Văn hóa Bắc Sơn – niềm tự hào của di sản văn hóa Xứ Lạng

– Văn hóa Bắc Sơn là một trong những nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng của nước ta ở thời đại đá. Đó là một nền văn hóa tiền sử có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với nhiều nền văn hóa khảo cổ khác để góp phần tạo nên dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc.

Những phát hiện đầu tiên về văn hóa Bắc Sơn trên vùng đất Lạng Sơn đầu thế kỷ XX gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Sở Địa chất Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.

Di vật văn hóa Bắc Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Năm 1898, thực dân Pháp thành lập Sở địa chất Đông Dương với nhiệm vụ chính là thăm dò, lập bản đồ địa chất tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia để phục vụ mục đích khai thác thuộc địa của họ, trong đó bao gồm cả nghiên cứu thời kỳ tiền sử. Năm 1914, một bảo tàng chuyên đề về địa chất đã được hoàn thành ngay trong khuôn viên của sở này để trưng bày các mẫu khoáng vật, thạch học, cổ sinh vật và tiền sử học. Henry Mansuy – nhà địa chất học người Pháp công tác ở đây là một trong hai người được giao nhiệm vụ phụ trách, xây dựng bảo tàng. Chính vì vậy, năm 1906, ông đã đặt chân đến Lạng Sơn nghiên cứu, khảo sát. Tại hang Thẩm Khoách (còn gọi là Thẩm Khách hoặc hang phố Bình Gia), ông đã tìm được khá nhiều di vật đá khi tiến hành khai quật di chỉ này. Đáng chú ý ở đây có những chiếc rìu độc đáo chỉ mài hạn chế ở phần lưỡi, khác hẳn với các công cụ đá mài toàn phần đã biết của thời đại đá. Thẩm Khoách được khảo cổ học ghi nhận là địa điểm phát hiện di tích văn hóa Bắc Sơn đầu tiên ở Việt Nam.

Những năm sau đó, H. Mansuy đã tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, khai quật nhiều hang động trong lòng sơn khối đá vôi Bắc Sơn. Từ năm 1922 – 1925, ông và người cộng sự đắc lực của mình là Madeleine Colani đã tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ học ở đây. M. Colani vốn là một giáo viên trung học người Pháp từng dạy học ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), sau về làm tại Sở Địa chất Đông Dương. Bà cũng chính là người đã phát hiện, nghiên cứu nhiều văn hóa khảo cổ nổi tiếng khác ở Việt Nam như Văn hóa Hòa Bình, Hạ Long… Tại Lạng Sơn, bà đã đến nhiều nơi thuộc các huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Hữu Lũng khảo sát, khai quật khảo cổ. Những kết quả nghiên cứu, khảo sát trên đây đã được H.Mansuy hoặc cả hai người công bố thông qua các bài viết, hội nghị về tiền sử học. Trong đó nhấn mạnh sự tồn tại của một nền văn hóa sơ kỳ đá mới biệt lập với những đặc trưng riêng, độc đáo. Đó chính là Văn hóa Bắc Sơn.

Tính đến năm 1932, đã có 43 di tích văn hóa Bắc Sơn do người Pháp phát hiện, nghiên cứu, trừ di tích Nà Con ở Cao Bằng, còn lại đều nằm trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn, trong đó có 6 di tích ở vùng tiếp giáp với Lạng Sơn thuộc tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, do hạn chế trong công bố tư liệu, đến nay, nhiều di chỉ vẫn chưa xác định được trên thực địa. Hiện vật thu thập tại các di chỉ khảo cổ này rất đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều loại hình, nhiều thời kỳ khác nhau, đang được lưu giữ, trưng bày Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đó là những tư liệu quý giá ban đầu để nhận diện đặc trưng, xác lập văn hóa Bắc Sơn.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX trở lại đây, công tác nghiên cứu, khảo sát di tích văn hóa Bắc Sơn tiếp tục được đẩy mạnh, thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều di vật có giá trị. Tiêu biểu là các cuộc thám sát của Viện Khảo cổ học ở hang Lạng Nắc (xã Mai Sao, huyện Chi Lăng) năm 1971, khai quật hang Bó Lấm (xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng) năm 1976, khai quật Hang Dơi  (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) lần 1 cuối năm 1984, lần 2 năm 2021… Từ hoạt động thường niên của mình, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát hiện thêm nhiều di tích chứa đựng các yếu tố văn hóa Bắc Sơn khác như: Ngườm Sâu (Chi Lăng), Thẩm Đán Lài (Cao Lộc), Kéo Vãng (Văn Quan); Hang Ốc, Đồng Hang (Hữu Lũng)… Văn hóa Bắc Sơn đã dần được sáng tỏ qua các công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học: Hà Văn Tấn, Bùi Vinh, Nguyễn Gia Đối, Nguyễn Khắc Sử, Hà Hữu Nga, Trình Năng Chung, Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học), Phạm Văn Kỉnh, Lưu Trần Tiêu (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)…

