Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong hội nhập quốc tế về văn hóa
Cách đây 80 năm, vào tháng 2/1943, Ðề cương về Văn hóa Việt Nam đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La, một địa điểm An toàn khu của Trung ương. Đề cương do Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút soạn thảo và được xem như bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Ðảng ta, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa.
Trên phương diện lý luận, Ðề cương đã đặt nền móng cho nhiều vấn đề căn cốt của văn hóa Việt Nam như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật… Trên phương diện thực tiễn, Ðề cương chỉ ra 3 nguyên tắc vận động căn bản của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam: 1) Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); 2) Đại chúng hóa (chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); và 3) Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Từ khi ra đời đến nay, Ðề cương đã trở thành “kim chỉ nam” đưa đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng. Các nội dung trong Đề cương và 3 nguyên tắc căn bản vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Theo đó, văn hóa không chỉ phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người – tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững. Trên thế giới, nhiều nước đã chứng minh văn hóa là sức mạnh mềm giúp nâng cao vị thế quốc gia đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta xác định ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Chiến lược xác định ngoại giao văn hóa thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.
Đối với Hội LHPN Việt Nam, năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 18 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó xác định văn hóa là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác hội nhập quốc tế. Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa một cách chủ động và hiệu quả. Để triển khai Nghị quyết, các cấp Hội đã có nhiều sáng kiến hiệu quả trong công tác hội nhập quốc tế về văn hóa như phát động và duy trì “Tuần lễ Áo dài”; thành lập và duy trì các câu lạc bộ dân vũ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình hạnh phúc…; các tổ phụ nữ duy trì ngành nghề, văn nghệ truyền thống; tổ phụ nữ phát triển du lịch bản địa…; tuyên truyền hội viên, phụ nữ làm kinh doanh, dịch vụ tại các khu du lịch thể hiện văn minh trong giao tiếp ứng xử…
Trong thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục phát huy các sáng kiến về hội nhập văn hóa, đóng góp vào công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Một số giải pháp gợi ý như sau:
– Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ gìn giữ, trao truyền những nét đẹp truyền thống của con người và gia đình Việt Nam; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử; trau dồi phẩm chất phụ nữ Việt Nam (nguyên tắc dân tộc hóa).
– Tổ chức các phong trào văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao tại cộng đồng, công sở nhằm giúp phụ nữ nâng cao sức khỏe và tự tin tham gia các hoạt động giao lưu trong nước và quốc tế. Tổ chức các sự kiện, giao lưu văn hóa, thể thao với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài như các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán… (nguyên tắc đại chúng hóa).
– Nghiên cứu và tuyên truyền kinh nghiệm quốc tế, nhất là các mô hình gìn giữ và quảng bá bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong quá trình xây dựng xã hội tiên tiến, nhân văn, đồng thời nhận thức đúng đắn và tham gia phê phán các tập tục, thói quen xấu làm ảnh hưởng hình ảnh của đất nước (nguyên tắc khoa học hóa).
Như vậy, Hội LHPN Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò cầu nối đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng con người Việt Nam thời đại mới và đất nước Việt Nam hội nhập, thân thiện, phát triển bền vững.