Văn Hóa Của Người Pháp Có Gì Đặc Trưng – ChiPhiDuHocPhap.Top
Người Pháp luôn được đánh giá là lịch sự, sang trọng về cả văn hóa ăn mặc, đi đứng và giao tiếp, từ trong sân vườn, cổng ngõ cho tới ngoài đường. Văn hóa đặc trưng này được xem như một trong những “nguyên tắc sống” của người Pháp. Hãy cùng Cap France tìm hiểu về những nét đặc trưng trong văn hoá quốc gia này nhé!
NỘI DUNG CHÍNH
- Văn hóa gia đình đặc trưng của người Pháp
- Văn hóa tại nơi công cộng đặc trưng của người Pháp
- Văn hóa giao tiếp đặc trưng của người Pháp
- Văn hóa trên bàn ăn của người Pháp
- Văn hóa giao thông của người Pháp
1. Văn hóa gia đình đặc trưng của người Pháp
Người Pháp thích sự yên bình trong tổ ấm của mình, đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Pháp. Để tôn trọng nhau, mọi người thay phiên nhau làm những công việc nhà như nấu ăn, rửa bát, giặt đồ…
Phải tôn trọng giờ giấc các bữa ăn, bất kì sự thay đổi nào như về muộn hay mời thêm người bạn vào ăn cơm cũng cần được báo trước. Ai cũng có quyền có không gian riêng. Các bậc cha mẹ cần có khoảng riêng mà con cái không được phép vào. Không xử lý những xung đột trước mặt con cái. Phải gõ cửa trước khi vào phòng. Bố mẹ cũng tôn trọng giờ giấc và không gian riêng của con cái.
2. Văn hóa tại nơi công cộng đặc trưng của người Pháp
Văn hóa tại nơi công cộng đặc trưng của người Pháp được thể hiện khi đi thang bộ, phụ nữ và người già luôn được đi bên có tay vịn. Đàn ông đi sau và xuống trước để có thể giúp đỡ khi cần thiết. Còn khi đi thang máy thì trẻ em, người già, phụ nữ và người khuyết tật đi trước. Kèm với đó người đứng gần cửa thang máy sẽ hỏi những người còn lại xem họ muốn đến tầng nào. Pháp cũng như các đất nước văn minh khác, các công trình hay phương tiện công cộng đều rất chú ý đến người khuyết tật.
Trên đường phố phải đi đều bước theo nhịp của dòng người qua lại. Khi đi trên vỉa hè, người ta sẽ vượt người đằng trước bằng cách nhẹ nhàng lách qua bên trái, đồng thời xoay ngang người để hạn chế tối đa không gian chiếm lĩnh, đây là nét văn hóa tế nhị đặc trưng thường thấy của người Pháp. Người đàn đàn ông luôn là người đi gần nhất với lề đường để bảo vệ cho những người già, phụ nữ và trẻ em. Sự lôi thôi khi đi ra ngoài đường như mặc đồ ngủ hay đi dép trong nhà bị coi là hành vi đáng trách và thiếu tôn trọng mọi người.
Trong rạp chiếu phim hay rạp hát, sự đúng giờ là điều lưu ý trước tiên. Người Pháp không thích sự bàn tán trong khi đang thưởng thức các ca khúc hay các vở kịch, bởi sẽ ảnh hưởng tới người khác. Người ta vỗ tay tán thưởng khi kết thúc phần biểu diễn. Và thường thì trong các cuộc hội họp hoặc hoạt động tập thể, 2 nam giới sẽ ngồi ở 2 đầu của hàng ghế.
Xếp hàng cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người Pháp, mọi lúc mọi nơi người Pháp đều rất tôn trọng trật tự khi xếp hàng. Khi mua vé, khi vào cửa , nhất là những khu có đông khách du lịch thì thời gian xếp hàng là khá lâu, họ thường có biển thông báo thời gian còn lại mà chúng ta phải đợi. Thông thường có hai hình thức là đứng xếp hàng hoặc là rút số thứ tự từ máy tự động.
