VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ VĂN HỌC NHẬT BẢN

Văn học đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của bất cứ quốc gia nào. Văn học Nhật Bản là nền văn học giàu truyền thống và có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Nhật Bản. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những nét đặc sắc của văn học Nhật Bản qua từng thời kỳ lịch sử.

1. Văn học thượng cổ (710- 794)
Quần đảo Nhật Bản, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, đã bước vào thời kỳ xã hội nguyên thủy. Ở xã hội này, khi tập hợp ở những dịp lễ hội, hay săn bắn, hay làm nông, mọi người ca hát, kể chuyện, múa, biểu diễn những âm thanh và động tác thú vị cho nhau. Những điều đó nhanh chóng trở thành những hạt mầm của văn học. Khoảng thế kỷ 1, thế kỷ 2, đã có những quốc gia nhỏ xuất hiện ở vài nơi bởi sự phát triển của xã hội nông nghiệp, theo chế độ thị tộc tập trung ở một địa vực nhất định, có người lãnh đạo thị tộc. Các quốc gia tập trung này, vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ ba, đầu thế kỷ thứ 4, tập hợp lại thành triều đình Yamato với trung tâm là Thiên hoàng, quốc gia thống nhất theo chế độ thị tộc xuất hiện. Hơn nữa, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4, thông qua sự qua lại của người dân và sự giao thiệp với Trung Hoa đại lục, văn hóa và kỹ thuật của Trung Hoa đã bắt đầu truyền tải vào Nhật Bản.
Cho đến thế kỷ thứ sáu, xuất hiện ý thức muốn chuyển đổi thành một quốc gia mới có tính tuyệt đối từ quốc gia theo chế độ thị tộc vốn bất ổn định và không công bằng. Khoảng giữa thế kỷ thứ sáu, Phật giáo cũng được truyền vào Nhật Bản, đặc biệt đầu thế kỷ thứ bảy, Thái tử Shotoku với vai trò đi sứ, đã truyền bá văn hóa Trung Hoa và Phật giáo về Nhật, ý thức về nhà nước có Hiến pháp 17 điều với trung tâm quyền lực là Thiên hoàng càng trở nên mạnh mẽ. Với cải cách Taika, khoảng nửa cuối thế kỷ thứ bảy, quốc gia tập quyền trung ương có luật pháp và quyền lực tuyệt đối của Thiên hoàng đã hoàn chỉnh. Tương ứng với bước đi này của lịch sử, về văn hóa cũng tiếp thu những hình thức từ đại lục, xuất hiện các nền văn hóa Hakuho và Asuka tao nhã, ở triều đình Nara đã xuất hiện văn hóa Tenbyo thanh lịch. Đặc biệt xuất hiện sự phân hóa trong lĩnh vực thơ ca, từ những ca khúc mang tính tập thể, đã nổi bật lên những sáng tác mang tính cá nhân. Sự phát triển mang tính nhảy vọt như vậy đã tạo nên nền phong hóa Nhật Bản, giúp ích cho việc hình thành tính cách cơ bản của dân tộc Nhật Bản.
– Từ văn học truyền khẩu tới văn học ghi chép
Sự phát sinh của văn học Nhật Bản, chúng ta phải hiểu là nền văn học từ trước khi có sự hình thành tiếng Nhật. Văn học thời sơ kỳ cổ đại là sự tồn tại dung hợp vừa vặn, tương trợ lẫn nhau của lịch sử, thần thoại, truyền thuyết, tích truyện. Người ta tin rằng hiện tượng phát sinh thế giới con người và thế giới tự nhiên vượt qua năng lực của con người, là do hành động của thần linh, nên kính sợ và sống với những niềm tin và cơ sở sinh hoạt như vậy. Thế giới tưởng tượng sinh động và tự do là chất liệu cho họ tạo nên thần thoại với những câu chuyện kể mang tính phát sinh tự nhiên qua một thời gian dài, đặc biệt với trung tâm là hoạt động tạo ra con người và trời đất của thần linh. Những hình thức văn học truyền khẩu ấy, bởi người của những thị tộc và cộng đồng nhất định và những người được gọi là “kataribe” (tức là những người chuyên về việc kể truyền thuyết và ghi chép việc cũ ở triều đình) kể lại. Do chỉ là kể truyền miệng lại, nên trong thời kỳ của văn học truyền khẩu có những tác phẩm bị tiêu biến, không được phát triển hay biến đổi một cách tự nhiên.
