VĂN HÓA VÀ KIẾN TRÚC

Tác giả: PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi

Từ khi con người giao tiếp được với nhau thông qua hoạt động sinh hoạt, ăn uống, lao động sản xuất, trang phục, ngôn ngữ, kể chuyện dân gian truyền miệng, chữ viết, văn học, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc,… khi đó văn hóa bắt đầu xuất hiện và phát triển cùng với nền văn minh của nhân loại.

Loài người xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng hơn 3 triệu năm, thời kỳ này tổ tiên loài người sống hoang giã phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, họ sống thành từng bầy bằng săn bắt, hái lượm, đào bới củ rễ. Văn hóa hình thành và phát triển khi con người phát hiện ra lửa và biết hợp tác với nhau để có thể săn bắn được những con thú lớn và hái lượm được nhiều hơn. Đến khoảng 3 vạn năm, con người dần chuyển từ sống du mục sang định canh, định cư và hình thành xã hội đầu tiên của loài người, đó là xã hội nguyên thủy.

Văn hóa ngày càng phát triển khi con người đã bước ra biết di chuyển dần xuống các vùng đồng bằng đất đai phì nhiêu lưu vực sông Nil ở Đông Bắc châu Phi lập nên nhà nước chiếm hữu nô lệ Ai Cập cổ đại, hình thành nên nền văn minh Ai Cập cổ đại, một cổ xưa và rực rỡ nhất lịch sử nhân loại. Cũng vào thời kỳ này tại vùng hạ lưu vùng đồng bằng hai con sông lớn là Tigre và Euphrates hình thành nên nền văn minh Lưỡng Hà và Ba Tư thuộc vùng Trung Cận Đông. Vào khoảng 3000 năm Tr.CN, nền văn hóa nhân loại tiếp tục phát triển nhờ vào sự sáng tạo ra chữ viết, thơ ca, truyện cổ tích, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của cư dân Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại.

Cùng với hình thành văn hóa của các nền văn minh cổ đại, kiến trúc cũng được hình thành và phát triển theo. Thời kỳ đầu tiên, nhà ở trong xã hội nguyên thủy rất thô sơ do trình độ sản xuất thấp kém và lạc hậu, con người sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nơi trú ẩn đầu tiên của con người là các tán cây, hốc cây, hang động. Qua quá trình tiến hóa, con người đã biết chinh phục, khai thác tự nhiên để tạo cho mình nơi cư trú cố định và ngày càng hoàn thiện không gian ở. Nhà ở thời kỳ đồ đá cũ rất đơn giản như đào hầm đất ven sông hồ, khoét các hang đá ven sườn núi, dùng liếp bằng vỏ cây, lá cây che chắn thô sơ, lấy thân cây ghép thành lều trên mặt đất hoặc trên thân cây, dần cải tiến thành lều hình tròn có mái hay chóp nón được xây dựng bằng đá hoặc kết bằng cành cây. Lều thường được làm bằng vỏ cây hay bằng đất đắp, phía trên đỉnh mái có trổ ô cửa nhỏ để lấy ánh sáng và thoát khói. Loại lều thường thấy ở châu Mỹ là loại làm bằng thân cây có lợp vỏ cây hoặc phủ bằng da hươu tuần lộc. Lều của người Exkimô vùng Bắc cực lại cư trú trong các lều được xây dựng bằng băng. Lều của người ở vùng sông Amua dựng lều hình yên ngựa. Lều người dân du mục vùng bắc Phi có hành dáng chữ nhật, bên trên che phủ bằng lá hoặc da thú.

Sau khi chế độ công xã nguyên thủy được xác lập thì cuộc sống du cư chuyển sang định cư, con người đã xây dựng cho mình nơi cư trú khác trước đây, đã xuất hiện loại nhà dài cho một hay nhiều gia đình với hàng chục hoặc hàng trăm người cùng sinh sống.

