Văn Hóa ẩm Thực Xứ Huế – Nét Văn Hóa đặc Trưng Có Một Không Hai | blogs | Thế giới Combo
Hiếm có nơi nào ở Việt Nam có nét ẩm thực văn hóa kết hợp cả hai yếu tố dân dã và nét tinh tế của món ăn cung đình cao quý. Các món ăn ở đây, đặc điểm chung là đậm vị sắc nét. Đối với người Huế, món ăn không chỉ là cần hương vị rõ ràng mà họ thưởng thức ẩm thực bằng khứu giác, thính giác và… cả thị giác.
Ẩm thực Huế kết hợp hai yếu tố tinh tế cao quý của món ăn cung đình và dân gian đậm vị.
Ẩm thực Huế là một nét khác biệt trong nền ẩm thực đồ sộ Việt Nam, nó có thể chia ra làm hai khía cạnh khác nhau là cung đình và dân gian. Đối với ẩm thực cung đình Huế được nhiều người biết đến không chỉ ở cách chế biến, nấu ăn mà ở cách trình bày, trang trí món ăn thật sự ấn tượng.
Các món ăn cung đình được các đầu bếp hoàng gia ngày xưa rất chú trọng việc niêm gia vị kĩ càng nhằm đảm bảo mùi vị vừa miệng, đậm đà, tuy nhiên vẫn phải rõ các vị chua, cay, mặn, ngọt trong từng món ăn. Không chỉ vây, các đầu bếp hoàng gia cần phải duy trì được sự tươi nguyên của thực phẩm.
Để hoàn thành một món ăn cung đình Huế, người nấu cần đảm bảo nhiều quy tắc, luật lệ, nghi thức được đề ra từ những việc nhỏ nhất như cung ứng thực phẩm, chế biến, phục vụ, cách trang trí, sắp xếp món ăn, kiểu chén đĩa,…
Theo lịch sử ghi chép lại, mỗi món ăn của các vua Minh Mạng, Đồng Khánh, Khải Định phải có từ 35-50 món, trong đó bắt buộc phải có món thuộc bát trân ( gồm: nem công, chả phượng, da tây ngưu, môi đười ươi, thịt chân voi, tay gấu, gân nai)
Đứng đầu trong nhóm bát trân là món “nem công”- là món ăn quý hiếm chỉ dành cho người quyền cao chức trọng là vua, quan trong cung. Nem công từ thịt đùi công được giã mịn phối hợp với các gia vị nóng tỏi, tiêu, riềng,… Sau đó, món ăn được để lên men vi sinh và tự chin chứ không qua nấu trên bếp lửa.Gắn với nem công, thì không thể không nhắc chả phượng, đã quá quen thuộc khi nhắc tới món ăn sang trọng bậc nhất. Thịt phượng được giã mịn, nêm lại gia vị, gói vào lá chuối rồi đem hấp chin. Cũng giống như món chim công, thịt chim phụng vừa chứa nhiều dinh dương và bảo vệ sức khỏe cho vua và tầng lớp quý tộc.
Có thể nói ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của sự tinh túy, cầu kì, trang nhã và thanh cao. Đó chính là cốt lõi về nghệ thuật chế biến, trình bày các món ăn, mà cao hơn là quan niệm triết lý, tư tưởng thẩm mỹ tạo nên văn hóa ẩm thực Huế sau này.
Khác với vẻ mỹ lệ, cầu kì của các món ăn cung đình Huế, các món ăn dân gian của Huế gây ấn tượng bởi sự kết hợp các yếu tố âm dương, ngũ hành và sự kết hợp các yếu tố mùi vị màu sắc,.. Có thể kể đến các món như: bánh bèo, cuốn, bánh bột lọc, bánh ram ít,…
Bên cạnh đó là những món ăn khá phổ biến và rất đậm chất Huế như: cơm hến, bún Huế, tôm chua,… hay các món chè rất dễ ăn nhưng lại thật khó quên như chè hạt sen bọc nhãn lồng, xanh đánh, đậu ván,… cũng khiến bao người mê mệt. Những món ăn đó hết sức “dân dã”, đều từ các nguyên liệu dễ tìm và không phải đắt đỏ, tuy nhiên dưới những bàn tay khéo léo của người Huế, những món ăn dân dã đều rất có hồn và làm nên món ăn khác biệt với các địa danh khác.
