VAI TRÒ CỦA DI SẢN TRONG GIÁO DỤC VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG HAY LÀ VẤN ĐỀ KHẢO CỔ HỌC CỘNG ĐỒNG Ở TỈNH ĐỒNG NAI – Bảo Tàng Đồng Nai

          Bài viết này đặt vấn đề nghiên cứu là Khảo cổ học cộng đồng với mục tiêu đem lại lợi ích cho các cộng đồng liên quan. Với bốn mục tiêu chính, trong đó: Một là, nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị của quá khứ, về nguồn gốc của dân tộc, cộng đồng. Hai là, hướng dẫn người dân tham gia một cách tự nguyện, có ý thức vào các hoạt động bảo vệ di sản, trong trường hợp cụ thể này là các di chỉ, các di tích khảo cổ học, các danh thắng đang tồn tại ngay tại địa phương mình đang sinh sống. Ba là, làm cho người dân hiểu được rằng bên cạnh trách nhiệm với các di tích, di sản, họ – với tư cách là cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực di tích – sẽ có lợi ích từ chính các di chỉ, di tích này. Từ đó, các di chỉ, di tích được chính cộng đồng địa phương tự nguyện bảo vệ. Bốn là, người dân sẽ biết cách tuyên truyền ảnh hưởng của di tích, làm cho di tích được nhiều người biết đến, vai trò của di tích vì thế được nâng cao, không chỉ đơn thuần thụ hưởng lợi từ di tích.

          Các nội dung trên sẽ được đề cập và xem xét trước hết thông qua việc Sơ lược về những phát hiện khảo cổ học giai đoạn tiền sơ sử ở Đồng Nai. Để từ đó xác định loại hình và mô hình khảo cổ học cộng đồng đã và đang áp dụng tại các quốc gia ở Đông Nam Á, như Giáo dục di sản thông qua hoạt động Khảo cổ học cộng đồng. Từ đó, xem xét lại Khảo cổ học cộng đồng hay Khảo cổ học vì cộng đồng ở Việt Nam, từ nhận thức đến thực tiễn.

          Như vậy, cộng đồng trong Khảo cổ học phải được hiểu là bộ phận dân cư đang sinh sống trong khu vực di tích. Trong Khảo cổ học cộng đồng, người dân tham gia vào các hoạt động khảo cổ học như một chủ thể, họ tham gia khai quật cùng với các nhà chuyên môn, cùng thảo luận với các nhà chuyên môn, các nhà quản lý văn hóa địa phương về những giải pháp nhằm bảo vệ di tích, quản lý các di vật khảo cổ học, tiến hành xây dựng các Nhà trưng bày (hay Bảo tàng) để giới thiệu kết quả những hoạt động khảo cổ học mà mình tham gia. Nói cách khác, người dân vừa có trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích, trong việc bảo tồn di tích trước sự xâm hại của thiên nhiên và con người nhưng đồng thời họ cũng là người hưởng lợi từ chính các di tích khảo cổ học đó. Như vậy, so sánh với Khảo cổ học Hàn Lâm, Khảo cổ học Cộng đồng xuất phát từ những nhu cầu cụ thể của đời sống cộng đồng, để phục vụ chính cộng đồng. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Khảo cổ học Hàn Lâm và Khảo cổ học Cộng đồng.

          Sơ lược về những phát hiện khảo cổ học giai đoạn tiền sơ sử ở Đồng Nai

          Tỉnh Đồng Nai có diện tích toàn tỉnh tương đối rộng so với các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, khá nhiều di chỉ văn hóa cổ đã được phát hiện trên khắp địa bàn thuộc tỉnh.