Phương pháp ghi chép lại tiếng Nhật bằng chữ Hán vẫn chưa hoàn thiện khiến văn học thời cổ đại trong một thời kỳ dài, chỉ là văn học truyền khẩu. Từ sau cải cách Taika việc ghi chép bằng chữ Hán mới bắt đầu. Ở thế kỷ thứ sáu, hai tác phẩm “Kojiki” (Cổ sự ký) và “Nihonshoki” (Nhật Bản thư kỷ) với tư cách là các bộ sử của Nhật Bản đã được hình thành. Những thể loại văn học như ca dao, truyền thuyết, thần thoại đã có từ trước, được kết hợp thành các tác phẩm “Manyoshu” (Vạn diệp tập) và “Kaifuso” (Hoài phong tảo), là các tuyển tập thơ ca được sáng tác với nét cá tính. Đặc biệt, “Manyoshu”, được coi là cội nguồn của văn học Nhật, đáng tự hào là một bộ từ điển lớn của thế giới. Tuy đó là các tác phẩm được biên tập toàn bộ bởi giới quý tộc cai trị, nhưng vẫn ẩn giấu bóng dáng và tinh thần của tầng lớp bình dân, là nguồn nguyên liệu phong phú đối với nền văn học các thế kỷ sau. Đó là vì tầng lớp quý tộc cai trị đương thời tôn trọng những mong muốn tích cực của thời kỳ kiến thiết quốc gia, chưa xa rời con người và hiện thực.
2. Văn học trung cổ (794- 1192)
Trong khoảng 400 năm của xã hội quý tộc triều đình, ba giai cấp đã được phân chia rõ ràng. Trong khoảng một thế kỷ đầu tiên, tuy chứa đựng các mâu thuẫn, nhưng ý đồ dời kinh đô về Heian với mong muốn củng cố quyền lực của một thể chế chính trị có luật pháp đã được thực hiện. Trong khoảng hai thế kỷ tiếp theo, dòng họ Fujiwara nắm quyền nhiếp chính và thực chất nắm toàn bộ quyền hành về chính trị và kinh tế, cùng lúc đó chế độ trang viên cũng được mở rộng, thế lực quý tộc địa phương cũng mạnh lên. Khoảng thời gian một thế kỷ cuối cùng, thay cho quyền lực nhiếp chính do có chế độ Thái thượng hoàng (vua nhường ngôi cho thái tử), là sự xuất hiện của tập đoàn võ sĩ. Trong giới tôn giáo, đầu tiên hai nhà sư Saicho và Kukai lập ra hai phái khác nhau là phái Tendai và Shingon bị cấm đoán, nhưng chẳng bao lâu đã trở thành tôn giáo bí mật khá phổ biến, và thuyết Suijaku bản địa tập hợp cả Phật giáo và tín ngưỡng thờ Thần linh cũng được phổ biến dần dần. Thời kỳ giữa, hai phái Tendai và Shingon đều trở nên thế tục hơn, tập hợp sự quan tâm của những người có tư tưởng tin vào “Phục sinh yếu tập” (gồm ba quyển, nói về việc tu hành để tới được miền cực lạc sau khi qua đời). Thời trung cổ, vườn hoa văn học quý tộc nở rộ, rồi héo tàn ngay trong thời kỳ này. Sơ kì Heian, dưới chế độ quốc gia quân chủ có luật pháp, văn học chữ Hán theo tư tưởng Nho giáo bước vào thời kỳ thịnh đạt, đặc biệt dưới thời kỳ cai trị của hai Thiên hoàng Saga và Junna, ba tập sắc tuyển Hán thi đã được hoàn thành. Sự tu dưỡng mang tính văn học Hán và tính chất Nhật Bản vào thời kỳ này trở thành cơ sở quan trọng sinh ra nền văn học quý tộc về sau. Đồng thời, dưới đáy của nền văn học chữ Hán đang thịnh đạt, vẫn tồn tại những nhóm tác giả nữ vô danh nhỏ lẻ, giữ cốt cách của Waka (các bài thơ mang tính Nhật), chữ Kana (chữ cái của người Nhật) cũng được phát minh, trở thành tiền đề quan trọng cho văn học phát triển về sau.
