Văn hóa TPHCM – Văn hóa con người

Nói đến văn hóa TPHCM tức là nói đến “văn hóa con người”. Nếu như soi rọi lại yêu cầu “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” được đề ra trong phương hướng cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), có thể nói qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa TPHCM đã phát triển đúng định hướng.

Yếu tố con người với vai trò chủ thể văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tạo nên một “bộ mặt” phát triển của TPHCM hôm nay.

Văn hóa và phẩm chất đặc trưng của con người TPHCM được kết tinh qua nhiều thế hệ. Từ khởi thủy là những lưu dân người Việt, chủ yếu từ vùng Ngũ Quảng vào Nam khai phá vùng đất mới, trải qua hơn 300 năm, là vùng “đất lành chim đậu” và có sự phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng và kinh tế – xã hội nên cộng đồng dân cư của thành phố hội tụ từ nhiều vùng miền, nhiều dân tộc với sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống. Từ đó góp phần hình thành nền tảng một số tính cách của người dân thành phố: đoàn kết, trọng nghĩa khí, nghĩa tình, năng động trong tìm tòi khám phá cái mới, khai phá để vươn lên.

Văn hóa TPHCM - Văn hóa con người ảnh 1

NSND Lệ Thủy (phải) và NSƯT Thành Lộc trong vở cải lương Sông dài. Ảnh: Đỗ Hạnh

Nhân dân Sài Gòn – TPHCM có truyền thống yêu nước mãnh liệt. Sài Gòn là nơi đầu tiên bị thực dân Pháp chiếm đóng để rồi từ đó đánh cướp và đô hộ toàn bộ đất nước hơn 80 năm. Sài Gòn cũng là “thủ phủ” của chính quyền Mỹ – Ngụy trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ nhưng đồng thời là trung tâm của các phong trào đấu tranh yêu nước, là nơi đầu tiên đứng lên thực hiện cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và là nơi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chính đặc điểm “đi trước, về sau” này đã góp phần lớn hình thành nên phẩm chất kiên cường, anh dũng, bất khuất của nhân dân thành phố.

Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm về nhiều mặt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; tăng trưởng kinh tế cao cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên hầu khắp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật và các chính sách xã hội đã tạo nên một diện mạo mới cho thành phố: một đô thị đặc biệt đang hướng đến văn minh, hiện đại và chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 18 tháng 1 năm 2002; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM, thành phố đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành một đô thị lớn nhất nước về quy mô phát triển, có vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phẩm chất yêu nước, tự cường, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của nhân dân thành phố lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết.

Với đặc trưng văn hóa đô thị gắn với nếp sống thị dân, văn hóa TPHCM thể hiện rất rõ hai yếu tố: tính hội tụ và tính lan tỏa. Hội tụ là sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người dân nhiều vùng miền nhưng lại thống nhất trong tinh thần đoàn kết, đồng lòng vì một tương lai tốt đẹp và sự phát triển của thành phố; là một trung tâm về văn hóa cùng sự phát triển mạnh trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, sáng tác văn học – nghệ thuật, báo chí, xuất bản, biểu diễn … đã thu hút một lực lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ từ các địa phương khác đến để định cư, phát triển nghề nghiệp, kể cả văn nghệ sĩ, trí thức người Việt trước đây định cư ở nước ngoài. Song song đó, văn hóa thành phố có sự lan tỏa mạnh mẽ, nhiều chương trình, công trình có ý nghĩa xã hội cao được khởi phát từ thành phố đã trở thành phong trào xã hội rộng lớn của cả nước như: xóa đói giảm nghèo, nhà tình nghĩa – nhà tình thương, “Vì Trường Sa thân yêu’; trở thành tiêu chí, danh hiệu của phong trào “Toàn dân đoàn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như mô hình “Điểm sáng văn hóa”; các loại sản phẩm văn hóa của thành phố, từ thành phố đã được phát hành, lưu hành, biểu diễn, công chiếu, triển lãm phục vụ nhân dân các địa phương trên cả nước; những công trình khoa học và sản phẩm công nghệ trở thành tài sản trí tuệ chung của đất nước; trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hàng chục vạn người đến TPHCM học tập và sau đó nhiều người đã trở về các địa phương công tác trên nhiều lĩnh vực… Tuy nhiên, dù “hội tụ” hay “lan tỏa”, chính phẩm chất “con người văn hóa” của nhân dân TPHCM đang là giai điệu chính của bản anh hùng ca về sự phát triển thành phố hôm nay.

Mười lăm năm thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa là một chặng đường khá dài. Chúng ta không thể không thừa nhận có một thực tế là trước tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thâm nhập ngày càng nhiều, làm nhạt phai các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, làm xói mòn dần các giá trị đạo đức tốt đẹp trong một bộ phận tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Những tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường đang tạo ra những mâu thuẫn giá trị mới. Với thực tế đó, vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng con người đang đặt ra những yêu cầu mới, cấp bách, trong đó “con người văn hóa” luôn là thành tố có ý nghĩa sống còn.

Mười lăm năm nhìn lại để hướng tới, với những thành tựu đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào và tự tin về phẩm chất “con người văn hóa” của thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu.

NHỊ HÀ