VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN, cuộc HỘI TỤ BẢN SẮC VĂN HOÁ lần đầu của DÂN TỘC Việt Nam

TRỊNH SINH
(PGS TS, Viện Khảo cổ học)

     Bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc không phải ngày một ngày hai đã có, mà phải hình thành từ nhiều thế kỉ, thậm chí nhiều thiên niên kỉ. Dân tộc Việt Nam cũng vậy, theo tôi đã hình thành cốt lõi từ thời cổ đại.

     Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ thời Lý đã có một “tuyên ngôn độc lập” phân định rõ ràng:

“Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

     (Nước Nam phải do vua Nam cai trị, điều này được phân định bởi sách trời). Đến thời Lê, việc phân định về cương vực và nhất là văn hoá lại càng rõ ràng qua Bình Ngô Đại Cáo: Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến. Cõi bờ sông núi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Đến thời Nguyễn Huệ, sức mạnh chống đồng hoá của nhà Thanh trước tiên là ở văn hoá và phong tục “đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen”. Xem ra, suốt thời kì độc lập tự chủ, lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc chống xâm lược phương Bắc, hình thành cái căn cốt của văn hoá Việt, khác với văn hoá Hán.

    Mà thực ra, cái “Nam Quốc sơn hà” nhỏ bé đã phải gắng sức chống chọi với làn sóng đồng hoá phương Bắc mới có thể tồn tại được qua nhiều biến cố, để ngàn năm ta vẫn là ta mà không bị hoà tan vào thế giới Hoa hạ. Dẫu có đến ngàn năm Bắc thuộc thì sau đó, vẫn có công cuộc phục hưng, khẳng định bản sắc văn hoá của chính mình. Sự khẳng định bản sắc của văn hoá nước Nam sau thời Bắc thuộc có gốc gác từ trước thời Bắc thuộc. Khi đó, trong bối cảnh khối Bách Việt tan ra từng mảng dưới vó ngựa nhà Hán chỉ trong một vài năm, thì một trong số “một trăm tộc Việt” là Lạc Việt vẫn còn giữ được cái mạch ngầm văn hoá chảy mạnh trong dân gian để rồi trỗi dậy, phục hưng cả về lãnh thổ lẫn văn hoá. Duy nhất người Việt cổ nước ta tồn tại còn thì những Điền Việt, Mân Việt, Dạ Lang, Nam Việt,… thuở nào đã tan chảy mất tăm tích trong cả cái khối văn minh Hán khổng lồ.

     Vì sao lại có chuyện đến thời Lý Trần, người Việt làm được cuộc phục hưng? Đó là vì vốn ở mảnh đất này đã tồn tại một nền văn hoá Đông Sơn đậm đà bản sắc riêng, khác Hán ở Trung Nguyên và cũng khác với nhiều tộc Việt trong khối Bách Việt. Có thể nói với Văn hoá Đông Sơn, người Lạc Việt đã có một cuộc hội tụ bản sắc văn hoá lần đầu tiên trong lịch sử nước ta.

     Các nhà khảo cổ học đã xác định văn hoá Đông Sơn là nền tảng vật chất để thành lập nhà nước sơ khai Văn Lang thời Hùng Vương và kế tiếp là Âu Lạc thời An Dương Vương. Thời điểm này bắt đầu có sự quần tụ các tộc người quanh ba lưu vực sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Lam. Cùng với sự thống nhất trong đa dạng về nhiều mặt, trong đó có văn hoá mà chúng tôi xin được phân tích một vài khía cạnh sau đây:

Mục lục bài viết

1.

    Trước tiên, đó là sự hội tụ các tộc người cùng khai phá vùng đất trồng lúa của châu thổ ba con sông ở miền Bắc nước ta. Trong lát cắt Đông Sơn (thế kỉ VII trước Công nguyên đến thế kỉ I, II sau Công nguyên), nhiều tộc người đã kéo về khai thác vùng đất màu mỡ thích hợp với nghề trồng lúa nước. Trước đó, vùng đồng bằng Bắc Bộ còn bị ngập lụt do tác động của đợt biển tiến (khoảng 6.000 năm cách đây), sau đó biển lùi dần, đồng bằng được bồi đắp thêm phù sa. Cái vùng đất này trở thành một “cánh đồng lúa” khổng lồ, năng suất cao, hứa hẹn cho việc di dân nhiều vùng đến khai hoang lập ấp. Có thể kể đến lớp người bản địa, vốn là cư dân miền núi và trung du tràn xuống đồng bằng, mà các nhà ngôn ngữ học lịch sử gọi họ là người Tiền Việt – Mường (Phan Ngọc, Phạm Đức Dương 1983). Bên cạnh những người bản địa còn có nhóm người nói tiếng Thái cổ di cư xuống từ thượng nguồn các con sông lớn. Một nhóm nữa, ít hơn đến từ ven biển nói tiếng Malayo-Polinesien. Cả ba nhóm người cổ này cùng khai phá vùng Bắc bộ, nơi địa bàn phân bố văn hoá Đông Sơn. Họ đã hoà huyết và trở thành người Việt cổ. Theo nhà nhân chủng học Nguyễn Đình Khoa thì kết quả của sự hoà huyết này đã sinh ra một tộc người mang nhiều gien trội, thông minh, tiền nhân của người Việt sau này.

