Ứng dụng hẹn hò tại Trung Quốc thăng hoa sau hai năm đại dịch

Trong khi Trung Quốc thắt chặt ngành công nghệ, một góc nhỏ liên quan đến các ứng dụng hẹn hò vẫn liên tục thăng hoa.

 Qui Tongzhou, 28 tuổi, dùng ứng dụng hẹn hò để tìm bạn bè trong chuyến du lịch của mình. (Ảnh: NYTimes). 

Khi Qu Tongzhou, một công dân Thượng Hải, lên kế hoạch cho chuyến đi đến miền Tây Trung Quốc vào tháng 6, cô nhận thấy các thành phố mà mình tới thăm không quá chào đón mình. Với chính sách “zero-COVID” ngặt nghèo, người dân địa phương ái ngại khi thấy khách du lịch. Một số khách sạn thậm chí từ chối phục vụ Qu vì lo ngại cô mang theo virus.

Do đó, Qu tìm đến Tantan và Jimu, 2 ứng dụng hẹn hò nổi tiếng ở Trung Quốc với nhiều tính năng tương tự Tinder. Cô hiểu rõ rủi ro liên quan đến gặp người lạ nhưng những ứng dụng này đã mang đến cho cô nhiều người bạn mới. Ở mỗi điểm đến, những người Qu “ghép cặp” được trên ứng dụng giúp cô có chỗ nghỉ ngơi, đưa cô tới những quán bar và nhiều địa điểm khác tại địa phương.

“Nếu không dùng những ứng dụng này, tôi không thể gặp nhiều người đến vậy”, Qu nói. “Không ai muốn đưa tôi ran ngoài”.

Trong 2 năm trở lại đây, Trung Quốc thắt chặt ngành công nghệ nội địa, cấm các công ty dạy thêm trực tuyến để kiếm lợi nhuận, hạn chế phát hành game và đưa ra các khoản phạt chống độc quyền hàng tỷ USD vào nhiều sàn TMĐT. Nhiều “ông lớn” công nghệ, ví dụ như Jack Ma, thậm chí tỏ ra dè dặt với việc xuất hiện trước công chúng.

Dù vậy một góc nhỏ của ngành công nghệ Trung Quốc vẫn thăng hoa: các ứng dụng hẹn hò.

Số lượng ứng dụng hẹn hò ở Trung Quốc có từ 1.000 tải về trở lên tăng lên 275 ứng dụng trong năm nay từ con số 81 vào năm 2017, theo data.ai. Cùng thời điểm, các giao dịch mua trong ứng dụng hẹn hò cũng tăng lên.

Các nhà đầu tư đổ hơn 5,3 tỷ USD vào các ứng dụng mạng xã hội và hẹn hò tại Trung Quốc trong năm ngoái, tăng lên từ 300 triệu USD vào năm 2019, theo PitchBook. Nhiều công ty Trung Quốc lớn như ByteDance và Tencent cũng đang thử nghiệm, mua lại hoặc đầu tư vào các ứng dụng kết nối những người lạ với nhau.

Các ứng dụng này đều đang thăng hoa, trong lúc Bắc Kinh dường như không để ý đến chúng, vì nhiều lý do hơn những cuộc hẹn hò lãng mạn. Chúng hứa hẹn thúc đẩy người dân Trung Quốc kết hôn vào thời điểm tỷ lệ kết hôn và sinh con ở Trung Quốc rơi xuống tỷ lệ thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, chúng cũng giúp người dùng chống lại sự cô đơn vì các lệnh hạn chế do COVID-19.

Với nhiều người, các ứng dụng này đã trở thành nơi để khám phá sở thích, thảo luận các chủ đề nhiều người quan tâm và gặp bạn bè mới.

“Rất khó để gặp trực tiếp mọi người”, Raphael Zhao, một công dân 25 tuổi ở Bắc Kinh, nói. Zhao tải Tantan về vào tháng 4 khi buộc phải ở lại ký túc xá vì COVID-19. “Vì có rất nhiều người trên các ứng dụng này, nó mang đến cho bạn rằng bạn có thể gặp ai đó mình muốn kết nối”.