          Phần nhiều các di tích này đã được các nhà nghiên cứu phát hiện và công bố lần đầu tiên dưới thời Pháp thuộc, bao gồm: Lò Gạch, Bình Đa, Bến Gỗ, An Hưng, Bình Đạt, Cái Vạn, Cù My, Bến Cá, Tam Hiệp, Phước Mỹ, Phước Long, Phước Lễ, Long Ân, v.v… trong số các học giả/ nhà nghiên cứu đó, T.V. Holbé đã thu thập và hình thành nên bộ sưu tập với khoảng 1200 di vật (chất liệu đá và ít đồ đồng) thuộc giai đoạn tiền sơ sử từ hơn 20 địa điểm thuộc Biên Hòa[1]. Một số hiện vật thuộc sưu tập đã được lựa chọn và trưng bày tại Hội chợ Quốc tế Paris 1889. Ngoài ra một số di vật hiện còn lưu giữ tại một số Bảo tàng trong nước như Bảo tàng Lịch sử (BTLS) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

          Theo các công bố về nghiên cứu khảo cổ học giai đoạn tiền sơ sử ở Đồng Nai, cư dân vùng đất này có thể đã sử dụng các kỹ thuật/ kỹ nghệ ghè đẽo hai mặt giống rìu tay kiểu Asen, giai đoạn Trung và Thượng thuộc thời kỳ Đá cũ Pleistocène[2]. Các loại hình công cụ này hiện diện tại các di tích như Hàng Gòn 6, Dầu Giây, với niên đại ước khoảng 70-60 vạn năm cách ngày nay, gần tương đương với niên đại được tìm thấy tại di chỉ Núi Đọ. E. Saurin (1963-1971), H. Fontaine (1970-1975) có thể xem là hai trong số nhiều học giả người nước ngoài có những công trình nghiên cứu quan trọng về các di chỉ khảo cổ, trong đó có di chỉ kim khí quanh khu vực mộ cự thạch Hàng Gòn, nhiều dấu tích xỉ đồng, khuôn đồng trong tầng văn hóa sâu từ 0,5-1m, điều này đã được tìm thấy và đã chứng minh sự hiện diện của nghề luyện kim từng được hình thành ở khu vực này. Ngoài ra, khái niệm ‘Văn hóa Phước Tân’ đã được Fontaine và cộng sự công bố sau khi khảo sát một số di tích ở vùng Phước Tân, với khung niên đại thuộc hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Đồng thau.

          Niên đại của các di tích này được kiểm chứng và công bố nhờ vào phương pháp giám định niên đại C14 tại các trung tâm nghiên cứu phóng xạ hạt nhân Saclay, gif–sur–Yvette, Monaco (Pháp). Các thông số về niên đại của các di tích khá ấn tượng như: Hàng Gòn 1 (cách nay 3950 ± 250), Bến Đò (3040 ± 140; 3000 ± 110), Rạch Núi (2400 ± 100), Cù Lao Rùa (2230 ± 100), hai di tích mộ chum quan trọng nhất thời sơ kỳ sắt ở Xuân Lộc – Phú Hòa (2590 ± 290, 2400 ± 100) và Hàng Gòn 9 (2300; 2190; 2100 ± 150)[3].

          Di tích Núi Gốm, cụm di tích mộ Xuân Lộc là một trong những cứ liệu quan trong xác minh sự hiện diện của kỹ thuật đúc đồng và rèn sắt tại khi vực này trong bối cảnh tiền sơ sử ở khu vực Đồng Nai nói riêng và của cả Đông Nam Á nói chung.

          Từ sau 1975, đã có nhiều công trình nghiên cứu được triển khai, quy tụ đội ngũ nghiên cứu khoa học của cả nước với sự quan tâm của các ban ngành hữu quan. Kết quả quá trình này ghi nhận dấu tích về các giai đoạn chuyển tiếp Đá cũ – Đá mới, thậm chí cả giai đoạn Đá mới được ghi nhận trong địa tầng Hàng Gòn 7B thuộc Xuân Lộc,Long Khánh; hay dấu vết di vật tại di tích Gò Cây Cuôi (Vĩnh Cửu) với những dấu ấn rõ ràng của kỹ nghệ cuội gia công (galets aménages). Thậm chí các nhà nghiên cứu còn cho rằng tiềm năng nghiên cứu về thời đại Đá của tỉnh Đồng Nai rất khả quan. Peter Bellwood (1978) đã nhận định như sau: “Các cuộc khai quật ở những di chỉ vùng châu thổ Mekong có thể đem lại kết quả hết sức thú vị, còn giờ đây chỉ có thể khẳng định được rằng chúng ta còn biết rất ít về sự phát triển của các thời đại Đá mới và Kim khí ở một trong những vùng đất phì nhiêu nhất Đông Nam Á”[4].

