Văn hóa Tết của Hàn Quốc trong âm nhạc truyền thống

Văn hóa Tết của Hàn Quốc trong âm nhạc truyền thống

Phong tục truyền thống của các gia đình người Hàn Quốc trong ngày đầu năm mới

Chỉ vài hôm nữa, chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán năm 2023. Theo quan niệm truyền thống của người Hàn Quốc thì phải ăn bát canh bánh gạo Tteokguk trong ngày đầu năm mới thì mới lớn thêm được 1 tuổi. Truyền rằng, xưa kia, trong ngày Tết Nguyên đán, ở Hàn Quốc ngoài canh bánh gạo Tteokguk, các thành viên trong gia đình còn chia nhau uống rượu “Dosoju” (Đồ tô tửu). Rượu Dosoju được làm bằng các loại dược thảo, vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe nên trong ngày Tết, người trẻ tuổi vị thành niên cũng được phép uống một chén. Xưa kia, ở cái thời dược liệu còn quý hiếm, ngày đầu năm mới các thành viên trong gia đình chia nhau uống rượu Dosoju còn mang ý nghĩa cầu nguyện sức khỏe cho cả gia đình trong năm mới. Khi làm rượu Dosoju, có công đoạn ngâm các loại dược thảo dưới giếng, mà thời xưa, giếng nước là nguồn cung cấp nước ăn cho cả làng. Điều này cũng có nghĩa là những gia đình không có điều kiện ngâm rượu Dosoju để uống thì cũng được dùng nước giếng có ít nhiều tác dụng dược lý, và tất cả sẽ cùng được khỏe mạnh trong năm mới. 

Trong thời trung kỳ của triều đại Joseon, có một vị quan lại giữ chức vị Ueuijeong (Hữu nghị chính), một trong tam công chánh nhất phẩm, tương đương chức Thái bảo của nhà Nguyễn, tên là Sim Su-gyeong. Trong lưu bút của ông, có nội dung viết về rượu Dosoju, rằng: Theo tập quán của người Hàn thì với mọi đồ ăn thức uống, người lớn tuổi phải đụng đũa đụng bát trước, sau đó mới tới lượt người trẻ. Song duy chỉ có rượu Dosoju là người trẻ tuổi được phép uống trước. Có lẽ phong tục này xuất phát từ ý niệm quan tâm lo lắng tới sức khỏe của những người trẻ tuổi, và qua đây những đứa trẻ sẽ học hỏi được về văn hóa uống rượu một cách tự nhiên từ người lớn. Trong không khí đầm ấm vui vẻ, cả gia đình quây quần và quan tâm chăm sóc lẫn nhau thì cả thể chất lẫn tinh thần của mọi người đều sẽ khỏe khoắn lên. Trong lưu bút của Sim Su-gyeong còn có câu: “Người uống rượu Dosoju trước ta còn nhiều. Giờ thì đã yếu nên từ bỏ hoài bão lớn.” Câu lột tả cảm nhận của người cao tuổi khi nhìn những người trẻ uống rượu Dosoju. Phần thấy buồn, phần thấy đã đến lúc cần buông bỏ tham vọng, đồng thời cũng là là trí tuệ để có thể được hưởng tuổi già trong sự an yên nhàn hạ. Theo lưu bút của ông, vào sáng sớm ngày Tết Nguyên đán khi gặp người khác, gọi tên người đó mà được trả lời thì người gọi sẽ nói: “Hãy mua cái ngu của tôi đi”. Điều này cho thấy, phong tục uống rượu Dosoju và “bán cái ngu” trong ngày Tết là nguyện vọng được mạnh khỏe, không bệnh tật và đẩy lui được mọi khí vận hẩm hiu trong năm mới của người Hàn Quốc. 

Trong khúc hát “Maehwaga” (Hoa mai ca) tác giả đã mượn hình ảnh nhành mai để thể hiện nỗi niềm lưu luyến với chuỗi ngày đã qua và thân phận con người lúc về già. Ca từ của khúc hát có đoạn:

Xuân trở lại trên nhành mai ngày ấy

Hé nụ trên cành nở lúc xưa

Tuyết xuân bay bay, bông chúm chím,

Vì trăn trở nên nở hay chăng?

Ước nguyện của người dân và quốc gia trong năm mới

Ở Hàn Quốc, ngày Tết Nguyên đán được gọi là “Seolnal”, tức ngày đầu tiên của năm mới. Và từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch là khoảng thời gian có nhiều phong tục tập quán nhất trong năm. Là thời điểm đầu tiên bắt đầu cho một năm mới nên người dân có nhiều mong ước và để đạt được những ước nguyện đó họ có nhiều việc phải làm cũng như những điều cấm kỵ. Ví như tục uống rượu Dosoju hay tục đoàn người khua chiêng, gõ trống, thổi kèn Pungmulpae đi tới mọi nhà trong làng để cầu chúc phước lộc bình an và sức khoẻ cho gia chủ gọi là tục “giẫm thần thổ địa” Jisin Bapgi. Giống như cúng tế lên đồng Gut, trò chơi dân gian kéo co Juldarigi đầu năm cũng là một hình thức cầu nguyện cho làng xóm một năm được mùa và đánh bắt được nhiều tôm cá. Trong yến tiệc của triều đình thì tấu nhạc “Gyeongpungnyeon” (Khánh phong niên) để cầu chúc cho một năm mùa màng bội thu. Theo phong tục chúc tụng trong những ngày đầu năm mới của người Hàn Quốc xưa thì ước nguyện được thể hiện trong lời chúc được phát biểu dưới hình thức là đã thành hiện thực. Ví như “Chúc tìm được việc làm tốt” thì không nói là “Hy vọng năm nay sẽ tìm được việc làm tốt” mà sẽ nói là “Năm nay “đã” tìm được việc làm tốt là vui lắm rồi nhé”. Chúng ta hãy cùng ngẫm nghĩ về những lời chúc tụng người thân và bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán năm nay và cầu nguyện cho nhà nhà người người sẽ đón năm mới Quý Mão trong ấm no hạnh phúc, sức khỏe và bình an. 

*Khúc hát “Han Jan bueora” (Hãy rót một chén) / nhóm nhạc Audiobanana  

* Khúc hát Maehwaga (Hoa mai ca) / Lee Yun-jin

*Nhạc phẩm “Gyeongpungnyeon” (Khánh phong niên) / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc