Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
”…Dưới thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc, nền văn hóa nước ta ngày càng phát huy mạnh mẽ bản sắc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để định hình nên nền văn hóa mới Việt Nam mang đậm cốt cách dân tộc, tính dân chủ, tiên tiến và nhân văn”. Trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
GS.TS Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
Xuất phát từ các yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội…, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do thiên tai, địch họa gây ra. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, hiếu học, nghĩa tình, nhân ái, khoan dung; ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã hun đúc nên bản lĩnh, cốt cách, phẩm giá, tầm vóc của dân tộc, kết tinh thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Dưới thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc, nền văn hóa nước ta ngày càng phát huy mạnh mẽ bản sắc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để định hình nên nền văn hóa mới Việt Nam mang đậm cốt cách dân tộc, tính dân chủ, tiên tiến và nhân văn.
Với tầm nhìn văn hóa sâu rộng, từ tư duy chính trị sắc sảo, bản lĩnh, ngay sau khi lãnh đạo nhân dân ta vùng lên lật đổ ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là văn kiện chính trị – pháp lý mang tầm vóc thời đại và chiều sâu văn hóa. Sau khi giành được độc lập dân tộc, Người xác định một trong những công việc trọng tâm phải làm ngay là xây dựng và thực thi Hiến pháp; muốn có Hiến pháp thì phải có Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phải “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”([1]). Trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước cách mạng được nêu ra cũng tại cuộc họp quan trọng này thì có 3 nhiệm vụ thuộc về văn hoá: một là, “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, hai là, “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân”, ba là, thực hành “TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu đại biểu Quốc hội. Mặc dù phải tiến hành trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài”, trong bối cảnh kinh tế – xã hội hết sức khó khăn, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, thật sự là ngày hội của quần chúng và giành thắng lợi vang dội, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (02/3/1946).
Trong thành phần Quốc hội và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu có sự tham gia của nhiều nhân sỹ, trí thức nổi tiếng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn… Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, đăng báo Cứu quốc, số ra ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Tinh thần yêu nước, tài năng trí tuệ, cốt cách văn hóa, bản lĩnh Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều trí thức lớn trong nước (như: Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Nghiêm Xuân Yêm, Phan Anh, Vũ Đình Tụng, Ngụy Như Kon Tum,…); thu hút một số trí thức từ bỏ cuộc sống phồn hoa và điều kiện làm việc thuận lợi tại Pháp trở về Tổ quốc tham gia cách mạng đầy khó khăn, gian khổ (như: Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước,…), góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh cho Nhà nước cách mạng non trẻ thực hiện các nhiệm vụ “kháng chiến” và “kiến quốc”.
Dù bộn bề công việc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội – một Hội nghị mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa. Hội nghị đón tiếp hơn 200 nhà hoạt động văn hoá tiêu biểu trong cả nước tham dự. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”([2]). Người khẳng định phải “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”([3]).
Sinh hoạt Quốc hội Khóa I hiện thân cho văn hóa chính trị đề cao dân chủ, đoàn kết, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; làm cơ sở cho củng cố, xây dựng Chính phủ và các cơ quan khác của bộ máy nhà nước; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, xây dựng nền văn hóa mới. Nhận thức rõ vai trò của Hiến pháp và pháp luật với kiến tạo nền dân chủ, cách tân văn hóa, với tư cách là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực, khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành Hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên được Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I thông qua vào ngày 9-11-1946. Hiến pháp năm 1946 rất ngắn gọn, súc tích, ngoài lời mở đầu, 7 chương, 70 điều, phản ánh sự kế thừa những giá trị tư tưởng, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là các tư tưởng về tổ chức và hoạt động của Nhà nước dựa trên nguyên tắc pháp quyền. Tinh thần đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I: “Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa (…). Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”([4]). Hiến pháp năm 1946 chứa đựng những giá trị mang tầm vóc thời đại và chiều sâu văn hóa; thể hiện ý chí của Nhân dân; tinh thần trách nhiệm và quyết định sáng suốt của Quốc hội.
Trong điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp, Quốc hội chưa có điều kiện ban hành các đạo luật để quản lý đất nước, chủ yếu vẫn phải điều hành bằng Sắc lệnh của Chủ tịch nước, nhưng tinh thần dân chủ, pháp quyền, đoàn kết, nhân văn của Hiến pháp năm 1946 đã khơi dậy, phát huy cao độ sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng của dân tộc khi mà sức mạnh vật chất – kỹ thuật nghiêng về phía kẻ thù.
