình hiện đại thì việc ứng dụng biểu tượng văn hóa vẫn xảy ra nhiều bất cập mang tính đại trà và thâm căn khiến người làm nghề lo lắng.
Biểu tượng con rồng bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai khi ứng dụng vào các công trình kiến trúc Việt Nam đương đại.
Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chỉ ra rằng, ngay tại Lễ hội Áo dài diễn ra hằng năm tại TP Hồ Chí Minh, không hiếm mẫu áo dài bị các nhà thiết kế cách tân quá đà dẫn đến lai tạp với các loại áo truyền thống của nước khác. Đơn cử như áo dài nam. Loại áo dài này được cắt ngang gối, may phom cứng khiến nó na ná áo dài nam truyền thống của Ấn Độ, trong khi chiếc áo dài nam truyền thống có hai vạt dài quá gối.
Mấy năm gần đây, gần Tết, dư luận lại tranh luận dữ dội về loại trang phục được gọi là áo dài cách tân mà tà áo ngắn trên gối mặc kèm với váy xòe hoặc váy đụp. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng loại trang phục này khá giống với trang phục mùa hè ở Trung Quốc.
Thiếu kiến thức, không hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa nên việc sử dụng tùy tiện các biểu tượng này diễn ra nhan nhản. Rất nhiều người sử dụng lầm lẫn giữa sư tử đá hung dữ và con nghê hiền lành thuần Việt. Biểu tượng con rồng cũng tương tự. Đa số rồng ở các công trình kiến trúc mới có hình dáng ngoại lai chứ không phải là rồng Việt.
Theo chia sẻ của bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, ngay cả người quản lý văn hóa cũng rất lúng túng khi tổ chức các hoạt động hoặc xây dựng công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa. “Mỗi lần như vậy chúng tôi đều thận trọng mời các ban, ngành, giới chuyên môn để họp bàn, xin ý kiến trong một thời gian dài. Nhưng rồi chúng tôi vẫn không biết sử dụng sao cho phải vì mỗi người thì nói mỗi kiểu, ngay cả giới chuyên gia cũng có nhiều ý kiến không thống nhất. Chẳng hạn như việc chọn cây đờn kìm, nón lá hay con tôm… làm biểu tượng của tỉnh cũng bị nhiều luồng tranh cãi dữ dội khiến chúng tôi rất đau đầu” – bà Vân cho biết.
Không hiểu về biểu tượng văn hóa cũng khiến không ít công trình, tác phẩm nghệ thuật giá trị bị hủy hoại, bị khai tử không thương tiếc. Chẳng hạn như Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt – biểu tượng văn hóa tâm linh của nhân dân Gia Định xưa, bị đập phá hay di tích Đền Gióng, Chùa Trăm Gian bị xâm phạm, trùng tu kiểu sơn son thiếp vàng lòe loẹt…
Biểu tượng văn hóa không chỉ là di sản dân tộc mà còn là niềm tự hào của một đất nước, là tín hiệu để bạn bè quốc tế nhận diện khi ta bước ra năm châu. Song, ngay chính người sáng tác – người định hướng thẩm mỹ, định hướng thị hiếu, cũng đã có những nhầm lẫn tai hại khi cố gắng tạo ra những sản phẩm đương đại mang tiếng nói riêng, bản sắc riêng chứ đừng nói đến công chúng thưởng lãm. Nguy hiểm hơn khi cái sai lặp lại nhiều lần trở thành cái đúng và người ta mặc nhiên chấp nhận, hưởng ứng.
Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải dẫn chứng về bộ phim truyền hình “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” (19 tập) ban đầu bị dừng phát hành cho thấy tạo dựng một biểu tượng quốc gia như vua Lý Công Uẩn thì việc đầu tư chất xám vào tư liệu lịch sử, văn hóa và giá trị biểu tượng quan trọng hơn rất nhiều so với việc đầu tư tiền bạc tốn kém.
Theo ông, trong thời đại toàn cầu hóa, nếu chúng ta không có bản lĩnh văn hóa, không có tri thức để chắt lọc những cái hay, cái đẹp của nền văn hóa thế giới, tạo nên những biểu tượng văn hóa Việt Nam mới và giữ gìn, phát huy biểu tượng truyền thống thì quá trình “xâm lăng văn hóa” sẽ khiến chúng ta trở thành những kẻ nô lệ văn hóa.
