Ứng dụng công nghệ gen trong nghiên cứu y sinh học tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga: Kết quả nghiên cứu và triển vọng hợp tác
Mục lục bài viết
Ứng dụng công nghệ gen trong nghiên cứu y sinh học tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga: Kết quả nghiên cứu và triển vọng hợp tác
20/06/2020
Nghiên cứu y sinh nhiệt đới là một trong những hướng nghiên cứu chính của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã được xác định ngay từ ngày đầu thành lập. Các nhóm nhiệm vụ trong hướng này bao gồm: Tiến hành nghiên cứu hậu quả lâu dài về y sinh học của chiến tranh hoá học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam; Nghiên cứu các bệnh nhiệt đới và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Nghiên cứu về thích nghi và y học quân sự; Nghiên cứu dược học nhiệt đới; Thực hiện một số dịch vụ KHKT và ứng dụng một số tiến bộ y học trong khám chữa bệnh.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư, Tổng giám đốc Trung tâm trao đổi với bà Anna Popova- Giám đốc cơ quan liên bang Nga về giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người (Rospotrebnadzor)
Trong những năm qua TTNĐ Việt – Nga đã tập trung đẩy mạnh hướng nghiên cứu này theo tinh thần tăng cường hợp tác với phía Nga, với các cơ quan tổ chức y học trong nước. Hướng nghiên cứu các bệnh nhiệt đới, bệnh lây truyền từ động vật sang người tiếp tục được mở rộng trên các nhóm đối tượng khác nhau ở khía cạnh dịch tễ học, dịch tễ học phân tử và các phương pháp chẩn đoán mới đặc biệt là ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử và công nghệ gen. Giai đoạn 2012 – 2015, Trung tâm đã phối hợp với Viện Y học thực nghiệm St Petersburg/Viện Hàn lâm Khoa học Nga nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và di truyền học của liên cầu khuẩn nhóm A lưu hành ở học sinh tiểu học các vùng miền của Việt Nam. Các kết quả thu được là dữ liệu quan trọng phục vụ công tác giám sát, điều trị nhất là vấn đề liên quan đến tính kháng thuốc của liên cầu, đồng thời là cơ sở cho việc phát triển chiến lược chế tạo vacxin dự phòng các bệnh do liên cầu gây ra. Phối hợp Viện Pasteur St Petersburg/ Rospotrebnadzor nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và di truyền phân tử của vi rút viêm gan B và đề xuất các kiến nghị chẩn đoán và điều trị. Trung tâm đã phối hợp với với Viện Dịch tễ Trung ương Liên Bang Nga/ Rospotrebnadzor nghiên cứu dịch tễ học, dịch tễ học động vật và thử nghiệm bộ kit sinh học phân tử chẩn đoán nhanh bệnh dịch hạch, sốt mò sốt xuất huyết do LB Nga sản xuất.
Trong những năm gần đây với xu hướng gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, Trung tâm đã tăng cường hợp tác với các Viện nghiên cứu thuộc Rospotrebnadzor/LB Nga triển khai các nghiên cứu dịch tễ học, dịch tễ học động vật một số bệnh nguy hiểm truyền từ động vật sang người mới nổi và tái xuất hiện. Các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PCR, real time PCR để phát hiện, phân loại B. pseudomallei, B. thailandensis, B. cepacia cũng như các nghiên cứu đặc điểm dịch tễ phân tử, kháng kháng sinh đã được triển khai với sự phối hợp với với Viện nghiên cứu phòng chống dịch hạch Volgagrad. Phối hợp với Trung tâm vector quan trắc sự lưu hành và nghiên cứu virus cúm A trên loài chim hoang dã, gia súc, gia cầm ở một số địa phương tại Việt Nam. Tiếp tục hợp tác với Viện Dịch tễ Trung ương Liên bang Nga hoàn thiện việc giám sát dịch tễ các ổ bệnh dịch thiên nhiên: virus Dengue, Zika, viêm não Nhật Bản, sốt rét, các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm borreliosis và rickettsia.
