Vấn đề văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước. Đại hội đề ra các phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Để làm chủ quá trình hội nhập quốc tế cần hiểu được các giá trị, chuẩn mực chung, hiểu được sự tác động qua lại giữa các yếu tố của văn hóa chung, quốc gia dân tộc và hệ quả của sự tác động trong phát triển đất nước.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, giai đoạn chủ động và tích cực hội nhập quốc tế như sau: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa”(1).
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, làm chủ quá trình hội nhập quốc tế, cần hiểu được các giá trị, các chuẩn mực chung, hiểu được sự tác động qua lại giữa những yếu tố của văn hóa chung (hội nhập) và văn hóa quốc gia – dân tộc, hệ quả của sự tác động đó trong phát triển đất nước.
Quá trình hội nhập là một quá trình hai chiều: tuân thủ và sáng tạo, bị động và chủ động, và cuối cùng là mỗi quốc gia đều góp phần sáng tạo ra, làm giàu thêm cho văn hóa hội nhập nói chung và làm giàu thêm văn hóa dân tộc nói riêng. Giao lưu và hội nhập văn hóa giữ vai trò hết sức quan trọng đối với văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc: Không có một nền văn hóa nào, dù lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến đâu, lại có thể phát triển trong khép kín, biệt lập, tách rời với các nền văn hóa khác.
Nhưng hội nhập quốc tế trong tất cả các lĩnh vực kể cả văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng có hai mặt, mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực là sẽ giúp cho văn hóa mỗi dân tộc (theo nghĩa quốc gia – dân tộc) luôn phát triển, tiếp nhận được những giá trị tiến bộ của văn hóa các dân tộc khác, làm giàu thêm cho văn hóa của dân tộc mình, quảng bá được văn hóa của mình cho các dân tộc khác. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là nguy cơ san bằng và đồng nhất các hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa dân tộc, đe dọa và làm suy kiệt sự phong phú, khả năng sáng tạo của các nền văn hóa dân tộc, dẫn đến nguy cơ tha hóa, vong bản, thậm chí thủ tiêu các giá trị văn hóa dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta đang đương đầu với nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Nhưng nguyên nhân tụt hậu kinh tế không chỉ nằm trong kinh tế mà còn nằm trong chính trị và đặc biệt là trong văn hóa; thậm chí nguyên nhân quan trọng nhất lại nằm trong văn hóa – văn hóa hội nhập. Không có văn hóa hội nhập, không thể hội nhập thành công. Cũng như trong các lĩnh vực khác, trong hội nhập quốc tế, văn hóa cũng “soi đường cho quốc dân đi”. Vậy văn hóa hội nhập là gì? Khi các quốc gia đóng vai trò chủ thể của quá trình hội nhập, văn hóa có vai trò như thế nào? Cơ chế nào, yếu tố nào tác động lên sự phát triển văn hóa của một dân tộc trong bối cảnh hội nhập?
Những năm gần đây, có rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa. Điều đó vừa phản ảnh vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, vừa cho thấy một trạng thái thiếu vắng, không đủ “văn hóa” trong lúc những chuyển biến kinh tế – xã hội quá nhanh, đã tạo ra những “khoảng trống văn hóa” lớn trong đời sống chúng ta ở rất nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực tưởng như đã định hình. Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống tiếp tục diễn biến phức tạp, có một số mặt nghiêm trọng hơn, tổn hại không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước, niềm tin của nhân dân.
Việc xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH chưa tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt… Nhiều nỗ lực từ phía Đảng, Nhà nước và xã hội để giải thích nguyên nhân và ngăn chặn đà “suy thoái” này. Nhưng thực tế cho thấy, vấn đề chưa được nhìn nhận và giải quyết tích cực, hiệu quả.
Trên sách báo nước ta và thế giới có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, thậm chí có người cho rằng có tới hàng nghìn(2).
Hầu hết các tác giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều cho rằng, khái niệm “văn hóa” cần được hiểu theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Quan niệm theo nghĩa rộng, văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của mình. Quan niệm theo nghĩa hẹp, văn hóa chỉ là những hoạt động liên quan đến đời sống tinh thần, những quan hệ xã hội và những sáng tạo giá trị nghệ thuật(3). Theo đó, cấu trúc của khái niệm văn hóa gồm “giá trị văn hóa” – và đây là cốt lõi của văn hóa “bản sắc”, “di sản”, “biểu tượng” và “chuẩn mực văn hóa”(4). Nhiều tác giả khác lại chia giá trị văn hóa theo giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị vật thể, phi vật thể.
