Văn hóa Hội An – “Bảo tàng sống” lưu “hồn” dân tộc

Văn hóa Hội An

Dành thời gian đi du lịch Hội An, du khách sẽ cảm nhận rõ bề dày văn hóa Hội An và lịch sử thấm đượm trong từng viên gạch lát, từng món quà vặt đường phố, từng lễ hội truyền thống, từng phong tục địa phương,… Hãy cùng khám phá nét đẹp của văn hóa phố Hội trong bài viết dưới đây bạn nhé!

1. Đôi nét về sự giao thoa văn hóa phố cổ Hội An

Được hình thành, phát triển từ nửa cuối thế kỷ XVI, Hội An (đô thị cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, thuộc vùng ven biển tỉnh Quảng Nam) từng là 1 trong những thương cảng quốc tế sầm uất nhất khu vực. Hầu hết mọi người đều biết đến Hội An là con đường tơ lụa trên biển nhưng ít ai biết Hội An còn có bề dày văn hóa hàng nghìn năm. Là điểm hội tụ, giao thoa của những nền văn hóa đông – tây, kim – cổ, Hội An mang trên mình nét đặc trưng của nhiều nền văn hóa khác nhau:

1.1. Sự giao thoa của các nền văn hóa cổ

Nằm ở trung tâm miền Trung, với sự phát triển lâu đời, văn hóa Hội An là bức tranh thu nhỏ của 3 nền văn hóa cổ từng hiện diện nơi đây. Đó là:

  • Văn hóa Sa Huỳnh

Dải đất miền Trung là nơi khởi nguồn của văn hóa Sa Huỳnh, hình thành vào khoảng năm 1000 TCN. Tại Hội An, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật chứng minh ở đây từ rất sớm đã có cư dân sinh sống, tạo nên nền văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ. 

Văn hóa Hội An

Ở các điểm di trú và di tích mộ táng như Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Xuân Lâm, Trăng Sỏi, Đồng Nà,… đã tìm thấy nhiều loại hình mộ chum, công cụ sản xuất sinh hoạt, đồ trang sức,… với niên đại trên dưới 2000 năm (thời kỳ hậu kỳ Sa Huỳnh). Tại di chỉ Bãi Ông (Cù Lao Chàm) đã phát hiện các di vật có niên đại hơn 3000 năm (thời tiền sử Sa Huỳnh).

Ngày nay, văn hóa Sa Huỳnh không còn hiện hữu nhiều ở phố Hội. Nếu muốn tìm hiểu về một nền văn hóa rực rỡ nay đã lụi tàn, du khách có thể ghé thăm bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh Hội An.

  • Văn hóa Champa

Dưới thời trị vì của Vương quốc Champa (thế kỷ II – thế kỷ XVI), vùng đất Hội An có tên gọi là Lâm Ấp phố. Nhờ vị trí thuận lợi, người Champa đã biến Lâm Ấp phố thời bấy giờ trở thành điểm dừng chân quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế, thu hút nhiều thuyền buôn Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư,… đến buôn bán. Những dấu tích cho sự phát triển của thương cảng Lâm Ấp phố đóng vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và trung tâm tôn giáo tín ngưỡng Mỹ Sơn.

Văn hóa Hội An

Đến nay, nếu muốn chiêm ngưỡng những nền móng kiến trúc của văn hóa Champa, du khách có thể ghé thăm giếng nước Champa và các pho tượng Chăm: Tượng Nam thần tài lộc Kubera, tượng Vũ Công Thiên Tiên Gandhara, tượng Thần Voi,…

  • Văn hóa Đại Việt

Cái tên Hội An được “khai sinh” khi nhà nước Đại Việt tiếp quản vùng đất này. Minh chứng rõ nét nhất cho sự ảnh hưởng của nền văn hóa Đại Việt tại Hội An chính là những làng nghề truyền thống, những nhà cổ mang kiến trúc Việt cổ, lối sống sinh hoạt còn lưu giữ tới ngày nay,… 

Văn hóa Hội An

Kể từ thời Đại Việt cho tới các vương triều sau này, Hội An đã phát triển tới giai đoạn hoàng kim trước khi chịu sự lụi tàn vì chiến tranh. Nếu có dịp tham quan Hội An, bạn hãy ghé qua những công trình kiến trúc, bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An – nơi ghi lại thời kỳ huy hoàng của Hội An xưa kia.

