Vài nét tiêu biểu về văn hóa của dân tộc Kinh – Văn hóa tâm linh
Dân tộc Kinh chiếm khoảng 90% dân số của cả nước và sinh sống ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, họ sở hữu các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và có bản sắc văn hóa rất độc đáo và khác biệt.
Mục lục bài viết
Phong tục tập quán
Dân tộc Kinh có truyền thống đoàn kết, gắn bó, cần cù, sáng tạo những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc và phát huy truyền thống lâu dài của cha ông, họ còn lưu giữ và tiếp nối các phong tục tập quán của tổ tiên để lại.
Dân tộc Kinh có phong tục tập quán với những nét đặc trưng khác biệt và đặc sắc. Có thể kể tới một số phong tục tập quán như: ăn trầu cau, uống nước chè, uống nước vối.
Trong các bữa ăn đời thường, dân tộc Kinh ăn cơm tẻ, cơm nếp hoặc cháo, xôi và một trong những món ăn độc đáo. Sự khác biệt của dân tộc Kinh với các dân tộc khác trên cả nước đó chính là món mắm tôm, trứng vịt lộn.
Bên cạnh đó, nhà ở của người Kinh sẽ là nhà trệt, giữa nhà đặt bàn thờ gia tiên. Ở mỗi một vùng miền sẽ có những kiểu nhà khác nhau, miền Bắc thường là nhà ba gian hai trái còn miền Trung là nhà rường hoặc nhà mái lá.
Ngoài ra, dân tộc Kinh còn có những phong tục tập quán khác như hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng, lễ tết Nguyên Đán, Rằm tháng giêng, tết Đoan Ngọ, tết Trung thu.
Ẩm thực
Một trong những nét đặc sắc tạo nên sức thu hút của văn hóa dân tộc Kinh với nhiều người trên khắp thế giới đó chính là nền ẩm thực vô cùng phong phú và độc đáo. Đã từ bao đời, những món ăn của người Kinh luôn có một sự hấp dẫn đối với mọi thực khách. Mỗi một vùng miền sẽ có những món ăn mang hương vị khác nhau nhưng chính sự khác biệt đó đã tạo nên một bức tranh muôn màu sắc và phong phú cho nền ẩm thực Việt.
Những món ăn từ ba miền Bắc, Trung, Nam mặc dù có sự riêng biệt trong cách chế biến và cách sử dụng nguyên liệu nhưng lại có thể cùng hòa thanh trên bàn tiệc ẩm thực Việt. Tuy có sự khác biệt về hương vị nhưng những món ăn của dân tộc Kinh luôn có một điểm chung là nhất định phải có nước chấm và gia vị.
Ẩm thực miền Bắc thường rất cầu kỳ trong việc chọn lựa các nguyên liệu và chú trọng trong cách phối hợp các loại gia vị. Một trong những món đặc trưng và nổi tiếng của miền Bắc như phở bò, bánh tôm Hồ Tây, bún chả, bún thang. Còn ẩm thực miền Trung thì có hương vị riêng biệt, cay nồng và mặn hơn đồ ăn của người miền Bắc và miền Nam.
Những món ăn đặc sắc của miền Trung là bún bò Huế, bánh xèo, bánh bột lọc, cao lầu, mì quảng. Người miền Nam thường chuộng những món ăn có hương vị ngọt ngào và béo tiêu biểu là món cơm tấm, gỏi cuốn, bánh bò, chè ba ba.
Trang phục
Nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh được thể hiện qua trang phục khá đa dạng, từ màu sắc, chất liệu, cách may mặc được thể hiện qua các kiểu áo quần, nón mũ, giày dép trong cuộc sống thường nhật hay các dịp lễ hội.
Trang phục ngày thường
Trang phục nam thường ngày mặc áo cách nâu, cổ tròn mặc với quần lá tọa ống rộng.
Trang phục nữ, đối với Bắc và bắc Trung bộ người nữ thường mặc áo cách ngắn vải nâu phía trong mặc yếm cùng với váy. Váy là loại váy kín được buộc bằng thắt lưng, khi ra đường họ thường mang khăn vuông,hoặc các loại nón: thúng, ba tầm…
Phụ nữ Nam Bộ thường ngày mặc áo bà ba với phụ trang đi kèm là chiếc khăn rằn thường có ô vuông xen kẽ hai màu. Chiếc nón lá cũng là phụ kiện che nắng che mưa của người phụ nữ Nam Bộ.
Trang phục các dịp lễ, tết, hội hè
Nam thường mặc áo dài màu đen, đầu đội khăn xếp với quần tọa màu trắng. Áo dài xẻ nách hai bên, không trang trí hoa văn. Chân đi guốc mộc.
Trong những dịp này phụ nữ Việt thường mang áo dài, để tóc dài vấn khăn thành vành tròn quanh đầu. Kết hợp với đồ trang sức là các loại trâm, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, vòng tay mang phong cách từng vùng.
Lễ hội
Đã từ bao đời, những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc luôn là một trong những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Kinh. Mọi người dân mang dòng máu Việt Nam không chỉ giữ gìn mà còn tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp ấy. Dân tộc Kinh có rất nhiều những lễ hội cổ truyền đa dạng, độc đáo ở khắp mọi vùng miền trên đất nước. Tại mỗi vùng đều có những lễ hội mang nét tiêu biểu và giá trị khác nhau.
Những lễ hội truyền thống là dịp để mọi người giao lưu, truyền lại những đạo đức, luân lý về khát vọng tốt đẹp, đồng thời còn ca ngợi những chiến tích của các vị vua, anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Một số lễ hội tiêu biểu của dân tộc Kinh có thể kể tới là lễ hội Đền Hùng, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Bãi Đính.