Có tác giả đưa ra một cấu trúc văn hóa phức tạp hơn với bốn loại “giá trị”: con người, hoạt động, sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần; và ba “phương diện”: tĩnh/động; văn hóa vật chất/văn hóa tinh thần; văn hóa vật thể/văn hóa phi vật thể; bốn “đặc trưng” cơ bản là tính nhân sinh, tính giá trị, tính hệ thống và tính lịch sử (5).
Một cách tiếp cận về cấu trúc của văn hóa mới được Texas University công bố tháng 5-2015, có thể đã phản ánh được những thành tựu nghiên cứu ở phương Tây hiện đại, không mâu thuẫn với các tiếp cận của các nhà khoa học Việt Nam, lại có ưu điểm khá dễ hiểu, dễ nghiên cứu. Đó là chia cấu trúc khái niệm văn hóa thành mức độ (các tầng) “sâu”, “nông” và các “cấp độ”(6) Theo cách tiếp cận này, cấu trúc của văn hóa có các tầng sau:
Ở tầng sâu nhất: Các giá trị (values). Từ trong đó các giá trị, hình thành nên các cốt lõi của một nền văn hóa.
Tầng thứ hai: Các nghi thức (rituals). Là các chuẩn mực hoạt động tập thể, được coi là cần thiết trong xã hội. Từ cách chào hỏi, các dạng giao tiếp, các nghi lễ tôn giáo và xã hội, v.v.).
Tầng thứ ba: Các nhân vật – anh hùng (Heroes). Là những nhân vật quá khứ hay hiện tại, thực hay hư cấu, có đặc điểm được đánh giá cao trong một nền văn hóa. Họ tồn tại như là mô hình cho hành vi.
Tầng thứ tư: Các biểu tượng (symbols). Là lời nói, cử chỉ, hình ảnh, hoặc các vật mang một ý nghĩa đặc biệt, được công nhận bởi những người chia sẻ một nền văn hóa cụ thể. Biểu tượng mới dễ dàng phát triển, những cái cũ biến mất. Biểu tượng từ một nhóm cụ thể thường xuyên được sao chép bởi người khác. Đây là lý do tại sao các biểu tượng đại diện cho lớp ngoài cùng của một nền văn hóa.
Biểu tượng, anh hùng và nghi thức là những khía cạnh hữu hình, ghi lại cách, các thực hành của một nền văn hóa. Tuy vậy, ý nghĩa văn hóa thực sự của thực hành này lại là phi vật thể. Biểu tượng đại diện cho bề ngoài nhất và giá trị các biểu hiện ở tầng sâu sắc nhất của văn hóa, các anh hùng và các nghi lễ ở tầng giữa.
Cấu trúc văn hóa theo “cấp độ” (có thể coi là quy mô) như: cấp quốc gia, cấp độ vùng, cấp độ giới, cấp độ thế hệ, cấp độ tầng lớp xã hội, cấp độ công ty… Nhiều tác giả cũng đã đề cập đến tiếp cận lịch sử văn hóa, từ lịch đại đến đồng đại… Khi nói về nội hàm văn hóa, các nhà nghiên cứu không bao giờ bỏ qua yếu tố con người. Tuy nhiên trong các nghiên cứu các “ngành” văn hóa cụ thể, như “văn hóa chính trị”, “văn hóa ứng xử”, “văn hóa học đường”… con người được nghiên cứu như là một chủ thể văn hóa hoặc tách ra thành một đối tượng riêng, như “con người chính trị” chẳng hạn.
Qua các công trình nghiên cứu về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, có thể thấy:
Thứ nhất,tất cả đều khẳng định tính tất yếu của hội nhập và Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập với thế giới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa là đòi hỏi khách quan, cho dù đó là một quá trình phức tạp. Ngày nay, nói đến hệ quả của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không chỉ nói đến một khuynh hướng không đảo ngược được, mà còn phải nói đến những vấn đề đặt ra trong quá trình hội nhập, “các vấn đề toàn cầu” đầy bế tắc, “một thách thức nghiêm trọng đối với văn hóa”(7). Trong bối cảnh đó, một lối thoát mà người ta trông cậy vào văn hóa, đưa ra “một chiều kích văn hóa của sự phát triển như một con đường khả thi để phá tan sự bế tắc này”(8) và người ta cho rằng đây là “quan niệm mới về phát triển”(9) .
