Văn hóa Chăm – dấu ấn riêng trong nền văn hóa Việt

Bất chấp thăng trầm của thời gian và lịch sử, văn hóa Chăm vẫn là nền văn hóa bảo tồn tốt nhất, lưu giữ được nhiều nét độc đáo nhất trong cuộc sống đương đại, làm nên một nét riêng trong nền văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú.

Đến những ngôi làng Chăm ở Ninh Thuận, chúng tôi không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ trước những giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm. Những ngôi tháp Chăm cổ kính như những búp hoa màu hồng đỏ kết từ những viên gạch nung, nổi bật giữa nền trời xanh thẳm. Những vũ nữ Chămpa cổ xưa đẹp nghiêng nước nghiêng thành trong nhiều dáng vẻ, được chạm khắc, gắn ở các ngôi đền tháp, mang đến một sắc thái riêng cho chốn linh thiêng này. Những điệu múa Apsara mê hoặc, tiếng trống ghi-năng rộn rã, tiếng kèn môi Lơtin réo rắt và những lễ hội tràn ngập sắc màu nhưng vẫn đậm vẻ huyền bí, linh thiêng… Tất cả thấm đẫm tâm hồn, tình cảm của người Chăm cả ngàn năm qua.

Ý thức của người dân trong việc gìn giữ các nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, làng nghề… và sống tập trung thành từng làng Chăm riêng biệt, nâng niu những giá trị văn hóa xa xưa, đã khiến bao biến thiên của vạn vật bất lực trong việc tác động. Trong ngày Tết Kate (1/7 theo lịch Chăm) tại Ninh Thuận vừa qua, nhiều người Chăm từ các nơi cùng hội về cúng tháp cổ Po Klong Giarai (TP Phan Rang). Họ mặc những bộ quần áo dân tộc đẹp nhất, mang theo đồ tế lễ phong phú.

Khác với nhiều dân tộc, đồ lễ của người Chăm không mâm cao cỗ đầy, mà được đặt giản dị trên chiếc chiếu hay tấm nhựa trải ở nền cỏ bên ngoài tháp và những người đi cúng ngồi ngay trên chiếu. Đồ lễ có xôi, gà, hoa quả, nhưng tối thiểu phải đủ 7 món và nhà nào cũng có món bỏng nếp cùng cây nến tự làm bằng sáp ong, gà luộc rồi xé ra đĩa chứ không để nguyên con. Không thấy có bóng dáng món ăn từ thịt lợn. Bà Thập Thị Đửng (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cùng 2 người con gái đến cúng tháp, cho biết: Những người Chăm theo đạo Bàni như mẹ con bà không ăn thịt heo (lợn), chỉ người Chăm theo đạo Bàlamôn mới ăn.

Lễ hội Kate truyền thống của người Chăm.

Phong tục người Chăm hiện nay cũng rất phong phú, như thể đời sống hiện đại không thể chạm tới truyền thống của họ. ông Hồ Văn Răng, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết: Trong khi người Chăm ở Ninh Thuận vẫn giữ chế độ mẫu hệ từ ngàn đời nay, là sự quyết định mọi việc trong gia đình thuộc về phụ nữ, thì người Chăm ở An Giang lại khác. Người đàn ông có quyền quyết định, thậm chí, có quyền lấy nhiều vợ. Khi muốn chia tay vợ, người chồng chỉ cần báo với ông Cả Chùa là xong, còn người vợ thì không có quyền đó.

Nét độc đáo của văn hóa Chăm cũng hiện diện ở làng gốm Bàu Trúc. Trong khi tất cả các dân tộc khác khi nặn các đồ gốm đều dùng bàn xoay, thì người Chăm ở đây lại đặt thỏi đất trên trụ và người phụ nữ đi vòng quanh để xoay, miết cho đến khi có sản phẩm như mong muốn. Bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của họ đã tạo nên những sản phẩm gốm Chăm độc đáo và chứa những câu chuyện huyền thoại mà phải là người hiểu biết về văn hóa Chăm mới thấy được đầy đủ vẻ đẹp tâm hồn của người thợ gốm gửi trong đó. Từ các vật dụng quen thuộc, đến những bức tượng gốm, đều gợi biết bao câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn trong lịch sử Chămpa. Gốm Bàu Trúc còn độc đáo ở chỗ chỉ nung bằng củi, rơm ở ngoài trời, không đưa vào lò và các sản phẩm hoàn toàn không “đụng hàng” về hình dáng, hoa văn vì hoàn toàn là thủ công.

Cũng như gốm Bàu Trúc, các tấm thổ cẩm Chăm ở Mỹ Nghiệp đã có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế: Tấm Xàrông với những họa tiết tinh xảo, chất vải mềm mại vốn là trang phục cho các vị vua và hoàng hậu xưa, những bình hoa gốm, tượng gốm mang hơi thở cuộc sống đương đại v.v… đang từ làng Chăm bước ra thế giới, làm nên thương hiệu bởi nét truyền thống duy nhất của văn hóa Chămpa.

Đánh giá cao những giá trị độc đáo của văn hóa Chămpa trong nền văn hóa Việt Nam, Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa Chăm, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, nghiên cứu về văn hóa Chăm trong nước và quốc tế, nhằm đưa ra những giải pháp tích cực để bảo tồn, phát huy trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, để tôn vinh bản sắc độc đáo duy nhất của di sản gốm Chăm, Bộ VH,TT&DL đang đề nghị Chính phủ cho làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại