VAI TRÒ CỦA THAM QUAN DU LỊCH TRONG VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA, TIẾP CẬN TỪ KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

Th.s Nguyễn Anh Minh

Phòng Tuyên truyền- Giáo dục

 

          Trên thực tế, có nhiều hình thức khác nhau để phát huy tác dụng các di  sản văn hoá nói chung và di tích lịch sử văn hoá nói riêng, mỗi hình thức đều có những nét đặc thù và những thế mạnh riêng có của mình. Một trong những hình thức quan trọng và rất hiệu quả trong công tác phát huy giá trị của di tích, đó là hình thức tham quan du lịch tại các di tích. Đây là hình thức có mục đích rõ ràng về mặt chính trị, có dẫn chứng xác thực về mặt khoa học lịch sử. Tổ chức tham quan du lịch là công tác giáo dục khoa học của di tích và bảo tàng, là hình thức hữu hiệu nhất có liên quan chặt chẽ với di tích. Đến với di tích trước hết du khách có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp một cách trực tiếp bằng các giác quan, lấy việc quan sát tài liệu, hiện vật là cơ sở với đặc điểm nổi bật là tính vật chất và tính trực quan sinh động của nó.

Về cơ bản, có hai hình thức tham quan du lịch tại các di tích. Hình thức tham quan du lịch tự do, có nghĩa là khách tham quan đến với di tích theo sở thích và ý muốn chủ quan của mình và tự do tìm hiểu, tự mình khám phá di tích trên cở sở những cảm nhận bằng trực quan, bằng trình độ, sự nhận thức và tư duy của mỗi người, hiệu quả phát huy tác dụng của di tích theo hình thức này thường không cao. Hình thức tham quan du lịch có tổ chức, có nghĩa là khách tham quan đến với di tích theo một hay một nhóm người do các công ty du lịch lữ hành, các cơ quan đơn vị, gia đình… đứng ra tổ chức và được hướng dẫn giới thiệu (thuyết minh) bởi những hướng dẫn viên du lịch của các công ty du lịch lữ hành, hoặc của các cán bộ thuyết minh tại các di tích. Một trong những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu, góp phần tạo nên hiệu quả của hình thức tổ chức tham quan du lịch này là hướng dẫn viên. Thực chất của hướng dẫn tham quan di tích là giới thiệu trình bày, giảng giải những vấn đề lịch sử văn hoá trên cơ sở những di tích, di vật trưng bày nhằm phục vụ mục đích cuối cùng và cao nhất là phục vụ đối tượng khách tham quan.

Đến với di tích, khách tham quan sẽ được trực tiếp cảm nhận bằng các giác quan của mình, chủ yếu là tai và mắt, từ đó giúp họ cảm nhận một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về di tích. Cùng với việc quan sát trực tiếp các tài liệu hiện vật, người hướng dẫn tham quan sẽ giảng giải cho khách thăm những thông tin một cách rõ ràng, giải mã những ẩn số tiềm ẩn trong di tích để họ lĩnh hội một cách tích cực và đầy đủ, chính xác những giá trị đích thực của di tích.

