Văn hóa Nguồn lực phát triển của Thủ đô Hà Nội
Hà Nội dành gần 50.000 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, văn hóa và y tế
Phát biểu khai mạc hội thảo sáng 21/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại”. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô.
Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/02/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.
Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư ba lĩnh vực: Y tế, giáo dục – đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022–2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.
Theo ông Dũng, Hội thảo được tổ chức với mong muốn làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, lan toả mạnh mẽ hơn, để văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong suốt xây dựng và quá trình phát triển Hà Nội.
“Đây là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.
Biến xây dựng Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực mạnh mẽ phát triển Thủ đô trong thời gian tới
Theo PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng, văn hóa Hà Nội luôn đan xen giữa cái truyền thống với cái hiện tại, giữa cái truyền thống có xu hướng ổn định, bảo thủ với những yếu tố mới, năng động, cập nhật, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, giữa những yếu tố thuộc văn hóa bản địa mang giá trị quốc gia với những yếu tố ngoại lai, nó tạo ra sự thỏa hiệp, dung hòa nhưng cũng mang tính cạnh tranh rất cao.
Ảnh: Lê Việt Khánh.
GS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội cho rằng, Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường đã và sẽ dẫn đến sự di cư lao động, sự phân hóa-phân tầng xã hội và hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các địa bàn đô thị (trung tâm, vệ tinh, thành thị, nông thôn), nhất là về mức sống, chất lượng sống, lối sống. Điều này đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn phải hướng xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vấn đề này yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chuyển thành niềm tin hành động hàng ngày.
GS.TS Nguyễn Chí Mỳ.
Theo GS.TS Nguyễn Chí Mỳ, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, hoạt động kinh tế diễn ra ở một quy mô và tốc độ chưa từng có. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, các quốc gia 17 đang phải đương đầu với nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt xoay quanh các vấn đề về văn hóa, về con người. Xã hội hiện đại, công nghệ thông tin hiện đại có thể giúp chúng ta biết rất nhiều vấn đề. Chúng có thể giúp chúng ta trở nên thông thái, nhưng chúng không thể giúp chúng ta cách làm người, cách sống có đạo lý. Thậm chí càng sống nhiều trong thế giới công nghệ thông tin, con người càng cảm thấy phải biết cách làm người nhiều hơn.
GS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quyết sách lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đặt vào nhiệm vụ trọng tâm trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Thành phố, trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của Hà Nội. Toàn cầu hóa kinh tế với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là một thời cơ lớn, một cú hích lớn đối với sự phát triển của đất nước. Nhưng toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có thể trở thành một thách thức lớn đối với Thủ đô, nếu làm không tốt sẽ dẫn tới những rối ren lộn xộn trong xã hội, khi toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi chệch quỹ đạo mà dân tộc này, Thủ đô này đang hướng tới. Để quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi đúng hướng, bớt đi những rủi ro và lộn xộn không đáng có, việc tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” là cực kỳ quan trọng.
Ảnh: Lê Việt Khánh.
“Phải biến xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại” không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực mạnh mẽ phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Kinh nghiệm lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng, khi phải đứng trước những thách thức cam go, có khi là ngàn cân treo sợi tóc, những người lãnh đạo đất nước đã biết cùng nhân dân giương cao ngọn cờ độc lập tự chủ, quy tụ sức mạnh toàn dân, nỗ lực phát huy sự thông minh, khôn ngoan và sáng tạo trong quần chúng, mềm dẻo uyển chuyển trong sách lược đối ngoại. Nhờ đó chúng ta vượt qua được nhiều thách thức để tồn tại và phát triển, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao. Văn hóa dân tộc luôn là cội nguồn sức mạnh của chúng ta, là bệ phóng thần kỳ để chúng ta vươn ra thế giới”, GS.TS Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mặc dù nguồn lực văn hóa ở Thủ đô Hà Nội hiện nay rất giàu có, phong phú, đa dạng nhưng tất cả mới chủ yếu ở dạng tiềm năng. Nếu không chuyển vào kết nối với sáng tạo, sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Tìm ra các giải pháp có tính kỹ thật để chuyển nguồn lực đồ sộ này vào phát triển kinh tế xã hội là một vắn đề lớn hiện nay.
PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng, để phát huy các nguồn lực văn hóa này, cần tập trung trước hết vào một số giải pháp: Cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung, của nguồn lực văn hóa nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô hiện nay.
Tiếp theo là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội từ nay đến 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn 2045.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa của Thủ đô.
“Chất lượng, hiệu quả của việc phát huy các nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, sáng tạo phụ thuộc vào nhiều nhân tố khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng nhân tố lãnh đạo và quản lý đóng vai trò quyết định. Vì vậy, cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa nói chung, quản lý các nguồn lực văn hóa nói riêng đáp ứng yêu cầu biến đổi của xã hội”, PGS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh./.