Văn hóa ẩm thực #8: Ẩm thực Hàn Quốc
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung
Tên gọi: Hàn Quốc còn gọi là Nam Triều Tiên hay Đại Hàn Dân Quốc.
Thủ đô: Seoul
Quốc kỳ: Năm 1948, cùng với việc thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, quy định về tiêu chuẩn lá cờ đã được ban hành. Quốc kỳ của Hàn Quốc bao gồm 1 vòng tròn được tạo thành bởi 2 hình bán nguyệt, 1 màu xanh và 1 màu đỏ có dạng như lốc xoáy (biểu tượng thái cực lưỡng nghi), 4 góc là 4 nhóm vạch nổi bật trên nền trắng tượng trưng cho 4 quẻ trong bát quái của âm dương ngũ hành.
Nền: Nền trắng của lá cờ tượng trưng cho sự tinh khiết, tính đồng nhất và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Hàn. Trong lịch sử, dân tộc Hàn có truyền thống mặc áo trắng và được gọi tên là “dân tộc Bạch y”. Bởi vậy màu trắng cũng được xem là màu biểu tượng cho dân tộc Hàn.
Thái cực lưỡng nghi: Vòng tròn ở giữa lá cờ được chia làm 2 nửa hình bán nguyệt đối xứng với nhau gồm màu xanh và màu đỏ có dạng như lốc xoáy. Đây là hình trang trí có tính truyền thống mà dân tộc Hàn đã sử dụng từ thời cổ đại. Màu xanh là biểu tượng của âm, tượng trưng cho hy vọng. Màu đỏ tượng trưng cho dương, chỉ sự tôn quý. Vòng tròn âm dương này tượng trưng cho sự sinh thành phát triển tương hỗ lẫn nhau trong quan hệ đối lập. Vì vậy, thái cực là căn nguyên của vạn vật trong vũ trụ, là khởi nguồn của sinh mệnh con người. Nó là sự tuần hoàn vĩnh cửu không bao giờ dứt.
4 quẻ : Bốn góc của lá cờ được trang trí bởi 4 quẻ trong âm dương ngũ hành. Quẻ Càn tượng trưng cho trời, mùa xuân, phương Đông và lòng nhân từ. Quẻ Khôn tượng trưng cho đất, mùa hè, phương Tây và sự ngay thẳng hào hiệp. Quẻ Khảm tượng trưng cho mặt trăng, mùa đông, phương Bắc và sự thông thái. Quẻ Ly tượng trưng cho mặt trời, mùa thu, phương Nam và lễ nghĩa. 4 quẻ này tuần hoàn phát triển không có điểm dừng : Càn Ly Khôn Khảm Càn.
Nền trắng và 4 quẻ được trang trí trên lá cờ là biểu tượng cho hy vọng, hòa bình, sự đồng nhất, sáng tạo và vĩnh cửu trường tồn.
Vị trí địa lý
Hàn Quốc là một quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên; phía Bắc giáp với Bắc Triều Tiên, phía Đông giáp với biển Nhật Bản, phía Tây là Hoàng Hải. Hàn Quốc có khí hậu ôn đới và địa hình chủ yếu là đồi núi. Lãnh thổ Hàn Quốc trải rộng 100,032 km vuông.
Khí hậu
Hàn Quốc có 4 mùa rõ rệt. Nhiệt độ, khí hậu khác nhau tùy theo mùa. Mùa xuân và mùa thu khá ngắn, mùa hè thời tiết nóng nhưng ẩm ướt, mùa đông thời tiết rất lạnh, khô và có tuyết rơi nhiều. Nhiệt độ trung bình ở Hàn Quốc khoảng từ 60C đến 160C, mùa hè thời tiết nóng, nhiệt độ từ 190C đến 270C, mùa đông thời tiết lạnh, nhiệt độ từ -80C đến 70C.