1.2. Sự giao thoa văn hóa phương Đông

Đánh giá về văn hóa Hội An, người ta hay có câu “1 bước chân qua 3 nền văn hóa”. Câu nói ấy để chỉ: Đặt chân đến Hội An tức là bạn sẽ được trải nghiệm 3 nền văn hóa phương Đông gồm: 

  • Văn hóa Trung Hoa

Người Phúc Kiến (Trung Quốc) là những thương nhân có mặt ở Hội An sớm nhất. Việc các thương nhân người Hoa theo thuyền sang Hội An buôn bán ngày càng đông khiến vùng đất này chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như một lẽ tất yếu. Kiến trúc và ẩm thực Hội An chính là 2 phương diện chịu nhiều ảnh hưởng nhất của văn hóa Trung Hoa.

Văn hóa Hội An

Về kiến trúc, đến nay Hội An vẫn còn lưu giữ nhiều công trình hội quán của người Hoa như: Hội quán Phúc Kiếnhội quán Triều Châu, hội quán Quảng Đông,… Về ẩm thực, văn hóa Hội An chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rõ nhất qua món cao lầu (theo phong cách mì của Trung Quốc, cái tên do người Hoa đặt).

  • Văn hóa Nhật Bản

Những thương nhân Nhật Bản cũng sớm đặt chân tới Hội An (từ cuối thế kỷ 16). Một biểu tượng thể hiện rõ nét văn hóa Nhật Bản vẫn còn lưu giữ ở phố Hội chính là chùa Cầu (còn được gọi là chùa Nhật Bản). Để hiểu rõ hơn về văn hóa Nhật Bản tại Hội An, du khách có thể ghé thăm chùa Cầu và 3 ngôi mộ của 3 thương nhân Nhật Bản.

Văn hóa Hội An

  • Văn hóa Việt

Văn hóa Việt ở Hội An thể hiện qua kiến trúc và lối sống của người dân địa phương. Con người Hội An đều thân thiện, dễ mến lại cần cù, chăm chỉ. 

Ngoài 3 nền văn hóa kể trên, Hội An còn “rộng lòng” tiếp nhận những luồng văn hóa phương Tây từ Hà Lan, Tây Ban Nha,… và văn hóa phương Đông từ Ba Tư, Ấn Độ,… 

>>> Bỏ túi ngay: 21 khu du lịch Hội An và địa điểm check-in HOT NHẤT 2022

2. Khám phá nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng

Bên cạnh di sản văn hóa phố cổ Hội An, không thể không nhắc tới văn hóa tín ngưỡng tại đây. Ở Hội An, bên cạnh tục thờ cúng gia tiên, người dân còn có tục thờ Ngũ tự gia đường. Theo quan niệm của người dân địa phương, nước có vua, nhà có chủ, thần chủ nhà chính là Ngũ tự gia đường. Phần đông cho rằng Ngũ tự gia đường là 5 vị thần trông coi, cai quản, sắp đặt vận mệnh cho 1 gia đình gồm: Thần Bếp, thần Cổng, thần Giếng, Tiên sư bổn mạng và Cửu thiên huyền. Khám thờ Ngũ tự gia đường theo văn hóa Hội An sẽ được đặt trang trọng ngay giữa nhà, trên bàn thờ gia tiên. 

Văn hóa Hội An

Về tôn giáo, văn hóa Hội An tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Công giáo Roma,… nhưng Phật giáo vẫn chiếm đa số. Nhiều gia đình ở Hội An tuy không theo Phật giáo nhưng vẫn thờ Phật và ăn chay. Trong mỗi căn nhà, khám thờ Phật được đặt ở nơi trang nghiêm, thanh tịnh và thường cao hơn bàn thờ gia tiên 1 bậc. 

