Vai trò của gia đình với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Cùng với sự phát triển nhanh chóng như vũ bão về công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực khác, loài người ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của truyền thống văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Việc biến một đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu thành một đất nước giàu có hiện đại đã là khó, nhưng xây dựng được được một nền văn hóa mang tính truyền thống và có bản sắc riêng thì còn khó hơn nhiều, phải mất cả nghìn năm.
Lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh rằng muốn phát triển kinh tế ở một nước, thì điều quyết định không phải là tài nguyên giàu có, dân số đông, địa lý thuận lợi mà là nước ấy phải có một nền văn hóa tốt đẹp, cho phép người dân có đủ bản lĩnh và năng lực tiếp thu được những thành tựu văn minh của toàn nhân loại. Ngược lại, sẽ chỉ là việc bán tài nguyên tạo nên sự cách biệt giữa một thiểu số giàu có với phần đông những người nghèo khó, kéo theo những tệ nạn như ma túy, HIV/AIDS, chạy theo đồng tiền coi rẻ giá trị con người. Một điều chắc chắn là phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng của văn hóa thì mới ổn định và vững chắc.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà văn hóa thì toàn thế giới có hơn 200 nước nhưng số nước có văn hóa khu biệt lại rất ít, chỉ có 34 nền văn hóa khác nhau và trong số này chỉ có 17 nền văn hóa nổi bật, trong đó có Việt Nam chúng ta. Có thể khẳng định đây là tài sản vô cùng quý báu của ông cha ta từ ngàn xưa để lại, là sức mạnh vô địch giúp dân tộc ta trường tồn và phát triển. Chúng ta đã đương đầu và chiến thắng nhiều kẻ thù ngoại bang giàu có, tàn bạo. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó, nhưng trước tình hình thực tế của đất nước, trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta đang đứng trước nhiều thử thách mới. Đó là thử thách của nền văn minh hậu công nghiệp.
Hiện nay chúng ta đang đứng trước hai khả năng: hoặc là tiếp thu được văn minh hậu công nghiệp và phát triển nhanh chóng về mọi mặt, hoặc là sẽ bị nô dịch về kinh tế, mất chủ quyền về chính trị, chịu mọi sự ràng buộc từ bên ngoài.
Từ đây nảy sinh vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và cơ bản, đó là phải làm cho mọi người dân hiểu rằng giữ gìn được truyền thống văn hóa là điều cực kỳ quan trọng để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.
Để mỗi người dân hiểu biết về truyền thống văn hóa, chúng ta phải giáo dục truyền thống văn hóa từ trong gia đình. Có thể khẳng định rằng điều cốt lõi để tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam là nhân cách của con người. Nhân cách là sự đánh giá của nhiều người về một người nào đó do quan hệ đối xử của người đó với mọi người mang lại, không phụ thuộc vào của cải, vật chất, chức vụ, học vấn.
Đối với người Việt Nam, quan hệ giữa người và người là tất cả, quan hệ ấy được hình thành và phát triển từ trong gia đình. Người Việt Nam coi gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình là yếu tố đầu tiên để xã hội đánh giá nhân cách của một người nào đó.
Con người của gia đình Việt Nam ngay từ bé đã có nhiều quan hệ và phải học cách đối xử với nhau; trẻ thì phải học cách đối xử với ông bà, cha mẹ, anh em, chú bác họ hàng, kính trên nhường dưới; vợ chồng tình nghĩa thủy chung, anh em trên thuận dưới hòa. Người trên cũng phải học cách để đối xử với người dưới sao cho gia đình đầm ấm, hòa thuận… Đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn kính biết ơn, thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được gia đình quan tâm. Trước khi tiếp thu sự giáo dục của xã hội, con người đã được dạy dỗ từ gia đình, đã hình thành nền móng cơ bản về nhân cách từ gia đình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Ngày nay Đảng ta chủ trương xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, là sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là tầm nhìn chiến lược đối với vận mệnh đất nước. Thực tiễn xã hội chúng ta đã có nhiều gia đình sống chung 3, 4 thế hệ song vẫn đoàn kết, thuận hòa, con cháu chăm ngoan học giỏi, kính trọng ông bà cha mẹ, vợ chồng, anh em trong gia đình hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc.
Tuy nhiên hiện nay gia đình Việt Nam đang bị tấn công từ nhiều phía và bị tổn thương ngày càng nhiều. Những hiện tượng trước đây hiếm thấy như con cái bỏ rơi hoặc ngược đãi bố mẹ, vợ chồng ly thân, ly dị, con cái thiếu sự dạy dỗ, quan tâm của cha mẹ , các thành viên trong gia đình bạo hành kẻ yếu thế hơn…ngày càng nhiều. Ở những thành phố lớn chuyện ngoại tình trở thành mốt thời thượng, cùng với nó là là những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, cờ bạc … đang ngày ngày hủy hoại sức khỏe, nhân cách con người.
Để góp phần xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, toàn xã hội, các tổ chức chính trị, từng gia đình, từng cá nhân phải thực hiện tốt Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban bí thư TW Đảng và Nghị quyết X của Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Con ngoan trò giỏi”… do UB TW Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể phát động. Và để các phong trào trên tiếp tục đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực các ngành, các cấp phải có kế hoạch cụ thể, không chạy theo phong trào, có kiểm tra, giám sát, sơ kết và tổng kết thưởng phạt kịp thời.
Gia đình chỉ là một bộ phận hình thành bản sắc văn hóa chứ không phải là tất cả. Nhưng nếu mỗi gia đình đều đạt tiêu chuẩn “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” theo mục tiêu Đảng ta đề ra thì đó là tiền đề để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.