Dân số
Dân số Hàn Quốc theo thống kê năm 2009 là 48,75 triệu dân, mật độ dân số là 494 người/1km2, cao thứ 3 trên thế giới (sau Bangladesh và Đài Loan).
Kinh tế
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới. Nền kinh tế Hàn Quốc dựa vào xuất khẩu, tập trung vào hàng điện tử, ô tô, tàu biển, máy móc, hóa dầu và rô-bốt.
Hàn Quốc nổi tiếng trên thế giới với những ngành như sản xuất xe ôtô, đóng thuyền, sắt thép, điện tử, bán dẫn. Số lượng sản xuất xe ôtô mỗi năm của Hàn Quốc khoảng 3,500,000 đến 4,000,000 chiếc, đứng vị trí thứ 5 trên thế giới; trong đó khoảng 60 đến 70% dùng để xuất khẩu. Ngành đóng tàu của Hàn Quốc đứng thứ 2 trên thế giới, chất bán dẫn đứng vị trí thứ 3 trên thế giới cùng nhiều lĩnh vực khác có sức sản xuất và kỹ thuật đứng ở vị trí cao trên thế giới.
Tôn giáo
Hiến pháp Hàn Quốc công nhận quyền ‘tự do tôn giáo’, 51% dân số Hàn Quốc có tín ngưỡng tôn giáo. Trong số này 49% theo đạo Phật, 49% theo Kitô giáo, 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác.
Nhiều người dân Hàn Quốc không đặt nặng vấn đề tôn giáo, họ tổ chức ngày lễ của nhiều tôn giáo khác nhau. Những nghi lễ cổ truyền vẫn còn được duy trì. Các giá trị của đạo Khổng hiện nay vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống thường ngày của người dân xứ Hàn.
Hệ thống chính trị
Hàn Quốc hiện là một nước dân chủ và theo chế độ cộng hòa tổng thống bao gồm 16 đơn vị hành chính. Tổng thống được người dân trực tiếp bầu ra và không được phép tái ứng cử. Tổng thống là đại diện cao nhất của quốc gia và có quyền chỉ huy quân đội (tương đương chức: Tổng Tư lệnh). Thủ tướng được Tổng thống chỉ định và lãnh đạo Chính phủ. Chính phủ có tối thiểu 15 và tối đa là 30 thành viên. Thành viên Chính phủ do Thủ tướng chỉ định. Chức vụ Thủ tướng và Bộ trưởng phải được sự thông qua của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm, nhiệm kỳ của thành viên quốc hội là 4 năm (do người dân bầu cử trực tiếp) và cũng tiến hành chế độ tự trị địa phương.
Phong tục tập quán
Trải qua hàng trăm năm phát triển, Hàn Quốc vẫn lưu giữ được truyền thống mang tính nho giáo. Do đó “ tư tưởng trọng nam” vẫn tồn tại rất rất mạnh trong xã hội Hàn Quốc
Hàn phục: Hàn phục là áo truyền thống của người Hàn Quốc được mặc cách đây từ 2000 năm trước. Hàn phục có đặc điểm là nhẹ nhàng và thoải mái. Người Hàn mặc Hàn phục chủ yếu vào dịp tết trung thu, tết cổ truyền, ngày cưới, và các ngày lễ lớn.
2. Văn hoá ẩm thực Hàn Quốc
Nguyên liệu
Đặc điểm nổi bật của ẩm thực Hàn quốc là mỗi vùng, miền và mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông đều có những món ăn riêng, độc đáo. Món ăn chính của người Hàn Quốc là cơm. Ngoài việc nấu cơm với gạo, người ta thường độn thêm lúa mạch, bắp, kê, bobo hay đậu. Thức ăn chủ yếu là các loại rau xanh luộc tái, xào hoặc tẩm, trộn gia vị như dưa chuột muối, rau sống trộn…; canh có nhiều nước dùng và thành phần chính là thịt, rau, cá, rong biển, xương hay lòng bò, lòng heo; các món hầm… và kim chi. Nguyên liệu món ăn đa dạng: các loại nấm, đậu, rong biển, con trai, cá, các loại rễ cây, rau…; nhiều màu sắc: màu vàng của trứng rán, màu đỏ của tương ớt, màu xanh của rau, màu đen của rong biển, màu trắng của nấm kim châm…Các món ăn chính và các món ăn phụ trong bữa ăn phải được bày biện riêng biệt. Món chính thường là cơm, cháo hay những thứ làm từ bột mì… đi kèm với các loại thức ăn phù hợp để cân bằng dinh dưỡng.