Nói đến hội nhập là nói đến nhiều chủ thể tham gia vào những quá trình “sống chung”. Trong quá trình đó, không thể chỉ có đồng thuận mà còn có cả mâu thuẫn, xung đột trên nhiều phương diện và cấp độ khác nhau. Cách thức để quản lý và giải tỏa các mâu thuẫn và xung đột, chỉ có thể là văn hóa – văn hóa “hòa giải”, văn hóa “bao dung”. Chính vì thế, những năm đầu thế kỷ XXI, khi xu hướng hội nhập trở nên sâu rộng, “ngoại giao hòa giải”, “quyền lực mềm” đã và đang trở thành chiến lược rõ ràng trong quan hệ quốc tế. Hội nhập thành công, khi thước đo của nó không chỉ ở một vài phương diện như kinh tế và công nghệ mà phải đo bằng sự thành công của hội nhập văn hóa. Vì vậy, trước hết trong hội nhập cần khẳng định vai trò đặc biệt không thể thiếu của văn hóa. Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu quan tâm trước hết là tư duy về văn hóa, đặc biệt là tư duy lãnh đạo của Đảng, tư duy quản lý của Nhà nước, tư duy trong văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tư duy của từng con người, đã tự ý thức hoặc buộc phải trở thành “công dân toàn cầu”. Một đặc trưng nổi trội của văn hóa là giao lưu và tiếp biến; theo đó, tác động qua lại và chịu ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tiếp nhận các giá trị văn hóa bên ngoài, biến đổi nó cho phù hợp và dần trở thành cái của mình, làm phong phú thêm vốn văn hóa của mình là hiện tượng có tính quy luật. “Giao lưu, ảnh hưởng, vay mượn còn là một nhân tố quan trọng trong quy luật truyền thống và đổi mới của văn hóa: Truyền thống (tradition) – Tiếp biến (tiếp nhận – biến đổi – accuturation), Đổi mới (renovation)”. Trong hội nhập, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng, bởi bản sắc văn hóa chính là cái làm cho dân tộc không là cái bóng của dân tộc khác. Song, giữ gìn bản sắc không loại trừ sự tiếp biến văn hóa; văn hóa dân tộc phải hội lưu với văn hóa nhân loại, rồi theo dòng chảy của nó mà tiếp thu những cái “chân – thiện – mỹ” của các nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp cho văn hóa bản địa(10).
Thứ hai,để hội nhập thành công, văn hóa Việt Nam cần tiếp biến những giá trị văn hóa thế giới. Nhưng tiếp biến văn hóa thế giới như thế nào? Chúng ta thấy rằng ở cấp độ đời thường cũng như tư duy chính sách đều có tranh luận, thậm chí gay gắt, xuất hiện các xu hướng “cấp tiến”, “bảo thủ” hay “trung dung”. Tuy chưa thật sự rõ ràng và thuyết phục, nhưng một số nghiên cứu đã bước đầu chỉ ra “cơ chế tiếp biến” nền văn hóa thế giới. Cần thực sự cầu thị và khoa học trong tư duy, tránh căn bệnh giáo điều, để hội nhập, phải cùng lúc “trở về” với dân tộc nhiều hơn theo phương châm “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”. Ở một góc độ khác, cần nhận diện những xung đột, mâu thuẫn và những cản trở trên con đường giải phóng, hội nhập để phát triển văn hóa Việt Nam (11).
Thứ ba,vấn đề đặt ra, không chỉ tiếp biến văn hóa nhân loại, không chỉ “cùng lúc trở về với dân tộc nhiều hơn”, mà văn hóa Việt Nam có thể đóng góp những giá trị văn hóa đặc sắc gì của mình vào văn hóa chung của nhân loại? Văn hóa Việt Nam có đủ tầm vóc, bản lĩnh, tự tin để tham gia định hình những giá trị chung trong văn hóa hội nhập của nhân loại? Và nếu chúng ta vốn có một nền văn hóa có đủ tầm vóc, thì chúng ta có thể làm gì để làm điều đó? Chúng ta phải làm gì để có “quyền lực mềm” trong hệ thống quyền lực toàn cầu?