Nhà điêu khắc, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên: Biểu tượng văn hóa biến dạng, khiên cưỡng trong điêu khắc công cộng
Điêu khắc công cộng là nét đẹp văn hóa thẩm mỹ môi trường, là điểm tiếp cận đầu tiên với cộng đồng, du khách khi đến một đô thị, một đất nước. Nó còn thể hiện rõ trình độ dân trí, sự phát triển của đô thị hay vùng miền. Điêu khắc công cộng phần lớn bản thân đã là một biểu tượng văn hóa và luôn hàm chứa trong đó những biểu tượng văn hóa nhất định.
Điêu khắc công cộng ở Việt Nam có ba thể loại chính gồm: điêu khắc trang trí công viên, điêu khắc trang trí kiến trúc và điêu khắc hoành tráng. Các tác phẩm điêu khắc trang trí công viên hiện nay, đề tài chủ yếu là những con vật tứ linh (long, lân, quy, phụng) hay một số linh vật mới được bổ sung như hổ, voi, hươu, ngựa…, những câu chuyện hay nhân vật huyền thoại về cội nguồn lịch sử như Sơn Tinh, Thủy Tinh, Âu Cơ… Các bức tượng này được thực hiện chủ yếu từ bàn tay của các nghệ nhân, thực hiện theo phương pháp đắp thẳng bằng xi măng cốt thép hay phóng đất đổ khuôn thạch cao và đúc ra tượng.
Đa phần các bức tượng này không thông qua khâu kiểm duyệt mà chủ yếu là theo sở thích, gu thẩm mỹ của chủ đầu tư, không có sự nghiên cứu sâu về tính biểu tượng văn hóa nên chất lượng nghệ thuật không cao. Có nơi bê nguyên mẫu tượng ở Trung Quốc hay Hàn Quốc về chép lại hoặc cải biên cho phù hợp với không gian sử dụng. Thậm chí có những nơi sử dụng những tác phẩm dung tục như vườn tượng 12 con giáp ở dạng trần truồng, hình người mặt thú ở khu du lịch Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng. Việc nhập nhèm văn hóa trong các bức tượng điêu khắc, kiến trúc theo kiểu “không Tây, không Tàu, không Việt Nam” thật khó chấp nhận.
Riêng điêu khắc trang trí kiến trúc chỉ dùng biểu tượng ở một số công trình lớn với hàm ý nhấn mạnh công năng của công trình. Còn đa phần phía trước các doanh nghiệp thường trang trí sư tử đá biểu thị cho sự hùng mạnh và thịnh vượng. Nhưng với người phương Tây và phương Đông xưa coi sư tử đá là vật linh dùng để canh lăng mộ. Đây là cách hiểu sai và lâu ngày không được đính chính nên dần trở thành đúng trong tâm thức cộng đồng.
Các biểu tượng về rồng cũng khai thác rất nhiều ở các công trình chùa, đền tưởng niệm nhưng cũng không được nghiên cứu một cách chuyên sâu mà thường cóp nhặt từ các đình chùa ở các thời đại trước hay vay mượn từ các tư liệu của đền chùa nước ngoài nên không thể hiện được đặc trưng riêng mang tính thuần Việt.
Một số cổng chào ở các tỉnh, thành phố, địa phương cũng mang tính lắp ghép các biểu tượng truyền thống. Chim Lạc, trống đồng kết hợp với logo của địa phương hay những hình khối kiến trúc, biểu tượng hiện đại…. một cách cưỡng ép.
Tính đến nay chúng ta đã xây dựng được khoảng 500 công trình điêu khắc hoành tráng ở không gian công cộng và thể hiện các biểu tượng văn hóa mới của dân tộc gồm: ước vọng hòa bình, chiến thắng, bà mẹ Việt Nam anh hùng… Tuy nhiên số lượng các công trình đạt chất lượng thẩm mỹ cao không nhiều. Việc sử dụng các biểu tượng vào tác phẩm vẫn mang tính áp đặt, khuôn mẫu, chưa mang hàm ý văn hóa sâu, đặc trưng của dân tộc… nên nhiều công trình giống nhau về nội dung cũng như hình thức thể hiện.