Trong quá khứ, giới chức Trung Quốc từng áp dụng nhiều hành động với các ứng dụng hẹn hò. Năm 2019, Tantan và một ứng dụng hẹn hò khác có tên Momo phải dừng một số tính năng sau khi các cơ quan quản lý kết luận rằng họ không quan tâm đúng mức đến vấn đề nội dung đen trôi nổi trong ứng dụng.

Dù vậy, khác với các ứng dụng trao đổi tiền mã hoá hay dạy thêm trực tiếp, ứng dụng hẹn hò và các dịch vụ tập trung vào gặp gỡ xã hội không bị ảnh hưởng nhiều từ các đợt thặt chặt của chính phủ khi họ thể hiện rõ mục tiêu là giúp xã hội Trung Quốc phát triển.

Zhang Lu, người sáng lập của ứng dụng hẹn hò Soul, cho biết “cô đơn là vấn đề lõi mà chúng tôi muốn giải quyết”. Trong khi đó, Blued, một ứng dụng hẹn hò cho người đồng tính, quảng bá hình ảnh như một ứng dụng giúp nâng cao nhận thức liên quan đến HIV và sức khở cộng đồng.

“Thay vì thắt chặt, các ứng dụng hẹn hò được xem như các công nghệ có thể hợp tác hiệu quả với các cơ quan chức năng”, Yun Zhou, một trợ lý giáo sư tại Đại học Michigan, nói.

Khi hẹn hò qua internet có mặt tại Trung Quốc vào đầu những năm 2000, sức mạnh của việc hình thành những mối quan hệ, vốn từng là việc của các bà mối, bố mẹ và sếp lớn tại các công ty, dần thuộc về từng cá nhân. Nhiều người hào hứng với sự thay đổi này và đổ xô lên các ứng dụng cho trò chuyện với người lạ như WeChat.

Xu hướng này tiếp tục nở rộ vào những năm 2010 với các ứng dụng hẹn hò như Momo và Tantan. Cùng Soul, chúng trở thành 3 ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất tại Trung Quốc với tổng cộng hơn 150 triệu người dùng hàng tháng.

Bản thân các ứng dụng này cũng đã thay đổi. Tantan và Momo từ lâu đã ghép cặp người dùng dựa trên ngoại hình. Gần đây, ứng dụng này bắt đầu sử dụng sở thích, thói quen và tính cách người dùng để ghép cặp.

Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) và Little Red Book (một ứng dụng tương tự Instagram) phát triển tính năng “khám phá xã hội” trong đó dùng sự hiểu biết về người dùng để ghép cặp họ. Soul được yêu thích trong vài năm trở lại đây nhờ tính năng avatar và dùng các bài kiểm tra tính cách để gợi ý bạn bè. Năm ngoái, Soul vượt Tantan và Momo để trở thành ứng dụng hẹn hò được tải về nhiều nhất trên App Store Trung Quốc.

Nhiều người dùng các ứng dụng hẹn hò dường như thích gặp bạn bè mới hơn là hẹn hò lãng mạn. Một khảo sát vào tháng 10 cho thấy 89% người tham gia nói rằng họ đã dùng một ứng dụng hẹn hò trước đây nhưng phần lớn là để mở rộng kết nối bạn bè thay vì tìm người yêu.

Vladimir Peters, một lập trình viên Thượng Hải đang phát triển ứng dụng hẹn hò, nói rằng nhiều người trẻ Trung Quốc muốn ứng dụng mang đến trải nghiệm toàn diện hơn, trong đó hoà trộn giải trí và khám phá sở thích thay vì chỉ ghép cặp đơn thuần.

Nhiều “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như Tencent, NetEase hay ByteDance dường như cũng có kết luận tương tự.

Khi Thượng Hải đóng cửa vì đại dịch hồi tháng 4, Qu nói rằng cô trân trọng những người mình đã gặp trên các ứng dụng hẹn hò như bạn bè trực tuyến.

“Chúng tôi bắt đầu kết nối với nhau chỉ trên khía cạnh tâm lý”, cô nói.