Trong lúc nhân loại còn chưa nhận thức hết những thách thức của hội nhập toàn cầu (gần đây xuất hiện những vấn đề an ninh “phi truyền thống”, khủng bố, di cư…) thì cho dù “phát triển văn hóa” được nêu lên như là một giải pháp toàn cầu để khắc phục những vấn nạn của toàn cầu hóa, của những vấn đề toàn cầu, nhưng bản thân khái niệm này cũng được hiểu khác nhau từ “hợp tác phát triển về văn hóa” đến “chống lại văn hóa phương Tây”; nó đặt ra vấn đề “bản sắc” văn hóa so với “bản đối chiếu văn hóa phương Tây và châu Âu”… Từ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, mỗi chủ thể hội nhập đã bắt đầu đặt ra vấn đề “giá trị cốt lõi” trong văn hóa của mình, “bản sắc văn hóa”, “văn hóa quốc gia” và “khủng hoảng giá trị văn hóa”. Điều này đưa đến mâu thuẫn giữa những “văn hóa quốc gia”, “văn hóa tôn giáo”, “văn hóa vùng” và giữa những “giá trị cốt lõi” và những “giá trị không cốt lõi”. Trangott Schoefthaler dùng khái niệm “xung đột văn hóa” và “đối thoại văn hóa” như là những khái niệm phổ biến của thời đại toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa ngày nay. Ông chỉ ra các yêu cầu chung của của hội nhập văn hóa, như: Tính đa dạng văn hóa, quyền khác biệt, sự chồng chéo giữa các yếu tố tình cảm và nhận thức của các quan hệ văn hóa quốc tế, tự do ngôn luận(12)…
Tuy tồn tại nhiều lý thuyết giải thích hiện tượng toàn cầu hóa và hội nhập với tiếp cận văn hóa học, như “xung đột văn hóa”, “xâm lăng văn hóa”, “liên văn hóa”, “đồng nhất văn hóa”, “văn hóa toàn cầu”… nhưng dù thế nào đi chăng nữa, các lý thuyết cũng đem đến cho nhân loại cảm nhận rằng, bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đã và “đang phá vỡ giới hạn vốn có, đang phát triển trong tác động và ảnh hưởng lẫn nhau trên phạm vi toàn cầu. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập và môi trường mạng toàn cầu, sự ảnh hưởng lẫn nhau, cùng chung sống cạnh tranh và chia sẻ với nhau của các nền văn hóa khác nhau đang không ngừng gia tăng”(13). Chính từ đây, xuất hiện một khái niệm mới cần phải thừa nhận trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, đó là chính bản thân hội nhập quốc tế là một giá trị văn hóa mới, thậm chí là một giá trị “văn hóa cốt lõi” của nhân loại và của mỗi quốc gia.
Tính tất yếu của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đặt ra nhiều vấn đề về phát triển văn hóa của từng quốc gia, dân tộc; buộc họ “phải lựa chọn cho mình một thái độ ứng xử, một chính sách phát triển về văn hóa để đạt tới mục tiêu phát triển chung”(14). Những ý kiến như vậy có ý nghĩa phương pháp luận, đặc biệt là đối với tư duy phát triển, tư duy hoạch định chính sách.