Muốn giải quyết tốt các vấn đề về điêu khắc công cộng tại Việt Nam, việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu, áp dụng, biến hóa các biểu tượng văn hóa để tạo nên nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc, vùng miền là vấn đề cấp thiết cần đặt ra. Vì cuộc sống luôn thay đổi, biểu tượng cũng có những đổi thay theo từng giai đoạn, nhưng nếu xác định đúng những giá trị cốt lõi, thông qua hệ thống biểu tượng của cả cộng đồng, chúng ta sẽ nhận ra sự khác biệt về mặt tâm cách cũng như tính cách của một dân tộc.
Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Chưa có chuẩn mực về việc sử dụng biểu tượng văn hóa
Hiện tại chúng ta chưa có những quy định, chuẩn mực về sáng tác, sử dụng và bảo vệ các công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa. Các nghệ sĩ sáng tác và người dân rất cần bộ chuẩn mực, quy định cụ thể để có thể dễ dàng ứng dụng các biểu tượng văn hóa.
Về giảng dạy thì một số trường lớp chưa có chương trình nội dung giảng dạy về biểu tượng văn hóa. Đặc biệt, Luật Di sản hiện có nhưng chưa rõ ràng về những chuẩn mực, chưa có tiêu chí khoa học sâu sắc để nhận diện, đánh giá, xét xử theo luật pháp những tình huống con người vi phạm, làm tổn hại các di sản được coi là biểu tượng văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, những nhận thức sai về phong thủy đã tạo nên sự hiện diện của các linh vật ngoại lai, lấn át văn hóa dân tộc. Bởi dân tộc chúng ta có nhiều linh vật đẹp nhưng chưa được khai thác, ứng dụng nhiều. Nếu chúng ta có quy định cụ thể về việc sử dụng biểu tượng văn hóa trong nước và ngoại lai thì tốt biết mấy.
Trong khi đó, việc hướng dẫn sử dụng biểu tượng đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Họ thiết lập chuẩn mực để đưa vào giảng dạy, đưa vào luật một cách nghiêm túc trên phạm vi thế giới nhằm bảo vệ biểu tượng văn hóa của chính họ. Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ khi nói đến “chiến lược công nghiệp văn hóa” trong thời đại 4.0.
Theo tôi, các tiêu chí cần quan tâm, ứng dụng và giảng dạy để đánh giá hay sáng tạo một công trình mang ý nghĩa là biểu tượng văn hóa gồm: tính thời đại (thời điểm ra đời, tinh thần thời đại tiềm ẩn trong biểu tượng), tính triết lý sâu sắc, sự độc đáo trong ý tưởng và cách thể hiện, tính thẩm mỹ, sự giao thoa văn hóa và ngôn ngữ nghệ thuật, tính kỹ thuật, tính toàn vẹn…
Về học thuật thì phương pháp nghiên cứu, đánh giá biểu tượng văn hóa trong mỹ thuật không thể đánh đồng với các tiêu chí và phương pháp nghiên cứu, đánh giá trong lĩnh vực văn hóa học. Trên thực tế đã có nhiều người biên soạn chương trình giảng dạy biểu tượng văn hóa mà không tách bạch biểu tượng văn hóa trong các lĩnh vực để tạo thành chương trình giảng dạy chuyên biệt. Điều này thể hiện sự tham lam trong nhận thức biên soạn giáo trình, khiến giáo trình không khả thi về mặt sư phạm.
Đây là bài học kinh nghiệm cho những ai muốn tham gia biên soạn bài giảng, tư liệu nghiên cứu trong nhiệm vụ quảng bá, bảo tồn, ứng dụng biểu tượng văn hóa. Đặc biệt, chúng ta cần tham khảo tư liệu, quy chuẩn về việc giảng dạy cũng như sử dụng các biểu tượng văn hóa mà các nước trên thế giới áp dụng.
TS Nguyễn Hồng Ngọc, Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Cần nắm được “cái thần” chứ không hỉ “cái hình” của biểu tượng
Dựa trên thực tế sáng tác và trên các sản phẩm thiết kế đồ họa thành công, tôi nhận thấy việc vận dụng, khai thác biểu tượng văn hóa truyền thống vào thiết kế đương đại có thể chia thành bốn mức độ để chúng ta học hỏi. Mức độ 1 là sử dụng trực tiếp, giữ nguyên mẫu các yếu tố hình thức của biểu tượng.
Mức độ 2 là phân tích, học tập nguyên lý, cấu trúc biểu tượng truyền thống để áp dụng vào thiết kế đương đại.