Cách trình bày
Vì thế, việc chế biến, trình bày cũng lắm công phu, tinh tế và mang tính thẩm mỹ cao. Dường như người Hàn ăn bằng mắt. Rất nhiều món, nhiều kiểu chén đĩa, nhiều sắc màu được bày trên bàn ăn, nhưng mỗi thứ chỉ một ít.
Gia vị
Hầu hết các món ăn Hàn Quốc đều sử dụng gia vị như: xì dầu, hành, tỏi, muối, dầu ăn, dầu vừng, bột tiêu, tương ớt, ớt khô… Ngoài ra, kim chi và tương đậu là hai món không thể thiếu trong bữa cơm truyền thống của người dân xứ Hàn.
Phong cách ẩm thực Hàn Quốc
Trong triều đại Joseon, khi đạo Khổng thịnh hành, dựa trên những quan niệm “kính trên nhường dưới”, trách nhiệm tôn trọng và chăm lo cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình là quan trọng nhất. Đây cũng là một phần trong các quy tắc xây dựng phong cách ẩm thực truyền thống của người Hàn. Văn hóa ẩm thực Hàn Quốc phát triển hài hòa cùng với cả thiên nhiên, xã hội và điều kiện môi trường, cũng như theo mùa vụ hay khác biệt từng khu vực. Không khó để làm quen với ẩm thực Hàn, chỉ cần nắm rõ những điều cơ bản sau:
Bữa ăn tại nhà là thời điểm tụ tập cả gia đình. Theo truyền thống, người lớn tuổi nhất trong nhà cầm đũa bắt đầu bữa ăn thì những người khác mới lần lượt làm theo. Khi ăn phải ngồi ngay ngắn, nhai từ tốn, kín đáo và không nhấc bát lên khỏi bàn. Trên bàn ăn, cơm và canh được đặt lên trước, canh đặt bên phải bát cơm, thức ăn khác và món chấm được đặt ở giữa. Món ăn nóng và thịt ở bên phải, món ăn lạnh được làm từ rau được đặt bên trái. Đũa, thìa đặt bên phải bàn.
Người Hàn Quốc còn ăn uống theo mùa. Vào ngày đông chí (tháng 12 âm lịch), người ta nấu cháo đậu đỏ ăn nhằm xua đuổi mọi tai ương; Tết âm lịch, món chủ đạo là bánh ttok, bánh mantu (bánh bao), gangjong (bánh gạo nếp rắc vừng)…; Tết Đoan Ngọ (5tháng 5 âm lịch), người ta ăn các loại bánh làm từ cây surichuynamu ở trên núi, mantu, cá diếc hấp…
3. Các món ăn đặc sắc
Kim chi: Nhiều người trong chúng ta khi nghe nói đến Hàn Quốc là nghĩ ngay đến kim chi, một món ăn độc đáo và dân dã chỉ có ở Hàn Quốc. Kim Chi là một trong những món ăn điển hình của ẩm thực Hàn Quốc; ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII chỉ là một loại rau cải muối và cho tới ngày nay đã có hàng trăm loại khác nhau.Thành phần nguyên liệu để chế biến kim chi gồm: cải thảo, củ cải, ớt, tỏi, hành, cá mực, tôm, sò hoặc các loại hải sản khác, gừng, muối ăn và đường. Kim chi từng được coi là một trong năm thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất của thế giới. Nó được thưởng thức với nhiều mức độ đậm đà khác nhau, tuy nhiên nó vẫn thường được dọn trên một cái đĩa phẳng. Kim Chi là món ăn không thể thiếu của người Hàn Quốc, nó là niềm tự hào của người dân xứ Hàn.
