Văn hóa Bình Định là thế mạnh để phát triển du lịch
Vùng đất này còn thu hút du khách bởi có nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật là bãi biển Quy Nhơn trải dài cát trắng bên những con sóng vỗ bờ dào dạt. Cũng bởi vậy mà từ bao đời nay, Bình Định còn được gọi là “Đất thi nhân”, nơi tìm về của những tâm hồn thi nhân, nghệ sĩ, từ những nhà văn hóa, soạn tuồng Đào Tấn, Nguyễn Diêu đến các thi sĩ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan… Thật ít có địa phương nào giàu có về văn hóa, về di sản và du lịch như Bình Định, nhưng những tiềm năng đó không phải ai cũng nhận ra và biết đến.
Lâu nay những tháp Chăm kỳ vĩ, cổ kính ở Bình Định vẫn trơ trơ đứng giữa đất trời qua hàng bao thế kỷ, nhưng chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức, mãi gần đây khi những chuyên gia ở trong nước và ngoài nước khảo sát và đánh giá rất cao, chúng ta mới biết Bình Định đang sở hữu một di sản quý, vô cùng độc đáo của nhân loại mà ít nơi có được.
Những viên ngọc trong văn hóa Bình Định còn đang bị bụi thời gian che phủ, bởi vì chúng ta chưa thấy hết giá trị của di sản và cũng chưa quan tâm đúng mức trong việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, từ vật thể, đến phi vật thể. Mặt khác, việc đầu tư còn dàn trải, chưa có trọng điểm. Tại sao Bình Định không đầu tư xây dựng trọng điểm văn hóa du lịch như cụm Bảo tàng Tây Sơn – Đàn tế trời đất, trong đó có biểu diễn võ thuật, có nhạc võ Tây Sơn, có âm nhạc dân gian độc đáo, có ẩm thực đặc sắc như bánh xèo, bánh ít lá gai, cơm gạo lúa thơm cùng với chim Mía, cá Niên, rượu Bàu Đá… để giữ cho được khách lưu lại nhiều ngày? Một trở ngại khác cho du khách tới Bình Định là giao thông. Đường bay Hà Nội – Quy Nhơn không dài, nhưng ai cũng ngại phải dậy từ bốn giờ sáng để kịp ra sân bay cho chuyến sáu giờ, nhất là vào mùa đông lạnh lẽo. Chưa kể đường từ sân bay Phù Cát về TP Quy Nhơn cũng mất cả tiếng đồng hồ, đường từ Quy Nhơn đi Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) cũng tương tự. Nếu có đường bay, đường bộ tốt, nhất định Quy Nhơn sẽ là điểm đến thu hút đông du khách…
Ở TP Quy Nhơn cũng nên có một quán trà mang tên các danh nhân như quán trà Đào Tấn hay quán trà Xuân Diệu, trong đó có đủ món ăn, thức uống như nem chua chợ Huyện, bánh xèo, bánh ít lá gai, rượu Bàu Đá, có biểu diễn các trích đoạn tuồng, ngâm thơ tình Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử và hát bài chòi. Đây cũng là cách mà ngành du lịch các nước như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn làm (kiểu quán trà Lão Xá ở Bắc Kinh của Trung Quốc, mỗi ngày tiếp hàng trăm du khách). Theo tôi văn hóa Bình Định còn nhiều tiềm năng, nhiều thể loại, nhiều hình thức hấp dẫn. Cho đến tận bây giờ, Bình Định vẫn chưa có được những câu lạc bộ nghệ thuật tổng hợp để khai thác cho du lịch, bao gồm các bộ môn sân khấu dân tộc, trong đó có nhạc võ Tây Sơn và võ thuật dân tộc… Phải tạo ra một điểm trình diễn thường xuyên, một địa chỉ văn hóa đặc biệt thật chuyên nghiệp, điêu luyện và hấp dẫn. Đây là một tổ chức hoạt động xã hội hóa, nhưng ban đầu phải được nhà nước và ngành du lịch đầu tư, hỗ trợ.
Tôi đã quan sát khách du lịch ở Quy Nhơn, buổi tối chẳng có gì để xem, để giải trí, đến đất tuồng mà chẳng được xem tuồng, đến đất bài chòi mà chẳng biết bài chòi là gì. Trong khi đó, ở TP Đà Nẵng, du khách luôn luôn được xem tuồng và ở Hội An (Quảng Nam) họ được tham gia đánh bài chòi vì các nghệ nhân biết cách tiếp cận khách du lịch bằng những hình thức gọn nhẹ, sinh động, sôi nổi, tươi vui. Thậm chí, ở Hội An, có nghệ nhân trẻ vừa hát bài chòi, vừa dịch sang tiếng Anh cho người nước ngoài hiểu để tham gia cuộc chơi. Tâm lý người phương Tây là ưa thích trải nghiệm, hòa nhập với văn hóa của nước bản địa.
Mỗi người làm du lịch văn hóa ở Bình Định phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra những hình thức mới để khai thác tiềm năng các di sản văn hóa nghệ thuật của vùng đất võ, để lôi cuốn du khách, nhưng đồng thời cũng là vừa để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.