Ứng dụng đa phương tiện trong giảng dạy và học tập
GD&TĐ -Cuộc CMCN 4.0 đã mang đến sự chuyển biến và thay đổi lớn trong hình thức, phương pháp dạy học. Việc ứng dụng công nghệ đa phương tiện vào bài giảng đã và đang được hiện thực hóa hơn bao giờ hết.
Ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới
Trong tiến trình đổi mới giáo dục, nhiều cán bộ quản lý nhìn nhận phương pháp giáo dục truyền thống lấy giảng viên làm trung tâm, người dạy đóng vai trò chủ đạo trong tiết học, người học đón nhận kiến thức thụ động, một chiều.
Phương pháp này làm cho người học không cảm thấy hứng thú, không khí tiết học căng thẳng. Nó buộc người học phải phân tích khái niệm chính, hỏi các câu hỏi, tạo ra kết nối giữa nhiều ý tưởng và nhận diện các biến thể trước khi rút ra kết luận logic cuối cùng.
Thực tế quá trình giảng dạy cho thấy, có nhiều phương pháp dạy học truyền thống khác nhau. Nhóm dùng lời thì có phương pháp dạy học gợi mở – vấn đáp, phương pháp thuyết trình, phương pháp giải thích. Nhóm trực quan thì có phương pháp dạy học trực quan, phương pháp trình diễn. Nhóm thực hành thì có phương pháp dạy học luyện tập và thực hành, phương pháp ôn tập, phương pháp cộng tác độc lập, phương pháp công tác thí nghiệm.
Những hạn chế của phương pháp truyền thống đã được chỉ rõ. Vì vậy, trong những năm gần đây các nhà giáo dục đã đưa ra phương pháp lấy người học làm trung tâm. Nhờ có phương pháp này người học cảm thấy hứng thú học bài hơn, tiếp thu bài dễ hơn, không khí thảo luận sôi nổi hơn. Trong đó việc tích hợp, sử dụng công nghệ đa phương tiện vào trong quá trình dạy học đã mang đến những đổi mới rất lớn trong tương tác giữa người học với người học, giữa thầy cô giáo với học sinh, sinh viên.
Hiện trong giáo dục nói chung và trường học nói riêng đã và đang sử dụng thiết bị đa phương tiện phục vụ cho quá trình dạy học ngày một nhiều như: cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, thiết bị dạy học, dụng cụ học tập, tài liệu, học liệu mở, tài nguyên ảo, ứng dụng thực tế ảo… Việc tích hợp công nghệ dựa trên nền tảng đổi mới phương pháp dạy học truyền thống đã mang lại sự đổi mới mạnh mẽ cho cả ngành.
Một trong những phần mềm phổ biến hỗ trợ việc dạy và học là chương trình powerpoint. Ngoài ra còn rất nhiều phần mềm khác như: Mona eLMS, UPM, Storyline, Lecture market… Trong phương pháp học đa phương tiện, mọi thứ tới cả trong việc miệng nói, tai nghe, và mắt nhìn cùng nhau cho nên điều đó có thể giúp cho sinh viên hiểu thấu các ý tưởng nhanh hơn và chính xác hơn.
Thay vì đọc, hiểu và ghi nhớ, sinh viên có thể hiểu thấu khái niệm nhanh chóng, và lập tức phân tích quá trình, ra quyết định ngay. Vì vậy bài học sinh động hơn thu hút sự chú ý của học sinh – sinh viên. Do đó giờ học được giảng viên truyền tải lượng kiến thức nhiều hơn, trực quan và chi tiết hơn.
Sinh viên Khoa CNTT Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thực tập trong phòng máy
Vai trò của phương tiện trong quá trình dạy học hiện nay
Ứng dụng phương tiện công nghệ vào dạy học, hướng đến đổi mới phương pháp giảng dạy lợi ích ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng theo nhiều chuyên gia không nhiều người nhận rõ vai trò của nó trong tiến trình đổi mới và giảng dạy.
Thực tế, thông qua các khảo sát cho thấy, vai trò của phương tiện công nghệ là rất lớn. Nó hỗ trợ lớn cho giảng viên khi đảm bảo tiết dạy được sinh động, thuận tiện, chính xác. Rút ngắn thời gian giảng dạy mà vẫn truyền tải đầy đủ nội dung học tập một cách vững chắc cho người học. Giảm nhẹ cường độ lao động của giảng viên, nâng cao hiệu quả dạy học.
Còn với người học, phương tiện công nghệ giúp kích thích hứng thú học tập cho người học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học lĩnh hội kiến thức. Giúp người học tăng cường trí nhớ, thỏa sức sáng tạo, hình thành và rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo cả thao tác trí tuệ lẫn thao tác vật chất. Nhất là cung cấp thêm kiến thức, kinh nghiệm trực tiếp liên quan đến thực tiễn xã hội và môi trường sống. Theo nhiều giảng viên, phương pháp học mới dùng đa phương tiện, sinh viên không cần tích luỹ mọi thông tin bằng việc ghi nhớ. Điều họ cần biết là làm sao tìm và quản lí thông tin được khi cần thiết. Họ cần biết cách xử lý thông tin mà họ có thể dễ dàng tìm trong mạng.
Để làm được các mặt ưu việt trong trong đổi mới phương pháp dạy học, tích hợp và ứng dụng phương tiện công nghệ , các trường cần thay đổi từ truyền thụ tri thức sang hướng dẫn tìm tri thức nơi sinh viên có thể thu thập, thăm dò, thảo luận và rút ra kết luận logic cuối cùng.
Giảng viên không cần rót tri thức vào đầu của sinh viên, không còn phải biết mọi câu trả lời hay là nguồn gốc của mọi tri thức, giảng viên chỉ cần là người hướng dẫn tốt, kèm cặp, hỗ trợ, biến lớp học trở thành nơi mọi người đều học, kể cả thầy giáo.
Lợi ích của việc hiểu rõ vai trò khi ứng dụng phương tiện công nghệ vào dạy học là rất lớn, khi việc sử dụng công nghệ đa phương tiện trong giảng dạy và học tập thuần thục sẽ tạo ra môi trường vừa học vừa chơi trên các phần mềm học trực tuyến giúp học sinh, sinh viên tiếp thu nhanh và hiệu quả thông qua video, hình ảnh …
Giảng viên tiết kiệm được nhiều thời gian dạy và không quá vất vả khi thể hiện những nội dung kiến thức mới, bài học được thiết kế linh hoạt theo đặc trưng bộ môn hoặc nội dung tiết học. Quan trọng, việc áp dụng kỹ thuật công nghệ thông tin vào trong giảng dạy giúp nhà trường giảm được nhiều chi phí hơn so với cách dạy truyền thống khô khan. Từ đó, giúp học sinh, sinh viên không còn sợ, không còn chán ghét cách học viết, thay vào đó là sự say mê, tìm tòi, học hỏi nhiệt tình trong học.
Để phương pháp này thực sự có hiệu quả trên thực tế, giảng viên phải tự học hỏi trau dồi thêm những kiến thức chuyên môn, các phương pháp dạy mới, phương pháp dạy học theo phương châm lấy người học làm trung tâm. Song song đó các trường cần đầu tư những trang thiết bị dạy học cho phù, cần tạo điều kiện và kinh phí để bồi dưỡng giảng viên biên soạn giáo án điện tử, sử dụng thành thạo các thiết bị giảng dạy hiện đại nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.