Vài suy nghĩ về mối quan hệ giữa các đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa đế quốc trong tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” của V.I.Lênin | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẾN TRE

 

 

Nhân kỷ niệm 146 năm ngày sinh Lênin

Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu

Phó trưởng Phòng NCKH – TT – TL

V.I.Lênin, tên thật là Vlađimia Ilích Ulianốp (Vladimir Ilits Ulianov), sinh ngày 22-4-1870, ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), trong một gia đình trí thức tiến bộ. Ông mất ngày 21-1-1924, tại làng Gorki, Mátxcơva, thi hài được đặt tại lăng ở Quảng trường Đỏ, Mátxcơva. Ông được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình V.I. Lênin đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Là nhà hoạt động thực tiễn kiệt xuất đồng thời là nhà lý luận cách mạng thiên tài, V.I. Lênin  đã dày công nghiên cứu, sáng tạo nên học thuyết về chủ nghĩa đế quốc, về cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Những tác phẩm của Người đã để lại cho nhân loại vẫn còn nguyên giá trị.

Khi phân tích về chủ nghĩa đế quốc V.I.Lênin rút ra những đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc như sau:

* Sự tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền

Xuất phát từ lĩnh vực sản xuất của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin  đã đưa ra nhận xét có ý nghĩa quyết định để vạch ra nguyên nhân phát sinh và bản chất của chủ nghĩa tư bản trong bước phát triển mới “Sự phát triển của công nghiệp và quá trình tập trung cực kỳ nhanh chóng của sản xuất vào trong các xí nghiệp ngày càng to lớn, là một trong những đặc điểm tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tư bản” (1). Để minh chứng, Lênin đã dùng số liệu về tình hình sản xuất trong công nghiệp ở Đức và Mỹ, hai nước tư bản phát triển lúc đó.

Tập trung sản xuất có nghĩa là sự tập trung sản xuất vào những xí nghiệp lớn hình thành những xí nghiệp khổng lồ, đây là kết quả của quá trình tích tụ và tập trung tư bản. Tập trung sản xuất phát triển đến mức độ nhất định sẽ dẫn đến độc quyền “Do đó, ta thấy rõ rằng khi phát triển đến mức độ nhất định, thì có thể nói, sự tập trung tự nó sẽ dẫn thẳng đến độc quyền.” (2). Chính cạnh tranh dẫn đến độc quyền, đây là một trong những hiện tượng quan trọng nhất trong nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại “Sự cạnh tranh biến thành độc quyền, đó là một trong những hiện tượng quan trọng nhất trong nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại.” (3). Mặt khác, cạnh tranh biến thành độc quyền sẽ thúc đẩy xã hội hóa sản xuất phát triển kể cả quá trình phát minh và cải tiến kỹ thuật “Cạnh tranh biến thành độc quyền. Kết quả là việc xã hội hóa sản xuất tiến một bước lớn. Trong đó cả quá trình phát minh và cải tiến kỹ thuật cũng được xã hội hóa.”(4)

Lênin đã chứng minh sự ra đời và thống trị của độc quyền trên cơ sở tập trung sản xuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; đó là bản chất kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Đồng thời,  Lênin đã phân tích các tổ chức độc quyền tồn tại phổ biến trong các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao đó là các – ten (cartel), xanh – đi – ca (syndicat), tơ – rớt (trust), công – xooc – xi – om (consortium).

Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền ngày nay được biểu hiện dưới những hình thức như:

+ Trước đây tập trung sản xuất dẫn đến hình thức liên hợp hóa theo ngành dọc và ngành ngang và hình thành những tổ chức độc quyền chuyên ngành hẹp. Ngày nay, tập trung sản xuất dẫn đến hình thức liên hợp hóa mới là đa dạng hóa sản xuất, tức là một đơn vị kinh tế sản xuất những sản phẩm thuộc nhiều ngành khác nhau. Trên cơ sở tập trung sản suất, hình thành những công – gờ – lô – mê – ra …, một hình thức tổ chức độc quyền nhiều xí nghiệp và cơ sở kinh doanh thuộc nhiều ngành khác nhau, không có mối liên hệ về sản xuất, kỹ thuật và tiêu thụ, chỉ có mối liên hệ duy nhất là đặt dưới sự kiểm soát chung về tài chính.

