Văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc, động lực của sự hưng thịnh và phát triển
Tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua đã thổi một luồng sinh khí mới vào lĩnh vực văn hóa, cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội. Thêm một lần nữa, văn hóa được khẳng định là nguồn lực nội sinh, là động lực, là sức mạnh trong thời đại toàn cầu hóa, là nền tảng của phát triển bền vững.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc vai trò, vị trí của văn hóa và khẳng định rằng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Vì vậy, cần phải “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị đã tạo ra một luồng sinh khí mới, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong công cuộc chấn hưng văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và thịnh vượng.
Bắc Ninh nổi tiếng là một trong những vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến và nhân cách Việt Nam. Những chứng tích khảo cổ và lịch sử, văn hóa ở Bắc Ninh ngày nay cho thấy nơi đây là địa bàn sinh tụ chủ yếu của người Việt cổ ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, là nôi sinh thành của dân tộc Việt, đồng thời hình thành nền tảng văn hóa, văn minh Việt Nam.
Bắc Ninh còn là vùng đất được cả Phật giáo, Nho giáo chọn làm nơi đầu tiên truyền bá vào Việt Nam nên nơi đây không chỉ nổi tiếng với những ngôi chùa quy mô to lớn, kiến trúc tạo tác công phu, tài nghệ mà còn có trường dạy chữ Hán đầu tiên trong cả nước. Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đất Bắc Ninh đã sản sinh và nuôi dưỡng bao nhân kiệt, hiền tài trở thành rường cột nước nhà…
Ngày nay, Bắc Ninh được biết đến là địa phương phát triển năng động và toàn diện. Đặc biệt, từ sau tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương luôn được các cấp, ngành chú trọng. Nhiều di sản văn hóa của Bắc Ninh được gìn giữ, phát huy mà điểm nhấn tiêu biểu là chuỗi chương trình hành động bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Quan họ được ngành Văn hóa triển khai hiệu quả, mang đến sức sống mới, giá trị mới cho di sản. Đáng chú ý, Bắc Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện tốt cơ chế chính sách chăm lo, đãi ngộ nghệ nhân, hỗ trợ các làng, các CLB Quan họ… Từ đó mang lại ý nghĩa thiết thực, tác động trực tiếp đến những người nắm giữ, thực hành di sản.
Xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.
Công tác bảo tồn, bảo tàng, kiểm kê, tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đạt nhiều kết quả. Đến nay, gần 1600 di tích lịch sử văn hóa trong toàn tỉnh được kiểm kê, nghiên cứu lập hồ sơ bảo tồn. Trong đó có 643 di tích được xếp hạng, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích quốc gia và 435 di tích cấp tỉnh; 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 8 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Đây là những di sản văn hóa lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị khoa học về lịch sử rất quan trọng và là tài sản vô cùng quý báu đã và đang được tỉnh Bắc Ninh quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị. Đời sống văn hoá cơ sở ngày càng có bước tiến mới. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cũng luôn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật của nhân dân, đồng thời xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh, văn minh, tiến bộ.
Có thể thấy, thành tựu phát triển văn hóa đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, ấn tượng với nhân dân trong tỉnh và du khách trong nước, quốc tế về một Bắc Ninh văn hiến, giàu tiềm năng phát triển, tạo hiệu ứng tích cực để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy vậy, với nội hàm về vị trí, vai trò và mục tiêu của lĩnh vực văn hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra thì lĩnh vực văn hóa của tỉnh Bắc Ninh vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa tương xứng với mục tiêu phát triển mang tính chiến lược, chưa giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, sức mạnh nội sinh về văn hóa của tỉnh để làm nền tảng phát triển xã hội. Đáng nói là nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng và dàn trải; nguồn nhân lực hoạt động văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; tư duy về phương thức bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị văn hóa truyền thống chưa có bước đột phá nên chưa theo kịp với xu thế phát triển của xã hội… Đơn cử như trường hợp Thành cổ Luy Lâu, Thành cổ Bắc Ninh, di tích chùa Dạm… Hay Bảo tàng Bắc Ninh là một thiết chế văn hóa cấp tỉnh quan trọng, được xem là gương mặt văn hóa của tỉnh. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2001 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2006, nhưng đến nay, sau 16 năm xây dựng, Bảo tàng tỉnh vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu, thiết kế trưng bày tổng thể, do đó chưa trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn của tỉnh…
Quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong bối cảnh mới, thời gian tới, ngành văn hóa Bắc Ninh xây dựng chương trình hành động cụ thể với quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Tập trung làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND các chủ trương, chính sách nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới. Trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa trong đời sống xã hội; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực văn hóa; coi nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời mang đậm đà bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân; huy động sức mạnh tổng hợp, động viên nhân dân và đội ngũ trí thức tham gia và thực hiện các nhiệm vụ văn hoá;
Tăng cường đầu tư nguồn lực thỏa đáng mang tầm chiến lược cho lĩnh vực văn hóa; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính đặc thù nhằm huy động, khuyến khích nguồn lực xã hội tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa; xây dựng kế hoạch với nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp đáp ứng yêu cầu đặc thù của lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để từng bước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh.
Cùng với đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án, Dự án, Kế hoạch về phát triển văn hóa; tổ chức sâu rộng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp gắn với việc thực hiện các cam kết với UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới – Dân ca Quan họ Bắc Ninh; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch; hoàn thành đệ trình Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; vận hành, khai thác phát huy tốt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở…