‘Văn hóa Hòa Bình’: Nền văn hóa tiền sử độc đáo
Công cụ sản xuất của cư dân Văn hóa Hòa Bình thời kỳ Đá mới được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Báo Hòa Bình
Ngày 17/10, tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo khoa học “85 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình” (1932-2017).
Theo các kết quả nghiên cứu, niên đại của Văn hóa Hòa Bình khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời Đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000-12.000 năm.
Văn hóa Hòa Bình được xác định là gạch nối giữa thời đại Đá cũ (Văn hóa Sơn Vi – Phú Thọ) và thời đại Đá mới (Văn hóa Bắc Sơn – Lạng Sơn). Ý nghĩa và tầm quan trọng của nền văn hóa Hòa Bình không chỉ minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống về canh tác, về tổ chức xã hội.
Tại Việt Nam, hiện có trên 130 địa điểm thuộc nền Văn hóa Hòa Bình, trong đó trên một nửa do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện trong khoảng thời gian từ 1966-1980. Riêng tỉnh Hòa Bình có 72 di chỉ đã được phát hiện và nghiên cứu.
Các di chỉ chủ yếu tập trung vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, núi đá.
Phát hiện nền “Văn hóa Hòa Bình”
Vào khoảng những năm 20 – 30 của thế kỷ XX, công cuộc khai thác thuộc địa đã tạo điều kiện cho các nhà địa chất, khảo cổ Pháp phát hiện hàng loạt di tích tiền sử, trong đó tiêu biểu nhất là Văn hóa Hòa Bình gắn với tên tuổi nữ Tiến sĩ Khảo cổ học người Pháp Madelain Colani (1866-1943).
Từ năm 1927, bà Colani đã tiến hành điều tra thăm dò khảo cổ học ở vùng hang động đá vôi kéo dài từ Hòa Bình qua Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Ngay từ đầu, phát hiện tàn tích tiền sử dày đặc trong tỉnh Hòa Bình đã giúp bà Colani nhận ra sự tồn tại một nền văn hóa săn bắt, hái lượm với tầng văn hóa ken dày vỏ ốc suối, ốc núi, xương răng động vật, tầng bếp cháy và công cụ ghè đẽo từ cuội suối basalt rất phổ biến trong vùng.
Từ đó, bà Colani mở rộng nghiên cứu sang vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Lào và hình thành ý tưởng khoa học về một nền văn hóa khảo cổ tiền sử quan trọng có tính bao trùm cả khu vực mà cái lõi chính là các thung lũng xung quanh sơn khối Kim Bôi, nơi có đỉnh Cốt Ca, được coi như nguồn nguyên liệu basalt sừng hóa vô tận của người tiền sử Hòa Bình.
Năm 1932, bà Colani chính thức công bố sự tồn tại một nền văn hóa tiền sử quan trọng của loài người có tính phổ cập ở một vùng rộng lớn khắp vùng Bắc Đông Dương và ngoại vi – đó là “Văn hóa Hòa Bình”. Đề xuất của bà đã được toàn thể hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông tán thưởng. Từ đó, thuật ngữ “Hoabinhien” (Hoabinhian) xuất hiện trên báo chí, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển… song hành với các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng khác trên thế giới.
Công cụ của người tiền sử thuộc nền Văn hóa Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình
Một số kết quả nghiên cứu nổi bật
Theo kết quả nghiên cứu, cư dân Văn hóa Hòa Bình có vóc dáng xương to, thô mang đặc trưng Austroloid (gần với thổ dân châu Úc) có trộn lẫn một số yếu tố Mongoloid (có đặc tính của người Mông Cổ), chôn cất theo kiểu nằm co nghiêng như đang ngủ, được kè chặn đá và rắc thổ hoàng…
Cư dân sống chủ yếu dựa vào các mái đá hay cửa hang động và để lại những bếp lửa liên tục hàng ngàn năm và những vệt mòn đi lại ở cửa hang. Thời kỳ thịnh đạt của nền văn hóa này trùng với thời kỳ băng hà cuối cùng trên thế giới đã tạo ra dạng khí hậu ở Đông Nam Á với nhiệt độ trung bình thấp hơn ngày nay chừng 5 – 7 độ C, mưa nhiều, thảm thực vật sồi, dẻ chiếm ưu thế khiến dân cư Hòa Bình có điều kiện tăng trưởng, mở rộng sang các vùng rừng núi phụ cận.
Kể từ năm 1932, đã 85 năm trôi qua, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tiếp tục đi sâu khám phá nền văn hóa nổi tiếng này.
Năm 1992, tại Hà Nội , Văn hóa Hòa Bình đã được kỷ niệm trọng thể nhân dịp 60 năm xác nhận toàn cầu. Từ đó, Văn hóa Hòa Bình đã tiếp tục nghiên cứu với chương trình mang tên Further Studies on Hoabinhian (nghiên cứu sâu hơn về Văn hóa Hòa Bình) của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á Việt Nam, chương trình nghiên cứu về hai lớp nhân chủng học trong Văn hóa Hòa Bình của các chuyên gia nhân học Nhật Bản, Australia, chương trình điều tra khai quật toàn diện vùng núi đá vôi Mea Hong Son của Đại học Bangkok (Thái Lan), chương trình nghiên cứu người Hòa Bình ở Pesak (Malaysia) và một số cuộc khai quật ở Lào.
Kết quả phân tích xương cốt người khai quật được cho phép xác nhận hai lớp dân cư đan xen trong quá trình phát triển của Văn hóa Hòa Bình với lớp nền Australoid và lớp phủ Mongoloid…
Trong số các di tích tại tỉnh Hòa Bình, hang xóm Trại (thuộc huyện Lạc Sơn) được đánh giá là di tích quan trọng bậc nhất, tiêu biểu cho Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Được phát hiện vào năm 1980, qua 8 lần điều tra, thám sát và khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện khối tư liệu với hàng nghìn hiện vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm, di vật đá…
Trong di tích hang đá xóm Trại, ngoài các hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm, các nhà khảo cổ còn thu được khá nhiều tàn tích các vỏ nhuyễn thể và thực vật. Đặc biệt là đã tìm thấy tại đây một ngôi mộ nằm ở địa tầng có niên đại trên 17.000 năm.
Hang xóm Trại (huyện Lạc Sơn) được đánh giá là di tích quan trọng bậc nhất, tiêu biểu cho Văn hóa Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình
Như vậy có thể khẳng định việc nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình đã cung cấp cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống và canh tác, về tổ chức xã hội của người tiền sử.
(nguồn: Báo Hòa Bình)