     Những người Việt cổ đã là những người mở đất, khai hoang, trồng lúa nước. Vì thế, cái kinh tế thời Đông Sơn là kinh tế làm ruộng, khai phá. Cái căn tính và cũng là bản sắc tiểu nông cũng bắt nguồn từ đấy và theo suốt hành trình sau này của người Việt. Có mặt tích cực là đời sống hiền hoà, giản dị như những cánh đồng. Sự hoà đồng cũng bắt nguồn từ làng xóm và đất nước. Nhà sử học Phan Huy Chú căn cứ vào thư tịch cho rằng “lúc bấy giờ, Vua tôi cùng đi cày, cha con tắm cùng (dòng sông) không chia giới hạn, không phân biệt quyền uy, thứ bậc,… Cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên” (Phan Huy Chú, Bản dịch năm 1960). Chính cái bản sắc nông dân và nông nghiệp có cái mặt tích cực là tạo nên được cái sức đồng thuận trên dưới, nhiều khi trì trệ, nhưng sẽ lại là sức mạnh cố kết,… tình làng, nghĩa xóm, người trong một nước phải thương nhau cùng.

    Cũng vì người Việt là những người khai phá đất đai để trồng lúa, nên họ có căn tính chịu đựng gian khổ để phát triển và sinh tồn. Tư liệu khảo cổ cho thấy, chỉ từ văn hoá Đông Sơn, người Việt cổ mới tập trung cải tạo đất còn ngập mặn ở 4 huyện ngoại thành Hà Nội (Mĩ Đức, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Thanh Oai), còn trước thời Đông Sơn, vùng trũng này hoàn toàn không có người ở vì nhiễm mặn, cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nơi là vùng chiêm trũng (Trịnh Sinh, 2010: 130). Đến thời Đông Sơn thì dân vùng trung du ùa về cải tạo đất và dựng làng xóm. Theo thống kê, như ở Hà Nội, thì không một nơi nào lại có nhiều làng cổ, xóm cổ mọc lên nhanh như ở thời Đông Sơn ở 4 huyện vùng chiêm trũng này. Và cùng với sự bùng nổ làng xóm là bùng nổ dân số ở những khu vực đất thấp mới được cải tạo thành đồng ruộng. Có lẽ, những trung tâm đông dân nhất của cư dân Việt cổ thời Đông Sơn là nơi quần tụ mạnh mẽ và hình thành người Việt mang những bản sắc rõ rệt đầu tiên là vùng đồng bằng thấp dọc sông Hồng.

2.

     Người Việt cổ đã có một nền văn minh chế tạo đồ đồng thau cực đỉnh, trong đó có những sản phẩm nổi trội như trống đồng, thạp đồng, âu đồng là những đồ đồng tinh xảo, kích thước lớn. Trống đồng là dụng cụ âm nhạc đồng thời cũng là biểu tượng quyền lực, mô hình vũ trụ. Đây là tác phẩm văn hoá nghệ thuật độc đáo, sản phẩm của người Việt cổ mà không vùng đất nào có được. Trống Đông Sơn khác với trống vùng Thạch Trại Sơn của vùng Điền Việt ở Vân Nam (Trung Quốc). Trống đồng Đông Sơn đã chuyển tải văn hoá, tâm linh của người Việt trồng lúa nước. Các cảnh người, động vật, nhà sàn,… mang tính hiện thực của cư dân đương thời. Bản sắc văn hoá thời Đông Sơn cũng đã phản ánh trên nhiều đồ đồng còn lưu giữ được đến nay, mà chủ yếu trên trống đồng. Đó là văn hoá của những người làm nông, với những ngôi nhà sàn, tương tự như nhà rông sinh hoạt tập thể cộng đồng, có giã gạo chày tay, có cảnh đánh trống đồng, bơi thuyền, lễ hội, hiến tế người và trâu bò. Những cảnh khắc hoạ trên trống đồng còn kéo rất dài trong xã hội người Việt.

