Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc (Bài 2)
Bài 2: Thúc đẩy sự tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt từ năm 2016. Đây là chiến lược để đất nước ta xây dựng được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói một cách khác, phát triển công nghiệp văn hóa còn là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”.
Điều này hoàn toàn phù hợp với một nội dung được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.
Ngày 26/11/2022, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức Diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương”. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương dự và phát biểu. Ảnh: Trần Tĩnh – TTXVN
Ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu là đến năm 2020 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển 5/12 ngành công nghiệp văn hóa, gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa. Các ngành còn lại gồm kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh, giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp, triển khai, thực hiện.
Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần dần được coi là một động lực- vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa chỉ đóng góp 2,68% GDP, sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, doanh thu lĩnh vực này đã đạt khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…
Cụ thể, với lĩnh vực điện ảnh, năm 2019 tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 178 triệu USD), trong đó, phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu (khoảng 50 triệu USD). Trong năm này, doanh thu điện ảnh Việt Nam đã vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược là đến năm 2020 đạt khoảng 150 triệu USD, phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD. Năm 2021, số lượng phim Việt Nam sản xuất và chiếu rạp là 21 phim truyện; năm 2022 con số này là 27 phim truyện.
Với lĩnh vực du lịch văn hóa, năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (giảm do dịch COVID-19). Năm 2022, doanh thu du lịch là khoảng 495.000 tỷ đồng.
Về nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, có 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đã tổ chức dàn dựng được 112 chương trình, 82 vở diễn, 1.682 buổi biểu diễn, trên 15 triệu lượt xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt 45 tỷ đồng, hoạt động quảng cáo ngoài trời là 1.445 tỷ đồng, internet là 16.662 tỷ đồng, tổng doanh thu quảng cáo trên các phương tiện là 65.408 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình đạt khoảng 7.250 tỷ đồng…
Tại nhiều địa phương trên cả nước, ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp lớn cho ngân sách. Năm 2018, ngành đã đóng góp 1,49 tỉ USD vào tổng sản phẩm của Hà Nội, chiếm 3,7% GDP. Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 3,88% vào năm 2019. Thành phố Đà Nẵng ngân sách đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là 247,9 tỷ đồng từ năm 2019-2021…
Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất để quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến. Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương, đặc biệt, tham gia vào việc tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị.
Bài học của thế giới và thực tế ở Việt Nam đã cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa đang thực sự trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Cần lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bởi họ là người sáng tạo, kế thừa và phát huy vốn văn hóa; hiểu sâu sắc những thế mạnh để phát triển giá trị văn hóa trong đời sống.
Phát huy nội lực, sức mạnh của văn hóa Việt Nam
Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS): Phát triển công nghiệp văn hóa là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”. Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền.
Công nghiệp văn hóa góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng. Bên cạnh đó, di sản văn hóa hiện còn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, trò chơi điện tử, điện ảnh,… từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và thương hiệu nhận diện trong thị trường khu vực và thế giới.
Ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa và cạnh tranh văn hóa trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia…, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.
Có thể thấy rất rõ rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã giúp chúng ta xác định được con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với nền tảng lý luận rất hệ thống cùng các nguyên tắc hành động. Đây là bản đề cương tạo ra sự khởi động, sự đột phá cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Cho đến nay, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau nhưng bản Đề cương vẫn luôn tạo ra sự chuyển động, thay đổi, phát triển của văn hóa Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.
Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển trên nền tảng văn hóa. Bởi chúng ta sở hữu nền văn hóa hàng ngàn năm lịch sử, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cùng các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Thêm vào đó, đất nước ta đang ở thời điểm cơ cấu dân số vàng, trong đó tỷ lệ người trẻ, người có khả năng chuyển hóa được các giá trị văn hóa truyền thống, sự sáng tạo cùng với khoa học công nghệ sẽ tạo ra diện mạo mới, để mà một lần nữa, văn hóa trở thành một trận.
Khi xưa, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói rõ, văn hóa là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị thì ngày nay, văn hóa sẽ là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa sẽ là nguồn mạch để phát triển đất nước bền vững hơn, góp phần bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa hiển thị qua các giá trị, sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa. Đó cũng chính là cách để chúng ta phát huy được nội lực, sức mạnh của văn hóa Việt Nam trở thành “sức mạnh mềm” trong tổng thể sức mạnh quốc gia, có thể định vị được sức mạnh Việt Nam trên bản đổ thế giới.
Tuy nhiên, phát triển văn hóa cho đến nay không phải chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà còn cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội một cách mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương phân tích: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Vậy làm gì để văn hóa đạt được ngưỡng đầu tư này thì cần các giải pháp về thể chế, đặc biệt là hợp tác công tư, luật thuế, ưu đãi cho nghệ sỹ, tạo sự dịch chuyển trong chuỗi các hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa.|
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương: Có một điều chúng ta cần xác định là văn hóa cần được coi là ngành kinh tế mũi nhọn thì mới phát triển bền vững được. Việt Nam một quốc gia vô cùng giàu tài nguyên về văn hóa nhưng cho đến nay phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới chiếm 3,61% GDP, ở mức trung bình của thế giới.|
Công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo chính là một điểm sáng về kinh tế, cơ hội đặc biệt để các quốc gia có lợi thế, nền tảng, kho tàng văn hóa giàu có vươn lên từ văn hóa, bằng văn hóa. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, để văn hóa không chỉ là ngành “tiêu tiền” mà thực sự là ngành “kiếm ra tiền”. Tuy nhiên sau thời gian thực hiện Chiến lược, công nghiệp văn hóa vẫn chưa được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật, thiếu chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực mới, đầy tiềm năng này, trong đó các chính sách về huy động nguồn lực đóng vai trò then chốt.|
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tối ưu hóa nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa. Có nghĩa là cần rà soát sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các chính sách pháp luật nhằm tạo động lực cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, xuất khẩu văn hóa, phát huy cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa và các chính sách thúc đẩy về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, thị trường văn hóa…
Đã đến lúc Việt Nam cần có những bước đi đột phá, toàn diện hơn nữa nhằm tạo đà mạnh mẽ cho công nghiệp văn hóa để hướng tới sự phát triển bền vững. Đặc biệt cần những giải pháp có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế nhằm tạo ra một tương lai mang tính đột phá hơn đối với các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Xem tiếp Bài 3: Tỏa sáng các giá trị văn hóa)
Thanh Giang