Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học các môn khoa học cơ bản
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó nêu rõ: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả mô hình trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của người học trước khi đến lớp học”.
Vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, đã có nhiều giảng viên khai thác, vận dụng hiệu quả các ứng dụng của công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình học tập thông minh, linh hoạt kết hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp. Các mô hình này đã phát huy được tính tích cực, sự chủ động, sáng tạo và khả năng tự học của người học thông qua các phần mềm, nguồn tài nguyên mạng hoặc các kho dữ liệu do chính các giảng viên xây dựng.
Điều này cho thấy vai trò của công nghệ thông tin ngày càng được khẳng định và là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tổ chức dạy học ở mọi cấp học, ngành học.
Đặc biệt đối với các môn khoa học cơ bản như: Toán, Vật lý, Hóa học… thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học là rất cần thiết, bởi các môn học này có khá nhiều thí nghiệm, nhiều mô hình, ứng dụng thực tế mà người học cần có sự quan sát trực quan để hiểu và giải quyết được các bài toán liên quan.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn khoa học cơ bản
Mục lục bài viết
Khái niệm về công nghệ thông tin
Theo Nghị quyết Chính phủ 49/CP ngày 4/8/1993, công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại- chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông – nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.
Theo Wikipedia, công nghệ thông tin là một nhánh ngành kĩ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin”. Như vậy, công nghệ thông tin là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin thông qua mạng máy tính.
Mặt khác, theo Chỉ thị số 29/2001/CT-BGD&ĐT ngày 30/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học theo hướng sử dụng công nghệ thông tin như công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho đổi mới phương pháp dạy học”.
Điều này cho thấy, công nghệ thông tin đã có tác động mạnh mẽ tới mọi thành tố của quá trình dạy học và tác động tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học như: hỗ trợ người học tìm hiểu sâu nội dung kiến thức; rèn luyện các kỹ năng, củng cố ôn tập kiến thức, hỗ trợ giảng viên trong vai trò người tổ chức, người quản lý và tương tác trực tiếp với người học.
Vai trò của công nghệ thông tin trong chuẩn bị bài giảng
Việc sử dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, chuẩn bị giáo án, bài giảng trước khi lên lớp của giảng viên rất cần thiết.
Trước đây, giảng viên soạn giáo án, bài giảng trên giấy, quá trình này đã tạo ra rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như khi muốn thay đổi, thêm bớt nội dung, chỉnh sửa giáo án, bài giảng thì giảng viên buộc phải biên soạn lại, mất rất nhiều thời gian và công sức.
Mặt khác, việc sử dụng các giáo án, bài giảng viết tay sẽ gây ra sự tốn kém về mặt kinh tế, ít linh động và thiếu sự thẩm mỹ, sự thống nhất về mặt văn bản.
Đối với việc biên soạn giáo án, bài giảng thông qua các thiết bị công nghệ thông tin và các phần mềm hỗ trợ như: Word, Powerpoint, EdrawMind,… giảng viên có thể thỏa sức sáng tạo trong thiết kế, thay đổi, thêm bớt nội dung một cách dễ dàng, nhanh chóng mà vẫn giữ được các nội dung chính của bài học và tính thẩm mỹ của giáo án, bài giảng.
Bên cạnh đó, nếu nội dung có các thí nghiệm phức tạp, các mô hình thực tế,… Giảng viên sẽ sử dụng các phần mềm mô phỏng trực quan để minh họa, tạo cho người học sự hứng thú, sự tò mò, kích thích việc học tập, nghiên cứu của họ dễ dàng hơn.
Qua đó cũng làm cho các bài giảng trở nên sinh động, thu hút sự tập trung cao độ của người học. Điều này cho thấy, vai trò và các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuẩn bị bài giảng là rất quan trọng, giúp giảng viên có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời cũng tăng khả năng tương tác giữa người dạy và người học.
Quá trình này cũng được xem như một mắt xích không thể thiếu trong việc chuẩn bị giáo án, bài giảng, góp phần vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Giáo dục – Đào tạo theo chủ trương của Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Như vậy, mỗi một giảng viên cần tăng cường hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào biên soạn giáo án, bài giảng để công tác giảng dạy ngày một chất lượng và hiệu quả hơn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa giáo trình, bài giảng
Thực tế cho thấy giáo trình điện tử mang lại nhiều tiện lợi và hữu ích vượt trội so với giáo trình, tài liệu giấy truyền thống.
