Vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo tồn di sản

TS Bàn Tuấn Năng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

  –  

Chủ nhật, 23/04/2023 15:00 (GMT+7)

Bản thân là một người Dao đam mê với công tác bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số. Từ góc nhìn của người trong cuộc và nhà nghiên cứu, TS Bàn Tuấn Năng nhận định nếu không coi trọng chủ thể văn hóa thì các sáng tạo sẽ mất đi nguồn mạch, văn hóa không thể trở thành yếu tố tự thân trong vận hành cộng đồng. Dưới đây là quan điểm của TS Bàn Tuấn Năng.

Vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo tồn di sảnTS Bàn Tuấn Năng.

Văn hóa hiểu theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩa là “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu, thực hành và sáng tạo di sản văn hóa. Nói cách khác chủ thể văn hóa là những người sáng tạo, trao truyền và sử hữu di sản, ví dụ lễ cấp sắc của người Dao thì chủ thể sáng tạo là cộng đồng dân tộc Dao.

TS Bàn Tuấn Năng tại sự kiện “Sắc màu dân tộc Dao” ngày 8.3.2023 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấpTS Bàn Tuấn Năng tại sự kiện “Sắc màu dân tộc Dao” ngày 8.3.2023 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một trường hợp khác đó là di sản Then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Các nghệ nhân Then là những người nắm giữ trong mình vốn cổ của cha ông, bản thân họ đang từng ngày thực hành, lưu giữ và quảng bá loại hình di sản này. Vậy nên trong những dịp Liên hoan hát Then đàn tính toàn quốc, sự tham gia của các nghệ nhân, những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Then là vô cùng quan trọng.

Văn hóa là phát triển, truyền thống là biến đổi, vậy nên nếu không coi trọng chủ thể văn hóa, các sáng tạo văn hóa sẽ mất đi nguồn mạch. Văn hóa không trở thành yếu tố tự thân trong vận hành cộng đồng, thì văn hóa sẽ mất đi bản sắc. Mỗi cộng đồng tộc người đều có những tầng lớp tinh hoa, họ là các nghệ nhân, nhà nghiên cứu được sinh ra trong không gian văn hóa, tắm mình trong dòng chảy văn hóa, tiếp nhận, giữ gìn và sáng tạo văn hóa.

Quay trở lại đề tài tín ngưỡng Then của các dân tộc Tày, Nùng và Thái. Bản thân những nghi lễ Then được các nghệ nhân thực hành hàng ngày, cùng một nghệ nhân thực hành nhưng mỗi nghi lễ đều có sự sáng tạo, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của gia chủ. Vậy nên văn hóa là sản phẩm của sáng tạo, truyền thống là những giá trị được các thế hệ nối tiếp nhau tiếp nhận, sáng tạo và trao truyền cho các thế hệ sau, Then cũng vậy!

TS Bàn Tuấn Năng đã đặt chân đến khắp các mảnh đất của vùng Đông Bắc.  Ảnh: Nhân vật cung cấpTS Bàn Tuấn Năng đã đặt chân đến khắp các mảnh đất của vùng Đông Bắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiếng nói chung của cộng động là các môtíp và thông điệp phổ quát, đặc trưng nhất của di sản. Với những tộc người có số lượng dân số đông và nhiều nhóm địa phương như người Dao, Nùng, H’Mông thì đội ngũ chuyên gia tộc người đóng vai trò then chốt trong việc chắt lọc ra những giá trị tiêu biểu đại diện cho cộng đồng. Khi tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số, cần phải mời đội ngũ chuyên gia tộc người tham gia vào khâu tổ chức.

Văn hóa thuộc về cộng đồng, chủ thể của di sản là những người sáng tạo, lưu giữ di sản, vậy nên với mọi hoạt động liên quan đến di sản đều cần phải có sự tham gia của chủ thể văn hóa. Một di sản khi quảng bá ra cộng đồng cần phải vừa đảm bảo được tính phổ quát, nhưng phải chỉ ra được những khía cạnh riêng của từng nhóm địa phương. Nhấn mạnh các môtíp đặc trưng, các giá trị nhân văn của di sản để tạo dấu ấn cộng đồng, đề cao sự sáng tạo các tộc người.

Xổ số miền Bắc