Có một dòng văn học được tạo ra bởi các tác giả nữ. Sau khi thiết lập chế độ nhiếp chính của dòng họ Fujiwara, một dòng họ quý tộc trang viên rất hùng mạnh, trong khoảng thời gian trên dưới 40 năm của thời Thiên hoàng Daigo trị vì, tập sắc tuyển Waka đầu tiên được soạn ra, đó là tập “Kokinshu” (Cổ kim tập), Waka được hồi sinh với phong cách mới, đó là “tự sự mang tính tri thức”. Về sau, các tập sắc tuyển Waka lần lượt được biên soạn. Tuy vậy, đối với xã hội quý tộc trang viên yên tĩnh, thể loại văn học nổi bật nhất không phải là Waka, mà là thể loại mới: chuyện kể và tự sự. Đặc biệt với bối cảnh hậu cung, bắt đầu từ “Makura no soshi” (sách gối đầu) và “Genji monogatari” (chuyện ông hoàng Genji), xuất hiện thời kỳ cực thịnh của văn học nữ lưu với các thể loại nhật ký và tùy bút. Tuy có nhiều đề tài và hình thức từ hiện thực cuộc sống của giới quý tộc triều đình, nhưng các tác giả có ý định xây dựng một thế giới văn học với cảm xúc cô độc cá nhân, nên văn học nắm bắt được vẻ tinh tế sâu sắc, lột tả được nội tâm phong phú, đã đạt tới sự ưu tú với xu hướng “mono no aware” (vật ai, tức niềm bi ai của sự vật).
3. Văn học trung đại (1192 – 1603)
Đầu thời kỳ văn học này là các cuộc chiến tranh loạn lạc như loạn Hogen và Heiji (niên hiệu Thiên hoàng từ năm 1156 tới 1160), rồi đến cuộc chiến Genpei (cuộc chiến giữa hai dòng họ Minamoto và Heike), tiếp theo trải qua loạn Jokyu (năm 1221), chế độ Buke (vũ gia – dòng họ võ sĩ) thay thế cho chế độ Kuge (công gia – dòng họ quý tộc), nắm quyền lực chính trị – kinh tế. Về mặt tôn giáo, các phái Phật giáo mới như Jodoshu (Tịnh thổ tông), Jodoshinshu (Tịnh thổ chân tông), Jishu (Thời tông), Nichi renshu (Nhật liên tông), Zenshu (Thiền tông) được phổ biến như những phái Phật giáo mới, hơn nữa văn hóa và tư tưởng của triều đại Tống – Nguyên từ đại lục cũng du nhập vào Nhật Bản. Tiếp theo, có thời kỳ quá độ với sự phân tranh của hai triều đình Nam- Bắc, thời hậu kỳ với trung tâm là thời đại Muromachi, diễn ra sự quý tộc hóa của các thủ lĩnh vũ sĩ, và đáng chú ý là hiện tượng đảo chính với các cuộc phản loạn liên tục của các Daimyo Shugo (đại danh thủ hộ – các lãnh chúa ở các địa phương). Đồng thời, công thương nghiệp phát triển, đời sống của tầng lớp bình dân cũng được nâng cao, họ dần dần tham dự vào lĩnh vực văn hóa.
Giai đoạn cuối của thời kỳ Heian, khi tư tưởng Matsu-po (Mạt pháp) được nắm bắt, đây lại là thời kỳ của những biến động không ngừng trong xã hội nội loạn, nên tư tưởng Phật giáo Onri edo và Gongu jodo (tư tưởng coi thế giới này là nhơ bẩn, đáng ghét, cầu nguyện được tới sống ở thế giới Jodo- tịnh thổ) được thờ phụng rộng rãi. Tuy nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần giới quý tộc Heian, và được tán thành nhiệt liệt bởi hành động và khí chất của giới vũ sĩ mới nổi, song chẳng bao lâu, cùng với sự phát triển kinh tế và đời sống được nâng cao, họ lại tìm thấy sự vui vẻ trong cuộc sống và ca ngợi thế giới hiện tại.