Hoạt động tổ chức tham quan du lịch tại di tích có khả năng tối ưu trong việc truyền lại cho các đối tượng khách tham quan những giá trị thực, trực tiếp qua các di tích: địa bàn lịch sử của di tích, những điều kiện mà di tích hình thành, sự tồn tại và chuyển biến, nội dung lịch sử , giá trị văn hoá, mỹ thuật ở di tích, mối quan hệ giữa di tích với các vấn đề chính trị-xã hội ở thời kỳ đó. Trên cơ sở đó di tích có đủ điều kiện để thực hiện vai trò xã hội của mình trong việc trao truyền tri thức, truyền bá tư tưởng, những giá trị cao đẹp đến với các đối tượng khách tham quan. Chính điều đó đã làm cho các di tích trở thành một tài sản chung của dân tộc, đem đến cho mọi người nhiều điều bổ ích, quý giá tạo nên niềm hứng thú cho khách tham quan khi đến tham quan di tích. Hình thức tổ chức hướng dẫn tham quan tại di tích là hình thức mang lại hiệu quả cao trong nhận thức, tri thức cho các đối tượng khách tham quan tại di tích và đồng nghĩa với việc phát huy hiệu quả tác dụng của di tích đó. Để phát huy cao nhất những giá trị của di tích, hướng dẫn viên đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quyết định thành công và chất lượng của buổi tham quan. Hướng dẫn viên nói chung cùng một lúc phải nhập nhiều vai, vừa là thuyết minh, vừa là thầy giáo, vừa là nhà ngoại giao, thậm chí vừa là người nghệ sĩ. Vì vậy, muốn thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác hướng dẫn tham quan di tích, người hướng dẫn tham quan phải được trang bị những kiến thức chuyên môn, đồng thời phải có kiến thức về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hoá và có trình độ ngoại ngữ. Đồng thời phải rèn luyện để có phương pháp sư phạm, khả năng diễn giải, truyền đạt cũng như khả năng quan sát nhanh nhạy, ứng xử khéo léo và linh hoạt. Có như vậy mới chuyển tải được những nội dung, giá trị phi vật thể chứa đựng trong di tích đến với khách tham quan. Những di tích, di vật, cùng với những lời giới thiệu, thuyết minh của hướng dẫn viên sẽ giúp cho khách tham quan hiểu đầy đủ và chính xác lượng thông tin tối đa trong di tích. Hoạt động hướng dẫn tham quan nhờ đó không chỉ làm giàu thêm tri thức khoa học mà còn giúp khách tham quan di tích nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, ý thức thẩm mỹ, bồi dưỡng nhân cách, hướng con người tới Chân -Thiện – Mỹ. Tuy vậy, trên thực tế, công tác tổ chức hướng dẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều hướng dẫn viên nói chung chưa thực đạt tới tính chuyên nghiệp cao, có nghĩa là chưa hội tụ những yếu tố vừa nêu trên; có hướng dẫn viên có kiến thức về chuyên môn, nhưng khả năng diễn đạt, truyền đạt chưa thuyết phục và ngược lại. Có người có khả năng về ngoại ngữ tốt, nhưng kiến thức về lịch sử văn hoá và xã hội còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách thăm và ngược lại,… Vì vậy, công tác phát huy tác dụng ở các di tích nói chung và di tích lịch sử văn hoá nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế .

Thực tiễn công tác phát huy tác dụng ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch càng khẳng định và minh chứng cho vai trò của hình thức tham quan du lịch mà cụ thể là việc tổ chức hướng dẫn tham quan của các hướng dẫn viên du lịch cũng như của cán bộ thuyết minh tại chỗ (tại Khu di tích), trong việc phát huy các giá trị tại Khu di tích.

Đối với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, hoạt động tổ chức hướng dẫn tham quan đóng một vai trò đặc biệt quan trọng và rất cần thiết, đây là hình thức cơ bản, chủ chốt của công tác tuyên truyền giáo dục của Khu di tích trong suốt quá trình tồn tại và phát triển.