3. Văn hóa giao tiếp đặc trưng của người Pháp
Nụ hôn má chính là nét văn hóa đặc trưng thú vị của người Pháp, họ thường ôm và hôn vào má nhau khi gặp và chia tay nhau, hay khi cảm ơn mỗi khi nhận được quà. Thường thì những người trong gia đình, bạn bè thân thiết sẽ “Bisous” còn những người chưa thân hoặc đồng nghiệp cơ quan, đối tác thì bắt tay lịch sự. Và ở mỗi thành phố, mỗi vùng thì số lượng nụ hôn vào má cũng khác nhau, thường thì là 1 cái vào má phải, 1 vào má trái, tuy nhiên cũng có nơi họ hôn 3 cái, hoặc 4 cái. Nếu người Pháp chủ động hôn bạn thì đừng ngại nhé, điều đó thể hiện họ rất thiện cảm và muốn gần gũi hơn với bạn.
4. Văn hóa trên bàn ăn của người Pháp
Mọi người ngồi ngay ngắn và những hành động như chống khủy tay hay đặt mạnh tay lên bàn là những hành động của kẻ thiếu văn hóa – điểm đặc biệt của văn hóa trên bàn ăn đặc trưng của người Pháp. Khăn ăn được trải dọc trên 2 đầu gối. Ăn uống từ tốn và sau vài ba miếng, người Pháp lại lấy khăn lau miệng bằng 2 tay. Không nhai ngấu nghiến, ngậm miệng khi nhai, ăn theo tiến độ chung của bàn ăn. Người ta thường gợi chuyện bằng những câu chuyện thường ngày, không mang sắc thái riêng tư. Không xoay đĩa thức ăn về phía mình hay múc đến thìa cuối cùng. Đặc biệt không nên rời bàn ăn khi rượu của bạn còn trên nửa ly. Cuối bữa, nếu là bữa ăn gia đình thì người ăn gấp một góc khăn, nếu là khách mời họ sẽ tung khăn ra để ở bên phải đĩa ăn. Dao và dĩa để mũi nhọn quay xuống dưới, thể hiện rằng mình đã dùng xong. Người Pháp dành nhiều thời gian trò chuyện trên bàn ăn. Đôi khi kéo dài đến 4 hay 5 tiếng.
5. Văn hóa giao thông của người Pháp
99% phương tiện giao thông cá nhân ở Pháp là ôtô.
Mọi người tham gia giao thông như xếp hàng, nghĩa là cứ bám nhau mà đi, và chỉ được phép vượt khi đủ 2 điều kiện là tín hiệu vạch sơn trên đường cho phép lấn làn và không có xe lưu thông theo chiều ngược lại.
Không có quy định bắt buộc nhưng mọi người hầu như không bao giờ bấm còi. Còi xe chỉ để dành cho 2 trường hợp là khi xe tham gia trong đoàn đám cưới (ở hoàn cảnh này, bạn được bấm còi inh ỏi, thoải mái) hoặc trường hợp thứ 2 là khi cần nhắc nhở người khác thì bấm còi ngắn và nhẹ. Các trường hợp cần nhắc nhở là có người cùng tham gia giao thông đi cướp đường, đi tốc độ vượt quá quy định, rẽ trái hoặc phải vội vàng… có nguy cơ va chạm.
Nếu bạn nghe thấy tiếng còi xe nhẹ và ngắn, bạn có thể là người vừa có hành động lái xe gây nguy cơ tai nạn đấy, bạn chỉ cần giơ bàn tay lên, cười hoặc gật đầu (nhận lỗi) là OK.
Còi xe không phải là phương tiện để xin đường, sự thực nó đã trở thành phương tiện giao tiếp của lái xe. Bạn muốn xin đường thì dùng đèn và muốn nhường đường thì hãy dùng tay ra dấu hiệu xin mời.
Ở Pháp, lái xe ít nhìn nhau để nhường đường, họ cứ việc chủ động đi đúng luật. Nếu bạn đi sai luật, chẳng hạn bạn đi ra từ đường rẽ của ngã ba có biển stop mà bạn sơ ý không dừng lại, thì các xe đi theo hướng ưu tiên vẫn không bận tâm, họ sẽ bấm còi nhẹ hoặc hơi to, họ có thể tạm thời thoát khỏi chân ga nhưng không phanh và không có ý định dừng xe. Nếu có va chạm xảy ra, bạn là người chịu trách nhiệm.
Nghe có vẻ không ổn, nhưng thực tế bạn sẽ rất an tâm giữ tốc độ và lái xe đi thẳng dù trên đường bạn có gặp bao nhiêu ngã 3 chăng nữa. Mọi lái xe chỉ sang đường hoặc nhập vào làn của bạn khi họ chắc chắn an toàn và chịu trách nhiệm về hành động của họ.