+ Sự hình thành và phát triển các công ty xuyên quốc gia, công ty nhiều quốc gia. Công ty nhiều quốc gia là những công ty độc quyền hoạt động trên thị trường quốc tế, do hợp nhất tư bản của những tổ chức độc quyền nhiều quốc gia khác nhau.

+ Sự tăng cường chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Sự hình thành và phát triển của CNTB độc quyền nhà nước là do tập trung sản xuất phát triển cao, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nền kinh tế từ một trung tâm.

Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền diễn ra trong lĩnh vực sản xuất từ đó dẫn đến tập trung và độc quyền trong lưu thông. Trong lưu thông ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội, vì nó nắm tư bản tiền tệ. Do đó “Độc quyền, đó là đỉnh tột cùng của “giai đoạn mới nhất trong sự phát triển của CNTB”. Nhưng những quan niệm của chúng ta về sức mạnh thực tế và ý nghĩa của các tổ chức độc quyền hiện đại sẽ hết sức thiếu sót, hết sức không đầy đủ và không đúng mức, nếu chúng ta không tính đến vai trò của các ngân hàng.”(5)

* Các ngân hàng và vai trò mới của chúng

Ngân hàng làm trung gian trong việc trả tiền, biến tư bản tiền tệ không hoạt động thành tư bản tiền tệ hoạt động, đem lại lợi nhuận cho giai cấp các nhà tư bản sử dụng “Công việc cơ bản và thoạt đầu của các ngân hàng là làm trung gian trong việc trả tiền. Nhờ thế, các ngân hàng biến tư bản tiền tệ không hoạt động thành tư bản hoạt động, nghĩa là tư bản đem lại lợi nhuận, và tập hợp mọi khoản thu nhập bằng tiền để cho giai cấp các nhà tư bản sử dụng.” (6)

Qua hoạt động của các ngân hàng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Lênin nhận xét: “Công việc kinh doanh ngân hàng càng phát triển và càng tập trung vào một số ít cơ quan, thì từ chỗ đóng vai trò khiêm tốn của những kẻ trung gian, các ngân hàng đã trở những tổ chức độc quyền vạn năng, sử dụng được hầu hết tổng số tiền của toàn thể các nhà tư bản và tiểu chủ, cũng như phần lớn những tư liệu sản xuất và những nguồn nguyên liệu của một nước nhất định hay của cả một loạt nước.” (7)

Như vậy, trong lĩnh vực ngân hàng cũng có quá trình tập trung và dẫn đến độc quyền trong ngân hàng. Sự tập trung của ngành ngân hàng được thể hiện ở chỗ:

+ Số lượng tiền trong các ngân hàng lớn tăng lên, trong khi đó các ngân hàng nhỏ giảm xuống.

+ Các ngân hàng nhỏ lại bị các ngân hàng lớn lấn át, thôn tính trở thành ngân hàng “phụ thuộc”, đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của sự tập trung TBCN hiện đại.

Sự “phụ thuộc” đó được thực hiện trực tiếp và cả gián tiếp thông qua những ngân hàng khác bằng chế độ tham dự. Lênin đã chứng minh bằng một tập đoàn ngân hàng ở Đức, đây là một trong những tập đoàn lớn hơn tất cả các tập đoàn ngân hàng ở Đức, tham dự bậc nhất vào 30 ngân hàng, bậc hai 14 ngân hàng, mà 14 ngân hàng tham dự vào 48 ngân hàng khác, bậc ba vào 6 ngân hàng, 6 ngân hàng tham dự vào 9 ngân hàng khác. Sự tập trung của ngành ngân hàng thể hiện ở chỗ mạng lưới ngân hàng bao trùm cả nước, tập trung hết thảy tư bản và các khoản thu nhập bằng tiền; biến hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp tản mạn, thành một đơn vị kinh tế TBCN thống nhất toàn quốc, rồi sau đó trở thành một đơn vị kinh tế TBCN thế giới.