Văn học thời trung đại, một mặt kế thừa truyền thống văn học quý tộc từ thời Heian, nhưng về mặt thơ ca truyền thống, đã xuất hiện thể loại mới Renca (liên ca) được tạo thành từ Waka, về lĩnh vực Monogatari (chuyện kể), phạm vi đề tài được mở rộng đến thế giới của người bình dân, tu hành và lớp vũ sĩ mới nổi. Các tác phẩm như ”Gunki monogatari” (quân kí vật ngữ), ”Otogi zoshi” được sáng tác, chuyện dân gian được chia làm hai lĩnh vực là Seyo setsuwa shu (chuyện có nội dung thế tục) và Bukkyo setsuwa shu (chuyện có nội dung Phật giáo), từng thể loại riêng có tính giáo huấn và đậm đặc màu sắc Phật giáo. Về lĩnh vực tùy bút, chủ yếu là tác phẩm được sáng tác ở am cỏ của những vị ẩn sĩ. Về mặt nghệ thuật biểu diễn có kịch Nô và Kyogen ra đời như sự sáng tạo loại hình văn chương mới. Hơn nữa các bài bình luận như Karon (bài lý luận và bình luận về các bài Waka), Renga ron (về Liên ca), Monogatari ron (về chuyện kể), Noge ron (về nghệ thuật), Shiron (về lịch sử) và các bài giảng về giáo lý Phật giáo của các thánh tăng khá nhiều, đó là một đặc trưng nổi bật của văn học thời trung đại.
Vấn đề truyền thống và sáng tạo thì ở bất cứ thời đại nào cũng được quan tâm, nhưng với văn học trung đại, vấn đề này được chú ý đặc biệt. Ví dụ, tác phẩm “Hojoki” (phương trượng ký) và “Heike mono gatari” (chuyện kể Heike), nội dung biểu hiện rất tươi mới một cách có chủ ý. Tuy nhiên, ở lĩnh vực Waka, được coi là mang tính truyền thống dài lâu nhất trong văn học Nhật Bản, thì những tác phẩm mang tính trung đại sẽ được sáng tạo ở điểm nào? Việc phân biệt được điều đó không thể coi là dễ dàng. Tác phẩm “Shin kokinshu” (tân kim cổ tập) ra đời, tiếp tục là phần lớn các bài Waka thời trung đại, nếu nói một từ để phân biệt rõ với Waka thời thượng cổ và trung cổ, đầu tiên là ở phương pháp và thái độ triệt để đối với chủ nghĩa cổ điển, tạo ra vẻ đẹp u huyền mang tính trung đại, vẻ đẹp của sự tinh khiết, mê hoặc. Chủ nghĩa cổ điển thực sự chính là một đặc trưng của văn học trung đại.
4. Văn học cận đại (1603- 1867)
Xã hội phong kiến được cấu thành từ thời trung đại bước vào thời kỳ này, trở nên vững chãi, hình thành chế độ phong kiến Bakuhan (Mạc phủ-phiên quốc, hay chính quyền Mạc phủ trung ương và các lãnh chúa chư hầu ở các địa phương) chịu sự chi phối của tư tưởng Nho giáo. Một thời kỳ thái bình được chờ đợi cuối cùng đã tới, đây là một đặc quyền cho sự phát triển văn hóa thời cận đại.