Thời kỳ đồ đá mới, kiến trúc đã phát triển tiến bộ cao hơn, con người từ bỏ lối sống du cư và định cư thành các làng xóm, nhà ở có nhiều gian, mỗi gian có bếp lò riêng. Thời kỳ này con người đã biết sử dụng nhiều loại vật liệu để xây dựng như đá phiến làm tường, móng hay mái nhà, gỗ làm khung nhà, cột và mái nhà.

Sang thời kỳ đồ đồng, nhờ vào phát minh nấu chảy kim loại và sử dụng công cụ lao động bằng kim loại để khai hoang, trồng trọi, xẻ gỗ đóng thuyền và xẻ đá dựng nhà nên việc xây dựng nhà ở cũng có nhiều tiến bộ hơn. Kiến trúc nhà ở đặc trưng giai đoạn này phải kể đến nhà ở của cư dân sống thành làng xóm đông đúc tại lưu vực sông Nil.

Như phân tích ở trên, văn hóa hình thành và phát triển cùng với các nền văn minh nhân loại, và nghệ thuật kiến trúc đã được sử dụng như một công cụ để biểu đạt nền văn hóa mỗi dân tộc trong nền văn minh ấy. Vì vậy, bài viết này muốn tập trung phân tích làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và kiến trúc để góp phần vào đánh giá các giá trị kiến trúc cũng như phát triển kiến trúc cần bám sát vào giá trị văn hóa nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa ẩn chứa trong kiến trúc đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Văn hóa có khái niệm rất rộng, ở đây chúng ta tập trung nghiên cứu những khái niệm văn hóa chung nhất để từ đó có thể làm rõ được mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc.

Văn hóa được bắt nguồn từ chữ La tinh “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa “Cultus Agri” là gieo trồng ruộng đất và “Cultus Animi” là gieo trồng tinh thần.

Theo từ điển Hán Việt, văn hóa là kết quả chung của quá trình phát triển sáng tạo của loài người trong lịch sử, bao gồm các phương diện tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật, khoa học,… 

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử; là đời sống tinh thần của con người; là tri thức khoa học, trình độ học vấn; là lối sống, cách ứng xử có trình độ và là nền văn hóa một thời kì lịch sử, xác định được nhờ tổng thể các di vật tìm được có những đặc điểm chung [6].

UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa: Là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng văn học và nghệ thuật, cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin [7].

Từ đó có thể thấy văn hóa là tổng thể chung nhất những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, trong lao động sản xuất, trong hoạt động thực tiễn, trong sáng tạo tri thức, sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên hay giữa con người với con người.

Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian, là hoạt động sáng tạo nhằm thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của con người [2].

Kiến trúc là nghệ thuật sáng tạo ra không gian sống, kiến tạo ra một môi trường nhân tạo thích nghi với môi trường tự nhiên và phục vụ tốt cho các điều kiện sinh hoạt của con người. Đồng thời kiến trúc còn là khoa học vì mục đích chất lượng cuộc sống, của yêu cầu sử dụng, vì tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ xây dựng xã hội bền vững [4].

Như vậy, có thể thấy kiến trúc là khoa học và nghệ thuật sáng tạo về xây dựng công trình, trang trí và tổ chức không gian sống phục vụ yêu cầu sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của con người và xã hội.

Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa là văn hóa tính giá trị, tính giá trị của văn hóa là thước đo mức độ nhân văn của con người và cộng đồng xã hội đang nắm giữ nền văn hóa đó. Từ đó, văn hóa được xem là một thể thống nhất hữu cơ các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động sản xuất, mối quan hệ giao tiếp, tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong điều kiện của bài viết, chúng ta chỉ tập trung vào phân tích làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa đối với kiến trúc thông qua đặc trưng cơ bản về tính giá trị của văn hóa, đó là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

– Văn hóa vật chất với kiến trúc: Văn hóa vật chất gồm tất cả những sản phẩm vật thể, dụng cụ do con người trong xã hội sáng tạo và xây dựng mà có như những con đường đi lại; những công trình kiến trúc như nhà ở, đền thờ, chùa, miếu,…; các phương tiện giao thông, máy móc trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của con người.

Văn hóa vật chất phản ánh những giá trị văn hóa mà nền văn hóa cộng đồng đó coi là quan trọng nhất, ví dụ như đối với cộng đồng Hồi giáo, công trình kiến trúc được cho là có giá trị nhất thường là những công trình kiến trúc nhà thờ, những thánh đường; đối với cộng đồng Phật giáo thì công trình kiến trúc chùa thờ Phật là công trình có giá trị nhất; đối với một số cộng đồng nhỏ khác thì công trình trung tâm thương mại, công trình văn hóa, rạp chiếu phim đôi khi lại là quan trọng nhất.

Bàn về văn hóa vật chất, chắc chắn kiến trúc sẽ là vật chất đầu tiên mà con người cần quan tâm. Thứ nhất kiến trúc nhà ở ra đời sớm nhất cùng với sự xuất hiện và phát triển của nhân loại; thứ hai các công trình kiến trúc bao giờ cũng phản ánh văn hóa địa phương một cách khách quan bằng thực thể sinh động đó là các đô thị, là các công trình kiến trúc mà thị giác của con người rất dễ dàng quan sát được khi mới bắt đầu bước chân vào một vùng miền, một địa phương, một quốc gia nào đó; thứ ba khi sử dụng các trang thiết bị nội thất trong các công trình kiến trúc chính là những lúc mà nền văn hóa địa phương sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến người sử dụng, họ sẽ nhớ lâu nhất về  nền văn hóa địa phương thông qua các giá trị vật chất này; thứ tư tất cả các quốc gia trên thế giới, tại mỗi thành phố bao giờ cũng có một biểu tượng biểu trưng cho giá trị vật chất của thành phố, một trong những cái mà con người lưu lại trí nhớ nhiều nhất chính là biểu tượng một công trình kiến trúc đặc trưng cho thành phố, quốc gia đó. Ví dụ như khi đến với thành phố Hà Nội, biểu tượng công trình kiến trúc chính là Khuê Văn Các; khi đến đất nước Mỹ, biểu tượng kiến trúc phải kể đến công trình Tượng Nữ thần tự do đặt ở đảo Liberty, cảng New York; khi đến Trung Quốc thì biểu tượng của đất nước Trung Hoa là công trình kiến trúc Vạn lý trường thành và biểu tượng của đất nước Pháp chính là công trình Tháp Eiffel.

Hình ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng văn hóa của Hà Nội

Hình ảnh Tượng Nữ thần tự do, biểu tượng văn hóa của nước Mỹ

Công trình kiến trúc Vạn lý trường thành là một trong những biểu tượng văn hóa của Trung Quốc

Tháp Eiffel, biểu tượng văn hóa của nước Pháp

– Văn hóa tinh thần với kiến trúc: Văn hóa tinh thần bao gồm hệ thống những ý niệm, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị, chuẩn mực, đạo đức,… Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần bao giờ cũng có mối liên hệ chặt chẽ và hữu cơ với nhau, có thể hiểu nếu văn hóa tinh thần là nội hàm cho khái niệm văn hóa thì văn hóa vật chất chính là ngoại diên của khái niệm văn hóa. Đối với kiến trúc nó bao hàm cả tinh thần và vật chất của văn hóa, văn hóa vật chất được biểu đạt ở hình khối, màu sắc, vật liệu, công nghệ xây dựng của công trình kiến trúc thì văn hóa tinh thần nó được thể hiện bên trong công trình kiến trúc, cái mà nó mang lại ý nghĩa, tình cảm cho con người sinh sống chung quanh nó; nó sẽ trả lời các câu hỏi đặt ra như giá trị sử dụng của công trình là gì? ý nghĩa hình khối và công năng kiến trúc công trình đối với con người là gì? giá trị văn hóa truyền thống địa phương của công trình như thế nào? mối quan hệ hữu cơ giữa vi khí hậu bên trong công trình và điều kiện khí hậu địa phương như thế nào? khả năng thích ứng với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, với môi trường cảnh quan ra sao?