Kim bap – “kim” là tên gọi của lá rong biển khô; “bap” đơn giản là “cơm”. Tên gọi của món ăn rất đơn giản, cơm gói trong lá rong biển. Về hình dạng, kimbap “có vẻ” giống món món cơm cuốn trong lá rong biển, của Nhật. Nhưng để ý thêm thì sẽ thấy, kimbap thường to hơn (béo hơn) vì bên trong, “nhân” gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau. Kimbap cũng được cắt khoanh tròn được cắt thành 12 khoanh hoặc hơn.
Mì lạnh: Mì lạnh với sợi mì mỏng làm từ bột kiều mạch chan nước hầm thịt bò nêm nếm cùng nước ướp quả lê ướp lạnh. Mì lạnh thường được dùng trong bát lớn, có mùi nồng, vị thanh thanh ngọt mát như làm tan biến bầu không khí oi bức của mùa hè.
Thịt bò nướng: Món ăn được chế biến bởi một loại nước tương riêng biệt của Hàn Quốc để làm tăng vị ngọt của thịt.Thịt bò thái mỏng tẩm sốt đậu nành, dầu vừng, tỏi, đường, hành xanh, tiêu đen, sau đó đem nướng vỉ nên được gọi là thịt bò nướng. Chính gia vị ướp làm cho món ăn mềm, thơm ngon đậm đà và mang một sắc thái riêng mà ai cũng có thể cảm nhận được.
Gà hầm sâm: Cháo gà hầm sâm là món ăn đặc biệt bổ dưỡng trong mùa hè. Người Hàn tin rằng sâm có thể làm mát cơ thể, vì vậy ăn món này, cơ thể vừa được làm mát, vừa bổ dưỡng tăng cường sinh lực. Họ sẽ dễ dàng vượt qua được mùa hè nóng bức, ẩm, ngột ngạt và mệt mỏi. Đây là món người Hàn hay ăn trong những ngày nóng bức nhất của mùa hè. Thậm chí, giữa tháng 6 âm lịch còn có một ngày gọi là “ngày gà hầm sâm”. Tất cả mọi nơi trên đất Hàn đều ăn món này. Nhiều cửa hàng, căng tin giảm giá món đó, giống như ngày bánh trôi bánh chay ở Việt Nam. Sâm trong món cháo mang lại vị hơi đắng nhẹ, táo đỏ và gạo nếp có vị ngọt thơm. Tỏi làm cho cháo có vị thanh, ngọt. Món gà hầm sâm này khi ăn, bạn sẽ toát nhiều mồ hôi. Thành phần chính trong món này là sâm, là vị thuốc làm toát mồ hôi, qua đó “giải độc” cho cơ thể, làm cho cơ thể khỏe lại, cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng.
Thịt chó: Người Hàn Quốc rất thích ăn thịt chó, ở Seoul có cả một “phố thịt chó”. Không có ý kiến đề cập nào về món ăn ở đất nước này mà không có lời nào nói về món ăn gần như nổi tiếng nhất này, 92% đàn ông và 68% phụ nữ Hàn Quốc ở tuổi trưởng thành cho rằng thịt chó là một trong những món ăn ngon nhất đối với họ.Thịt chó ở Hàn Quốc có phương thức chế biến hoàn toàn khác với ở Việt Nam chúng ta. Thường thường món ăn này được người dân nơi đây rất quý, khi mổ họ hay cất giữ tủ lạnh và lấy ra dùng dần bằng cách cho vào nồi cùng với các loại rau, nấm nấu dưới dạng lẩu và được trình bày rất đẹp mắt.
Nguồn: Giáo trình Văn hóa ẩm thực