“Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình”
Hơn 1.000 hiện vật được trung bày trong triển lãm chuyên đề lần này
Đợt trưng bày này có gần 1.000 hiện vật, 100 ảnh tài liệu và 200 đầu sách, báo tạp chí về Văn hóa Hòa Bình, được chia thành 4 phần, gồm: Nữ khảo cổ học người Pháp Madelein Colani – người phát hiện và đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình”; Phân bố và đặc điểm cư dân nền Văn hóa Hòa Bình trên thế giới; Các giai đoạn phát triển của nền Văn hóa Hòa Bình; Văn hóa thời đại đá trên đất Hòa Bình.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm nhấn mạnh: Hòa Bình là một vùng đất cổ có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Trong thời tiền sử, khi khu vực đồng bằng ở miền Bắc vẫn còn trong môi trường biển hay đầm lầy, vùng cao nguyên của Hòa Bình đã trở thành một trong những trung tâm dân cư quan trọng với sự hiện diện của một đại diện văn hóa tiền sử nổi tiếng của Đông Nam Á – Văn hóa Hòa Bình.
Người có công đầu trong việc phát hiện, nghiên cứu “Văn hóa Hòa Bình” là nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani. Qua đó “Văn hóa Hòa Bình” không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, các di tích “Văn hoá Hoà Bình” phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh Hoà Bình (72 điểm) và Thanh Hoá (32 điểm), số còn lại phân bổ rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị. Các di tích chủ yếu tập trung ở các vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, mái đá.
Đến nay, tỉnh Hoà Bình có 10 di tích khảo cổ về “Văn hoá Hoà Bình” tiêu biểu được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Hang Tằm, xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; Hang Chổ, xóm Hui, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; Hang Muối, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc; Hang Bưng, xóm Nẻ, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; Hang Khoài, xóm Sun, xã Xăm Khoè, huyện Mai Châu; Hang Láng, xóm Chiềng Châu, huyện Mai Châu; Hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn; Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn; Động Tiên, xóm Lão Nội, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; Hang Đồng Thớt, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy.
Trong năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã được Bộ VHTTDL cho phép khai quật khảo cổ tại hai điểm di tích khảo cổ quốc gia là Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú và Hang xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, qua báo cáo sơ bộ đợt khai quật lần này đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật, đặc trưng vẫn là hiện vật đồ đá, đồ xương và đồ gốm, trong đó nhiều nhất vẫn là hiện vật công cụ cuội ghè định hình, mảnh tước, cuội nguyên liệu và lõi hạch.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình (1932 – 2022), tỉnh Hòa Bình tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, cụ thể như: Tổ chức tham quan một số di tích khảo cổ tiêu biểu về Văn hóa Hòa Bình mới khai quật tại huyện Lạc Sơn; đặt tên tuyến đường mang tên nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani tại TP Hòa Bình; khai trương trưng bày triển lãm chuyên đề “Văn hóa Hòa Bình” trên đất Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh… Đặc biệt, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ đề “90 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình”. Thông qua hội thảo, tỉnh Hòa Bình mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh những giá trị khảo cổ đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình, góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền Văn hóa Hòa Bình để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đối với những đóng góp lớn lao của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani – người đã có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình, để Văn hóa Hòa Bình được cả thế giới công nhận là một trong những chiếc nôi phát triển của loài người.
THANH PHONG