Ứng xử giữa nhân viên và lãnh đạo trong văn hóa công sở

Trong cuộc sống hàng ngày, hành vi ứng xử của mỗi người rất đa dạng, từ ứng xử với ông bà, cha mẹ, con cái, người thân và đồng nghiệp. Mỗi một hành vi ứng xử, ứng với một đối tượng chắc hẳn không thể như nhau, chẳng hạn hành vi ứng xử của bạn đối với người lớn tuổi, sẽ khác với hành vi ứng xử với người nhỏ tuổi.

Vì vậy có thể nói, hành vi ứng xử với từng mối quan hệ, ứng với từng hoàn cảnh, môi trường cụ thể sẽ khác nhau. Nhưng tựu trung lại, hành vi ứng xử trong bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào thì điều cơ bản vẫn phải giữ được sự tôn trọng và chuẩn mực nhất định.

Trong văn hóa công sở, việc nhân viên ứng xử với cấp trên như thế nào hay ngược lại chính là điều được nhiều người quan tâm. Đôi khi chính chúng ta đang bị lúng túng khi không biết phải ứng xử ra sao nếu bị cấp trên phê bình hay bị nhân viên phản ứng… Chúng ta hãy cùng nhau chia xẻ!

Nhân viên đối với cấp trên: Bạn hãy thể hiện sự tôn trọng và cư xử đúng mực đối với cấp trên, hãy làm tốt công việc của mình, thể hiện được năng lực cũng như trình độ của mình, làm việc có trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc được giao, cần phải hiểu được nhà quản lý mong đợi ở mình điều gì để có thể đáp ứng một cách tốt nhất.

Bạn hãy cố gắng hoàn thành công việc của mình hoàn hảo hơn sự kỳ vọng của cấp trên và chấp nhận những thử thách mới, từ đó sẽ học hỏi được thêm nhiều điều, làm việc với tinh thần đồng đội và luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.

Cấp trên đối với nhân viên:

Đánh giá, nhận định: Đánh giá, nhận định đúng về sở trường cũng như tài năng của nhân viên, nếu nhận định đúng và có những kế hoạch cụ thể thì sẽ phát huy được tối đa năng lực của nhân viên và ngược lại sẽ khiến cho nhân viên bức xúc, bất mãn.

Rõ ràng trong thưởng phạt: Dựa vào hiệu quả công việc của nhân viên, người lãnh đạo cần có những thưởng phạt kịp thời để nhân viên có động lực làm việc. Họ sẽ nhìn nhận ra rằng khi họ làm tốt họ sẽ được công nhận và nếu không làm tốt họ sẽ được góp ý, rút kinh nghiệm. Khi nhân viên mắc lỗi đừng vội vàng mắng họ mà hãy lắng nghe họ đã. Sau khi lắng nghe xong thì hãy chỉ ra những điểm sai để họ rút kinh nghiệm.

Giao việc: Giao việc cho nhân viên cấp trên cần chú ý đến năng lực, khả năng giải quyết vấn đề cũng như cần làm gương cho cấp dưới tuân theo. Khi đó họ học được từ chính quản lý của mình những bài học kinh nghiệm quý báu. Quản lý khi có những tinh thần làm việc hăng hái, lạc quan thì cũng khiến cho nhân viên noi theo.

 Khen ngợi: Lời khen là điều cần thiết cho việc quản lý. Khen cũng là một nghệ thuật. Bởi lời khen có thể khích lệ nhân viên làm việc nhưng nếu không khéo cũng có thể khiến cho nhân viên tự phụ. Lời khen cần đi kèm với động viên “Bạn đã làm tốt, hãy phát huy nhé!”.

Tiếp nhân thông tin phản hồi từ nhân viên: Hãy lằng nghe và tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân viên. Đó chính là một kênh quan trọng cho các nhà quản lý nắm bắt được tâm tư của khách hàng, đối tác… thông qua các phản hồi. Có thể hàng ngày quản lý có rất nhiều công việc khác nhau nhưng việc đọc hay chú ý đến những phản hồi của nhân viên sẽ giúp quản lý thu thập được rất nhiều thông tin bổ ích.

Không quá tò mò về vấn đề riêng tư: Có nhiều nhân viên bị ảnh hưởng rất nhiều từ việc gia đình khiến cho công việc bị trì trệ. Và chính những điều này, người quản lý cũng cần cân nhắc và lưu tâm tới. Chỉ khi nhân viên không quá phân tâm với những vấn đề cá nhân thì kết quả công việc mới có thể tốt được. Do đó, hãy là người quan tâm đến đời sống của nhân viên và giúp đỡ họ nếu có thể nhưng đừng quá soi mói hay can thiệp quá sâu.