VITM Hà Nội 2023: Diễn đàn Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam

Nhu cầu cấp thiết

Phát biểu khai mạc diễn đàn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Du lịch văn hóa đã được UNESSCO định nghĩa là một loại hình du lịch, trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm đến du lịch.

Du lịch văn hóa - "bệ phóng" phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam ảnh 1

Theo ông Khánh, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch.

“Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong việc thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa… Theo thống kê của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19 du lịch văn hóa đã đóng góp 37% trong du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm” – Ông Khánh nói.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước. Vì vậy theo ông Khánh, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên vô cùng cấp thiết.

Bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thành công trong việc khai thác các yếu tố văn hóa để phát triển du lịch như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc… Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, bà Lan đặt vấn đề, Việt Nam cũng nên coi việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi mới giúp cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng khẳng địng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa với nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc khi Việt Nam có tới 5 di sản văn hoá vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 07 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh; hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh…

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Nhiều điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là “điểm phải đến” của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên,…

Du lịch văn hóa - "bệ phóng" phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam ảnh 2

TS. Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung (tổng thu từ khách du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 – 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp).

Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng du lịch tiêu biểu của Tổ chức giải thưởng du lịch Thế giới (World Travel Awards) như: điểm đến di sản hàng đầu thế giới (trong 3 năm 2019, 2020, 2022); điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019); điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (2019) – Hội An; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019); điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới – Đảo Ký Ức Hội An; điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới – Sun World Fansipan Legend (2022).

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước; Thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu đồng bộ, đặc biệt những nơi có tài nguyên du lịch ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều điểm tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác thành các sản phẩm du lịch. Sự biến thể văn hóa từ một số các lễ hội truyền thống của địa phương từ việc tổ chức đến tham gia lễ hội còn nhiều tồn tại và biến tướng ở địa phương. Nhiều hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để buôn thần bán thánh, chèo kéo, lừa bịp du khách… vẫn còn tồn đọng.

Đặc biệt, nhiều chính sách, dự án, phong trào xây dựng, khai thác các nguồn lực văn hoá cho phát triển du lịch còn kém hiệu quả. Điển hình như các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng mở ra ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nghiên cứu phù hợp, chưa coi trọng mục tiêu phát triển văn hoá và sinh kế cho cư dân bản địa mà chỉ nhằm khai thác vốn văn hoá của họ.

Để du lịch văn hóa thật sự “cất cánh”

Du lịch văn hóa - "bệ phóng" phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam ảnh 3

Để thực sự tận dụng được nguồn tài nguyên và phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch văn hóa sao cho phù hợp để có hiệu quả nhất. Muốn phát triển du lịch văn hóa trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa.

Thứ hai là định hình và xây dựng được thương hiệu của mỗi địa phương dựa trên các nền tảng văn hóa vốn có nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, của khách du lịch trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt ở những địa phương giàu tài nguyên du lịch văn hóa nhưng điều kiện kinh tế – xã hội còn chậm phát triển.

Bên cạnh đó, TS Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chính phủ và hiệu quả của các chính sách đối với phát triển du lịch. “Du lịch và văn hóa chỉ có thể phát triển bền vững khi có được những chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình dẫn dắt phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các cấp, các bộ, ngành trung ương và địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững” – ông Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, việc thúc đẩy quảng bá, gắn văn hóa với phát triển du lịch thông qua các nhân vật/biểu tượng trở thành đại sứ văn hóa và đại sứ du lịch nhằm quảng bá Việt Nam ra thế giới; đẩy mạnh quảng bá tại các hội chợ, triển lãm quốc tế cũng như trong nước; xây dựng các ấn phẩm quảng bá ấn tượng… cũng là một giải pháp đáng lưu ý.

“Cuối cùng, mỗi người dân đều phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Để làm được điều đó, chính quyền và doanh nghiệp cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích có được từ các hoạt động phát triển du lịch đối với cộng đồng. Trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn” – ông Tuấn nói.