Từ phân tích, Lênin kết luận “Dù sao thì trong hết thảy các nước TBCN, mặc dù luật ngân hàng ở các nước đó có những biến thể như thế nào đi nữa, các ngân hàng vẫn tăng cường và đẩy nhanh gấp bội quá trình tập trung tư bản và quá trình hình thành các tổ chức độc quyền.” (8)

* Tư bản tài chính và bọn đầu sở tài chính

Để xác định bản chất của tư bản tài chính, Lênin bắt đầu bằng phê phán định nghĩa của R. Hilferding (người đầu tiên dùng khái niệm tư bản tài chính).

Theo R. Hilferding, tư bản tài chính là tư bản dưới dạng tiền – qua đó trên thực tế đã biến thành tư bản công nghiệp, tư bản tài chính là tư bản do ngân hàng chi phối và do các nhà công nghiệp sử dụng.

Theo Lênin, định nghĩa này chưa đầy đủ vì nó không chỉ rõ một trong những yếu tố quan trọng nhất, cụ thể là sự tập trung sản xuất và tư bản đã phát triển mạnh đến nỗi đang và đã dẫn đến độc quyền. Lênin đã đưa ra khái niệm về tư bản tài chính “Tư bản tài chính là kết quả của sự hợp nhất giữa tư bản ngân hàng của một số ít ngân hàng độc quyền lớn nhất, với tư bản của những liên minh độc quyền các nhà công nghiệp.” (9)

Như vậy, sự tập trung sản xuất dẫn đến sự hình thành các tổ chức độc quyền trong lĩnh vực sản xuất, từ độc quyền trong sản xuất dẫn đến độc quyền trong ngân hàng và sự thống trị của một bọn đầu sỏ tài chính. Sự thống trị của bọn đầu sỏ tài chính được thiết lập bằng chế độ tham dự.

* Xuất khẩu tư bản

Khi nghiên cứu về tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính, Lênin chú trọng đến việc xuất khẩu tư bản “Cần phải đặc biệt xét đến vai trò của việc xuất khẩu tư bản trong việc thành lập ra mạng lưới lệ thuộc và liên hệ quốc tế của tư bản tài chính.” (10)

Lênin đã chỉ ra tính tất yếu của việc xuất khẩu tư bản khi độc quyền và tư bản tài chính thống trị trong các nước TBCN phát triển. Việc xuất khẩu tư bản xuất phát từ:

+ Chủ nghĩa tư bản là nền sản xuất hàng hóa ở mức độ phát triển cao nhất khi mà chính ngay sức lao động cũng trở thành hàng hóa. Sự phát triển của trao đổi ở trong nước, và đặc biệt là trên quốc tế, là một đặc điểm tiêu biểu của CNTB. Mặt khác, sự phát triển không đều của ngành công nghiệp đòi hỏi cần phải có một nguồn nguyên liệu dẫn đến việc xuất khẩu tư bản.

+ Tình trạng “tư bản thừa” xuất hiện rất nhiều trong các nước tiên tiến.

Việc xuất khẩu tư bản ảnh hưởng đến sự phát triển của CNTB và thúc đẩy hết sức nhanh sự phát triển đó trong những nước đã được đầu tư. Mặt khác, xuất khẩu tư bản làm cho CNTB phát triển rộng và sâu thêm trên toàn thế giới.

* Việc phân chia thế giới giữa các liên minh của bọn tư bản

Xuất khẩu tư bản là hậu quả tất yếu của mâu thuẫn trong quá trình tích lũy tư bản, đồng thời cũng là biện pháp để giải quyết mâu thuẫn đó. Nhưng tác dụng đó lại làm cho mâu thuẫn đó thêm sâu sắc và làm cơ sở dẫn tới việc phân chia thế giới giữa các liên minh độc quyền. Vì vậy, Lênin kết luận “Nói theo nghĩa bóng thì các nước xuất khẩu tư bản đã chia nhau thế giới. Nhưng tư bản tài chính thì cũng đã dẫn đến chỗ trực tiếp phân chia thế giới.” (11)

Dưới chế độ TBCN, chủ nghĩa tư bản đã gắn liền thị trường trong nước với thị trường bên ngoài, nên tạo ra thị trường toàn thế giới. Do việc xuất khẩu tư bản tăng lên, và những quan hệ với nước ngoài và các thuộc địa, cũng như những khu vực ảnh hưởng của các liên minh độc quyền lớn nhất được hết sức mở rộng, nên đưa đến sự thỏa thuận quốc tế giữa các liên minh này, đưa đến sự hình thành những tổ chức độc quyền quốc tế. Đó là mức độ mới nhất của việc tập trung tư bản và tập trung sản xuất trên toàn thế giới.