Một điểm khác biệt nữa trong tín ngưỡng Hội An chính là tục thờ Quan Công. Miếu thờ Quan Công được xây dựng ở trung tâm phố cổ, trở thành trung tâm tín ngưỡng thiêng liêng, quanh năm hương khói. Các gia đình Hội An từ xưa đã có quan niệm thờ Quan Công như thờ 1 vị thần hộ mệnh, bảo hộ cho sự bình an của cả gia đình. 

Văn hóa Hội An

Ngoài ra, ở Hội An còn có những tín ngưỡng khác như: Thờ bà cô, ông mãnh, vô danh vô vị, thờ đá thạch cảm đương, đá bùa,…

>>> Bạn có biết: Nét xưa chưa cũ ở 8 ngôi nhà cổ Hội An lâu đời và nổi tiếng nhất

3. Văn hóa ẩm thực Hội An đa màu sắc

Với vị trí vùng cửa sông, ven biển, nơi tụ hội về kinh tế, văn hóa trong nhiều thế kỷ, Hội An có một nền ẩm thực đa dạng với những sắc thái riêng biệt. Trong bữa ăn hằng ngày của người dân Hội An, thủy hải sản luôn chiếm phần lớn. Ngoài chợ, số lượng tôm, cua, cá cũng được tiêu thụ gấp đôi lượng thịt.

Văn hóa Hội An

Ngày nay, văn hóa Hội An vẫn giữ một số thói quen, tập quán ẩm thực của người Hoa. Vào những dịp lễ tết, hôn hỉ, họ thường nấu các món ăn đặc sắc như cơm Dương châu, bún xào Phước Kiến, kim tiền kê,… để cùng thưởng thức, nhớ lại nguồn gốc dân tộc. 

Những món ăn tiêu biểu của ẩm thực phố thị Hội An chính là cao lầu, hoành thánh, bánh vạc, bánh bao,… Ngoài ra, Hội An còn có nhiều món ăn dân dã hấp dẫn như bánh xèo, bánh bèo, bánh tráng, hến trộn, mì Quảng,… 

Không chỉ có những món ăn ngon, các hàng quán Hội An còn có cách bài trí và phục vụ mang những nét đặc sắc riêng. Những nhà hàng trong khu phố cổ Hội An thường treo một vài bức tranh cổ, xung quanh trang trí chậu hoa, đồ mỹ nghệ, hồ cá, hòn non bộ,… tạo sự thư giãn cho thực khách. 

Văn hóa Hội An

Bên cạnh ẩm thực truyền thống, một số món ăn từ Pháp, Nhật và phương Tây hiện vẫn còn được lưu giữ tại Hội An. Chúng góp phần làm phong phú nét đẹp ẩm thực Hội An, phục vụ đa dạng nhu cầu của thực khách.

>>> Đừng bỏ qua: 20 món đặc sản Hội An ngon nức tiếng nhất định phải thử 1 lần

4. Văn hóa Hội An: Âm nhạc, trò chơi dân gian, diễn xướng

Nét đẹp văn hóa Hội An còn nằm ở âm nhạc, trò chơi dân gian và các hình thức diễn xướng. Kết tinh từ quá trình lao động của cư dân địa phương, đến nay, các hình thức diễn xướng (hò khoan, hò kéo neo, hát bả trạo, hò giựt chì, các điệu lý, vè, hát tuồng, hô thai, hô bài chòi,…) vẫn được gìn giữ, là một phần quan trọng của đời sống tinh thần nơi đây.

Văn hóa Hội An

Hội An còn có truyền thống diễn tấu cổ nhạc trong các dịp hội hè, hiếu hỉ, tang ma,… Những người dân tại đây cũng có nhiều thú chơi: Trò bài tới, trò thả thơ, trò chơi thư pháp, trò thai đề xổ cử nhân,… Bạn có thể ghé thăm Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An để tìm hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa âm nhạc, diễn xướng, trò chơi dân gian nơi đây.

