Văn hóa Việt Nam trong thời đại mới
Biên phòng – Các giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý. Đó là tiền đề để văn hóa Việt Nam hội nhập với thế giới và phát huy những giá trị tinh hoa trong thời đại mới.
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị về thẩm mỹ, địa chất, đa dạng sinh học và lịch sử văn hóa. Ảnh: Lê Phúc
Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), dù trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ Đề cương văn hóa chỉ mới ở mức “đề cương” nhưng đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách đô hộ và tàn phá của phát xít Nhật, Pháp. Đề cương văn hóa đã phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; Đề cương cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa. Đề cương văn hóa ra đời như một tiếng chuông cảnh tỉnh, một tia sáng soi rọi để tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ hiểu rõ tình hình thời cuộc trong nước và quốc tế và biết phải làm gì để bảo vệ đất nước, bảo vệ văn hóa.
Văn kiện này như là một cương lĩnh văn hóa, xác định nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Đề cương văn hóa xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới.
Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Ba nguyên tắc chính là “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” luôn được Đảng ta chú trọng. Trong đó, con người và văn hóa luôn hòa quyện với nhau. Con người tạo ra văn hóa và văn hóa lại đúc kết, tạo nên cốt cách con người.
Suốt 80 năm qua, Đề cương văn hóa năm 1943 đã soi đường, chỉ dẫn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Những nội dung cơ bản của Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, là “kim chỉ nam” trong chỉ đạo và hoạt động văn hóa. Từ 80 năm Đề cương đến Văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, cần có những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật cho xứng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Quảng bá văn hóa Việt Nam ra quốc tế, thúc đẩy nền văn học nghệ thuật để có thêm nhiều tác phẩm thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.
Tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021) về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Mục tiêu lâu dài là tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế-xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng môi trường, lối sống văn hóa; phát huy tinh thần tự nguyện, tự chủ, sức sáng tạo, vai trò chủ thể văn hóa của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam… Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; phát huy tính thống nhất trong đa dạng, bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật, sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu phản ánh sức sáng tạo của nền văn hóa mới.
Trong bối cảnh mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn mới. Đây là một nhiệm vụ cần được chuẩn bị kỹ càng, để có được một chương trình tổng thể chấn hưng và phát triển văn hóa, con người. Văn hóa phải là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa chính trị và kinh tế cũng phải làm văn hóa, phải kinh tế hóa văn hóa. Văn hóa là nhân tố tạo động lực và xúc tác để phát triển kinh tế.
Trong thời đại mới, nền văn hóa phải đạt tới sự tiến bộ, khoa học, ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng quan trọng hơn là phải kế thừa được tinh hoa văn hóa của cha ông. Đại chúng hóa phải xác định văn hóa do quần chúng nhân dân sáng tạo nên, nhân dân cũng thụ hưởng những giá trị văn hóa cao đẹp, văn hóa, nghệ thuật phải vị nhân sinh. Người trí thức, văn nghệ sĩ cần đi vào đời sống, chiến đấu và cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta sẵn sàng mở cửa với thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ tạo tiền đề để các ngành văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa.
Thời gian qua, đã có nhiều sản phẩm văn hóa của Việt Nam hội nhập với thế giới, như việc các ca sĩ Sơn Tùng MTV, Hoàng Thùy Linh với nhiều nhạc phẩm gây sốt trên thế giới, hay những tác phẩm điện ảnh kinh điển được đầu tư, khai thác bối cảnh tại Việt Nam như phim Kong của đạo diễn nổi tiếng Holywood… Những ví dụ đó là lời khẳng định việc quảng bá được nghệ thuật nước nhà, đem lại kinh tế cho cả nghệ sĩ và đất nước. Đây có thể là bước đầu cho công nghiệp âm nhạc, giải trí, nghệ thuật của Việt Nam giống như các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Tính kế thừa này là tất yếu, đảm bảo cho sự phát triển liên tục và bền vững của nền văn hóa Việt Nam.
Thế giới đã thay đổi, hướng đến một nền văn hóa với tư tưởng vị nhân sinh. Văn hóa nghệ thuật vị nhân sinh sẽ là nền văn hóa đóng góp tốt cho kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Đây chính là bài toán hóc búa đặt ra cho nhân loại và văn hóa phải giúp con người, trong đó có người dân Việt Nam nhận thức tốt hơn về tình trạng thế giới, từ đó, hướng đến một lối sống bền vững hơn.
Hiện nay, UNESCO đã vinh danh Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Đó là những nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng còn rất nhiều những phong tục tập quán, những di sản vật thể và phi vật thể cũng đã được UNESCO công nhận như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng Vương, vịnh Hạ Long… hay cả ẩm thực như bánh mỳ, phở….
Điều đó có thể khẳng định sự đặc sắc của văn hóa Việt Nam từ nghìn xưa cho tới hiện đại, phong phú, đa dạng về các loại hình văn hóa. Các sản phẩm, giá trị văn hóa của người Việt Nam cần được tôn vinh như một thực thể văn hóa Việt thống nhất, toàn vẹn, không có lý do chia cắt. Văn hóa Việt là văn hóa của 54 dân tộc anh em (với hơn 99 triệu người) sinh sống hòa thuận trên dải đất hình chữ S hàng nghìn đời. Trong bối cảnh lịch sử mới, văn hóa Việt còn bao gồm cả một thực thể Việt (hơn 5 triệu người) sống ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đó chính là sức sống của văn hóa đồng bào, văn hóa cộng đồng Việt giữa thời kỳ hội nhập.
Việt Nam có nhiều đóng góp trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nền văn hóa của dân tộc ta có lịch sử hàng nghìn năm đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản văn hóa cha ông ta để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển, lan tỏa các giá trị văn hóa đó phù hợp với xu thế thời đại.
Minh Ngọc