Văn học cận đại có thể nói là nền văn học của giới bình dân. Từ thời Sengoku (Chiến quốc), tất nhiên khuynh hướng này đã được nhận thấy, nhưng đến thời kỳ hòa bình Edo, xã hội phong kiến tập quyền cùng với lệnh Tỏa quốc (cấm không cho tàu buôn nước ngoài đến Nhật Bản buôn bán), giúp tư bản thương nghiệp phát triển, kéo theo giai cấp bình dân, đặc biệt là thương nhân dần dần có địa vị cao hơn. Tuy họ chẳng có quyền lực trong chế độ đương thời, nhưng do nắm giữ hoạt động thương nghiệp vốn có ảnh hưởng lớn tới đời sống, nên có thể nói lên suy nghĩ một cách thoải mái. Trong phương diện văn học cũng vậy, họ không chỉ ở lập trường người tiếp thu, mà còn sáng tác rất nhiều hình thức mới mang tính độc lập. Văn học của họ, đầu tiên chỉ có ở Kyoto, Osaka, về sau, cùng với màu sắc càng ngày càng đa dạng, đã lan tới Edo (Tokyo ngày nay).
Văn học thời sơ kỳ cận đại, về tiểu thuyết có “Kana zoshi”, về Haikai (bài hài- một thể thơ ngắn của Nhật) có phái Teimon, đều là tiêu biểu cho cơ sở tinh thần thời cận đại, nhưng chủ thể tiếp theo của văn học lại là tầng lớp bình dân. Điều đó tạo thành muôn vàn sắc hoa phong phú cho văn học, trong suốt thời gian từ thời Enpo tới thời Genroku (năm 1673 tới năm 1704), khoảng 30 năm, được gọi là thời đại Genroku. Nền văn học của Chonin (thị dân) ấy, lấy Kyoto và Osaka làm trung tâm để phát triển lên phía trên, nên còn gọi là nền văn học Joho (hướng thượng). Thời cận đại là thời kỳ văn học tỏa ánh sáng lấp lánh, với câu nói “không có gì đáng yêu như con người” về văn học Ukiyo (phù thế) lấy trung tâm là con người, thi sĩ Basho tạo nên thể loại Haikai như một nghệ thuật, và Chikamatsu sáng tạo kịch rối Joruri (Tịnh lưu ly) trong lĩnh vực sân khấu. Tuy họ có khác nhau về đời sống và hoạt động văn học, nhưng đều mang ý thức mạnh mẽ giải phóng con người. Sự hưng khởi của nền văn học này, có thể thấy qua việc kỹ thuật in ấn phát triển, việc phổ cập giáo dục cùng với chính sách Văn trị, tuy được suy xét về rất nhiều khía cạnh, nhưng hơn bất cứ điều gì, ý thức phong phú của tầng lớp thị dân mới nổi đã chi phối được đời sống.
Đô thị Edo mới phát triển, tuy là đô thị mang tính thực dân về mặt phát triển văn hóa, nhưng điểm đặc sắc của Edo bắt đầu từ thời Kyoho (năm 1716 tới năm 1736), qua thời Meiwa- Anei- Tenmei (từ năm 1764 tới 1788), cho đến thời kỳ thịnh đạt nhất về văn hóa là thời Bunsei (từ năm 1803 tới năm 1830), tất cả gọi chung là văn học Edo. Về mặt tiểu thuyết, các hình thái văn học mới lần lượt ra đời như Goken (hợp quyển), Yomihon (sách đọc), Sharebon (sách dạy làm đẹp), Kotsukeibon (sách hoạt kê), Ninjobon (sách tình cảm),…Về lĩnh vực Haiku (bài cú) sôi nổi với sáng tác của thi sĩ Buson, đối với kịch Joruri cũng được thay thế bởi Kabuki (Ca vũ kịch) đã được hoàn thành, ca dao cũng  phát triển theo đó, thế giới Waka thì đặc trưng là trở thành môn học trên toàn quốc, như vậy trên phạm vi rộng, đa hình đa dạng tác phẩm được đưa ra. Tuy nhiên, nhìn về nội dung, những quy định của chế độ phong kiến đang hùng mạnh đã bao phủ nền văn học. Các thuộc hạ thân cận của triều đình Mạc phủ nhận lấy việc chi phối và chỉ đạo trực tiếp, và cuộc sống của người bình dân vốn không mang thái độ đấu tranh, người tiếp thu và người sáng tác đều luồn cúi trước chính quyền. Kết quả, văn học đã dần dần thay đổi sang hình thức cho hài lòng người cầm quyền. Dù vậy, nhìn từ góc độ văn học sử, cho thấy sự cách tân về kỹ thuật biểu hiện, về chủ đề, hơn nữa, cơ sở nền văn học của tầng lớp bình dân đã xây dựng nên địa bàn cho một thời đại đang tới.