Sự hội nhập quốc tế đã đưa đến sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa, văn minh. Vì vậy, xuất hiện các dự báo về xung đột giữa các nền văn minh(15). Huntington dự đoán rằng, nguồn gốc xung đột trong thế giới mới không còn là hệ tư tưởng và kinh tế nữa, mà là văn hóa. Ông cho rằng văn hóa là cơ sở của các nền văn minh và khẳng định “Sự xung đột giữa các nền văn minh sẽ là nhân tố chủ đạo của chính trị thế giới”(16). Hậu quả của xung đột giữa các nền văn minh như thế nào, nếu để xung đột diễn ra chỉ theo chiều hướng tiêu cực? Nhiều nghiên cứu vượt qua những sợ hãi của chủ nghĩa khủng bố, vượt qua những dự báo bi quan về xung đột, chia rẽ, vẫn quảng bá cho một khuynh hướng chung lớn của nhân loại là “Đối thoại giữa các nền văn hóa”, ủng hộ Tuyên bố của UNESCO về đa dạng văn hóa, coi đa dạng văn hóa như “di sản chung của nhân loại”, coi “việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa là chỉ lệnh đạo đức” và có ý nghĩa không kém gì Tuyên bố chung về các quyền con người. Nhiều nghiên cứu hy vọng sự đối thoại giữa các nền văn minh sẽ đưa đến “sự kết tụ tâm hồn phương Đông và lý tính của phương Tây”, sẽ đạt tới “sự hiểu biết lẫn nhau mang tính lịch sử” và “bằng cách đó, bảo đảm hòa bình và công lý trên toàn thế giới”. Những quan điểm tương tự cũng có thể gặp trong các nghiên cứu của Jakhnhin V.I, Karnash G.J, Philipmonov G.J, Hà Bình Mạnh.v.v.(17).
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ở chỗ tạo dựng một nền văn hóa mới trên phạm vi toàn cầu thế nào để thích ứng với các quá trình phức tạp của hội nhập? Như vậy, phải chăng văn hóa trong hội nhập quốc tế đang phải đảm nhận một chức năng mới, chức năng giải tỏa xung đột văn hóa và liên kết văn hóa, làm cơ sở, “dẫn đường” cho hội nhập kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác? Đó là vấn đề đang tranh luận trong giới học giả, các chính trị gia trên khắp thế giới và Việt Nam.
Thứ tư,các nghiên cứu cũng đã nêu lên những thành tựu, những yếu kém và thách thức trong phát triển văn hóa Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ năm,các nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tóm lược như sau:
– Phải từ bỏ cách nhìn coi văn hóa là phép cộng đơn thuần của 7 lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức và lối sống; giáo dục và khoa học; văn học và nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với nước ngoài; thể chế văn hóa; thiết chế văn hóa.
– Phải tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
– Phải xác định được một hệ giá trị cho văn hóa Việt Nam hiện tại và tương lai.
– Đảm bảovăn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội,một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất mà đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.
– Tư duy toàn cầu, hành động địa phương.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2016
(1) Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đã được Đại hội thông qua.
(2) Xem thêm: en.wikipedia.org; tamu.edu
(3) Xem thêm: E.B.Tylor: Văn hóa nguyên thủy (Primitive culture), London, 1871. A.Kroeber và C.Kluckhohn: Văn hóa – tổng luận phê phán các quan niệm và định nghĩa (Culture: a critical review of concepts and definitions), 1952; Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998; GS, TS Tạ Ngọc Tấn (chỉ đạo biên soạn): Phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.5; GS, TSKH Vũ Minh Giang: Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, 20-1-2015 (chinhphu.vn); GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Những vấn đề văn hóa học, lý luận và ứng dụng, Nxb Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.
(4) GS, TS Ngô Đức Thịnh: Giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.
(5) GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Những vấn đề văn hóa học, lý luận và ứng dụng, Nxb, Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 54.
(6) Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hoài Văn, Nguyễn Văn Vĩnh: Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009. Các tác giả coi văn hóa là một chỉnh thể sống động bao gồm toàn bộ giá trị (vật chất, tinh thần), phương thức sống (từ ý tưởng cho đến hành vi hoạt động, từ trình độ hoạt động cho đến phương thức hoạt động) và trình độ phát triển người (hoàn thiện các phẩm chất con người).
(7) Culture definition:https://www.tamu.edu.
(8)Mười một điểm nóng lý luận đang tranh luận, Nxb Văn hiến khoa học xã hội, Trung Quốc, 2005.
(9), (10) Ioanna Kucurradi: Triết học luận về sự phát triển văn hóa, trong cuốn: Phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.15.
(11) Nguyễn Mạnh Cầm: Phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nhân dân điện tử, 6-7-2014.
(12) Xem Thêm: GS, TS Đỗ Huy:Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2013.
(13), (14), (15), (16) GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.24, 89, 94, 9.
(17) Huntinton S: The Clash of Civilizations and the Remarking of World Order, N.Y., 1996.
GS, TSKH Phan Xuân Sơn
Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo lyluanchinhtri.vn)