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), đến trước năm 2000, đã có 51 di tích văn hóa Bắc Sơn được phát hiện, từ năm 2000 đến 2020 đã phát hiện thêm 23 di tích văn hóa Bắc Sơn nữa ở các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, nâng tổng số các di tích Văn hóa Bắc Sơn ở Việt Nam lên 74 địa điểm. Những thành tựu nghiên cứu mới nhất cho thấy địa bàn của Văn hóa Bắc Sơn không chỉ bó hẹp trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn mà đã mở rộng ra nhiều tỉnh trong khu vực vùng núi Đông Bắc nước ta. Qua đó, những tư liệu về Văn hóa Bắc Sơn tiếp tục được củng cố; đặc trưng, mối liên hệ giữaVăn hóa Bắc Sơn với các văn hóa tiền sử khác cũng ngày càng được sáng tỏ hơn. Hiện nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng về cội nguồn, niên đại sớm hơn 11.000 năm của của văn hóa Bắc Sơn. Đặc biệt là sự phát triển tiếp nối từ Hậu kỳ đá cũ sang văn hóa Bắc Sơn.

Quá trình nghiên cứu, đến nay, các nhà khảo cổ học đã xác định Văn hóa Bắc Sơn có niên đại khoảng 11.000 – 6.000 năm cách ngày nay, thuộc giai đoạn Sơ kỳ đá mới. Công cụ đặc trưng nhất của văn hóa này bao gồm rìu mài lưỡi (rìu Bắc Sơn), “dấu Bắc Sơn”, công cụ ghè đẽo định hình (hình bầu dục, hình chữ nhật, hình hạnh nhân, hình quạt, hình mu rùa…), gốm thô. Trong đó, rìu mài lưỡi và “dấu Bắc Sơn” được coi là những di vật có tính chất chỉ thị cho niên đại của văn hóa này. Bên cạnh đó còn có rất nhiều loại hình di vật khác như: Hòn ghè, bàn mài, công cụ mảnh tước, công cụ xương, đồ trang sức, đồ gốm, mộ táng, di cốt động vật, vỏ các loài nhuyễn thể… Đó là những cứ liệu quan trọng để phục dựng bức tranh về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân văn hóa Bắc Sơn. Đánh giá về rìu mài lưỡi Bắc Sơn, các nhà khảo cổ học cho rằng, đó là chiếc rìu mài xuất hiện sớm nhất ở châu Á, có ý nghĩa như một cuộc “cách mạng đá mới” tạo nên một bước tiến nhảy vọt trong quá trình chinh phục thiên nhiên, làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế, xã hội thời nguyên thủy.

Ngày nay, các nhà khảo cổ học đều nhất quán cho rằng: với tầm ảnh hưởng sâu rộng và sức lan tỏa mạnh mẽ, Văn hóa Bắc Sơn đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc nảy sinh và định hình một số nền văn hóa đá mới ở miền núi và ven biển nước ta, trong đó, có Văn hóa Mai Pha giai đoạn hậu kỳ đá mới. Có thể coi đó là một chặng đường quan trọng, đầy ấn tượng đến với thời kỳ Hùng Vương dựng nước của lịch sử dân tộc. Ngày nay, trên quê hương của văn hóa Bắc Sơn, trong số hơn 70 di tích văn hóa Bắc Sơn đã được phát hiện, công bố, đã có 2 di tích được xếp hạng Quốc gia, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh, nhiều di tích được đưa vào danh sách kiểm kê, quản lý để gìn giữ, quản lý, phát huy giá trị. Đó là niềm tự hào lớn lao về di sản văn hóa truyền thống của Xứ Lạng hôm nay.