Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa vào xây dựng nông thôn mới
Tháng 8-1943, khi còn ở trong nhà tù Tưởng Giới
Thạch, Hồ Chí Minh đã đúc kết quan điểm của mình về văn hóa : “Ý nghĩa của văn
hóa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và
phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học,
nghệ thuật, những dụng cụ cho sinh hoạt hằng ngày về, ăn, mặc ở và các phương
thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là
sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài
người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự
sinh tồn.
Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc:
1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.
2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho
quần chúng.
3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến
phúc lợi của nhân dân trong xã hội.
4. Xây dựng chính trị: dân quyền.
5. Xây dựng kinh tế.
Đây là quan điểm hết sức đúng đắn và toàn diện, vượt
thời đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội tương lai. Văn hóa gắn liền với cuộc sống
của con người. Văn hóa là mục đích của cuộc sống “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục
đích của cuộc sống con người mới sáng tạo và phát minh ra văn hóa”. Văn hóa là
động lực của cuộc sống khi gắn với nhu cầu- yếu tố tâm lý cơ bản nhất làm nảy
sinh tính tích cực của con người “ Loài người sản sinh ra văn hóa nhằm thích ứng
với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” .Văn hóa bao gồm các
giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và phát minh ra. Các giá trị
vật chất của văn hóa như những công cụ sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các
phương thức sử dụng. Các giá trị tinh thần như ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp
luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật. Văn hóa là nền tảng tinh thần của
xã hội . Các giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa, nhất là tinh thần độc
lập tự cường, lý tưởng cộng sản (biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng- chí
công vô tư), tinh thần dân chủ (dân quyền) thực hành và biểu hiện trong 5 nội
dung cơ bản của cuộc sống con người: tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa tinh thần đã
giúp Đảng ta phát huy truyền thống tâm lý của dân tộc như lòng yêu nước, tinh
thần độc lập, tự cường, đoàn kết, lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo… để vận
động, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tinh thần- quyền lực
mềm-sức mạnh nội sinh to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân còn rất
non trẻ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong, giặc ngoài, vận nước
“ngàn cân treo sợi tóc”, đảm bảo cho kháng chiến và kiến quốc đi đến thắng lợi,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục khẳng định ý nghĩa quyết định của văn hóa khi
thấm sâu vào tâm lý con người-trở thành văn hóa sống, nhất là khi tâm lý có lý
tưởng cộng sản để định hướng đúng đắn và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thực tiễn.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc (lần thứ nhất), ngày
24/11/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Người nhấn mạnh : “Văn hóa phải soi đường
cho quốc dân đi. Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế
nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa
được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho
ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tư do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào
cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích
riêng”. Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin ,
khi chỉ rõ bản chất văn hóa, đạo đức của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội,
theo Người, là một xã hội mới do nhân dân làm chủ ( do có văn hóa) tạo ra nhằm
làm cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, được học hành. Muốn có chủ nghĩa
xã hội phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng
viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Xây dựng nông thôn mới của chủ nghĩa xã hội là thực hành đời sống mới Cần, Kiệm,
Liêm, Chính của từng người dân trong các gia đình, làng, xã.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất văn hóa,
đạo đức của chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã khởi xướng và tổ chức thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn
mới là xây dựng đời sống mới, lối sống mới, là thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính,
Chí công vô tư bằng chương trình mục tiêu quốc gia; nhằm CNH, HĐH nông thôn,
thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí 16- Văn hóa cần được thực
hành có hiệu quả thông qua 11 nội dung nhiệm vụ: Hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng
nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; chuyển dịch cơ cấu,
phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; giảm nghèo và an sinh xã hội; đổi mới và
phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; phát triển
giáo dục-đào tạo ở nông thôn; phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông
thôn; xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; cấp nước
sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính
quyền, đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn; giữ vững an ninh trật tự xã hội
nông thôn.
Thu hoạch chè
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho
thấy, nội dung tiêu chí văn hóa chưa thật sự được coi trọng, đặt ngang hàng,
trong mối quan hệ hài hòa với các tiêu chí kinh tế, chính trị, xã hội. Có xã
quan niệm, xây dựng nông thôn mới chỉ là làm đường giao thông hoặc phát triển
sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập… xét đến cùng thì tiêu chí 10, thu nhập và
tiêu chí 16, văn hóa quyết định chất lượng xây dựng nông thôn mới. Có thể đạt 19
tiêu chí, nhưng người dân, nhất là nông dân chưa được no ấm, tự do, hạnh phúc,
được học hành, thì công cuộc xây dựng nông thôn mới chưa thật sự có ý nghĩa và
thành công.
Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa vào xây
dựng nông thôn mới, chúng ta cần nâng cao nhận thức cho mọi người dân về văn hóa,
ý nghĩa của văn hóa khi đã thấm sâu vào tâm lý, đạo đức con người, nhất là làm
cho tâm lý con người có bản lĩnh chính trị và lý tưởng cộng sản. Kết hợp xây
dựng nông thôn mới với Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong
trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; công tác xây dựng Đảng, theo
tinh thần Nghị quyết Trung ương IV, khóa XI về Một số vấn đề cấp bách trong xây
dựng Đảng hiện nay. Phát huy vai trò làm chủ, chủ thể có văn hóa của từng người
dân trong các gia đình, làng, xã, khi lập đề án, tổ chức thực hiện đề án nông
thôn mới. Tùy theo đặc thù, lợi thế của từng địa phương, làng, xã để thực hiện
văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là lý tưởng cộng sản, thông qua 11 nội dung
nhiệm vụ và 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
TS. Nguyễn Liên Châu
[TT: PLN]