Kiến trúc biểu đạt giá trị văn hóa tinh thần thông qua việc các thể chế xã hội đương thời thường sử dụng công trình kiến trúc làm công cụ giáo huấn và lãnh đạo người dân của mình cũng như người dân sử dụng công trình kiến trúc để biểu đạt tình cảm, ước muốn, nguyện vọng của bản thân mình. Mặt khác kiến trúc còn biểu đạt giá trị văn hóa tinh thần thông qua biểu tượng văn hóa của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Như vậy, có thể nói kiến trúc thể hiện được tất cả các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của một địa điểm, một địa phương và một quốc gia. 

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên gắn với kiến trúc ngôi nhà Rông

Lễ hội dân tộc Mường, Tây Bắc gắn với kiến trúc ngôi nhà Sàn truyền thống

Lễ hội hát dân ca Quan Họ Kinh Bắc gắn với kiến trúc Đình làng

Tóm lại, văn hóa xuất hiện và phát triển cùng với nền văn minh nhân loại và chỉ được hoàn thiện khi có các hoạt động giao tiếp con người thông qua hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất, ăn mặc, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật,… Văn hóa là bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất, sáng tạo tri thức, sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên hay giữa con người với nhau.

Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần có mối liên hệ biện chứng với nhau, cùng hỗ trợ ra đời và tự mất đi khi một trong hai yếu tố này không còn nữa. Trong đó, kiến trúc được cho là đại diện giúp biểu đạt cho cả hai yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, bằng thị giác sẽ giúp con người cảm nhận, giao tiếp được với công trình kiến trúc thông qua biểu đạt về hình ảnh, ngôn ngữ, tình cảm, lời giáo huấn, sự sẻ chia của công trình kiến trúc. Từ đó có thể nói văn hóa và kiến trúc luôn song hành cùng nhau và kiến trúc dựa vào văn hóa để biểu đạt hình ảnh của mình cũng như làm giàu thêm, phong phú thêm cho văn hóa.

Như vậy, không chỉ có kiến trúc mà tất cả các ngành nghệ thuật nói chung đều góp phần làm tôn vinh văn hóa, nhất là văn hóa dân tộc nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1] Huỳnh Công Bá (2012), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế.

[2] Đặng Thái Hoàng (1997), Sáng tác kiến trúc, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

[3] Hoàng Đạo Kính (2012), Văn hóa kiến trúc, NXB Tri thức, Hà Nội.

[4] Nguyễn Đức Thiềm (2012), Khái niệm kiến trúc và cơ sở sáng tác, NXB Xây dựng, Hà Nội.

[5] Nguyễn Đình Thi (chủ biên) – Nguyễn Tất Thắng (2022), Văn hóa và Kiến, NXB Xây dựng, Hà Nội.

[6] Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (1999),  Đại từ điển Tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[7] Viện Thống kê UNESCO (UIS) (2009), Khung thống kê văn hóa Unesco 2009 (FCS), Viện thống kê UNESCO P.O. Box 6128, Succursale Centre-Ville, Montreal, Quebec  H3C 3J7 Canada.

[8] David Levinson, Melvin Ember (1996), Encyclopedia of Cultural Anthropology (1,2,3,4) – New York, Henry Holt and Company.

[9] Kroeber, A. L., & Kluckhohn, C. (1952). Culture: a critical review of concepts and definitions, Papers. Peabody Museum of Archaeology & Ethnology, Harvard University, N°1.

Advertisement

Mục lục bài viết

Share this:

Like this:

Like

Loading…