Cùng với tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, công tác đào tạo cán bộ và tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất luôn được hai phía thường xuyên quan tâm. Trong năm 2018, các Viện nghiên cứu thuộc Rospotrebnadzor tổ chức 3 khóa đào tạo về nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát và chẩn đoán phân tử bệnh truyền nhiễm cho 20 cán bộ khoa học của TTNĐ Việt – Nga và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, hỗ trợ đào tạo 1 NCS tại Viện NC phòng chống dịch hạch Volgagrad. Giai đoạn 2009-2018, Rospotrebnadzor đã hỗ trợ 4 gói trang thiết bị nghiên cứu sinh học phân tử cho Trung tâm. Gần đây nhất, ngày 11/9/2018, bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 4 tại thành phố Vladivostok, Cơ quan Giám sát quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) đã bàn giao phòng thí nghiệm di động cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới Việt – Nga, phòng thí nghiệm di động công nghệ cao được thiết kế trên cơ sở xe ô tô Kamaz, có khả năng phát hiện 78 loại virus khác nhau, có thể xác định các tác nhân gây ra những căn bệnh nguy hiểm nhất như bệnh dịch hạch, đậu mùa và dịch Ebola; giúp tiến hành giám sát các ổ bệnh truyền nhiễm tự nhiên ở Việt Nam phù hợp với các yêu cầu về an toàn sinh học bằng việc sử dụng công nghệ giám sát và chẩn đoán tiên tiến.
Ở Việt Nam, công nghệ sinh học được xem là một trong bốn hướng công nghệ cần ưu tiên phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, các đề án, chương trình về công nghệ sinh học cấp quốc gia và ở nhiều bộ ngành, địa phương trong các lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản, y tế, công nghiệp và môi trường đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Nhận thức được tầm quan trọng của Công nghệ sinh học đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của đất nước, năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp sinh học đến năm 2030. Với mục tiêu: tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp sinh học, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ gen luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực chẩn đoán phân tử trong phát hiện các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm) nhất là những bệnh phổ biến ở Việt Nam như sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng, viêm gan siêu vi, AIDS, lao, bệnh ký sinh (sốt rét, giun, sán…), các bệnh nhiễm qua đường tình dục. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, việc sử dụng các phương pháp sinh học phân tử, công nghệ gen giúp phát hiện các tác nhân gây bệnh, rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Trong các đợt đại dịch như đợt dịch SARS do coronavirus hay cúm do virus A/H5N1 cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ gen trong chẩn đoán nhanh để kịp thời cách ly, hạn chế lây nhiễm đối với các trường hợp SARS và loại trừ những trường hợp không phải SARS. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc xây dựng những phương pháp chẩn đoán nhanh đối với bệnh có khả năng phát triển thành dịch cho khu vực y tế công cộng.
Ứng dụng công nghệ gen có vai trò quan trọng cả trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Việc xác định kiểu gen và phát hiện các gen kháng thuốc, đột biến kháng thuốc giúp cho các bác sĩ tiên lượng cũng như quyết định phác đồ điều trị. Việc can thiệp lâm sàng kịp thời vừa có ý nghĩa đối với người bệnh, vừa có tác dụng chống lây lan trong cộng đồng. Những tiến bộ về công nghệ DNA tái tổ hợp, Genomics đã có tác động to lớn, mở hướng ứng dụng trong quá trình sản xuất vaccine thế hệ mới. Rất nhiều chiến lược thiết kế vacine đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong quá trình phòng chữa bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đang đẩy mạnh các nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ gen để tạo các protein tái tổ hợp sử dụng trong chẩn đoán, dự phòng, điều trị bệnh. Bằng công nghệ DNA tái tổ hợp Trung tâm đã nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit ELISA có độ nhạy, độ đặc hiệu cao phát hiện nhiễm O. tsutsugamushi dung trong chẩn đoán bệnh sốt mò, bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây ở một số địa phương của Việt Nam. Nghiên cứu chế tạo protein flagellin tái tổ hợp nhằm mục đích hỗ trợ điều trị nhiễm xạ cấp.
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hướng Y sinh nhiệt đới của Trung tâm, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ gen nghiên cứu giám sát và chẩn đoán bệnh truyền nhiễm nhiệt đới trong 30 năm qua đóng góp tích cực vào chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân. Chính vì vậy, cần có chiến lược lâu dài trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ gen. Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa với các viện nghiên cứu của Nga trong lĩnh vực y sinh đặc biệt là công nghệ gen, bao gồm: ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ gen để tạo các protein tái tổ hợp sử dụng trong chẩn đoán, dự phòng, điều trị bệnh. Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga sẵn sàng làm cầu nối trong hợp tác nghiên cứu giữa các Viện nghiên cứu thuộc Rospotrebnadzor và các viện nghiên cứu Y sinh học tại Việt Nam./.
Bài và ảnh: TS. Trịnh Khắc Sáu/Viện Y sinh nhiệt đới