VAI TRÒ CỦA PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

VAI TRÒ CỦA PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho toàn dân tộc, Người đã giành một sự quan tâm đặc biệt và hết sức coi trọng sự nghiệp phát triển văn hóa. Bác căn dặn: ” Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”…” Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật , với sự phát triển văn hoá của nhân dân”. Qua các bài phát biểu, nói chuyện tại các Hội nghị, các bức thư, ghi chép của cá nhân chúng ta thấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự phát triển của văn hóa.
  Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, sống gần gũi với nhân dân. Quê hương xứ Nghệ của Người có bề dày lịch sử suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đây là mảnh đất phiên dậu, là “thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”. Chính truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức cao đẹp của Người.
  Trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc, kết tinh những giá trị của văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Đông và phương Tây. Khi gặp được chủ nghĩa Mác- Lê nin, Người đã quyết tâm đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga- con đường của phong trào quốc tế cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước lãnh đạo cách mạng, Người khẳng định: “Kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”.
  Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa- mở ra một bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, xóa bỏ ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến.
  Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề cấp bách là xây dựng nền văn hóa mới với những yêu cầu và việc làm cụ thể :”Phải tuyệt đối tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”. Từ lời hiệu triệu của Người, các phong trào phát triển văn hóa được phát động rộng khắp và được nhân dân đồng tình ủng hộ như cuộc vận động diệt giặc đói, giặc dốt thông qua phong trào Bình dân học vụ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu…”, một dân tộc mà yếu thì sẽ không có tiếng nói riêng của mình trên thế giới, càng không thể hội nhập được với xu thế chung toàn cầu. Cuộc vận động xây dựng ” Đời sống mới”; “Sửa đổi lối làm việc”; những yêu cầu phát triển nền giáo dục và y tế quốc dân đến từng bước gây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Tất cả những phong trào này đều hoạt động theo phương châm: ” Văn hóa phải phục vụ sản xuất, tiết kiệm, phục vụ nhân dân, phục vụ đoàn kết, phục vụ Tổ quốc”.
  Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 25/11/1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng, tính tiên phong của văn hóa là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho dân tộc đi đến thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
  Năm 1961, trong bài trả lời phỏng vấn của báo Nhân dân thường trú tại Hà Nội, trước câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân làm nên sức mạnh kỳ diệu của nhân dân trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, công cuộc xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: ” Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà tri thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc. Có lẽ phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa…nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”. Chính truyền thống lịch sử, lòng tự tôn dân tộc là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng, ý chí căm thù giặc và quyết tâm bảo vệ thành quả mà dân tộc ta phải mất hàng ngàn năm mới giành lại được.
 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là một trong ba bộ phận hợp thành của đời sống xã hội. Người khẳng định: Văn hóa tồn tại và phát triển trong mối quan hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế- chính trị. Văn hóa chịu sự quy định của kinh tế- chính trị. Người từng nói: “Muốn tiến lên Chủ nghĩa xã hội phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu “Có thực mới vực được đạo” vì thế kinh tế phải đi trước”. Kinh tế phát triển bền vững là nền tảng để phát triển văn hóa. Người yêu cầu: “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào nâng cao đời sống vui tươi lành mạnh của quần chúng. Vì vậy nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục…Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất”.
  Cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, đã chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng bước sang một cuộc cách mạng mới- Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính trong hoàn cảnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng di chúc đầu tiên( 5/1965). Ngay trong di chúc, Người đau đáu căn dặn: ” Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đây cũng chính là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Câu nói vô cùng giản dị mà thấm đẫm triết lý cao sâu.
  Xuyên suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò phát triển văn hóa, Người cho rằng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giữ vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Người khẳng định: “Văn hóa tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị”.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều bài viết, bài nói chuyện về giữ gìn và phát huy những truyền thống , bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, đức tính cần cù chịu khó, sáng tạo trong lao động và dũng cảm trong chiến đấu. Bên cạnh đó cũng phải biết tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới, biết gạn đục khơi trong, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, biết chọn lọc sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình.
  Thấm nhuần tư tưởng của Người về sự phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa.Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn bản, chỉ thị và nghị quyết khẳng định những giá trị trường tồn và sức mạnh to lớn của văn hóa: “Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả của sự giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách bản lĩnh Việt Nam rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
  Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lãnh đạo thiên tài, một vị chỉ huy tối cao mà là một danh nhân văn hóa thế giới. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ giành trọn cuộc đời mình vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà còn vì nền hòa bình cho nhân dân trên toàn thế giới. Người xem máu của dân tộc nào cũng đáng quý, Người đau nỗi đau của nhân loại;  Người ” hy sinh tất thảy chỉ quên mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp vào nền văn hóa nước nhà với hàng ngàn bài viết, bài báo có giá trị, nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng. Chính vì thế, văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành văn hóa của bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” văn hóa của tương lai.
  Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về phát triển văn hóa đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, trở thành “kim chỉ nam” trong việc hoạch định kế hoạch phát triển văn hóa của nước nhà.
  Ngay trên chính quê hương của Người, mỗi cán bộ Khu di tích Kim Liên là  “chiến sỹ thầm lặng” đang ngày đêm phát huy những giá trị văn hóa mà Bác và gia đình đã để lại; Thầm hứa với Bác sẽ cố gắng học tập, nâng cao trình độ để phục vụ công tác tuyên truyền, phục vụ khách tham quan, giúp du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn về truyền thống gia đình, truyền thống văn hóa của quê hương xứ sở.
  Trong những ngày mùa thu lịch sử, cả đất nước đang náo nức kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9; Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa mỗi chúng ta càng thêm nhớ Bác. Chúng ta càng khắc sâu và đoàn kết thực hiện những lời căn dặn của Người về vai trò của phát triển văn hóa để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp như sinh thời Bác hằng mong muốn./.
 

                                        Phạm Thanh Hương
                          Phòng Tuyên truyền- giáo dục