Giáo trình, tài liệu giấy chỉ có nhiệm vụ chuyển tải nội dung kiến thức của môn học thông qua bản giấy và không có các tính năng khác cho người đọc. Hơn nữa, mỗi lần học tập, nghiên cứu người học phải ghi nhớ số trang đã đọc, lật tìm nội dung cần học một cách thủ công, dẫn đến giáo trình tài liệu ngày một xuống cấp, nhàu nát…
Giáo trình điện tử mang lại nhiều tiện ích vượt trội so với giáo trình, tài liệu giấy truyền thống.
Còn đối với giáo trình điện tử thì hoàn toàn khác, khi người học đọc đến phần nào thì chỉ cần đánh dấu ở mục đó, nội dung đó và khi cần đọc tiếp chỉ cần lích chuột vào thanh tác vụ của giáo trình là đã chuyển ngay đến trang cần tìm. Bên cạnh đó, với giáo trình điện tử, người học có thể lưu trữ ở dạng file hoặc tệp trên Gmail, Zalo hay Massenger và có thể đọc bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào chỉ với một thiết bị truy cập internet có kết nối wifi.
Ngoài ra, giáo trình, tài liệu điện tử còn có thể tích hợp thêm các công cụ mở rộng như: Geogebra, video clip, chat,… Từ những thuận lợi và hiệu quả mà giáo trình, tài liệu điện tử mang lại càng khẳng định thêm rằng vai trò của công nghệ thông tin trong việc biên soạn và phổ biến giáo trình, tài liệu là rất cần thiết.
Qua đó, người giảng viên có thể dễ dàng tạo ra các nội dung học tập, tài liệu học tập, lưu trữ các nội dung này trên các thiết bị điện tử của cá nhân như: máy tính, điện thoại thông minh. Còn người học, việc tiếp cận, khai thác các nguồn tài nguyên trở nên thuận tiện hơn, từ đó giúp cho việc tự học hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lớp học
Thời gian qua, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và nguy hiểm, nhiều trường học phải đóng cửa, học sinh, sinh viên có thời gian dài không được đến trường.
Vậy nên, để đảm bảo cho quá trình dạy học diễn ra theo kế hoạch năm học thì nhiều cơ sở đào tạo đã phải tổ chức dạy học theo hình thức online với các mô hình học tập như: Lớp học trực tuyến, lớp học đảo ngược,… thông qua các phần mềm như: Google meet, Zoom.
Từ các mô hình này, đồng thời theo “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, cho thấy cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn học, khóa học, giảm thiểu việc học tập trực tiếp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người và thích ứng linh hoạt trong quá trình dạy – học.
Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra thuận lợi, đạt chất lượng tốt thì đòi hỏi giảng viên phải biết sử dụng và khai thác tốt công nghệ thông tin. Nếu không, thì việc truyền đạt kiến thức cho người học của giảng viên sẽ không hiệu quả, đặc biệt là trong quản lý lớp học.
Người học chỉ tích cực học tập, nghiên cứu khi có sự giám sát, đôn đốc, kiểm tra của giảng viên.
Nói cách khác, giảng viên sau khi thực hiện dạy học trực tuyến cần phải giao các nội dung nghiên cứu, bài tập, các nhiệm vụ để người học thực hiện, sau đó phải có các hình thức kiểm tra việc hoàn thành của người học thông qua các phần mềm quản lý lớp học như phần mềm Module, Google Classroom, Google Sheets,… để đánh giá kết quả học tập của người học.
Ngoài ra, thông qua các thiết bị điện tử có kết nối wifi, người học sẽ dễ dàng tương tác với giảng viên bằng các ứng dụng như: Zalo, Messenger, Instagram, Twitter… khi họ gặp những khúc mắc trong học tập.
Giảng viên cần phải tăng cường khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý lớp học, quản lý trực tiếp người học, qua đó mới có được sự đánh giá chính xác, khách quan về năng lực học tập của mỗi người học.
Đặc biệt là đối với các môn khoa học cơ bản như: Toán, Vật lý, Hóa học,… thì việc sử dụng công nghệ thông tin, khai thác tốt các phần mềm ứng dụng vào giảng dạy rất cần thiết, giúp người học dễ tiếp thu, dễ hình dung các nội dung bài học.
Như vậy, để nâng cao chất lượng dạy học hiện nay cũng như trong thời gian tới, việc tăng cường sử dụng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học theo Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ Việt Nam, Nghị quyết số 49/CP ngày 4/8/1993 về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90.
2. Đại học Đông Nam Á, Vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục và ứng dụng.
3. Isocert, Tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong giáo dục.
4. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020), Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.