5. Văn học hiện đại (1868 tới nay)
Nước Nhật thời hiện đại, trên phương diện tinh thần tinh thần, tính cá nhân của mỗi người được đánh thức và được coi trọng, do đó đây là thời đại của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân. Về mặt chính trị, là thời kỳ quốc gia có Hiến pháp với chế độ tập quyền trung ương, về kinh tế là thời kỳ tư bản chủ nghĩa, về mặt xã hội, đã hình thành xã hội công dân. Và mặc dù ở Tây Âu, từ sau cách mạng Pháp (từ năm 1789 đến 1799) đã bước vào thời kỳ hiện đại, nhưng ở Nhật Bản, thời hiện đại chỉ bắt đầu sau khi chính quyền mới của Thiên hoàng Meiji (Minh Trị) lật đổ chính quyền phong kiến Mạc phủ vào năm 1868. Tuy thời hiện đại của Tây Âu được tạo thành và phát triển từ bên trong một cách tự nhiên, thời hiện đại của Nhật Bản do áp lực từ nước ngoài và do quyền lực của chính phủ Meiji, được phát triển một cách cưỡng ép, mang tới sự mâu thuẫn và mất cân bằng về mọi phương diện. Tinh thần của thời kỳ này là tạo ra nền văn minh theo kiểu những câu cách ngôn mang tính vật chất của Tây Âu, như “Bunmei kaika” (khai hóa văn minh) hay “Fukukoku kyohei” (phú quốc cường binh). Đặc biệt, bước vào những năm thứ hai mươi của thời kỳ Meiji, chủ nghĩa quốc gia được coi là phương châm.
Nền văn học thời hiện đại, được xây dựng trên cơ sở tinh thần chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân. Thế nhưng, văn học truyền thống lâu đời của Nhật Bản, khi tiếp nhận ảnh hưởng văn học và tư tưởng mới của Tây Âu, biểu lộ đặc thù là thay đổi thành nền văn học tôn trọng tính cá nhân. Và việc miêu tả con người, miêu tả cá tính trở thành mục tiêu lớn nhất, được gọi là phương pháp tả thực, tiểu thuyết với vai trò một tản văn nghệ thuật, trở thành trung tâm của nền văn học hiện đại. Hơn nữa, những thể loại mới như “bình luận văn học” và “thơ hiện đại” được thêm vào, và thể loại “Genbun icchi” (cách viết văn sử dụng những từ ngữ được dùng hàng ngày) ra đời, đã góp phần cho phương pháp tả thực phong phú hơn. Hình thức rõ ràng, chân thực của bản chất cá nhân được đào sâu và đưa ra lần đầu tiên là từ khi có “văn học theo chủ nghĩa tự nhiên” (năm Meiji thứ 40- trước sau năm 1907). Cũng thời kỳ này, văn học Nhật Bản được xem như đã hiện đại hóa với vai trò là nền văn học của nhân dân.
Trận động đất Kanto (năm 1923) có vai trò như một cột mốc ranh giới về thời gian. Từ khi phong trào văn học Vô sản mang tính dân chủ nổ ra cho tới năm 1923, được coi là Tiền kỳ, còn sau đó đến nay, trải qua chiến tranh Thái Bình Dương, được coi là Hậu kỳ của văn học hiện đại.
– Tiền kỳ văn học hiện đại:
Tiền kỳ văn học hiện đại từ năm Thiên hoàng Meiji tức vị tới năm Taisho thứ 12 (từ năm 1868 tới năm 1922). Khi Thiên hoàng Meiji lên ngôi, ở Tây Âu, chủ nghĩa tự nhiên đang bùng phát. Sau hàng trăm năm Phục hưng của Tây Âu, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên đang trở thành trào lưu tư tưởng.
