Văn hoá
Tuy là một thành phố trẻ nhưng bề dày Văn hóa Đà Lạt cũng rất được chú ý về sự phong phú, đa dạng, vừa mang tính truyền thống và hiện đại.
Văn hoá của dân tộc Cơ Ho bản địa, văn hoá của các cộng đồng dân cư ở châu thổ sông Hồng, vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Nam – Ngãi – Bình – Phú, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và sự giao lưu văn hoá thế giới đã tạo nên những nét đặc trưng trong phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
Đà Lạt là một đề tài luôn mới mẻ, hấp dẫn, phong phú mà các giới nghiên cứu khoa học tự nhiên, xã hội, văn học – nghệ thuật luôn đeo đuổi tìm hiểu và sáng tác.
Vùng đất Lâm Đồng còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc. Trong nhiều năm qua, nhiều di tích lịch sử được quan tâm tiếp cận nghiên cứu, nổi tiếng nhất là khu di tích Cát Tiên. Trong lịch sử, Cát Tiên là đường biên giới của các nền văn hóa, một đường biên giới không biến động với những di tích cư trú của con người từ thời đại Đồng Thau cách đây gần 4000 năm, với những làng cổ rèn khuôn đúc đồng, dệt vải, với đền tháp và mộ tháp uy nghiêm của một nền văn hóa đặc thù nằm trong dòng chảy của văn hóa Đồng Nai, văn hóa óc Eo, văn hóa Phù Nam.
Văn hoá nghệ thuật ở Lâm Đồng được hình thành trên nền văn hoá Việt, văn hoá các dân tộc thiểu số bản địa và một phần của văn hoá các tộc người thiểu số phía Bắc. Sự phối hợp giữa các yếu tố văn hoá này với nhau tạo thành một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng biểu hiện trong những dụng cụ sinh hoạt, kiến trúc dân gian, trang phục, ẩm thực; trong nghề rèn, nghề dệt; trong tín ngưỡng, phong tục, lễ hội văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian…
Nổi bật trong hệ thống những di sản văn hoá truyền thống ở Lâm Đồng là những ngôi nhà dài của các dân tộc thiểu số, đây không chỉ là nơi sinh sống của các thành viên trong một gia đình, mà còn là nơi lưu giữ, trưng bày những bộ chiêng – ché cổ quý giá, được đồng bào trân trọng, giữ gìn như “vật thiêng”, “tài sản có giá trị”. Các nghề thủ công như: đan lát, kim hoàn, rèn sắt…, đặc biệt nghề dệt thổ cẩm rất đa dạng, độc đáo, gây ấn tượng bởi cách phối màu và đường nét hoa văn. Và rượu cần, một thức uống gắn bó từ lâu đời với người dân bản địa nơi đây, không còn nằm trong khuôn khổ là một thức uống bình thường, mà đã trở thành phương thức ứng xử văn hóa độc đáo đặc trưng nhất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên (nhất là trong dịp lễ hội). Rượu cần – một nghệ thuật ẩm thực đã trở thành yếu tố văn hóa đặc sắc trong truyền thống văn hóa Lâm Đồng.
Lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng được gắn liền với chu trình canh tác cây lúa (kể cả lúa nương và lúa nước) bắt đầu từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Mùa lễ hội có nhiều tiểu lễ nhưng quan trọng và quy mô hơn cả là lễ mừng lúa mới (người Mạ và người Kơ Ho có lễ Nhô R’He, người Chu Ru có lễ Nhum Hơma). Không chỉ thế, đồng bào còn có những lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng (lễ cúng thần rừng, thần nước…), hay là những phong tục, tập quán của cộng đồng và cá nhân (lễ ăn trâu kết nghĩa, ăn trâu mừng thọ cha mẹ…). Lễ hội chính là dịp để cư dân bản địa thực hành tín ngưỡng truyền thống, – tín ngưỡng đa thần. Trong những lễ hội truyền thống, biểu trưng đậm nét nhất là sự cộng cảm giữa các cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, tạo nên tính cộng đồng của cư dân bản địa. Mối quan hệ cộng đồng ấy được hình thành trên cơ sở tự nguyện, thân ái, thủy chung, bình đẳng và được ràng buộc bởi phong tục, tập quán, nên tính bền vững rất cao.
Văn học dân gian, điểm nổi bật trong văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa Lâm Đồng, được đánh giá là đa dạng về thể loại (huyền thoại, cổ tích, hài, ngụ ngôn, văn vần…), phong phú về nội dung. Đây không chỉ là những câu chuyện, khúc ngâm phản ánh “thế giới quan, nhân sinh quan” của đồng bào, mà còn có thể tìm thấy trong đó lịch sử phát triển của xã hội tộc người. Bên cạnh văn học dân gian, phải kể đến âm nhạc dân gian. Các dân tộc bản địa dùng nhiều loại nhạc cụ có chất liệu khác nhau với những phương thức chế tác độc đáo. Đặc tính âm nhạc của các loại nhạc cụ phụ thuộc rất lớn vào khả năng sử dụng của từng nghệ nhân. Sự đơn điệu trong làn điệu (hát kể, hát đối đáp, tự sự, giao duyên) được bù đắp bằng sự duyên dáng, biểu cảm, gần gũi trong ca từ, trong hơi thở của tiếng chiêng, tiếng kèn bầu… cùng nét uyển chuyển của từng điệu múa. Chính âm nhạc dân gian đã góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần của người dân tộc bản địa ở Lâm Đồng.
Quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt cũng là quá trình hình thành truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Lạt.
Với hoàn cảnh khốn khó và điều kiện khắc nghiệt, muốn tồn tại, đoàn người làm phu “tứ cố vô thân” từ bốn phương qui tụ về đây phải thương yêu đùm bọc nhau, gắn bó sống chết không rời để tạo nên sức mạnh đoàn kết đấu tranh. Chẳng những đấu tranh với thiên nhiên mà phải đấu tranh với quân thù một cách quyết liệt, chống lại sự áp bức bóc lột để giành quyền sống vốn có của con người.