Sau 09 năm kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh, gian khổ, năm 1957, Người ký ban hành các đạo luật quy định về chế độ báo chí; về quyền tự do hội họp, quyền lập hội; quyền tự do thân thể, quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Người, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959 cùng các đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân…, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và các đạo luật nêu trên đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, thể hiện chiều sâu tư tưởng văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tinh thần quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao nguyên tắc pháp quyền, đoàn kết, nhân văn, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa với pháp luật được Người tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện trong nhiều năm tiếp theo. Theo đó, văn hóa và pháp luật có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ; văn hóa có ảnh hưởng to lớn đến pháp luật, mặt khác, pháp luật tạo tiền đề, cơ sở sức mạnh để phát triển văn hóa, xây dựng con người. Văn hóa là động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển xã hội. Pháp luật được toàn dân xây dựng và thực thi nhằm thể hiện ý chí và khát vọng của mình, bảo đảm cho sự công bằng, bình đẳng, tự do, nhân văn của cả xã hội. Văn hóa và pháp luật đều vì con người, vì sự phát triển của xã hội, đều hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ.
Hơn 76 năm qua, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã có nhiều nỗ lực thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước; bảo đảm cho đường lối, nghị quyết của Đảng được thực thi nghiêm túc, có hiệu quả trên quy mô toàn xã hội; là phương tiện giúp Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống, Nhân dân phát huy dân chủ, thực hiện đúng đắn quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là để thực hiện đúng tinh thần mà Người đã căn dặn: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Đoàn thể([5]), phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng về nhà nước và pháp luật, trước hết cần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ gần đây đều nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là Đại hội Đảng XIII xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới mang tính bước ngoặt, với sự tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta vừa kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung, phát triển các giá trị mới như tự do, dân chủ, hiện đại, văn minh… Những đặc tính, phẩm chất cơ bản của văn hóa và con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại có ý nghĩa rất tích cực, cần được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh, nền tảng tinh thần, “sức mạnh mềm” của đất nước hướng tới tương lai tươi đẹp.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng nền văn hoá mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “văn hoá soi đường quốc dân đi”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, luôn chú trọng thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, con người; là nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước, có sức lan tỏa, thấm sâu vào toàn bộ hoạt động xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Cơ sở để văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội là việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phải được thực thi trên tinh thần gìn giữ, đề cao giá trị tốt đẹp, bền vững trong dòng chảy truyền thống của văn hóa dân tộc. Bất cứ đạo luật nào cũng đều chú trọng sự phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thiếu đi những giá trị ấy, pháp luật không chỉ thiếu đi tính dân chủ, tính nhân văn, mà còn không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam được xây dựng, bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử.
Hiến pháp và các đạo luật đã thiết lập những chế định quan trọng nhất, cơ bản nhất, khẳng định quyền con người, quyền xây đắp và hưởng thụ văn hóa của tất cả công dân Việt Nam; phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước; bảo đảm cho người dân được bình đẳng trong sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hoá, được bày tỏ, thể hiện những khát vọng cá nhân chính đáng của mình; được tôn trọng, thừa nhận các phong tục, tập quán, lịch sử, hay sự đa dạng văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, các nội dung cốt lõi, cơ bản về văn hóa đều được kế thừa, thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các văn kiện về văn hóa. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013, các nội dung về văn hóa được quy định toàn diện, phong phú, có nhiều điểm mới, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, khoa học, tiến bộ.
Quan điểm “con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của chiến lược phát triển văn hóa”, “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt, chỉ đạo rà soát, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung, tiến tới hoàn thiện pháp luật, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng các chuẩn mực về đạo đức, xây dựng nhân cách, lối sống, nếp sống tốt đẹp, văn minh; xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân – thiện – mỹ; gắn việc xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, giáo dục, khoa học đối với sự phát triển, tồn vong của đất nước. Những chính sách đúng đắn về giáo dục, khoa học – công nghệ sẽ góp phần nâng cao tầm vóc, vị thế, tiềm lực của đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu, vững bước cùng thời đại. Quốc hội đã tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách định hướng, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ; không ngừng nâng cao dân trí, trình độ văn hóa của con người Việt Nam, tạo nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Nhiều chính sách, quy định của pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung, đã thể chế hóa nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa và các danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh; gắn kết văn hóa với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, xây dựng con người mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, tạo nên những động lực và sức hấp dẫn mới trong đời sống tinh thần xã hội.
Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo cơ chế làm cho quan điểm kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế trở thành hiện thực cuộc sống. Đặc biệt, hệ thống chính sách, pháp luật đã bước đầu xác lập được các khung khổ pháp lý để phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là bộ phận trọng yếu của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiều văn bản pháp luật đã chế định nội dung xây dựng văn hóa trong chính trị, từng bước làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước. Trong đó, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội được đổi mới theo hướng đề cao văn hóa chính trị phù hợp đặc điểm cơ quan dân cử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế, đặt nền móng, nhất là lề lối, phong cách làm việc dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, hiệu quả, dựa trên nguyên tắc pháp quyền, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn hoặc tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, có quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ về lĩnh vực văn hóa. Quốc hội luôn nỗ lực thực hiện các quy định, cam kết quốc tế, nội luật hóa vào hệ thống pháp luật Việt Nam, thúc đẩy, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, trong đó có các quyền về văn hóa phù hợp các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Quốc hội đã tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Tổ chức chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình tại các cơ quan Quốc hội nhiều vấn đề lớn, quan trọng về văn hóa như: đầu tư cho phát triển văn hóa; bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa; hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở; văn hóa học đường; xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; việc triển khai các chính sách an sinh xã hội; hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội; chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế chính sách cho văn học, nghệ thuật; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ… Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, khảo sát phục vụ việc hoàn thiện pháp luật, đồng thời yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp.
Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng của đất nước. Các nghị quyết của Quốc hội luôn xác định, trong mỗi chính sách đều chú trọng tới yếu tố văn hóa, thể chế hóa đúng đắn quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa ngày càng được quan tâm hơn, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ cho tăng trưởng và phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến tích cực, hình thành nền tảng pháp lý vững chắc cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, khuyết điểm và cả những khó khăn, thách thức. Một số quy định hiện hành của pháp luật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn và sự nghiệp đổi mới. Vẫn còn không ít vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực văn hóa chưa có luật điều chỉnh. Một số nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhất là về văn hóa chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời. Một số luật mới ban hành nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn. Việc thể chế hóa chính sách văn hóa trong phát triển kinh tế và chính sách kinh tế trong phát triển văn hóa còn chậm, chưa bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước trong hội nhập quốc tế cũng như bảo đảm phúc lợi văn hóa cho Nhân dân. Việc xây dựng hệ sinh thái cho công nghiệp văn hóa và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cơ chế, chính sách cho văn nghệ sỹ, cho phát triển các chuyên ngành văn hóa, văn nghệ đỉnh cao chưa đủ mạnh để khuyến khích, cổ vũ, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật và phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật; chưa tạo được các tác phẩm có chất lượng cao, có ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn. Đầu tư cho phát triển văn hóa và con người chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, chưa nhận thức đầy đủ đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa chưa đồng đều, khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền chậm được thu hẹp…
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng này, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động với 6 nhóm giải pháp và 107 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiều nội dung về văn hóa. Trong thời gian tới, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển.
Thứ hai, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập quốc tế. Chỉ đạo nghiên cứu, tham gia xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam; hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và văn hóa dân tộc, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và giữ gìn chuẩn mực đạo đức, lối sống của con người Việt Nam; thúc đẩy “xã hội học tập” gắn với trọng dụng người thực đức, thực tài; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu; phát huy sức sáng tạo, thúc đẩy phát triển văn hóa, nghệ thuật; quy hoạch, quản lý tốt báo chí – truyền thông; khai thác các lợi thế của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để giới thiệu các thành tựu của công cuộc đổi mới và đặc sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; đồng thời ngăn chặn, hạn chế, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực.
Thứ ba, đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về văn hóa; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ tư, xác định các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thứ năm, phát huy vai trò ngoại giao nghị viện, không ngừng mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển đối ngoại văn hóa, hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ra nước ngoài và nhập khẩu có chọn lọc các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; phát huy cao nhất tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách “phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa”, để các giá trị văn hóa thẩm thấu, chuyển hóa vào toàn bộ quá trình vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ lực lượng sản xuất tới quan hệ sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tăng cường đầu tư cho văn hóa; tập trung phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy lĩnh vực kinh tế sáng tạo, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của Nhân dân ở các vùng, miền.
Văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Văn hóa đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tương thân, tương ái, làm rạng danh dân tộc Việt Nam văn hiến, anh hùng. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành chân lý, khẳng định vai trò nền tảng tinh thần, tính khai sáng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chính trong những thời điểm khó khăn nhất, dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đã được phát huy mạnh mẽ, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Thực tế đã chứng minh sức mạnh vĩ đại của văn hóa, con người Việt Nam. Với sức mạnh to lớn đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta. Nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu cao đẹp mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Nhất định đất nước ta sẽ ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
_______
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.7
(2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t.3, tr.321
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.XXV
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.491
(5) Do sự chống phá quyết liệt của thù trong giặc ngoài, từ ngày 11/11/1945, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật (Đến Đại hội II của Đảng, tháng 02/1951, Đảng mới ra công khai hoạt động lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam), nên khái niệm “Đoàn thể” nêu trên là chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam.
GS.TS Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
Theo: quochoi.vn