Trước hết, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích nguyên gốc còn giữ được tương đối nguyên vẹn các di tích, di vật cũng như cảnh quan môi trường như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch bao gồm tổng thể các di tích và các điểm di tích cũng như cảnh quan môi trường trải dài trong một diện tích rộng, nhiều di tích cách xa nhau. Mỗi di tích đều chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau, nhưng lại có mối liên quan mật thiết với nhau gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử từ tháng 12-1954 đến ngày 2/9/1969, như Toà Phủ Chủ tịch – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với cương vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước; Nhà 54 – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1958; Nhà sàn – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 5-1958 đến tháng 8-1969; Nhà 67 – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hai năm cuối đời (1967-1969) và cũng là nơi chứng kiến giờ phút Người trút hơi thở cuối cùng. Ngoài ra còn có các di tích ngoài trời chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn về tình thương yêu con người, tình yêu thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nếu không có hướng dẫn tham quan thì chắc chắn sẽ làm cho khách tham quan thiếu những thông tin đầy đủ, chính xác, gây cho khách tham quan những thắc mắc, thậm chí còn dẫn đến sự hiểu sai lệch về di tích làm giảm chức năng giáo dục của di tích, ví dụ như: Tại sao Bác Hồ lại ở nhiều ngôi nhà như vậy? Tại sao Bác Hồ lại từ chối ở tại toà Phủ toàn quyền Đông Dương?… Vì vậy, tổ chức hướng dẫn tham quan, giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin thông qua các di tích và tài liệu hiện vật trưng bày trong di tích có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong việc phát huy tác dụng của Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chứa đựng nội dung sự kiện lịch sử và tài liệu hiện vật vô cùng phong phú gắn liền với những hoạt động quên mình và những cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam trong 15 năm cuối đời, gắn liền với những hoạt động của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Không những thế, Khu di tích còn là nơi phản ánh chân thực, sâu sắc nhất cuộc sống sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không có sách báo hoặc các phương tiện thông tin hiện đại nào có thể phản ánh một cách đầy đủ. Vì vậy, với hình thức tổ chức tham quan Khu di tích, khách tham quan được tiếp xúc trực tiếp với từng di tích, tài liệu hiện vật, cùng với sự hỗ trợ của hướng dẫn viên sẽ giúp khách tham quan hiểu đúng đắn, chính xác, sâu sắc về cuộc sống và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm cuối đời.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn chứa đựng trong đó những giá trị về nhiều mặt, ngoài giá trị về lịch sử, văn hoá. Khu di tích còn chứa đựng giá trị về kiến trúc nghệ thuật, giá trị về môi trường sinh thái. Bên cạnh những di sản vật thể còn có di sản phi vật thể vô cùng phong phú, mà không phải bất kỳ đối tượng khách tham quan nào cũng có thể cảm nhận được những giá trị tiềm ẩn to lớn đó. Tham quan di tích, khách tham quan được tận mắt chứng kiến cuộc sống đời thường giản dị, được nghe kể chuyện về đạo đức, tác phong, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua sự hiện diện của từng di tích sống động, môi trường cảnh quan xung quanh di tích, những tài liệu hiện vật lúc sinh thời của Bác được lưu giữ và trưng bày tại đây, những gì mà khách tham quan thu nhận được từ những phương tiện thông tin khác nhau về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giờ không còn trừu tượng nữa mà tất cả đã được cụ thể hoá bằng những hiện vật chân thực và sinh động, tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các đối tượng khách tham quan. Điều đó đã tạo nên hiệu quả cao trong công tác phát huy giá trị ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 

Tuy nhiên, hình thức tham quan du lịch tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, mà cụ thể là công tác hướng dẫn tham quan của đội ngũ hướng dẫn viên của các công ty du lịch lữ hành hoạt động tại di tích vẫn còn những điều bất cập. Có một thực trạng đã và đang diễn ra ở Khu di tích đó là nhiều hướng dẫn viên du lịch chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thông tin cần thiết về các di tích, các tài liệu hiện vật trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cũng như những kiến thức cần có ở một hướng dẫn viên, như kiến thức về chính trị, xã hội… Nhiều hướng dẫn viên du lịch đã không thể giới thiệu đầy đủ và giải thích, trả lời một cách thấu đáo khi khách đặt ra những câu hỏi. Có những hướng dẫn viên còn trả lời và lý giải sai thông tin, thậm chí còn suy diễn sai sự thật lịch sử, gây ra những hiểu lầm đáng tiếc đối với khách tham quan trong nước và quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền giáo dục tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, hạn chế công tác phát huy tác dụng của Khu di tích đặc biệt quan trọng này.

Có thể khẳng định rằng, hình thức tham quan du lịch mà trực tiếp là hình thức tổ chức hướng dẫn tham quan tại các di tích đóng một vai trò rất quan trọng nhằm phát huy cao nhất giá trị của di tích nói chung, nếu công tác tổ chức hướng dẫn tham quan di tích tốt, thì công tác phát huy tác dụng của di tích sẽ đạt hiệu quả cao và ngược lại. Đối với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng vậy. Hình thức tổ chức hướng dẫn tham quan di tích đóng một vai trò rất quan trọng và cần thiết, là một phần không thể thiếu trong việc phát huy các giá trị di sản văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.