Vấn đề cấp bách để văn hóa không bị ‘xâm lăng’
Mục lục bài viết
Những trào lưu đáng báo động
Xu hướng hội nhập và mở cửa, giao lưu văn hóa xuyên quốc gia làm cho các sản phẩm văn hóa giải trí tiếp cận nhanh và đa dạng về nội dung. Song cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc tiếp nhận các sản phẩm văn hóa giải trí, nhất là những trào lưu văn hóa “lệch chuẩn” ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ.
Đó chính là xu hướng xem nhẹ các giá trị truyền thống của một bộ phận giới trẻ Việt Nam. Bên cạnh những thanh niên, sinh viên luôn có ý thức phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc cũng có một bộ phận thanh niên đã hấp thụ lối sống phương Tây một cách thái quá. Họ quay lưng lại với âm nhạc dân tộc, với sân khấu truyền thống, với điện ảnh trong nước hay trang phục dân tộc. Một thực tế không thể phủ nhận, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị coi thường, thậm chí bị chế giễu, thuần phong mỹ tục đứng trước nguy cơ bị chà đạp, đạo đức có nguy cơ băng hoại, tệ nạn xã hội gia tăng.
Trong lĩnh vực giải trí, giới trẻ đang bị cuốn hút và mải mê chạy theo những trào lưu du nhập từ nước ngoài, thậm chí vấn đề đã lên đến mức báo động. Sức trẻ cộng với tâm lý thích khám phá những điều mới lạ, bắt kịp các trào lưu đang thịnh hành trên thế giới, như: manga (truyện tranh Nhật Bản), anime (phim hoạt hình Nhật Bản), thời trang Kawaii (Nhật Bản), thời trang Hàn Quốc… Nhiều bạn trẻ không ngại ngần chạy theo cả những trào lưu độc dị khiến chúng ta không khỏi giật mình, như hát cùng dao kéo, chụp ảnh quái đản, “hot boy” giả gái, nuôi thú độc…
Điều đáng báo động nữa là xu hướng tiếp thu thiếu sự “lọc bỏ” những giá trị không phù hợp với văn hóa dân tộc. Trong xu thế hội nhập quốc tế, giới trẻ chủ động lựa chọn, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước trên thế giới để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy vậy, trong quá trình đó vẫn còn tồn tại hiện tượng tiếp nhận xô bồ mọi thứ gọi là “tân kỳ” của văn hóa ngoại lai mà không phân biệt hay dở, tốt xấu để đi đến chỗ lai căng, mất gốc về văn hóa. Điển hình như hiện tượng cuồng thần tượng của giới trẻ đã trở nên nhức nhối trong một thời gian dài; hiện tượng “nhạc rác” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội không chỉ làm xấu thị trường âm nhạc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, đặc biệt là trẻ nhỏ…
Làm thế nào để bảo tồn văn hóa ?
Như vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế chúng ta đứng trước thách thức không nhỏ về kinh tế, chính trị đặc biệt là văn hóa. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để giới trẻ vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng phải “gạn đục khơi trong” để bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo tôi, cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tăng cường giáo dục truyền thống giúp cho đoàn viên, thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống trên cơ sở khoa học. Khi niềm tự hào dân tộc được đặt trên cơ sở khoa học, nó sẽ làm cho các bạn trẻ có trách nhiệm, hành động trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, cần lên án, phê phán những hành vi xem nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống, hành vi vi phạm chuẩn mực văn hóa của dân tộc thông qua nhiều kênh, nhiều phương tiện, trong đó đặc biệt là tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông mới, tạo dư luận xã hội lên án những hành vi xem nhẹ, phủ nhận, quay lưng với những giá trị văn hóa truyền thống. Lên án, phê phán là cách thức giúp giới trẻ có thể nhận thức được những cái xấu, cái chưa phù hợp để thay đổi thái độ và điều chỉnh hành vi.
Bên cạnh đó, cần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh để giới trẻ có điều kiện tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại. Để giải quyết vấn nạn “xâm lăng” văn hóa hiện nay, ý thức của mỗi bạn trẻ là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, để mỗi bạn trẻ có ý thức thì cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó bao gồm cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Sự gắn kết của 3 môi trường này cùng với sự tự giáo dục của mỗi cá nhân sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thái độ và hành vi trong việc tiếp thu, chọn lọc và sử dụng những sản phẩm văn hóa giải trí có giá trị và sức ảnh hưởng rộng rãi.
Có thể nói, xu hướng tiếp nhận văn hóa giải trí xuyên quốc gia của giới trẻ Việt Nam hiện nay có nhiều biến đổi. Việc định hướng để giới trẻ nhận thức đúng từ đó hình thành hành vi chuẩn mực góp phần phát huy, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hiện nay.