     Thời văn hoá Đông Sơn còn hình thành một sắc thái văn hoá duy trì từ thời bấy giờ đến tận ngày nay. Đó là văn hoá sử dụng trống và thờ trống đồng. Căn cứ vào thư tịch, thời Trần còn sử dụng trống đồng khi đón tiếp sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu. Đến nỗi mà Trần Phu còn phải viết thơ cảm thán rằng “chợt nghe tiếng trống đồng mà tóc bạc trắng xoá” (đồng cổ thanh trung, bạch phát sinh). Người Việt còn đúc trống đồng vào thời Lê. Đến thời Tây Sơn, dân làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đúc trống đồng Cảnh Thịnh (năm 1800). Cùng với đúc trống đồng, còn là tục thờ trống đồng. Ngoài trống đồng được thờ ở đền Đồng Cổ Đan Nê trong Thanh Hoá, còn có đền Đồng Cổ ở phố Thuỵ Khuê, Hà Nội và 3 đền thờ trống đồng nữa ở xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Cái trống đồng có từ thời Đông Sơn đã đi vào văn hoá Việt hơn 2000 năm như một bản sắc độc đáo là như vậy.

3.

     Văn hoá Đông Sơn còn tạo ra một nền nghệ thuật độc đáo và thống nhất trên địa vực phân bố của lưu vực ba con sông ở miền bắc Việt Nam. Cái ngôn ngữ tạo hình khác với nghệ thuật Điền (Vân Nam) nghệ thuật Nam Việt của Triệu Đà, nghệ thuật Dạ Lang (Quý Châu). Những hình khắc mang nét đồ hoạ thoáng đạt, dùng nét vẽ gạch ngắn kết hợp với chấm dải để miêu tả chim bay, người múa hoá trang khác với các nghệ thuật cùng thời trong khu vực. Chính nghệ thuật Đông Sơn đã được phục hưng và kế thừa sau ngàn năm Bắc thuộc để có được nền nghệ thuật Lí Trần với những nét độc đáo của người Việt, mang bản sắc Việt, khác với phương Bắc.

     Nghệ thuật tạo tượng trong văn hoá Đông Sơn cũng mang khá nhiều nét độc đáo. Chỉ riêng khối tượng dao găm hình người trên cán dao găm đã cho thấy hình ảnh những người phụ nữ đẹp, thon thả, mặc váy có hoa văn, đeo nhiều vòng trang sức. Cái đáng lưu ý là những tượng phụ nữ này có tay khuỳnh, chống nạnh. Phải chăng đó là cái nét đẹp của tinh thần kiên cường bất khuất của người phụ nữ Đông Sơn được tiếp nối đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu? Có lẽ một trong những căn tính của người Việt xưa nay nổi trội là không chịu khuất phục xâm lược, mà bên cạnh đời sống làm nông bình dị, thì còn là một trong những cộng đồng người có tính gắn kết cao, chống ngoại xâm giỏi với dáng hiên ngang như người phụ nữ thời Đông Sơn.

4.

     Văn hoá Đông Sơn cũng đã hình thành nếp sống và phong tục tập quán của người Việt mà qua di vật cũng như thư tịch, truyền thuyết người ta còn thấy được. Đó là tục nhuộm răng (đến thời Nguyễn Huệ, một trong những lời hiệu triệu đánh xâm lược nhà Thanh là “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”), ăn trầu, xăm mình (đến thời nhà Trần, tục xăm mình còn phổ biến trong tướng sĩ). Cũng còn phải kể đến một tín ngưỡng của người Việt thời này là tín ngưỡng phồn thực, được miêu tả ở cặp tượng nam nữ đang giao hoan trên thạp đồng Đào Thịnh, các hình tượng bò đực, bò cái khắc hoạ xen kẽ trên trống đồng. Tín ngưỡng phồn thực còn kéo dài ở người Việt và họ muốn thông qua hình tượng nghệ thuật để mong cho vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt. Một phong tục nữa còn được ghi trong sử kí của Tư Mã Thiên là tục người Việt cởi trần, đóng khố qua câu: người Âu Lạc cởi trần truồng mà cũng xưng Vương (Âu Lạc lõa quốc diệc Xưng Vương). Đó là do thời tiết phương nam nóng nực hơn phương bắc mà cách ăn mặc trong lao động sản xuất của người Việt thời cổ có những nét riêng biệt và duy trì cho đến tận thế kỉ XX.

5.

      Cộng đồng người Việt cổ thời Đông Sơn đã sớm có bản sắc văn hoá riêng, độc đáo của mình. Cái bản sắc văn hoá này lại được cố kết và phát huy hơn nữa khi họ đã lập nên nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng và Âu Lạc của An Dương Vương. Đó là những hình thái xã hội mang tính chất nhà nước sơ khai. Trong đó, xã hội có sự phân hoá, có lễ nghi cưới xin (truyền thuyết Vua Hùng kén rể, Truyền thuyết Trọng Thuỷ cưới Mỵ Châu và ở rể), phong tục hôn nhân lấy gói đất mang vào động phòng cùng ăn. Còn có tục hội mừng năm mới, tục đánh trống đồng, tục bơi chải, cầu mưa. Nhà nước sơ khai cũng có thủ lĩnh lãnh đạo cộng đồng là những Lạc hầu, Lạc tướng, mà sau đó, khi nhà Hán xâm lược, vẫn phải sử dụng những Lạc hầu, Lạc tướng này mới có thể lãnh đạo được người Việt chứ người Hán chỉ cai trị gián tiếp. Chưa kể, trong Hậu Hán Thư còn nói đến chuyện người Việt không theo luật của nhà Hán mà theo luật của mình: luật Việt có đến 10 điểm khác luật Hán.