>>> Tìm hiểu ngay: 3 trò chơi dân gian ở Hội An độc đáo nhất định phải thử khi ghé thăm phố cổ

5. Văn hóa Hội An qua các lễ hội truyền thống

Hội An hiện còn gìn giữ nhiều loại hình lễ hội truyền thống như: Lễ hội tưởng niệm các vị tổ sư ngành nghề, lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân,… Mỗi năm, thường vào dịp đầu xuân, các làng lại mở lễ hội để tưởng nhớ công lao của các vị thánh nhân, các vị tiên hiền,… 

Văn hóa Hội An

Vào dịp rằm tháng giêng và rằm tháng bảy hằng năm, người dân Hội An còn tổ chức lễ hội Long Chu tại các đình làng. Dịp tổ chức lễ hội là thời điểm chuyển mùa mưa sang mùa khô và ngược lại – thời gian dịch bệnh thường xảy ra. Lễ hội Long Chu (thuyền làm theo hình rồng) mang ước vọng bình an, ấm no của người dân xứ Hội. 

Tại các làng chài ven sông, ven biển của Hội An, đua ghe cũng là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, thường diễn ra vào mồng 2 – mồng 7 tháng giêng âm lịch hằng năm. Theo quan niệm dân gian, đua ghe là dịp người dân bày tỏ lòng kính ngưỡng trước các thánh thần thượng sơn hạ thủy và các đấng khuất mặt đã phù hộ cho làng xóm được bình an. 

Lễ hội cầu ngư và cầu an thường tổ chức vào khoảng trung tuần tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào dịp cầu ngư hằng năm, cư dân các làng chài Hội An còn tổ chức lễ tế cá Ông nhằm tri ân cá Ông đã giúp người dân hoạn nạn trên biển. Và mỗi dịp cá Ông chết, trôi dạt vào bờ, ngư dân cũng thường tổ chức chôn cất, cúng tế linh đình. 

Văn hóa Hội An

Từ năm 1998, Hội An bắt đầu tổ chức lễ hội đêm rằm phố cổ vào mỗi đêm 14 âm lịch hằng tháng. Trong lễ hội, từ 17 – 22 giờ, tất cả các ngôi nhà, hàng quán đều tắt điện. Toàn bộ khu phố cổ chìm trong ánh sáng dịu dàng của trăng rằm và những ngọn đèn lung linh. Khi các ngày lễ lớn khác trùng với đêm rằm, các hoạt động văn hóa sẽ càng phong phú hơn với những vũ hội hóa trang, múa lân, vịnh thơ Đường,… 

Văn hóa Hội An

Để được khám phá trọn vẹn nét đẹp văn hóa Hội An và thăm thú nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn tại phố Hội, du khách có thể lựa chọn lưu trú tại Vinpearl Resort & Spa Hội An. Nghỉ dưỡng tại đây, bạn sẽ được thư giãn tại bể bơi vô cực ngoài trời rộng tới 1.344m2 với tầm nhìn hướng biển Cửa Đại và Cù Lao Chàm xinh đẹp. Không chỉ vậy, du khách còn được tận hưởng những phút giây nghỉ ngơi thoải mái trong không gian thiên nhiên xanh mát, thưởng thức ẩm thực Á – Âu tại nhà hàng The Charm sang trọng, tiệc BBQ sân vườn hấp dẫn tại villa riêng. 

Văn hóa Hội An

>>> Nhanh tay đặt phòng Vinpearl Resort & Spa Hội An ngay hôm nay để thỏa sức tận hưởng một kỳ nghỉ trong mơ bạn nhé

Không chỉ là “bảo tàng sống” của các công trình kiến trúc, Hội An còn hấp dẫn du khách bởi nền văn hóa độc đáo, đa dạng. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, văn hóa Hội An vẫn giữ nguyên nét đẹp ban đầu, góp phần vào sức mạnh nhân văn Việt Nam, tô điểm thêm niềm tự hào về vẻ đẹp con người đất Việt. 

>>> Đừng quên booking Voucher, combo, tour du lịch Hội An, Nam Hội An và Vinpearl Resort & Spa Hội An để có cơ hội ngắm phố cổ về đêm, xem hát bài chòi bên sông Hoài, nếm thử món chè của mẹ già xứ Hội,… bạn nhé!