Thực chất của việc phân chia thế giới giữa các liên minh độc quyền là sự phân chia thế giới về kinh tế. Nguyên nhân của việc phân chia lại thế giới là quy luật phát triển không đều của CNTB, dẫn đến sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các thành viên của liên minh độc quyền, hình thành liên minh độc quyền quốc tế.

Sự phân chia thế giới về kinh tế tất yếu dẫn đến cuộc đấu tranh giữa các cường quốc đế quốc chủ nghĩa nhằm phân chia thế giới về lãnh thổ.

* Sự phân chia thế giới giữa các đại cường quốc

Sự thống trị của độc quyền TBCN tất yếu dẫn đến sự phân chia thế giới về kinh tế đồng thời dẫn đến sự phân chia thế giới về chính trị “Thời đại CNTB hiện đại chỉ cho ta thấy rằng giữa các liên minh của bọn tư bản, những quan hệ nhất định đã được xác lập trên cơ sở phân chia thế giới về kinh tế; song song với tình hình đó và gắn liền với tình hình đó thì giữa các liên minh chính trị, giữa các nước, những quan hệ nhất định cũng được xác lập trên cơ sở phân chia thế giới về lãnh thổ, tranh giành thuộc địa, tranh giành lãnh thổ kinh tế.” (12)

CNTB phát triển càng cao, nguyên liệu càng thiếu thốn, sự cạnh tranh càng gay gắt và việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu trên toàn thế giới càng ráo riết, thì cuộc đấu tranh để chiếm thuộc địa ngày càng quyết liệt hơn. Chỉ có việc chiếm được thuộc địa mới đảm bảo cho các tổ chức độc quyền đối phó có hiệu quả với mọi trường hợp bất trắc trong cuộc cạnh tranh với đối thủ của mình.

Khi phân tích đặc điểm này Lênin chỉ ra lợi ích của việc xuất khẩu tư bản cũng đưa tới sự xâm chiếm thuộc địa “Lợi ích của việc xuất khẩu tư bản cũng thúc đẩy sự xâm chiếm thuộc địa, vì trên thị trường thuộc địa mới dễ dàng loại trừ được kẻ cạnh tranh bằng những thủ đoạn độc quyền, mới dễ dàng nắm được việc cung cấp hàng hoá…” (13)

Sự tranh giành thuộc địa giữa các đại cường quốc dẫn đến 2 cuộc chiến tranh thế giới, đó là chiến tranh thế giới lần thứ nhất  (1914 – 1918) và chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945).

Ngày nay, xu hướng hòa bình phát triển đã trở thành xu hướng cơ bản của thời đại nên sự phân chia thế giới giữa các đại cường quốc vẫn còn tiếp diễn nhưng dưới hình thức mới, chúng không thể tiếp tục gây chiến tranh đế quốc như trước đây. Tuy nhiên, chiến tranh khu vực, sắc tộc, tôn giáo…đang diễn ra trong đó có sự tham gia trực tiếp của các thế lực đế quốc.

Từ phân tích mối quan hệ giữa các đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc, Lênin rút ra kết luận:

+ Sự tập trung sản xuất và tư bản đạt tới một mức độ phát triển cao khiến nó tạo ra những tổ chức độc quyền có một vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế;

+ Sự hợp nhất tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp, và trên cơ sở tư bản tài chính đó, xuất hiện một bọn đầu sỏ tài chính;

+ Việc xuất khẩu tư bản, khác với việc xuất khẩu hàng hóa, đã có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt;

+ Sự  hình thành những liên minh độc quyền quốc tế của bọn tư bản chia nhau thế giới;

+ Các cường quốc TBCN lớn nhất đã chia nhau xong đất đai trên thế giới./.

_______________________________________

[1]. Lênin toàn tập, tập 27, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1980, tr.396.

[2], [3]: Sđd, tr.398.

[4], [5], [6], [7], [8], [9]: Sđd, tr.408, 415, 416, 424, 489.

[10], [11]: Sđd, tr.455, 462.

[12]: Sđd tr.472-473.

[13]: Sđd, tr.484.