Văn hóa Sa Huỳnh: Những giá trị đặc biệt
(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Đây là niềm vinh dự lớn của Quảng Ngãi và cũng là niềm vui của các nhà khảo cổ học, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa sau nhiều năm dày công nghiên cứu. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã lược ghi nhận định của các chuyên gia về giá trị của văn hóa Sa Huỳnh.
[links()]
Quang cảnh khu vực Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). ẢNH: MINH THU
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: “Khai thác lợi thế của di tích để phát triển du lịch”
Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh. Có rất nhiều di vật khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh như gò Ma Vương, Phú Khương, Thạnh Đức đã khai quật và nhiều di tích còn nằm trong lòng đất. Bên cạnh các di tích văn hóa Sa Huỳnh còn có các dấu tích của văn hóa Chămpa cổ và những di tích văn hóa Đại Việt, đây là nguồn tài nguyên quý hiếm. Có thể coi không gian văn hóa Sa Huỳnh và các thành tố liên quan như một “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Điển hình như du lịch nghiên cứu và tham quan di tích, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, danh lam thắng cảnh; khám phá thiên nhiên, tắm biển, câu cá hồ nước ngọt; tổ chức các hình thức vui chơi giải trí, thể thao trên đầm An Khê, đua thuyền truyền thống, trình diễn bài chòi…
Các chuyên gia khảo cổ, nhà nghiên cứu văn hóa tham gia chỉnh lý mộ chum, hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh Quảng Ngãi. ẢNH: TRÍ PHONG
Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ: “Đầm An Khê là khu vực có di sản văn hóa phong phú”
Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê là di sản văn hóa phong phú, đặc trưng cần được sưu tầm, nghiên cứu toàn diện. Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu, như bóc tách các lớp văn hóa của cư dân ở đầm An Khê, không chỉ văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Đại Việt, mà còn có cả lớp văn hóa người Hoa – lớp người định cư quanh đầm An Khê từ lâu đời.
Cần phải phục dựng lại các loại hình lễ hội, các hình thức diễn xướng trên đầm An Khê như lễ hội đua thuyền, nghi lễ múa Lỗ Lường, hội hoa đăng, hát bài chòi, hát bội, hát hò, hát hố… và trùng tu các di tích. Việc làm này không chỉ bảo tồn các loại hình văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian của cư dân nơi đây, mà còn góp phần phát triển du lịch…
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi – Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: “Cần phát huy giá trị đặc biệt của văn hóa Sa Huỳnh”
Đầm An Khê là cội nguồn sinh thái nhân văn, điều kiện cần và đủ để hình thành nên các di sản văn hóa Đại Việt, văn hóa Chămpa tiếp nối nhau liên tục phát triển. Đầm An Khê và khu vực xung quanh với những di tích khảo cổ học đã được phát lộ và còn trong lòng đất là môi trường sống, không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Đại Việt. Di tích Thạnh Đức – Sa Huỳnh là nơi phát hiện đầu tiên và bà M.Colani xác lập tên gọi văn hóa Sa Huỳnh, được khai quật nghiên cứu trong suốt hơn 100 năm. Di chỉ cư trú Long Thạnh (gò Ma Vương) qua địa tầng đã đưa ra bằng chứng khoa học xác thực để khẳng định tính bản địa của văn hóa Sa Huỳnh.
Từ các di tích văn hóa Sa Huỳnh, qua nghiên cứu đem lại nhận thức về quan hệ giao lưu văn hóa rộng mở của trung tâm Sa Huỳnh với các trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á trong thời đại kim khí. Bộ sưu tập di vật văn hóa Sa Huỳnh tại Sa Huỳnh đạt trình độ thẩm mỹ cao, phong phú đa dạng, trong đó bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh đã được công nhận bảo vật quốc gia… Những giá trị đặc biệt của các di sản trong không gian văn hóa Sa Huỳnh cần được phát huy.
Bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh, hiện vật của di sản văn hóa Sa Huỳnh đã được công nhận là bảo vật quốc gia. ẢNH: ĐOÀN NGỌC KHÔI
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm – Viện Khảo cổ học: “Đổi mới công tác trưng bày để hấp dẫn du khách”
Di sản văn hóa Sa Huỳnh độc đáo bởi táng tục mộ chum, với những đồ trang sức đa dạng, đẹp mắt, đồ gốm cầu kỳ chính là nguồn tài nguyên quý giá có thể phát huy giá trị. Những cuộc khai quật khảo cổ đã đưa ra khỏi lòng đất rất nhiều di vật quý, tiêu biểu, độc đáo và đã đưa vào trưng bày trong các bảo tàng, song vẫn còn chưa hấp dẫn, chưa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Chúng ta chưa xây dựng được các bảo tàng ngoài trời mà ở đó vẫn giữ được các di tích mộ chum phục vụ cho nhu cầu tham quan của công chúng. Đây là vấn đề cần sự quan tâm của không chỉ các nhà quản lý mà còn cần cả sự phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học…
TRÍ PHONG
(thực hiện)