          Giáo dục di sản thông qua hoạt động Khảo cổ học cộng đồng: Kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng:

          Trong một số bài viết trước đây của mình, tôi vẫn thường lấy các hoạt động khảo cổ học cộng đồng từ các nước có mối liên hệ địa – văn hóa với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia như là các nghiên cứu so sánh. Tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng các ví dụ từ các quốc gia cho chúng ta thấy những cách thức khác nhau để tiến hành các hoạt động khảo cổ học cộng đồng. Tất cả các chương trình này có nguồn kinh phí đóng góp của cá nhân và cộng đồng, từ nguồn của Chính phủ hay từ các tổ chức quốc tế. Và cho dù theo cách nào, nguồn nào thì mục tiêu hướng tới của các Dự án Khảo cổ học cộng đồng đều hướng tới lợi ích của người dân, của cộng đồng và tham gia trách nhiệm của họ ngược lại với Di sản.

          Vai trò điều hành, quả lý của các tổ chức Nhà nước hay tổ chức địa phương không hề tách biệt hay đứng trên lợi ích cộng đồng (xem Nguyễn Giang Hải – Tạp chí Nhân học và Bảo tàng. Số 2; Tập chí Khảo cổ học – số 3 – 2013)

          Khảo cổ học cộng đồng hay Khảo cổ học vì cộng đồng ở Việt Nam: từ nhận thức đến thực tiễn

          Có một thời gian rất dài ở Việt Nam, Khảo cổ học cộng đồng dường như không được quan tâm như là một nội dung quan trọng của Khảo cổ học. Họ – các nhà khảo cổ học – cho rằng nhiệm vụ của họ là thực hiện các hoạt động khai quật và nghiên cức khảo cổ học và để từ đó, trên cơ sở các kết quả thu được, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước về lịch sử phát triển, về nguồn gốc dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, làm luận cứ cho việc hoạch định các chính sách phát triển văn hoá… Ngay trong các trường Đại học với chuyên nghành này, khảo cổ học cộng đồng cũng không có trong nội dung giảng dạy. Họ cũng mặc nhiên cho rằng việc thực hiện các hoạt động hướng đến việc bảo tồn và tuyên truyền, phát huy giá trị văn hoá và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý văn hoá, của Bảo tàng.

          Các cơ quan quản lý văn hoá của Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản pháp quy, các điều luật để răn đe, xử lý các đối tượng vi phạm di tích. Thực tế là, mặc dù rất nhiều các biện pháp được đưa ra, nhiều văn bản luật được hình thành và đưa vào thực thi, người dân vẫn thờ ơ với di sản, họ coi việc quả lý và bảo vệ di sản là trách nhiệm cảu các cơ quan công quyền, di sản vẫn tiếp tục bị phá hoại.

          Theo một nghiên cứu của chúng tôi, số lượng các di tích kháo cổ học thuộc thời đại kim khí được phát hiện và nghiên cứu tính đến tháng 12 năm 2000 là gần 1000 di tích (Nguyễn Giang Hải – Trịnh Sinh 2001); số lượng các di tích khảo cổ học thuộc đời đại đá là hơn 950 di tích (Nguyễn Giang Hải, 2012). Tuy nhiên có thực tế đáng buồn là còn rất ít di tích khảo cổ học còn được bảo tồn đến ngày nay. Một số lượng lớn vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị xoá sổ hoàn toàn vì các công trình dân sinh, các nhà máy, đường xá.

          Bài học từ việc các di tích khảo cổ học bị phá hoại một các tràn lan khiến rất nhiều câu hỏi được đặt ra đại loại như: Tại sao các văn bản pháp quy không phát huy được hiệu lực? Tại sao người dân vẫn tìm mọi cách xâm phạm di tích mặc dù họ đã được khuyến cáo? Tại sao…và tại sao?