Mức độ 3 là khai thác hệ ý nghĩa, giá trị đi cùng với biểu tượng, những yếu tố tích đọng và trường tồn trong tâm thức, mỹ cảm người Việt từ quá khứ đến hiện tại để phát triển tư duy tạo hình.
Và mức độ 4 là sử dụng yếu tố “truyền thống mới” (tức cái mới, hiện đại trên nền tảng tinh thần dân tộc – truyền thống). Vận dụng sáng tạo, ứng biến linh hoạt trên nền tảng tinh hoa văn hóa truyền thống giúp cho hình ảnh của thiết kế đồ họa hiện đại không còn là sự sao chép lại motif truyền thống mà là hình ảnh một “truyền thống mới”.
Chẳng hạn như áo dài, tuy cùng sử dụng một cấu trúc hai thân, trên tinh thần truyền thống là sự mềm mại, uyển chuyển, nữ tính nhưng phát triển theo hai khuynh hướng thẩm mỹ khác nhau. Ở truyền thống, là sự che kín, ẩn mình nhưng ở áo dài tân thời của họa sĩ Cát Tường lại là sự phô bày, tôn vinh vẻ đẹp, đường cong uyển chuyển của phụ nữ.
Bên cạnh đó, khi vận dụng, cần chú trọng nghiên cứu tính cụ thể lịch sử của những giá trị truyền thống liên quan đến nội dung mẫu thiết kế. Chẳng hạn thiết kế quảng cáo, truyền thông cho sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nếu cần khai thác tài nguyên từ truyền thống như hoa văn, màu sắc, hệ thống biểu tượng… thì sử dụng vốn di sản thời Lý là phù hợp nhất. Chọn lọc yếu tố truyền thống phù hợp với mục tiêu và nội dung mẫu thiết kế dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về những ý nghĩa, giá trị biểu tượng sẽ giúp mẫu thiết kế đạt hiệu quả tối ưu.
Trong khai thác ứng dụng biểu tượng văn hóa truyền thống, chúng ta cần nắm được nhận thức, ý niệm về giá trị hình tượng, biểu tượng, để rồi tìm ra hình thức, biểu tượng mới “hợp thời”. Xưa, cha ông ta cũng từng sáng tạo theo cách đó nên mới có sự chuyển biến phong cách, hình tượng qua từng thời kỳ. Do vậy, học ở truyền thống là học “cái thần” chứ không chỉ ở “cái hình”.
Muốn làm tốt những điều trên, ngành thiết kế đồ họa phải hình thành những bộ sách công cụ về văn hóa nghệ thuật truyền thống, tạo ra những chương trình, phần mềm, những kho dữ liệu hình ảnh, hoa văn, biểu tượng truyền thống để các nhà thiết kế có thể sử dụng, phối hợp với các hình thức thẩm mỹ đương đại. Trên cơ sở của những tài liệu công cụ, chúng ta xác định ý nghĩa của từng biểu tượng truyền thống để đúc rút cái gì có thể dụng được trong thiết kế đương đại.
Xuất phát từ những đặc điểm thẩm mỹ và kỹ thuật của thiết kế hiện đại, ta có thể phân tích ngược trở lại các yếu tố văn hóa truyền thống để gạn lọc xem nền tảng văn hóa truyền thống đó còn ứng dụng như thế nào trong thiết kế hiện đại. Khi đưa vào sản phẩm thiết kế đồ họa, cần có các cuộc hội thảo bàn về việc sử dụng vốn truyền thống đó có lợi hay có hại cho ý nghĩa truyền thông đương đại, cũng như có thể kết hợp thêm những ý nghĩa mới nào.
Ở khía cạnh giáo dục đào tạo, để phát triển khuynh hướng phong cách thiết kế dân tộc cũng như bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống, rất cần chương trình đào tạo họa sĩ thiết kế chuyên sâu, chuyên phục vụ cho ngành thiết kế dân tộc.
Khi đội ngũ các nhà thiết kế dân tộc mạnh thì nền thiết kế đồ họa cũng sẽ mạnh hơn ở khuynh hướng này. Cùng theo đó là những chính sách nhằm bảo lưu nền mỹ thuật truyền thống, các nghề thủ công truyền thống bởi yêu cầu của thiết kế đương đại nhằm phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, mà những hoa văn, hình dáng, màu sắc, kỹ thuật thủ công truyền thống lại xuất phát từ con người, gắn bó với con người và thiên nhiên của chính vùng miền đó.