Ứng dụng giải bài tập: Đừng để học sinh “hư” lại đổ lỗi cho công nghệ!
–
Thứ hai, 25/04/2022 06:36 (GMT+7)
Công nghệ phát triển, đặc biệt là các ứng dụng trên nền tảng di động, đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, trong đó có các tính năng giải bài tập cho học sinh.
Rất nhiều ứng dụng giải bài tập miễn phí trên Internet có thể tải về điện thoại. Ảnh: Thế lâm.
Được cho là đang nở rộ, từ ứng dụng giải bài tập các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, thậm chí cả môn ngoại ngữ như tiếng Anh, cho đến một số môn học khoa học xã hội…
Chỉ cần mở tính năng scan hoặc camera (máy ảnh) trên ứng dụng để chụp/quét qua đề thi, chỉ vài giây sau là đáp án có thể hiển thị trên màn hình smartphone.
Ứng dụng giải bài tập cho học sinh là quá trình “chuyển đổi số” dường như là tất yếu khi công nghệ phát triển thay thế dần cho các đáp án của những bộ đề, bài tập in trên giấy hay xuất bản thành sách từ trước tới nay.
Song nếu là sách hoặc tài liệu in, học sinh phải lật mở từng trang để dò tìm. Thậm chí trong một số tình huống tiêu cực, học sinh khó có thể mang vào phòng thi vì sự kiểm soát chặt chẽ.
Còn với ứng dụng giải bài tập, khi quy định không cấm mang điện thoại vào lớp học (hoặc thậm chí phòng thi), sẽ trở thành “tài liệu quay cóp” hữu hiệu đối với những thí sinh muốn gian lận. Khi đó, bài thi sẽ phản ánh không đúng năng lực thực sự của học sinh, thí sinh.
Thời đại công nghệ phát triển với chiếc smartphone “all in one” chứa đựng tất cả những tính năng, tiện ích giúp ích cho công việc, học tập, giải trí, mua sắm… Trong đó, tiện ích giải bài tập cho học sinh qua ứng dụng di động, nếu được học sinh, sinh viên sử dụng một cách có trách nhiệm, mang tính tham khảo nhằm hỗ trợ cho quá trình học tập và tư duy, thì sẽ mang đến hiệu quả và sự tích cực.
Còn ngược lại, nếu bị lạm dụng, đặc biệt là dùng ứng dụng giải bài tập để làm thay tất cả, học sinh sẽ dần trở nên lười biếng, lười tư duy, dẫn đến thui chột kiến thức và các khả năng, kỹ năng trong học tập. Thậm chí như đề cập ở trên, các ứng dụng giải bài tập có thể sẽ trở thành công cụ gian lận cho những học sinh, thí sinh không muốn học bằng thực lực.
Ứng dụng giải bài tập trên điện thoại, nếu được dùng như một phương tiện để luyện làm bài rồi so sánh đối chiếu đáp án, cách giải bài, thì sẽ rất hữu ích và hoàn toàn có thể thúc đẩy năng lực, tư duy của học sinh phát triển.
Suy cho cùng, công nghệ không có lỗi, vấn đề quan trọng vẫn thuộc về phía người dùng. Học sinh sử dụng ứng dụng giải bài tập muốn phần mềm làm thay để lười biếng, rong chơi thì phụ huynh, người lớn phải quan tâm theo dõi để phát hiện kịp thời và uốn nắn ngăn chặn. Nếu không, hệ lụy đối với việc học của con em sẽ rất nghiêm trọng.
Trên thực tế, khi công nghệ ngày càng phát triển càng giúp ích nhiều cho cuộc sống con người, góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề bức thiết, thiết thực cho người dùng.
Tuy nhiên trong vấn đề có hai mặt, cách khôn ngoan nhất là sử dụng mặt tích cực của công nghệ để phát huy tối đa tính năng hữu ích của nó giúp ích cho cuộc sống, còn mặt trái cần được cảnh giác, cảnh tỉnh để tránh lạm dụng hoặc sa vào.