Kết hợp hoàn hảo của dân dã và nét tinh tế của cung đình, ngày nay đối với bất cứ món Huế nào, người Huế cũng bỏ ra rất nhiều công sức, cầu kì trong cách chế biến và thể hiện. Với người Huế, chế biến món ăn cũng giống như một bộ môn nghệ thuật. Chính vì thế mà từ khâu chọn nguyên liệu, đến sơ chế, chế biến và trang trí món ăn, tất cả đều là một quá trình công phu của người nấu. Sự hoà hợp giữa các yếu tố như mùi vị, màu sắc,… của món ăn luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Đó là lí do vì sao ẩm thực Huế mang một nét đặc trưng rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Ẩm thực thưởng thức bằng khứu giác, thính giác và… cả thị giác
Đừng bất ngờ khi đến Huế, được mọi người khuyên rằng, hãy thưởng thức món ăn bằng “ngũ quan”. Đó là không chỉ “ăn” bằng miệng đơn thuần, mà còn phải thưởng thức bằng mắt, tận hưởng những âm thanh hấp dẫn vang lên bên tai, và sau cùng là cảm giác thèm, muốn ăn ngay lập tức. Cũng chính cách thưởng thức độc đáo này mà ẩm thực Huế đã vượt xa một nhu cầu cuộc sống bình thường, mà trở thành một nét văn hoá, một bộ môn nghệ thuật đích thực.
Người Huế tỏ ra sành điệu trong ăn uống, mỗi món ăn được nâng lên như tầm một tác phẩm nghệ thuật. Những món ăn Huế dù theo cách nấu cung đình hay dân dã, đều làm cho ai đã từng nếm qua đều xuýt xoa khen ngon và lưu luyến cái vị khó quên ấy.
Món ngon Huế không chỉ ăn bằng miệng, mà trước hết phải thích nhìn bằng mắt, mũi ngửi thấy thơm, cảm giác thấy thèm, tai nghe những âm thanh gây cuốn hút, tò mò, tức là ăn bằng ngũ quan. Sự hài hòa về màu sắc, hương vị, hài hòa về âm – dương, nóng – lạnh, hài hòa trong bố cục chén, đũa, bát, dĩa… hài hòa như tự nhiên, thiên nhiên, chính là văn hóa ẩm thực Huế.
Ví dụ, món bún bò Huế hiện nay trên khắp cả nước đều có xuất hiện, tuy nhiên chỉ có ở Huế món ăn đó mới thật sự nguyên bản và lột tả hết cách thưởng thức ẩm thực bằng vị giác, thị giác, khứu giác và thậm chí là thính giác. Bún bò Huế không chỉ ăn bằng miệng, ta còn thấy bát bún bò đủ đầy sẽ là sự kết hợp hài hòa của màu sắc xanh của rau, trắng của sợi bún, đỏ của nước dung,… được người đầu bếp khéo léo sắp sếp thịt bò, giò, chả huế, chả tôm rau thơm thật đẹp mắt trước khi đưa đến tay thực khách.
Ngày nay, sự kết hợp giữa hoàng gia và các món ăn dân gian phổ biến ở đây tạo ra các món vừa mộc mạc mà không mất đi nét sang trọng.Thêm nữa ẩm thực Huế đặc trưng với hương vị đặc biệt và trang trí hấp dẫn trước khi thưởng thức, mang lại cảm giác tuyệt vời và phong cách thưởng thức ẩm thực Huế độc đáo.