Nền văn học Minh Trị mới thực sự bắt đầu vào năm Minh Trị thứ 16 (năm 1885). Một mặt, nền văn học cuối thời kỳ Edo vẫn duy trì, mặt khác các hoạt động như xuất hiện tiểu thuyết chính trị và văn học dịch, cuộc vận động Keimo (vận động toàn dân học tập tri thức), đã giúp ích cho việc xây dựng nền văn học mới. Tiếp theo là thời kỳ với tiểu thuyết của Koda Rohan, văn học của hội Kenyusha  (tập hợp rất nhiều nhà văn nổi tiếng) từ trước thời hiện đại, phát triển ngược lại với phong trào Tây phương, đồng thời với những nỗ lực không ngừng để sáng tạo ra nền văn học mới của Tsubouchi Shoyo, Futaba Teishimei, Mori Ogai… Tuy nhiên, chủ nghĩa lãng mạn từ bên ngoài, được Kitamura Tokoku, Shimazaki Toson truyền đạt cho những người đồng nghiệp của tạp chí “Bungaku kai”(thế giới văn học), và hơn thế được tiếp thu và kế thừa bởi tạp chí “Myojo” (sao sáng). Hơn nữa, năm Minh Trị thứ 27, tám năm sau cuộc chiến tranh Trung- Nhật, xã hội bắt đầu bước vào chế độ tư bản chủ nghĩa, văn học cần tới những phản ánh hiện thực sâu rộng. Cùng với điều đó, rất nhiều thể loại văn học cùng lúc tồn tại, số lượng tạp chí văn nghệ cũng tăng theo, năm Minh Trị thứ 35 (năm 1902), một văn đàn mới đã mở ra. Sau đó xuất hiện văn học theo phái chủ nghĩa tự nhiên, khai thác chiều sâu con người và hiện thực xã hội, nhất là sau chiến tranh Nhật- Nga, phái văn học này hoạt động thêm sôi nổi. Đại diện cho trường phái này là Natsume Soseki. Và công khai phản bác lại trường phái tự nhiên, là phái Tanmi (tôn mĩ). Ngược lại với phái tự nhiên coi trọng tính “Chân”, phái này đặt nặng tính “Mĩ” (đẹp) và coi đó là cơ sở sáng tác.
Thời kỳ Taisho, đáng chú ý trên văn đàn là phái theo chủ nghĩa Tân hiện thực, với đại diện là Akutagawa Ryunosuke. Chủ trương của phái này là đưa ra một vấn đề hiện thực và tìm ra cách lý giải mới mẻ có tính lý trí. Cuối thời kỳ này, xuất hiện trào lưu văn học Vô sản, hướng về những người lao động.

  • Hậu kỳ văn học hiện đại:

Trong thời kỳ này, lại xuất hiện thêm các chủ nghĩa cảm giác, chủ nghĩa Tân cảm giác, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa siêu thực… với những khuynh hướng nhỏ riêng biệt. Song song với các trào lưu mới, các đề tài truyền thống không bị mai một, mà lại trở thành cảm hứng của nhiều nhà văn. Một dẫn chứng điển hình là thể loại thơ Haiku vẫn được ưa chuộng. Nhà văn nổi tiếng Kawabata Yasunari với sự nghiệp sáng tác theo hướng bảo vệ những rung cảm truyền thống chống lại chủ nghĩa vật chất; đã gặt hái những thành công vang dội. Một đại diện xuất sắc khác của văn học Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ II là Oe Kenzaburo, bậc thầy của chủ nghĩa hiện sinh.
          Gần đây, số lượng tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch sang tiếng Việt ngày càng nhiều, giúp độc giả Việt Nam tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, xã hội, con người… Nhật Bản. Hiểu biết về nền văn hoá của nhau là cơ sở quan trọng tạo nên sự gắn kết quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp và ngày càng được củng cố./.

                                                                 
Nguồn: Trích chuyên đề nghiên cứu năm 2007 – Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Đăng Website Nghiên cứu Nhật Bản ngày 10-4-2011.

Nguồn: Trích chuyên đề nghiên cứu năm 2007 – Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.Đăng Website Nghiên cứu Nhật Bản ngày 10-4-2011.