     Trước thời Đông Sơn, mà các nhà khảo cổ vẫn gọi là thời Tiền Đông Sơn, thì dường như các tộc người đã có mặt ở cả lưu vực ba con sông Hồng, Mã, Lam rồi, nhưng mới là những nhóm nhỏ, cũng ít làng xóm. Chỉ đến thời Đông Sơn, qua di vật và truyền thuyết thư tịch, các nhà khoa học mới thấy có sự thống nhất mạnh mẽ trong nhiều mặt, để hình thành nhà nước sớm và văn hoá riêng biệt trong một địa bàn liền khoảnh. Đó chính là sự quần tụ đầu tiên trong lịch sử người Việt về cả văn hoá, tộc người, nhà nước sơ khai.

     Nhà nước sơ khai rồi cũng bị tan rã bởi xâm lược phương Bắc, nhưng khối người Việt cổ thì vẫn còn đấy và những gì về mặt văn hoá Đông Sơn tạo dựng nên bản sắc thì vẫn được chảy ngầm trong văn hoá dân gian bản địa.

     Trước sự cố kết về mặt văn hoá bản địa của người Việt cổ, người Hán đã có một chính sách tàn bạo về văn hoá là đồng hoá mạnh mẽ, họ đã ra sức thu trống đồng của người Việt khắp nơi để đúc ngựa đồng và cột đồng (mà sử sách quen gọi là cột đồng Mã Viện). Nhiều trống đồng đã bị biến thành nguyên liệu đồng từ bấy giờ. Nhưng, người Việt cổ cũng có cách đối phó bằng việc chống đồng hoá, cũng mãnh liệt không kém. Họ đã cất giấu trống đồng bằng cách chôn trong lòng đất như trường hợp trống Cổ Loa mà các nhà khảo cổ đào được ở chân thành Cổ Loa hay mang trống đồng lên những vùng núi non mà nhà Hán chưa kiểm soát được.

     Người Việt trong thời Bắc thuộc còn chống đồng hoá bằng cách vẫn làm những đồ đồng vừa mang phong cách Đông Sơn vừa mang phong cách Hán như trường hợp những chiếc chậu-trống: có những hoa văn mang nét Đông Sơn điển hình như chim bay, người múa hoá trang, hình ngôi sao nhiều cánh. Nhưng cũng có hoa văn mang phong cách Hán được trang trí trên đáy chậu: hoa văn đôi cá (song ngư) điển hình của Hán. Còn có những đồ vật lưu lại hồn cốt của văn hoá Đông Sơn nữa như: hình một con lợn bằng đồng đang cõng trên lưng một chiếc trống đồng Đông Sơn, hình một chiếc trống đồng được làm từ gốm tráng men,…

     Có lẽ chính cái sự quần tụ về bản sắc của người Việt trong thời Đông Sơn đã tạo ra một nền văn hoá độc đáo và rực rỡ của Việt Nam thời cổ đại. Văn hoá Việt không bị đồng hoá bởi văn hoá Hán mà biết cách thích ứng để tồn tại. Cái “sức mạnh mềm” về văn hoá đã giúp cho người Việt vượt qua ngàn năm đô hộ mà vẫn không mất đi bản sắc của mình để rồi làm nên một thời độc lập tự chủ rạng rỡ Lí Trần. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong số tất cả các cộng đồng Việt trong khối Bách Việt không còn tồn tại đến nay, chỉ mỗi cộng đồng Lạc Việt còn giữ được quốc gia và bản sắc dân tộc cho đến tận giờ. Một phần cơ bản là do nguyên nhân cái bản sắc văn hoá của người Việt đã quần tụ chặt chẽ từ thời Đông Sơn.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Phan Huy Chú (bản dịch), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, NXB Sử học, Hà Nội, 1960.

2. Phan Ngọc – Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam, Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983.

3. Trịnh Sinh, Hà Nội thời Hùng Vương – An Dương Vương, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2010.

Ảnh đại diện: Bộ sưu tập trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Nguồn: https://anninhthudo.vn. Ban Tu thư thiết lập

(Visited 282 times, 1 visits today)

Xổ số miền Bắc