Văn hóa ẩm thực mang tính cộng đồng của người Tày, Nùng Cao Bằng – Báo Cao Bằng điện tử
Ẩm thực Cao Bằng là bức tranh màu sắc phong phú, đa dạng, tạo nên bản sắc riêng của từng dân tộc, vùng, miền. Trong đó, văn hóa ẩm thực của người Tày, Nùng tạo nên nét đặc trưng độc đáo, ẩn chứa trong đó giá trị nhân văn sâu sắc, mang đậm cốt cách của đồng bào vùng cao.
Những phụ nữ Tày cắt từng bông lúa nếp để làm cốm.
Giã cốm tập thể
Khi ngoài đồng lúa chín vàng, vạt lúa nếp tỏa hương khắp cánh đồng thì những phụ nữ Tày, Nùng sẽ cắt từng bông lúa nếp bó thành từng bó mang về nhà tuốt, luộc chín rồi đem rang khô và phơi ở ngoài sân nhà. Khi trăng mùa thu nhú lên ngọn núi phía Đông thì những chàng trai, cô gái hẹn nhau đến một gia đình đã định để làm cốm. Dưới ánh trăng vàng, ngoài sân có tới 3 – 4 cối giã, mỗi cối giã có 3 chày để giã cốm. Bên cạnh đó có 2 – 3 nhóm sàng sảy cốm sau giã, rộn ràng tiếng chày, tiếng hát giao duyên, tiếng cười nói tạo nên không khí vui vẻ, sôi động.
Giã cốm xong, trời đã khuya, gia chủ đặt một đĩa cốm lên cúng tổ tiên và sắp một mâm cốm mời người già, còn các nam thanh, nữ tú ngồi xung quanh nong đựng cốm vừa ăn vừa hát lượn, vừa sai mạ (lày cỏ) và được chủ nhà mời rượu cảm ơn mọi người đến giúp giã cốm. Khi sắp chia tay, các chàng trai, cô gái hẹn nhau tối mai đến giã cốm tại nhà nào, gặp nhau lúc mấy giờ… Hoạt động giã cốm tập thể kéo dài từ nhà này sang nhà khác cho đến khi trong bản không còn nhà nào làm cốm mới thôi.
Giã gạo làm bánh
Ngoài tục giã cốm mang tính tập thể cộng đồng cao, người Tày, Nùng còn có tục giã gạo tập thể. Vừa giã gạo vừa làm bánh để gia đình sử dụng vào dịp lễ, cưới hỏi, vào nhà mới…
Trong các dịp lễ này của đồng bào luôn phải có nhiều gạo, bánh nên cần lực lượng giúp đỡ. Vào ngày giã gạo, làm bánh ngoài sân, bên hiên nhà, dưới sàn, đâu đâu cũng có tiếng chày cối sàng sảy liên tục. Dù vất vả nhưng ai cũng vui vẻ giúp gia chủ. Khi đêm về khuya, mọi người tạm dừng công việc ngồi lại với nhau, mời nhau ăn bánh, uống nước rồi lại giã gạo, làm bánh, hát giã bạn cho đến khi làm đủ số lượng bánh mà gia chủ yêu cầu.
Làm bánh cuốn luân phiên
Khi mùa vụ được thu hái xong, tại các bản người Tày, Nùng với những chòm xóm chỉ có 6 – 8 nóc nhà sẽ rủ nhau làm bánh cuốn luân phiên. Mọi người cùng đến nhà làm bánh cuốn, mỗi người một việc, nào là ngâm gạo, xay bột, đặt khuôn, tráng bánh…, bánh làm xong chủ nhà và khách cùng nhau ăn vui vẻ.
Việc tổ chức làm bánh luân phiên kéo dài liên tục các ngày hoặc mọi người thỏa thuận làm bánh luân phiên từ nhà này sang nhà khác. Mục đích của việc làm bánh cuốn luân phiên không chỉ cải thiện bữa ăn cho gia đình mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, tâm tình, chia sẻ với nhau trong cuộc sống.
Người dân huyện Quảng Hòa quay lợn tại Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên truyền thống.
Quay lợn mùa lễ hội
Để có lợn quay cúng lễ và bán cho du khách thập phương đến trẩy hội, nhiều gia đình, khu phố tổ chức quay lợn chung vì để quay được một con lợn mất rất nhiều thời gian từ khâu mổ lợn, sơ chế, tẩm ướp gia vị và quay. Từ chạng vạng hôm trước lễ hội, ngay trước cửa, trong sân nhà, các lò quay “dã chiến” được dựng lên. Những con lợn da trắng hồng, chân ngắn được mổ bỏ hết bộ lòng rồi tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu tẩm ướp gồm: lá mác mật tươi, quả mác mật, tương “mẻc cảng” (tương lúa mì)… Lợn được quay nguyên con nên cần người vừa có kinh nghiệm, vừa phết mật ong lên da lợn và quay đều tay cho đến khi da lợn xuất hiện màu nâu cánh gián.
Trong khi chờ lợn quay chín, nội tạng của lợn như lòng, gan, phèo… sẽ được gia chủ chế biến thành nhiều món ngon mời khách. Tới giờ đã định, hàng chục con lợn quay được rước lên đền cùng lễ vật hoa quả, bánh kẹo, hương vàng, sớ… tạo nên cảnh ấn tượng đặc trưng của lễ hội miền non nước. Sau khi tế lễ, những mâm lợn quay được bà con cùng liên hoan mời khách. Trên mâm cỗ xếp từng đĩa lợn quay rất hấp dẫn, nước chấm dùng kèm là quả mác mật, muối hoặc nước mắm ớt bỏ quả mác mật tùy theo khẩu vị của từng vùng. Lợn quay Cao Bằng mùa lễ hội không chỉ là món ăn đặc trưng mà là cách tổ chức quay lợn với tinh thần cộng đồng cao đã trở thành nét văn hóa riêng của người Tày, Nùng miền non nước Cao Bằng.
Ngoài những món ăn và cách chế biến mang tính cộng đồng cao của người Tày, Nùng nêu trên, tính cộng đồng được thể hiện rất rõ qua các phong tục, tập quán, văn hóa ứng xử trong đời sống hằng ngày. Văn hóa ẩm thực mang tính cộng đồng của người Tày, Nùng là nét văn hóa đẹp được hình thành tự nhiên trong cuộc sống. Qua những món ẩm thực thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, sự cố kết cộng đồng, phong tục ăn uống… mang đậm đà bản sắc và giá trị nhân văn sâu sắc.