          Người ta đã lý giải những khúc mắc trên bằng lối giải thích đơn giản và mang tính quan liêu: ý thức của người dân chưa cao? Phải chăng là ý thức của người dân chưa cao? Câu trả lời là: không đúng. Nói cách thận trọng hơn thì có một bộ phận nhỏ người dân chưa có ý thức tốt đối với di sản, thậm chí còn cố tình phá hoại di sản nhưng tuyệt đại người dân thì họ hoàn toàn hiểu giá trị của di sản, họ hiểu được hệ quả của việc di sản bị xâm lấn đối với các thế hệ con cháu mình.

          Vấn đề quan trọng nhất ở đây là: Trách nhiệm phải đi liền với lợi ích. Yêu cầu người dân phải có ý thức, phải có trách nhiệm gìn giữ di sản nhưng cũng phải làm cho họ thấy họ được hưởng lợi những gì. Mà lợi ích ở đây phải được hiểu trước hết là lợi ích kinh tế.   

          Một số nhận xét về khảo cổ học Đồng Nai: tiềm năng của tương lai

          Như nội dung khái quát về lịch sử cũng như tiềm năng nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học nói trên đã đề cập. Công việc quan trọng nhất cần làm hiện nay ở đây chính là việc phải tiến hành một số kế hoạch đồng bộ nhằm quy hoạch các khu vực văn hóa này. Quy hoạch tôi muốn nói ở đây không phải là quy hoạch hành chính, mà là quy hoạch văn hóa. Rõ ràng những di sản văn hóa trong lòng đất ở Đồng Nai do khảo cổ học đem lại là hết sức to lớn và có ý nghĩa thời đại. Những nghiên cứu khoa học mang tính hàn lâm nhằm khẳng định giá trị lịch sử của nhóm di tích thời đại đá cũ ở đây còn kéo dài không phải trong một vài năm mà là nhiều thế hệ khảo cổ nữa. Do vậy, cùng với công tác nghiên cứu, công tác bảo tồn di tích và dần phát huy các giá trị của di tích trong cộng đồng và hướng đi cần thiết nhằm bảo tồn bền vững các giá trị của di sản này.

          Những việc làm trước mắt là: Khoanh vùng bảo vệ khu vực đã phát hiện các di tích đồng thời tiến hành xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, từ đó đề xuất xây dựng hồ sơ cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt (nếu các di tích này xứng tầm với điều đó). Tôi muốn nhấn mạnh rằng, kể từ sau phát hiện những công cụ đá cũ sơ kỳ đầu tiên ở Núi Đọ (tỉnh Thanh Hóa) vào năm 1959 ở phía bắc, các di tích ở tỉnh Đồng Nai là một trong những tiêu biểu của thời kỳ tiền sơ sử phía nam. Và các di tích cũng như tiềm năng khảo cổ học ở Đồng Nai là hết sức to lớn.

          1. Vai trò của Di sản Văn hóa (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, để bảo vệ bảo tồn và phát huy một cách bền vững phải có sự tham gia của cộng đồng. Di sản sống trong cộng đồng chứ không tồn tại trong các văn bản pháp lý hay các chỉ thị nghị quyết. Chỉ khi nào di sản được cộng đồng thừa nhận và tham gia giữ gìn, khi đó di sản mới được bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững.

          2. Để cộng đồng tham gia vào công việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản nhất thiết phải làm cho họ nhận thức được những giá trị mà di sản đem lại cho họ là gì, trong đó không thể bỏ qua lợi ích kinh tế.

 NGUYỄN GIANG HẢI

(Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Ths. NGUYỄN THỊ TÚ ANH

(Trường ĐH KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh)

      [1] Tư liệu tổng hợp của Phạm Hoài Nhân, từ website: http://dongnai.vncgarden.com/dhia-chi-dhong-nai/tap-3-lich-su/chuong-1-thoi-tien-su-va-so-su/1-nhung-giai-doan-phat-hien-nghien-cuu-khao-co-hoc-o-dhong-nai, 20/11/2019.

      [2] Phạm Hoài Nhân, tài liệu đã dẫn (tlđd)

      [3] Phạm Hoài Nhân, tlđd

      [4] Phạm Hoài Nhân, tlđd.